Trang chủ    Thực tiễn    Giải pháp thu hút sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch ở các tỉnh Tây Nguyên
Thứ sáu, 22 Tháng 12 2017 11:49
7003 Lượt xem

Giải pháp thu hút sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch ở các tỉnh Tây Nguyên

(LLCT) - Xu hướng chung trên toàn thế giới là thời gian lao động sẽ giảm xuống và thời gian nghỉ ngơi sẽ tăng lên, con người có điều kiện thỏa mãn ngày càng nhiều hơn những nhu cầu cá nhân. Sự bùng nổ tiêu dùng hàng hóa và các dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí sẽ tác động sâu sắc đến nền kinh tế thế giới.

1. Xu hướng phát triển du lịch trên thế giới

Xu hướng chung trên toàn thế giới là thời gian lao động sẽ giảm xuống và thời gian nghỉ ngơi sẽ tăng lên, con người có điều kiện thỏa mãn ngày càng nhiều hơn những nhu cầu cá nhân. Sự bùng nổ tiêu dùng hàng hóa và các dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí sẽ tác động sâu sắc đến nền kinh tế thế giới.

Du lịch trên phạm vi toàn cầu đã và sẽ phát triển nhanh. Dự báo đến năm 2020, số khách du lịch quốc tế trên thế giới sẽ đạt 1,6 tỷ người, đem lại nguồn thu 2 nghìn tỷ USD cho ngành du lịch thế giới, tăng trưởng bình quân là 4,3% về du khách và 6,7% về thu nhập ngoại tệ(1).

Du lịch trở thành ngành kinh tế tạo nhiều việc làm, hiện đang thu hút xấp xỉ 300 triệu lao động, chiếm 11,6% lực lượng lao động trên thế giới. Như vậy, tính trung bình cứ 8 lao động thì có 1 người làm dịch vụ du lịch.Theo nhận định của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch quốc tế trong những năm tớisẽpháttriển đến một tầm cao mới. Dù chịu tác động của những yếu tố như: khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, khủng bố và biến đổi khí hậu, du lịch toàn cầu vẫn tăng trưởng với tốc độ trung bình 3,3%(2).Nhu cầu về sản phẩm du lịch có sự thay đổi: từ tham quan - ngắm cảnh sang tìm hiểu các giá trị văn hóa cuộc sống bản địa để làm phong phú hiểu biết và hoàn thiện bản thân.

Cơ cấu chi tiêu của khách du lịch thay đổi. Những năm trước đây, tỷ trọng chi tiêu của khách dành cho dịch vụ cơ bản (ăn, uống, vận chuyển...) chiếm phần lớn. Hiện nay, tỷ trọng chi tiêu của khách dành cho các dịch vụ (mua sắm hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan giải trí...) tăng lên. Theo các nhà kinh tế học, nếu trước đây du khách dành cho ăn, ở, đi lại là 7 phần chi tiêu, thì nay chỉ còn 3 phần và ngược lại, có đến 7 phần dành cho vui chơi giải trí, mua sắm.

Hiện nay, tình hình chính trị ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới có biến động, chiến tranh, khủng bố xảy ra, đe dọa sinh mạng con người... ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch toàn cầu. Trong bối cảnh đó, dòng khách du lịch thế giới đang ưu tiên lựa chọn đến những khu vực có nền chính trị ổn định, an ninh trật tự bảo đảm; đặc biệt là có xu hướng chuyển dần sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, những nơi có nền kinh tế phát triển năng động và nền chính trị hòa bình, ổn định. Đây là một ưu thế rất lớn cho Việt Nam, bởi được đánh giá là điểm đến an toàn và thân thiện.

Xu thế du lịch thế giới đang chuyển dần sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.Khu vực này sẽ có lượng khách du lịch lớn thứ hai thế giới (sau châu Âu)và dự báo đến năm 2020 sẽ chiếm tỷ lệ 27,34% thị trường quốc tế(3).

Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, du lịch các nước Đông Nam Á có vị trí quan trọng. Riêng năm 2011, các nước ASEAN đón 77,2 triệu khách du lịch quốc tế, chiếm 35,6% lượng khách du lịch quốc tế và 28,3% thu nhập du lịch toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương; chiếm 7,8% toàn cầu về lượng du khách. Theo dự báo của UNWTO, năm 2020 lượng khách quốc tế đến ASEAN là 125 triệu, với mức tăng bình quân giai đoạn 2010-2020 là 6%/năm (so với 1-2% giai đoạn 1998-2000)(4).

Các quốc gia đang ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của công dân giữa các quốc gia, trong đó có khách du lịch: miễn trừ và đơn giản hóa thủ tục nhập - xuất cảnh, đi lại tại điểm đến; trao quyền nhiều hơn cho tư nhân quản lý các điểm đến du lịch; tham vấn cộng đồng trong quá trình xây dựng chính sách, quản lý và thực thiện quy hoạch du lịch điểm đến; chú trọng hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững với sự tham gia của cộng đồng dân cư ngày càng sâu, rộng.

Đối với Việt Nam, qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhậpquốc tế đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, nền kinh tế đất nước đã có bước phát triển vượt bậc, chính trị ổn định, an ninh trật tự xã hội được bảođảm.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 185 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế.

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước,ngành du lịch Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng nhanh, ổn định. Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”; xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”; xây dựng các đề án phát triển du lịch ở các vùng trọng điểm của cả nước...Mục tiêuđến năm 2020,thu hút 11-12 triệu lượt khách quốc tế và 45-48 triệu lượt khách nội địa. Thu nhập du lịch đạt 18-19 tỷ USD. Theo đó, GRDP du lịch toàn quốc năm 2020 đạt 6,5-7% tổng GRDP cả nước(5).

2. Tình hình và giải pháp thu hút sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch tại các tỉnh Tây Nguyên

Tây Nguyên là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng nên Đảng và Nhà nước cũng như các cấp ủy và chính quyền các tỉnh trong vùng rất quan tâm đầu tư phát triển các lĩnh vực. Trong đó, du lịch được ưu tiên và được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Với lợi thế có hệ thống giao thông đường bộ liên vùng tương đối thuận lợi, nối liền các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, ra các cảng biển; nối với Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và cả nước... thông qua các tuyến đường bộ quan trọng như quốc lộ 14, 19, 20, 24, 25, 26, 27, 28, 29. Ngoài ra còn nối với Đông Bắc Campuchia và Nam Lào qua các quốc lộ 18B và 78. Tây Nguyên còn có hệ thống giao thông đường không khá thuận lợi với Cảng hàng không quốc tế Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Pleiku. Tây Nguyên có vị trí quan trọng trong tam giác phát triển kinh tế giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia... Với vị trí chiến lược quan trọng và giàu tiềm năng như vậy, phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng của Tây Nguyên có tính liên vùng rất cao

Tiềm năng du lịch của các tỉnh Tây Nguyên rất đa dạng và phong phú. Với di sản văn hóa độc đáo, giàu bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là Không gian vănhóa cồng chiêng - di sản văn hóa phi vật thể thế giới...; với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú ở các vườn quốc gia... Tây Nguyên đã trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất ở nước ta.

Ngoài việc xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển du lịch của từng tỉnh, trên quy mô vùng đã có Quy hoạch tổng thể du lịch Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó dự báo (Bảng 1).

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trên, ngành du lịch các tỉnh Tây Nguyên, cùng với việc phát huy thế mạnh của vùng, phải xác định rõ những khó khăn, thách thức rất lớn. Đó là, cạnh tranh trong du lịch ở khu vực và thế giới ngày càng gay gắt, trong khi ở Tây Nguyên chất lượng phát triển chưa cao, điểm xuất phát còn thấp; kinh nghiệm quản lý, kinh doanh và trình độ nghiệp vụ của nguồn nhân lực du lịch còn nhiều bất cập và hạn chế(6); chất lượng nguồn nhân lực du lịch ở các tỉnh Tây Nguyên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu kém về chất lượng; trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí còn thấp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn khó khăn; sự hiểu biết của người dân về phát triển du lịch còn chưa đầy đủ, nhất là một số dân tộc thiểu số tại chỗ...

Để khắc phục những khó khăn, rào cản trên, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh du lịch của Tây Nguyên, cần có chính sách đầu tư cho ngành kinh tế mũi nhọn này và huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, thu hút sự tham gia của đông đảo của cộng đồng dân cư vào các hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn.

Để thu hút sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch tại các tỉnhTây Nguyên, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia phát triển du lịch

Một trong những nguyên nhân căn bản cản trở sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động phát triển du lịch là do họ không có cơ hội,điều kiệntham gia(7). Do vậy, cần công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch để các cộng đồng dân cư trong vùng chủ động tham gia.

Chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở cần tổ chức các diễn đàn để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến các quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn. Cần duy trì các kênh giao tiếp và trao đổi thông tin thường xuyên, giúp cho các thành viên cộng đồng và các bên liên quan thấy được họ chính là chủ thể quan trọng tham gia vào quá trình ra quyết định cho đến quá trình thực hiện các dự án du lịch.

Hai là, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tiễn của các tỉnh Tây Nguyên, tạo thuận lợi cho người dân tham gia phát triển du lịch

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính­, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư phát triển du lịch. Bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể đầu t­ư trong n­ước và nước ngoài, giữa cá nhân với tập thể, tổ chức.

Xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn trong dân để đầu tư phát triển du lịch; thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, thắng cảnh, các lễ hội, các hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề... phục vụ phát triển du lịch. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch. Đặc biệt là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia đầu tư phát triển các ngành nghề gắn với chương trình phát triển du lịch của địa phương.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng dân cư tham gia vào các hoạt động du lịch. Xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan trong phát triển du lịch: Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và khách du lịch cũng như việc gắn kết chặt chẽ giữa các tổ chức, hiệp hội du lịch, công ty du lịch trong việc quản lý tại các khu du lịch nhằm ngày càng hoàn thiện môi trường du lịch bền vững.

Ba là, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm và dịch vụ độc đáo đề cao giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Tây Nguyên

Việc khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân phát triển các sản phẩm độc đáo, đậm chất văn hóa địa phương sẽ góp phần quan trọng vào việc thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng vào phát triển du lịch. Chẳng hạn, du lịch trở nên hấp dẫn, cuốn hút du khách bởi họ được thưởng thức những đặc sản theo cách chế biến độc đáo của các dân tộc và mua sắm những sản phẩm gắn với văn hóa và sản vật của núi rừng kỳ vĩ. Có thể gợi mở cách làm sau:

Tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các dịch vụ du lịch. Ví dụ, có thể sắp xếp, bố trí không gian bán hàng, dịch vụ phục vụ du khách cho các hộ dân ngay trong khu du lịch để tạo ra sức hấp dẫn du khách đến với điểm du lịch.

Cần đề cao triết lý của mô hình sản xuất “mỗi làng một sản phẩm – One Village One Product”, trong đó đề cao sự khác biệt và chất lượng cho các nhóm sản phẩm và dịch vụ(8).

Thông qua sự tham gia của cộng đồng địa phương để phát triển những ngành nghề và lễ hội truyền thống, làm hàng thủ công mỹ nghệ, trồng các loại cây đặc sản của địa phương... để khách du lịch được thưởng thức và mua sản phẩm. Các lễ hội, phong tục tập quán cần được bảo tồn và phát huy những nét đặc trưng riêng, là điểm nhấn để thu hút du khách; tổ chứcbiểu diễn nghệ thuật dân tộc, tôn tạo di tích văn hóa-lịch sử, nâng cấp các công trình kiến trúc...

Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch có trách nhiệm ở vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là các làng còn bảo lưu các giá trị truyền thống; hỗ trợ ngân sách trong công tác bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, tôn vinh các nghệ nhân; khuyến khích đóng góp từ thu nhập du lịch của các doanh nghiệp cho hoạt động bảo tồn, phục hồi các giá trị về văn hóa, sinh thái(9).

Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho những người làm du lịch

Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch đối với lao động địa phương, đặc biệt đối tượng là đồng bào dân tộc tại chỗ bằng các chính sách hỗ trợ trong đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề, vận động các doanh nghiệp tham gia kinh doanh du lịch ưu tiên sử dụng nguồn lao động này.

Khảo sát đội ngũ cán bộ, nhân viên và lao động tham gia hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn, từng địa phương. Từ đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ đào tạo và đào tạo lại đáp ứng yêu cầu phát triển. 

Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm thông qua các hội nghị, hội thảo khoa học, hội chợ du lịch ở các nước, các địa phương có ngành du lịch phát triển.

Nhân rộng mô hình “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở với khách du lịch”mà tỉnh Đăk Nông phát động nhằm tạo bước chuyển biến mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững du lịch Tây Nguyên trong thời gian tới.

Năm là, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch

Cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch ở chính nơi họ sinh sống, để vừa thu hút các nguồn vốn đầu tư vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập.

Các hỗ trợ ban đầu, như chuyên chở khách, hướng dẫn du lịch, sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cung cấp lương thực, thực phẩm v.v..

Xu thế phát triển du lịch cộng đồng hoàn toàn phụ thuộc vào người dân và những trải nghiệm của khách du lịch phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ do người dân cung cấp. Do đó, cần có sự  hỗ trợ ban đầu đối với những người mới tham gia làm du lịch, như: tư vấn đầu tư, tư vấn kỹ thuật sản xuất - kinh doanh, tổ chức tập huấn; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng... giúp họ có các kỹ năng cần thiết để cung cấp các sản phẩm du lịch cộng đồng một cách tốt nhất.

Sáu là, xây dựng cơ chế phân chia lợi íchgiữa các chủ thểkhi tham gia hoạt động du lịch

Khai thác hiệu quả tài nguyên phát triển du lịch cần quan tâm chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương, bảo đảm phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, nếu phát triển du lịch mà thiếu sự quan tâm đến phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn, không chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương mà chỉ chú ý đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa để thoả mãn nhu cầu của du khách và thu lợi nhuận cho doanh nghiệp du lịch sẽ làm gia tăng mâu thuẫn, dẫn đến xung đột lợi ích giữa các bên. Như vậy, rất cần xây dựng cơ chế phân chia lợi ích hợp lý, hài hòa giữa các chủ thể, đối tác cùng tham gia làm du lịch và dân cư trên địa bàn.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2017

(1) Tổng cục Du lịch Việt Nam: Chiến lược phát triển du lịch ViệtNam 2001-2010.

(2) http://www.vietrade.gov.vn.

(3) Nguồn: UNWTO.

(4) Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: Những xu hướng mới trong phát triển du lịch trên thế giới; http://www.itdr.org.vn.

(5) Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam.

(6) Tổng cục Du lịch:Quy hoạch tổng thể du lịch Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

(7) Nhận định rút ra từ kết quả khảo sát của đề tài cấp bộ năm 2016: Nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch tại các tỉnh Tây Nguyên, do TS Trần Khác Xin làm Chủ nhiệm.

(8) Quỹ châu Á - Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngành nghề nông thôn Việt Nam:Tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng; Hà Nội, 12-2012.

(9) Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

TS Trần Văn Thạch

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền