Trang chủ    Thực tiễn    Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Thứ sáu, 22 Tháng 12 2017 11:52
6034 Lượt xem

Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

(LLCT) - Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng xây dựng và phát huy vai trò giai cấp công nhân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với quá trình đẩy mạnh CNH - HĐH và hội nhập quốc tế, giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tuy vậy, hiện nay lao động, việc làm của công nhân còn nhiều vấn đề cần giải quyết, môi trường làm việc và đời sống của một bộ phận công nhân còn nhiều khó khăn. Do vậy, chăm lo xây dựng giai cấp công nhân phát triển vững mạnh là trách nhiệm không chỉ của Đảng, Nhà nước mà còn của chính giai cấp công nhân.

Trong thời kỳđổi mới, giai cấp công nhân Việt Namphát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của đất nước. “Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân nước ta đã có những chuyển biến quan trọng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đã hình thành ngày càng đông đảo bộ phận công nhân trí thức; đang tiếp tục phát huy vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; có nhiều cố gắng để phát huy vai trò và lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”(1).

Tính đến năm 2016, tổng số công nhân ở nước talà 14,5 triệu người, trong đó có 64% là nữ;số công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất là 2,8 triệu người, có 75% là nữ(2). Bộ phận công nhân khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt công nhân trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh trong thời kỳ đổi mới. Năm 2010 có gần 269 nghìn doanh nghiệp với gần 6 triệu công nhân, đến năm 2013, khu vực này tăng lên 359.794 doanh nghiệp với 6.854,8 nghìn công nhân. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm 2010 có 7.248 doanh nghiệp, với 2.156,1 nghìn công nhân, năm 2013 tăng lên 10.220 doanh nghiệp, với 2.050,9 nghìn công nhân(3). Về mặt sản xuất, giai cấp công nhân là lực lượng cơ bản, chủ yếu, có vai trò to lớn trong nền kinh tế quốc dân. Giai cấp công nhân là lực lượng lao động trong lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn của nền kinh tế đất nước và đóng góp nhiều nhất vào ngân sách nhà nước: “Khu vực công nghiệp đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước”(4).

Vai trò và những đóng góp của giai cấp công nhân trong hơn 30 năm đổi mới thể hiện ở những điểm sau:

Một là, giai cấp công nhân Việt Nam là chỗ dựa và cơ sở xã hội tin cậy của hệ thống chính trị

Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Đảng ta đặt ra yêu cầu cao đối với giai cấp công nhân:“Giai cấp công nhân phải là chỗ dựa tin cậy của Đảng, giúp đỡ, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân lao động khác khắc phục khó khăn, ra sức phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, tham gia giải quyết các công việc chung của xã hội”(5).

Trong thực tế, giai cấp công nhân cùng toàn dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị bằng nhiều hình thức như: đóng góp ý kiến hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp ý xây dựng các tổ chức Đảng, Nhà nước trong các buổi tiếp dân, tiếp xúc cử tri... và tham giabầu cử lựa chọn các đại biểu xứng đáng của mình trong hệ thống chính trị. Đãcó nhiều công nhân trưởng thành, trở thành lãnh đạo củacác tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

Ngày càng có nhiều tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp và nhiều công nhântrở thành đảng viên của Đảng. Cả nước có khoảng 52nghìntổ chức cơ sở Đảng và 201nghìnchi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở với tổng số 3,5 triệu đảng viên, trong đó,có 2.560 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần có vốn nhà nước với 234nghìnđảng viên; 3.500 tổ chức cơ sở đảng ở doanh nghiệp cổ phần với 110nghìnđảng viên; 590 tổ chức cơ sở đảng ở doanh nghiệp tư nhân với 8.400 đảng viên(6).

Hai là, giai cấp công nhân là nòng cốt trong liên minh công - nông - trí thức, nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc

Liên minh công - nông - trí thức mang tính tất yếu trong suốtquá trình cách mạng và đặc biệt, trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khi công, nông, trí thức - lực lượng đông đảo nhất, nguồn lực phát triển quan trọng nhất,liên minh chặt chẽ với nhau sẽ tạo thành nền tảng để đoàn kếtcácgiai tầng khác, đồng thời ngăn chặn được những âm mưu gây chia rẽ,mâu thuẫn dân tộc... Từ đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng,tạo động lực cho thắng lợi của sự nghiệp CNH, HĐHđất nước.

Ba là, giai cấp cấp công nhân Việt Nam góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn trật tự, an ninh xã hội

Bộ phận công nhân trong Quân đội (tham gia nghĩa vụ quân sự, công nhân quốc phòng...) góp phần xây dựng và trực tiếp thựchiện đường lối quốc phòng toàn dân và tăng cường bản chất giai cấp công nhân trong các tổ chức, đơn vị vũ trang, qua đó bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đường lối quốc phòng toàn dân phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, trong đó có công nhân.

Bên cạnh những mặt tích cực,giai cấp công nhân còn bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập:

Sự phát triển của giai cấp công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp CNH, HĐHvà hội nhập quốc tế. Theothống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam năm 2009, trình độ chuyên môn của công nhân Việt Nam tại các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế còn thấp, cụ thể: 57,08% lao động phổ thông, 26,97% là lao động có trình độ từ sơ cấp nghề trở lên, 6,26% công nhân có trình độ trung cấp và 10,09% công nhân có trình độ đại học, cao đẳng.

Theo số liệu khảo sát về “tiền lương thu nhập của người lao động trong các khu công nghiệp” do Viện Công nhân Công đoàn tiến hành năm 2010 cho thấy,trình độ,chất lượng công nhân tại các khu công nghiệp trong cả nước còn rất hạn chế. Cụ thể,có 10,5% trình độ tiểu học; 43,7% trình độ trung học cơ sở,45,5% có trình độ trunghọc phổ thông, đặc biệt vẫn còn 0,28% người lao động không biết chữ.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, lao động của nước ta chủ yếu chưa qua đào tạo nghề. Có tới 75% lao động chưa qua học nghề tại các cơ sở đào tạo ngoài doanh nghiệp, trong số này có khoảng 94% người được đào tạo ngắn hạn tại doanh nghiệp trước khi bắt đầu công việc. Chỉ có 9,5% công nhân lao động kỹ thuật, 3,7% công nhân có trình độ trung cấp, 3% cao đẳng và 5,6% có trình độ đại học. Số công nhân bậc 4 chiếm 8,4% và bậc 6-7 chỉ chiếm 3,2%.

Hiện nay, nước tacòn thiếu nghiêm trọng công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế; đa phần công nhân xuất thânnông dân chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống, một bộ phận công nhân chậm thích nghi với cơ chế thị trường.

Địa vị chính trị của giai cấp công nhân chưa thể hiện đầy đủ. Giai cấp công nhân chưaphát huy được vai trò nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị của công nhân không đồng đều; sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo xuất thân từ công nhân còn thấp(7). Một bộ phận công nhân chưa thiết tha phấn đấu vào Đảng và tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, tỷ lệ đảng viên là công nhân trong tổng số đảng viên của Đảng những năm gần đây đang giảm dần là một xu hướng rất đáng lo ngại. Ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức cơ sở Đảng rất thấp.

Tuy trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống của đội ngũ công nhân ngày càng được cải thiện, nhưng lợi ích của một bộ phận công nhân được hưởng chưa tương xứng với những đóng góp của họ; việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân đang gặpnhiều khó khăn, bức xúc, đặc biệt là ở bộ phận công nhân lao động giản đơn tại các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu điều tra của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2008,còn 14,7% công nhân trong tình trạng thường xuyên không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định;51,7% công nhân trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 35,6% công nhân trong các doanh nghiệp tư nhân phải đi thuê nhà ở trọ. Đặc biệt, sự an toàn đối với người lao động chưa được bảo đảm. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2005-2010, cả nước đã xảy ra hàng chục nghìn vụ tai nạn lao động dẫn đến những thiệt hại rất lớn về người và vật chất. Riêng năm 2010, xảy ra 5.125 vụ tai nạn lao động, trong đó có 554 vụ tai nạn lao động chết người. Tổng số người bị nạn là 5.307 người, trong đó có 600 người chết, 1.260 người bị thương nặng. Tổng thiệt hại về vật chất lên tới 137,5 tỷ đồng; số ngày nghỉ do tai nạn lao động cũng lên đến 75.454 ngày.Năm 2012, số lao động thất nghiệp là 557.460 người(8). Năm 2015, số lao động đăng ký thất nghiệp là 452.533 người, trong đó có 444.954 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 3.000 người so với năm 2014(9).

Phát biểu tại Đại hội XII của Đảng, đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ: Tình trạng việc làm của công nhân lao động còn gặp nhiều khó khăn, cường độ làm việc rất cao, điều kiện lao động ít được cải thiện, tai nạn lao động vẫn gia tăng. Đặc biệt là tiền lư­ơng, thu nhập của ng­ười lao động chư­a tương xứng với c­ường độ và thời gian lao động, đời sống gặp vô vàn khó khăn; lao động nữ ít có điều kiện xây dựng hạnh phúc gia đình, thiếu nhà trẻ, mẫu giáo để gửi con; vấn đề ngộ độc thực phẩm, bữa ăn công nhân có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động là điều rất đáng lo ngại. Bên cạnh đó, điều kiện sinh hoạt tinh thần cũng rất thiếu thốn, tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động vẫn còn diễn ra phổ biến. Tranh chấp lao động và đình công trong công nhân lao động có nhiều diễn biến phức tạp. Trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, giác ngộ chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp và sự am hiểu chính sách pháp luật của công nhân lao động còn hạn chế. Năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh còn chưa cao(10).

Để khắc phục những hạn chế, bất cập,góp phần xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, cần có nhận thức biện chứng trong xử lý quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh

Tăng trưởng kinh tế khá cao và liên tục trong một thời gian dài là thành tích và là dấu ấn nổi bật của sự nghiệp đổi mới đất nước. Song, trong hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế cũng như trong chỉ đạo thực hiện, ở nhiều địa phương, lĩnh vực, có biểu hiện chỉ chú ý đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Do vậy, ngoài mục tiêu tăng trưởng, chúng ta phải tính tới nhiều phương diện khác nữa để có thể phát triển một cách bền vững. Đảng,Nhà nước phải chủ động nhận thức và xử lý đúng đắn, hài hòamối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ,công bằng xã hội nói chung, với việc chăm lo xây dựng giai cấp công nhân nói riêng.

Hai là, cần có tầm nhìn chiến lược, xác định đúng những mục tiêu cơ bản, trọng yếu

Chăm lo xây dựng giai cấp công nhân là “trách nhiệm tự thân” là một trong những nhiệm vụ quan trọngcủa Đảng.

Đảng cần coi trọng cả hai vai trò: “lực lượng sản xuất hàng đầu” và “giai cấp tiên phong” của giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng CNXHnói chung, giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐHđất nước hiện nay nói riêng. Ý thức sâu sắc về quan điểm này, cùng những vấn đề đặt ra: Thế nào là lực lượng sản xuất hàng đầu? Làm thế nào để lực lượng sản xuất hàng đầu này phát triển;“Thế nào là giai cấp tiên phong? Làm gì để trong thực tế giai cấp công nhân là giai cấp tiên phong?... là những cơ sở để tạo ra sự thống nhất tư tưởng trong nghị quyết của Đảng về giai cấp công nhân. Thời gian qua,có nhiều vấn đề đặt ra từ thực trạng đời sống công nhân, như: quan hệ lao động, luật pháp, chính sách, tiền lương... cần được giải quyết một cách cụ thể với tầm nhìn cao hơn, căn bản và triệt để hơn. Cốt lõi của tầm nhìn đó cũng là phương thức để có thể giải quyết triệt để những vấn đề nổi cộm hiện nay, đó là phải hướng tới và có quyết tâm chiến lược xây dựng và phát triển một cơ cấu kinh tế có tỷ trọng ngày càng lớn công nghệ và dịch vụ cao. Nhiều yêu cầu mới sẽ đặt ra, trong đó có hai nhiệm vụ chủyếu, đó là: (1)hướng mạnh việc mở rộng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ với công nghệ tiên tiến. (2)chủ động phát triển có chiến lược và có kế hoạch để đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất và dịch vụ với công nghệ, chất lượng cao.

Ba là, cần chủ động điều chỉnh, phân bổ,tái phân phối một cách hợp lý đểcân đối giữa thu ngân sách của toàn xã hội và từng địa bàn với thu nhập thực tế của công nhân.

Hiện nay, mức lương tối thiểu hiện hànhchưa hợp lý, không bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người lao động.Do đó, Nhà nước cần chủ động điều chỉnh mức lương tối thiểu trên cơ sở được tính toán cân nhắc toàn diện. Không thể đề cao, “tuyệt đối hóa” lợi thế lao độnggiárẻ trong thu hút đầu tư.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, tổ chức của cơ quan giám sát điều chỉnh quan hệ lao động, chính sách an sinh và các tổ chức chính trị - xã hội trong công nhân.

Cần có những nghiên cứu sâu hơn với cơ sở khoa học, pháp lý đầy đủ về các vấn đề quan hệ lao động, tiền lương, chính sách thuế...

Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước có vai trò quyết định, Công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân. Để giai cấp công nhân hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn lao động Việt Namcần có chiến lược và tầm nhìn để giai cấp công nhân phát triển vững mạnh.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2017

(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.44.

(2) Xem Tạp chí Lịch sử Đảng, số 317/4-2017, tr. 111.

(3) Xem Tổng cục thống kê: Niên giám Thống kê 2013, 2014,Nxb Thống kê, Hà Nội, 2014, 2015.

(4) Báo Nhân dân, ngày 1-5-2016.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.53, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.438.

(6) Đại học quốc gia Hà Nội, Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giảng viên Lý luận chính trị: Giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.246.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.45.

(8) Xem Thông tin nghiên cứu về công nhân và công đoàn, số 8 (12/2013).

(9) Xem Báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, số 15/BC-TLĐ, ngày 28-1-2016.

(10) Xem: Vietnamnetngày 23-1-2016.

 

PGS, TS Vũ Quang Vinh

Viện Lịch sử Đảng, 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS HOÀNG THU THỦY

Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền