Trang chủ    Thực tiễn    Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Thái Nguyên – những kết quả to lớn và chiến lược trong thời gian tới
Thứ tư, 20 Tháng 12 2017 11:08
3945 Lượt xem

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Thái Nguyên – những kết quả to lớn và chiến lược trong thời gian tới

(LLCT) Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội mỗi địa phương nói riêng, cả nước nói chung. Đối với tỉnh Thái Nguyên, tình hình thu hút FDI đã phản ánh rõ nét bức tranh phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, với các con số rất ấn tượng, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng GDP đạt hơn 16% năm 2017.

Một trong những yếu tố góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đạt con số ấn tượng (xấp xỉ 20%) đó là sự đóng góp của các KCN, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI là tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Tea Young Metal, Yestech Global, Erang Vina, Time...

1.Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Thái Nguyên với việc triển khai chính sách ưu tiên thu hút FDI, góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Quy hoạch hệ thống đồng bộ thành các khu công nghiệp là một trong những ưu tiên và chính sách đúng đắn của tỉnh Thái Nguyên. Hiện tỉnh Thái Nguyên có 6 khu công nghiệp (KCN), tập trung chủ yếu ở KCN Sông Công I, KCN Yên Bình, KCN Điềm Thụy (Khu A) và KCN Nam Phổ Yên, đã thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư, nhất là các dự án FDI.

Năm 2013, thu hút được 28 dự án FDI với số vốn đăng ký gần 3,7 tỷ USD và 6 dự án trong nước với vốn đăng ký là 2.239 tỷ đồng, vốn thực hiện ước đạt gần 1 tỷ USD và gần 2.000 tỷ đồng.

Năm 2016, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong các KCN tại Thái Nguyên đạt xấp xỉ 20 tỷ USD và 3.500 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 3.800 tỷ đồng. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong các KCN đạt trên 19 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh với con số kỷ lục hơn 16%, thuộc diện cao nhất cả nước.

Tính đến hết Quý III năm 2017, các KCN tại Thái Nguyên đã thu hút được 30 dự án đầu tư mới trong đó có 22 dự án FDI và 8 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký cấp mới là 126,84 triệu USD và hơn 1.000 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến quý IV năm 2017, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định chủ trương đầu tư mới 51 dự án, với tổng số vốn đăng ký trên 3.700 tỷ đồng; trong đó có 22 dự án FDI và 8 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký cấp mới là 126,84 triệu USD và hơn 1.000 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận cho 10 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 6,86 triệu USD.

Với kết quả đó, đến hết quý IV năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 128 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký lên tới trên 7,3 tỷ USD (khoảng 162 nghìn tỷ đồng). Các doanh nghiệp FDI đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.Chỉ tính riêng 9 đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu của tỉnh đã đạt 17,4 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, riêng tại các KCN có 164 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 83 dự án FDI và 81 dự án trong nước với tổng số vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD và trên 11.900 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư đã thực hiện là 6,3 tỷ USD và 7.900 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 90.000 lao động.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, BQL các KCN Thái Nguyên đã cấp mới 19 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 10 dự án FDI và 9 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 9,37 triệu USD và 1.198,1 tỷ đồng. Trong đó:

KCN Điềm Thụy: 8 dự án FDI và 4 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với số vốn đăng ký là 8,89 triệu USD và 103 tỷ đồng;

KCN Yên Bình: 1 dự án DDI với số vốn đăng ký là 925 tỷ đồng (Dự án KCN Yên Bình giai đoạn 2);

KCN Nam Phổ Yên: 3 dự án DDI với số vốn đăng ký là 122,1 tỷ đồng;

KCN Sông Công I: 2 dự án FDI và 1 dự án DDI với số vốn 0,48 triệu USD và 48 tỷ đồng.

Đến nay, KCN Yên Bình và Điềm Thụy (Sông Công I) được lấp đầy và đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, trong đó có làn sóng thứ nhất của quá trình thu hút đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp có vốn FDI.

Đồng thời, điều chỉnh GCNĐKĐT cho 53 dự án với các nội dung như: tổng vốn đầu tư, nhà đầu tư, mục tiêu, quy mô dự án, tiến độ thực hiện, địa điểm thực hiện dự án và diện tích... Trong đó, 12 dự án tăng tổng vốn đầu tư 70,432 triệu USD và 15 tỷ đồng; 3 dự án giảm vốn đăng ký đầu tư 239 tỷ đồng(1).

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 31-3-2017 Thái Nguyên đã thu hút được 124 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư lên đến 7,26 tỷ USD chiếm hơn 41% tổng vốn đầu tư vùng trung du và miền núi phía Bắc và 2,4% tổng vốn đầu tư của cả nước.

Các dự án FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 102 dự án, số vốn 7,17 tỷ USD, chiếm 98,8% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực xây dựng có 7 dự án với số vốn 34,8 triệu USD; lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản có 3 dự án với số vốn 33,5 triệu USD. Các ngành lĩnh vực đầu tư khác chiếm tỷ lệ nhỏ về dự án và vốn: chiếm 8,8% số dự án và 0,26% tổng vốn đầu tư.

Đến nay đã có các nhà đầu tư từ 9 nước vào Thái Nguyên, trong đó Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản là những nhà đầu tư lớn, chiếm 78,23% số dự án và hơn 98% tổng vốn đầu tư. Riêng 3 dự án của Samsung - Thái Nguyên đã đầu tư 6,23 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho người lao động của địa phương và các vùng lân cận.

FDI là nguồn lực đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2016 tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì ở mức cao, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 24,3%; nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 4,6% và khu vực dịch vụ tăng 7%. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt 8,8 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ 2015; trong đó xuất khẩu khu vực FDI đạt 8,67 tỷ USD(2).

Kinh nghiệm thành công trong thu hút FDI từ thực tiễn các KCN Thái Nguyên đó là: Sự cam kết chính trị mạnh mẽ cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự đồng thuận chung tay và quyết liệt của các ngành, các cấp trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tăng cường chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng chú trọng phát triển công nghiệp và thu hút FDI, đồng thời tăng cường vai trò hạt nhân, đầu tàu của Ban quản lý các KCN trong việc tổ chức, triển khai có hiệu quả chính sách thu hút FDI của tỉnh.

Đó là kết quả những chủ trương, chính sách đúng đắn về thu hút FDI, như: chính sách ưu đãi và khuyến khích các nhà đầu tư như miễn và giảm thuế trong thời gian đầu hoạt động, thủ tục cấp phép hoạt động nhanh gọn, thông thoáng, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, thuận tiện, tiến độ giải phóng và bàn giao mặt bằng nhanh chóng,...Với những chính sách thu hút hiệu quả này, 2 khu công nghiệp lớn nhất của tỉnh là Yên Bình và Điềm Thụy đã được lấp đầy.

Vai trò tích cực, chủ động của BQL các KCN trong việc triển khai chủ trương, chính sách của tỉnh có ý nghĩa quan trọng đối với việc thu hút FDI. Những năm qua, đội ngũ cán bộ quản lý và tham mưu của BQL các KCN Thái Nguyên đã tham gia các đoàn công tác nước ngoài của tỉnh và một số bộ, ban, ngành trung ương, được học tập mô hình, chia sẻ kinh nghiệm và xúc tiến đầu tư với nhiều nước trên thế giới. Đồng thời, chủ động tiếp xúc và thu hút hàng trăm nhà đầu tư nước ngoài. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, BQL các KCN Thái Nguyên đã đón tiếp, làm việc với 31 lượt các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội kinh doanh.

2. Chiến lược thu hút FDI và phát triển kinh tế - xã hội ở Thái Nguyên trong thời gian tới

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quan tâm triển khai các mục tiêu đẩy mạnh thu hút FDI. Coi đây là một nhân tố quan trọng, động lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát riển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2021.

Trong quý I năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Công 2.

Để triển khai và đón chào làn sóng FDI tiếp theo, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng triệt để cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thủ tục cấp phép và quản lý tại các KCN; cắt giảm đến mức thấp nhất các thủ tục hành chính, tránh phiền hà, rườm rà và phức tạp; tinh giản bộ máy, nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng của đội ngũ cán bộ, công chức; ban hành hàng loạt các chính sách thu hút đầu tư, tăng cường hiệu quả và hiệu lực quản trị nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư,…

Chắc chắn, những chính sách này sẽ tạo ra bước phát triển đột phá cho việc thu hút FDI nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội Thái Nguyên nói chung, nhất là sau khi KCN Sông Công 2 hoàn thành và đi vào hoạt động.

Thực hiện chiến lược thu hút FDI nhằm mục tiêu trở thành một trong những địa phương đi đầu về thu hút FDI trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và 2030, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai hàng loạt các chủ trương, chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp chế tạo, cơ khí, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, ô tô, công nghệ cao,... tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách.

Một trong những ưu tiên cụ thể hóa chiến lược thu hút làn sóng FDI thứ hai của tỉnh Thái Nguyên là xây dựng Khu Công nghiệp Sông Công 2. Đây được xem là dự án trọng điểm và quy mô lớn nhất của các tỉnh miền Bắc với quy mô 250 ha, bao gồm các hạng mục: Đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường giao thông, bến bãi, hệ thống cấp, thoát nước mưa, hệ thống thu gom nước thải, hệ thống cấp nước sạch và cấp nước chữa cháy, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống cấp điện, cây xanh, xây dựng nhà máy xử lý nước thải và hệ thống quan trắc môi trường tự động. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017-2020 tại xã Tân Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.757 tỷ đồng.

Trong giai đoạn từ nay đến 2020 và hướng tới 2030, tỉnh đặc biệt chú trọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Khu Công nghiệp Sông Công 2. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm có hàm lượng nội địa hóa và giá trị gia tăng của các doanh nghiệp FDI, chú trọng tăng cường liên kết giữa các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước trong quá trình sản xuất;tăng cường năng lực tham mưu, quản trị và giám sát của Ban Quản lý các Khu công nghiệp đối với việc triển khai các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh.

_____________________

(1) Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ quý VI 2017.

(2) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài (FIA): http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/5358/Thai-Nguyen-diem-den-ly-tuong-cua-cac-nha-dau-tu-nuoc-ngoai (xem ngày 25.10.2017)

                                                                                       TS Đỗ Đức Quân

Học viện Chính trị Khu vực I

ThS Nguyễn Thị Hằng

Học viện Khu vực II

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền