Trang chủ    Thực tiễn    Tăng cường công tác vận động cựu chiến binh trong thời kỳ mới
Thứ năm, 14 Tháng 12 2017 17:22
8008 Lượt xem

Tăng cường công tác vận động cựu chiến binh trong thời kỳ mới

(LLCT) Cựu chiến binh là một lực lượng xã hội đông đảo. Công tác vận động cựu chiến binhhiện nay là một bộ phận trong công tác dân vận của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nòng cốt là Hội CCB Việt Nam. Trong những năm qua, công tác vận động cựu chiến binh đã đạt những bước tiến quan trọng, song cũng còn những hạn chế, bất cập cần khắc phục.

Cựu chiến binh là những người đã từng cùng toàn dân, toàn quân ta làm nên những chiến công và thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trong thời kỳ đấu tranh cách mạng và kháng chiến cứu nước, cũng như trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.Công tác vận động CCB gồm toàn bộ các hoạt động tuyên truyền, thuyết phục, tổ chức, hướng dẫn, nhằm tập hợp, đoàn kết, động viên CCB tiếp tục nêu cao truyền thống Bộ đội Cụ Hồ,ra sức góp phần xây dựng hệ thống chính trị, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng toàn dân đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Xuất phát từ tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo CCB Việt Nam, ngày 6-12 -1989, Bộ Chính trị khoá VI quyết định việcthành lập Hội CCB Việt Nam.

Ngày 8-1-2002, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 09 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCB trong giai đoạn cách mạng mới”. Ngày 18-10-2005, Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh CCB, nhằm thể chế hoá Nghị quyết của Đảng về CCB và Hội CCB Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho Hội CCB hoạt động và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. 27 năm qua, Hội CCB đã tiến hành 6lần Đại hội nhiệm kỳ toàn quốc.

Trong những năm qua,Đảng ta đã có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện, động viên CCB tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách tạo điều kiện, đồng thời động viên CCB tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống; tích cực tham gia giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm và các tệ nạn xã hội; góp phần xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh”(1).

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, cán bộ, hội viên CCB đã tâm huyết tham gia góp ý với cấp ủy, cán bộ, đảng viên và đóng góp nhiều ý kiến tích cực vàocácdự thảo văn kiện Đại hội Đảng; đãcó nhiềuCCB được Đảng và nhân dân tín nhiệm bầu vào hội đồng nhân dân, ban lãnh đạo các tổ chứctrong hệ thống chính trị; đã và đang phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Nhiệmkỳ 2015-2020, toàn hội,có 153.891 hội viên là đảng viên được bầu vào cấp ủy các cấp. Trong đó, có: 83.061 đồng chílà bí thư, phó bí thư chi bộ; 11.119 đồng chí là bí thư, phó bí thư đảng ủy cơ sở; 288 đồng chí là bí thư, phó bí thư đảng ủy cấp trên cơ sở. Có 67.871 lãnh đạo Hội CCB và hội viên CCB tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trong đó, Quốc hội: 4 đại biểu; HĐND tỉnh: 286 đại biểu; HĐND huyện: 2.745 đại biểu và HĐND cấp xã, phường, thị trấn: 64.836 đại biểu(2).

Trong những năm qua, công tác xây dựng tổ chức hội và đội ngũ cán bộ hội được quan tâm, chú trọng. Hội đã tham mưu cho Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 8-1-2002 của Bộ Chính trị (khóa IX); tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 487/CT-TTg ngày 3-7-1997 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước. Sau tổng kết, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về công tác CCB và Hội CCB. Cụ thể là:

Nhờ vậy, hệ thống tổ chức hội đã được kiện toàn từ Trung ương đến cơ sở. Đến nay, 100% xã, phường có tổ chức hội, cơ bản các thôn, ấp, bản, tổ dân phố có chi hội, phân hội hoặc có CCB làm nòng cốt trong công tác vận động quần chúng. Trong 5 năm qua, số tổ chức cơ sở hội ở các loại hình đều tăng, riêng tổ chức hội ở cơ quan các ban, bộ, ngành trung ương tăng mạnh (từ 38 lên 47 tổ chức). Trung bình hàng năm, toàn hội phát triển được gần 80.000 hội viên mới. Đã có 110 tổ chức hội trực thuộc Trung ương Hội. Trong đó: tỉnh, thành hội là 63 và 47 tổ chức Hội khối các cơ quan bộ, ban, ngành Trung ương - tăng 14 tổ chức. Có 831 tổ chức hội cấp trên cơ sở, gồm 710 quận, huyện, 121 tổ chức hội khối 487. Tổ chức hội cơ sở có 16.154; trong đó cấp xã, phường, thị trấn là 11.164; cơ sở hội thuộc khối 487: 4.990. Toàn quốc có 105.887 chi hội(3).

Hiện nay, toàn hội có 2.941.144 hội viên. Trong đó, hội viên là CCB là 2.529.608; hội viên là cựu quân nhân: 411.536, tăng hơn 300.000 hội viên CCB so với năm 2012(4). Cụ thể là:

- Hội viên là đảng viên: 848.260 đồng chí (28,8%).

- Hội viên cấp tướng: 479/603 đồng chí (79,4%)

- Hội viên tham gia chống Pháp: 108.853 đồng chí

- Hội viên tham gia chống Mỹ: 1.318.102 đồng chí

- Hội viên nữ: 253.689 đồng chí

- Hội viên dân tộc ít người: 373.720 đồng chí

- Hội viên hưởng chế độ hưu trí và bảo hiểm xã hội: 403.722 đồng chí

- Hội viên hưởng chế độ bệnh binh: 122.997 đồng chí

- Hội viên là Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động: 601 đồng chí.

- Hội viên thương binh: 308.081 đồng chí.

- Hội viên bị nhiễm chất độc da cam 130.822 đồng chí(5).

Tổng số cựu quân nhân là: 1.605.672 đồng chí; đã tham gia câu lạc bộ 1.114.234 đồng chí (69,4%).         

Công tác phát triển hội viên được chú trọng. Trung bình hàng năm phát triển gần 80.000 hội viên mới (kết nạp vượt chỉ tiêu 85% Đại hội V đề ra). Nhìn chung, các hội viên mới đã phát huy tốt vai trò.

Cùng với việc xây dựng tổ chức hội và phát triển hội viên, Hội chú trọng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các cấp; gắn xây dựng ban chấp hành với xây dựng đội ngũ cán bộ hội được. Xác định đây là khâu then chốt trong công tác xây dựng hội.

Hàng năm, số tổ chức cơ sở hội đạt trong sạch vững mạnh là 95,76%; số hội viên gương mẫu là 96,7%; gia đình hội viên đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa là 96,7%(6).

Toàn Hội đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, có phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình, trách nhiệm với công tác Hội, có tín nhiệm với cấp ủy, chính quyền, với CCB, cựu quân nhân và nhân dân, đáp ứng yêu cầu và sự phát triển của Hội trong tình hình mới. Trong nhiệm kỳ 100% cán bộ Hội được tập huấn, bồi dưỡng theo phân cấp. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, nghỉ việc đối với cán bộ chủ trì và chuyên viên ở các cấp hội theo quy định của Trung ương Hội và của Ban Tổ chức Trung ương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác vận động CCB thời gian qua cũng còn những khiếm khuyết, yếu kém.Đó là, một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm thường xuyên và đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức và hoạt động của Hội CCB.Việc nắm bắt và giải quyết tình hình tư tưởng củaCCB ở một số cấp hộichưa thật chắc;việc thông tin tình hình, định hướng tư tưởng có nơi chưa thật chủ động, nhạy bén và kịp thời;phong trào ở một sốcơ sởcòn trầm lắng, lúng túng và chậm đổi mớivề nội dung, phương thức hoạt động.Chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số tổ chức hội còn thấp, trong đó có cả khối các cơ quan bộ, ban, ngành, doanh nghiệp. Việc giảm tỷlệ hộ CCB nghèo ở một số cơ sở còn chậm, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hội có nơi làm chưa tốt, cả trong việc quy hoạch, đánh giá, tuyển chọn và bố trí, sử dụng, còn biểu hiện hữu khuynh, khép kín. Còn một số hội viên có biểu hiện thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; cá biệt có hội viên còn vi phạm kỷ luật và pháp luật.Việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên còn bộc lộ một số mặt hạn chế...

Để tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng CCB trong điều kiện mới, các cấp bộ đảng, chính quyền cần tổng kết kinh nghiệm,đánh giá sâu sắc, toàn diện công tác hội và những đóng góp của CCB trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ thực tiễnnhận thấy, trước mắtcác cấp bộ đảng, chính quyền cần tiếp tục thực hiện tốtmột sốgiải pháp trong vận động lực lượng CCB là:

Thứ nhất, các cấp bộ đảng, chính quyền cần tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của lực lượng CCB trong quá khứ và hiện tại, từ đó có chủ trương, biện pháp tiếp tục phát huy tốt vai trò của lực lượng này

Người CCB cũng như mỗi người Việt Nam, luôn trân trọng lịch sử hào hùng của dân tộc. Càng trân trọng quá khứ, người CCB càng muốn chứng tỏ khả năng đóng góp cho hiện tại, quá khứvinh quang. Vì vậy, các cấp bộ đảng cầntăng cường giáo dục,nâng caonhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của CCB, vừa tôn vinh đóng gópcủa CCB, vừa phát huynêu gương, động viên tinh thầnvượt khó của Bộ đội Cụ Hồ tham gia xây dựng quê hương đất nước.

Thứ hai, đổi mới một số nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủyĐảng đối với công tác hội CCB

Các đảng bộ còn phải chú trọng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo công tác HCCB trên những mặt sau: Một là,các đảng bộ cần chú trọng, kiện toàn củng cố hệ thống tổ chức hội theo hướng gọn, nhẹ, hiệu quả, tăng tính hoạt động xã hội, giảm bớt tính chất hành chính của cơ quan lãnh đạo công tác hội. Đề cao dân chủ trong lựa chọn những đại biểu thật sự ưu tú, tiêu biểu cho công tác HCCB tham gia vào các ban chấp hành và thường trực HCCB. Hai,chỉ đạo các ban chấp hành HCCB tích cực vận động, tập hợp, đoàn kết hội viên HCCB, không để xảy ra hiện tượng nhạt hội, bỏ hội. Thật sự tôn trọng và cầu thị vai trò giám sát, phản biện xã hội cũng như vai trò tham mưu, góp ý của các HCCCB đối với công tác lãnh đạo, quản lý của đảng bộ, chính quyền các cấp. Ba,các cấp bộ đảng lãnh đạo chính quyền cụ thể hóa những chủ trương, biện pháp lãnh đạo công tác hội thành các nghị quyết, quyết định, kế hoạch công tác của chính quyền để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HCCB thực hiện. Bốn là,các cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, biện pháp của cấp ủy, chính sách, pháp luật và các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của các cơ quan nhà nước về công tác vận động HCCB.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động củaHội CCB, hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy hoạt động của hội viên làm trung tâm

Thực tiễn cho thấy, sau gần ba mươi năm ra đời và phát triển, HCCB Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vàosự nghiệp đổi mới của đất nước, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, văn hóa -xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội, giữ gìn sự ổn định chính trị của đất nước. Tuy vậy, công cuộc xây dựng đất nước không ngừng phát triển, công tácvận động CCB tiếp tục có những nội dung, nhiệm vụmới. Đó là: (1)Nhiệm vụ tham gia, củng cố, phát huy vai trò của CCB trong xây dựng hệ thống chínhtrị, nhất là chính quyền ở cơ sở. Nền hành chính ngày càngphát triển, đi dần vào chuẩn hóa theo pháp luật; vai trò lãnh đạo của các đảng bộ cơ sở đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, hệ thống quy chế làm việc của các cấp ủy đã hoàn thiện và được thực hiện công khai. (2)Tình trạngquan liêu, tham nhũng, lãng phí trong đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị vẫn chưa bị ngăn chặn, đẩy lùi thậthiệu quả. Cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng vẫn rất khó khăn, lực lượng CCB có tinh thần cao, nhưng thiếu nhiều điều kiện cần thiết cho cuộc đấu tranh này, đó là khả năng tiếp cậnthông tin,... (3)Lực lượng CCB, thông qua HCCB, cần những đóng góp thiết thực về phát triển kinh tế, văn hóa -xã hội. Phát triển kinh tế cho gia đình, đóng góp cho xã hội, giúp đỡ cho đồng đội là những khát vọng, trăn trở của nhiều CCB còn sức khỏe, có trí tuệ, kinh nghiệm và năng lực quản lý, điều hành, vấn đề là họ cần một điểm tựa để phát triển. Đó chính là thực hiện phương châm:Trọng tâm hoạt động HCCB hướng về cơ sở và lấy CCB là trung tâmchính nhu cầu của sự phát triển.

Thứ tư, các cấp chính quyền tạo cơ chế, chính sách và hỗ trợ nguồn lực vật chất cho CCB tổ chức phát triển sản xuất (do Hội CCB làm trung gian và bảo lãnh) và đào tạo lại nghề cho cựu binh và con CCB

Hỗ trợ các nguồn lực vật chất là hết sức cầnthiếtđể phát triển.Để phát triển kinh tế - xã hội, mở mangsản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều cần có vốn, đất đai, nhà xưởng, có cơ chế, chính sách ưu đãi. Những điều kiện này, do chính quyền tạo ra và hỗ trợ. Về phía các tổ chức sản xuất, kinh doanh của CCB, không lợi dụng ưu đãi,mà sử dụng như nguồn lực ứng trước và hoàn lại sau.

Thứ năm, thực hiện tốt quy chế phối hợp với Chính phủ và các ban ngành, đoàn thể; tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào, các chương trình phát triển văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương

Tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác giữa Trung ương Hội với Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương; giữa Hội CCB các tỉnh, thành, huyện với các cấp, ngành, đoàn thể của địa phương. Đổi mới hơn nữa hình thức, phương pháp phối hợp hoạt động theo phương châm càng xuống cơ sở càng được cụ thể hóa, phù hợp với tình hình từng địa phương. Có kế hoạch cụ thể, cơ sở pháp lý triển khai thực hiện; định kỳ tổ chức rút kinh nghiệm; đảm bảo phối hợp có hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí. Phối hợp trong phát huy dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tích cực phối hợp trong cải cách hành chính; đánh giá sự hài hài lòng của người dân, tổ chức đối với dịch vụ hành chính công. Phối hợp chặt chẽ trong triển khai các cuộc vận động, các phong trào do Trung ương, địa phương và các tổ chức, đoàn thể nhằm xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ

Phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 5-9-2016 của Thủ tướng chính phủ. Tham gia có hiệu quả các chương trình kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương và đất nước. Chỉ đạo CCB làm kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo, cứu hộ cứu nạn, du lịch, trồng rừng phòng hộ ven biển và bảo vệ môi trường. Sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phối hợp với các thành viên của Mặt trận Tổ quốc, tuyên truyền vận động hội viên và nhân dân triển khai đồng bộ các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực hiện Chương trình phối hợp 90 về “Vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 -2020”; các phong trào “Dân vận khéo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Cựu chiến binh Việt Nam tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông”, CCB với công tác bảo vệ môi trường…

Thứ sáu, Hội CCB phối hợp với ban tuyên giáo cấp ủy để nghiên cứu, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ

Trong nhiều năm, HCCB đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng và giữ gìn an ninh trật tự. Đất nước càng phát triển, thành tựu xây dựng CNXH mà nhân dân ta đạt được càng cao, thì các thế lực phản độngcàng chống phá quyết liệt. Nội dung và mục tiêu chống phá không thay đổi.

Không chỉ tuyên truyền, xuyên tạc, kẻ địchcòn tìm cách móc nối với nhau, giữa bọn phản động trong nước với các thế lực ởngoài nước; giữa các lực lượng phản động với bọn cơ hội chính trị, dân chủ cực đoan…Lợi dụng những vấn đềkinh tế - xã hội nảy sinhngoài ý muốn, ảnh hưởng không tốt đến đời sống nhân dân,chúng liền kích động một bộ phận quần chúng thiếu hiểu biết, hoặc mua chuộc họ để tập hợp lực lượng gây rối, tuyên truyền bôi nhọ các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể chỉ sử dụngnhữngbiện pháp cấm đoán để ngăn chặn, loại trừ những ảnh hưởng xấu độc từ tuyên truyền xuyên tạc, mà cần phải chủ động tổ chức đấu tranh tư tưởng. HCCB và lực lượng CCB, với uy tín chính trị của mình, là lực lượng xung kích trên cả mặt trận tư tưởng và đấu tranh chính trị với các lực lượng chống đối.

Lực lượng CCB với hệ thống tổ chức Hội CCB Việt Nam, tiếp tụcnêu cao truyền thống cách mạng là lực lượng xung kích cách mạng đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, chính trị; vạch trần sự giả dối, xảo trá của các thế lực thù địch, khẳng định sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam chống đế quốc, xâm lược, giải phóng đất nước, hoàn thành sự nghiệp thống nhất non sông về một mối.

_____________________

(1)ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 163-164.

(2) Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa V tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Hà Nội, 2017, tr.7.

(3)  Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa V tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Hà Nội. 2017, tr.35.

(4) Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa V tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Hà Nội, 2017, tr.35.

(5) Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa V tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Hà Nội, 2017, tr.35.

(6) Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa V tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Hà Nội, 2017, tr.14.

 

PGS, TS Lê Kim Việt

TS Nguyễn Ngọc Ánh

                                                 Viện Xây dựngĐảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền