Trang chủ    Thực tiễn    Hưng Yên phát huy truyền thống văn hiến, truyền thống hiếu học, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục
Thứ sáu, 29 Tháng 12 2017 11:39
3081 Lượt xem

Hưng Yên phát huy truyền thống văn hiến, truyền thống hiếu học, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục

(LLCT) - Phát huy truyền thống, văn hiến, hiếu học, trong những năm qua, sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh Hưng Yên đã đạt những thành tựu quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Một trong những kinh nghiệm thành công là thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Hưng Yên là vùng đất có truyền thống văn hiến, hiếu học, thời nào cũng có những người học rộng, tài cao, đỗ đạt khoa bảng. Thời phong kiến, cả nước có 53 trạng nguyên, tỉnh Hưng Yên có 8 trạng nguyên; có 228 người thi đỗ đại khoa, 4 bảng nhãn, 6 thám hoa, 47 hoàng giáp, đứng thứ 4 cả nước(1).  Phát huy truyền thống, nhận thức rõ vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên luôn đặc biệt quan tâm sự nghiệp phát triển giáo dục. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, hưởng ứng phong trào “diệt giặc dốt”, các lớp bình dân học vụ đã phát triển mạnh mẽ. Chỉ sau một năm (năm 1946), Hưng Yên đã xoá mù chữ cho trên 26 nghìn người.

Sau ngày hòa bình lập lại, phong trào bình dân học vụ tiếp tục được quan tâm. Ban Thanh toán nạn mù chữ từ tỉnh đến xã được thành lập, thúc đẩy chiến dịch "diệt dốt". Nhiều tổ chức diệt dốt như đội "Bạch đầu quân", "Diên Hồng của các cụ phụ lão, "Hoàng Ngân diệt dốt" của phụ nữ, phong trào "Lúa xanh tươi, người người biết chữ" của thanh niên... thành lập. Đến cuối năm 1958, Hưng Yên đã căn bản xóa xong nạn mù chữ, có 92,5% số dân từ 9 đến 50 tuổi biết chữ.

Song song với phong trào bình dân học vụ, công tác bổ túc văn hóa được quan tâm. Đến năm 1961, có 45 nghìn người học bổ túc văn hóa, số cán bộ và thanh niên học hết cấp I đạt 50%. Hưng Yên trở thành một trong những tỉnh điển hình của miền Bắc về công tác xóa mù chữ và bổ túc văn hóa và được Trung ương Đảng tặng cờ về những thành tích xuất sắc và có nhiều sáng tạo trong công tác xóa mù chữ và bổ túc văn hóa.Hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng được phát triển. Từ khi tái lập tỉnh (1997) đến nay giáo dục càng được đặc biệt quan tâm phát triển. Đảng bộ tỉnh Hưng Yênquán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng “Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”, “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục - đào tạo là đầu tư cho phát triển”.

Lãnh đạosự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng về giáo dục và đào tạo, đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể,phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh,với quan điểm “Giáo dục là khâu đột phá để phát triển nhanh, bền vững, cần tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”(2). Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện: chất lượng học sinh giỏi, chất lượng văn hóa của học sinh đại trà. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ chính trị, nhận thức, tư tưởng vững vàng, tay nghề khá, giỏi. 100% cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ chuẩn và trên chuẩn. Số học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, xếp thứ 9 cả nước.

Ngành giáp dục tỉnh Hưng Yên đã chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, dạy và học ở tất cả các bậc học; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, bảo đảm các trường có đủ diện tích đất theo quy định, có đủ các phòng chức năng, sân chơi, bãi tập, đủ trang thiết bị phục vụ cho dạy và học; đổi mới công tác thi đua trong các trường học; tăng cường hoạt động của Hội đồng giáo dục, Hội Khuyến học các cấp, tạo nguồn lực cho giáo dục tiếp tục phát triển trong giai đoạn cách mạng mới.

Do vậy, phát triển giáo dục phổ thôngđã đạt nhiều kết quả quan trọng: Mạng lưới trường lớp, quy mô giáo dục phổ thông không ngừng được mở rộng và phát triển đồng bộ, rộng khắp theo hướng đa dạng hóa các loại hình trường lớp, các hình thức học tập ở tất cả các bậc học, các ngành học, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh. Đến năm 2015, toàn tỉnh có 170 trường tiểu học với 2.830 lớp và 78.358 học sinh; các tiêu chí phổ cập giáo dục được giữ vững. Cấp THCS, có 171 trường công lập với 2.184 lớp học và 68.512 học sinh; THPT có 38 trường với 1.026 lớp, trong đó 25 trường công lập, 1 trường chuyên và 12 trường ngoài công lập với 45.365 học sinh(3).

Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý từng bước được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận tốt với yêu cầu của nền giáo dục hiện đại. Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi được tỉnh quan tâm. Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh thường xuyên tổ chức thi học sinh giỏi từ tiểu học đến THCS, THPT để phát hiện các tài năng. Do đó, số lượng, chất lượng học sinh giỏi quốc gia của tỉnh Hưng Yên luôn đứng tốp đầu cả nước. Năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 59 em học sinh THPT thi học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 51 em đoạt giải chiếm  (85,2%)(4).

Tỉnh cũng ưu tiên bố trí cán bộ giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi, các trường chuyên, năng khiếu. Đối với học sinh các trường chuyên, năng khiếu được hưởng học bổng như sinh viên và ưu tiên sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại các trường chuyên, trường năng khiếu, được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ.

Đội ngũ nhà giáo ở các cấp học, bậc học tăng cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2015, toàn tỉnh có 12.617 cán bộ, giáo viên, trong đó có 5.319 cán bộ, giáo viên THCS, 2.054 cán bộ, giáo viên THPT. Giáo viên có trình độ chuẩn và trên chuẩn đạt tỷ lệ cao: tiểu học đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 82,5%, vượt 15%; THCS đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 63,72% vượt 9,4%; THPT đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 13,54% vượt 3,8%.

Cán bộ quản lý có trình độ trên chuẩn: tiểu học 100%, vượt 15%; THCS 75,2%, vượt 10,2%; THPT 42%, đạt 85,5% kế hoạch. Cán bộ quản lý có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên: tiểu học đạt 52,5%; THCS đạt 65,8%; THPT đạt 85,5% so  với kế hoạch. Đến năm 2015, 100% giáo viên và cán bộ quản lý các trường phổ thông đạt chuẩn và có trình độ Trung cấp lý luận chính trị, trình độ quản lý nhà nước. Ở bậc Tiểu học, 88,3% giáo viên có trình độ trên chuẩn, THCS tỷ lệ trên chuẩn là 63,28%...

Hằng năm, ngành giáo dục còn cử giáo viên, cán bộ quản lý có đủ tiêu chuẩn đi đào tạo sau đại học. Hằng năm,ngành Giáo dục tỉnh Hưng Yên có nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến được Chính phủ tặng bằng khen, Nhà nước tặng Huân chương Lao động như các trường THPT Khoái Châu, THPT Mỹ Hào, THPT Hưng Yên, THPT Ân Thi, THPT Tiên Lữ…

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư xây dựng, trang cấp. Hầu hết các trường đạt chuẩn quốc gia có đủ thiết bị, phòng học phục vụ cho việc dạy và học; 100% các trường tiểu học được trang bị đủ đồ dùng dạy học; 100% THCS, THPT được trang bị thiết bị thực hành các môn vật lý, hóa học, sinh học và các phòng học bộ môn khác.

Công tác xã hội hóa giáo dục được triển khai mạnh mẽ và ngày càng hiệu quả. Công tác xã hội hóa giáo dục được phát huy mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn để các trường trong địa bàn tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tạo động lực tích cực trong việc phát triển quy mô, mạng lưới, trường lớp học theo hướng đa dạng hóa các loại hình trường, lớp, các hình thức học tập, phù hợp với yêu cầu và tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa ba môi trường: Nhà trường - Gia đình - Xã hội được tiến hành thường xuyên và hiệu quả, tạo điều kiện cho học sinh có thể gắn nội dung giáo dục với mục tiêu kinh tế - xã hội, có những sân chơi bổ ích, lành mạnh thông qua các hoạt động lao động công ích. Việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả giáo dục, tạo cơ hội cho mọi người có nhu cầu tham gia một cách có hiệu quả.

Để đạt được những kết quả to lớn trong phát triển giáo dục như vậy, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã thường xuyên quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dụcnhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò của giáo dục. Tuyên truyền giáo dục tốt là cơ sở để thống nhất thực hiện đường lối trên thực tế.Thực tiễn tỉnh Hưng Yên cho thấy, tuyên truyền, nâng cao nhận thức là bước khởi nguồn quan trọng, là điều kiện tiên quyết, có ý nghĩa to lớn trong phát triển giáo dục. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị nghiên cứu nâng cao nhận thức cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và các đơn vị trực thuộc. Các trường học sau khi được quán triệt nghị quyết đều tích cực, chủ động xây dựng các chương trình hành động cụ thể như: lập kế hoạch tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò giáo dục phổ thông cho học sinh thông qua các hình thức học tập phù hợp cũng như cho phụ huynh học sinh thông qua những đợt tổng kết… Mặt khác, cùng với việc nghiên cứu học tập và triển khai nghị quyết,các phòng ban chức năng của Sở Giáo dục và Đào tạo các nhà trường còn tiến hành rà soát, bổ sung và tham mưu với các cấp ủy, chính quyền về những nhiệm vụ, những đề án, các giải pháp nhằm thực hiện thành công nghị quyết.

Hưng Yên là một trong những tỉnh đang đẩy mạnh CNH, HĐH với sự phát triển của nhiều nhà máy, xí nghiệp nên có khả năng thu hút lao động khá lớn. Đặc điểm này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy giáo dục của tỉnh phát triển. Trong thực tế, do có sự phối hợp với các tỉnh lân cận và nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhà máy công nghiệp, nhưng cũng dễ dẫn đến các nhận thức lệch lạc, thực dụng do đòi hỏi của hình thức lao động mang tính thời vụ và gây khó khăn cho công tác giáo dục.

Hưng Yên đã triển khai mạnh mẽ, liên tiếp nhiều đợt tuyên truyền, vận động về công tác phổ cập giáo dục đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là những địa phương có làng nghề truyền thống phát triển. Các phương tiện thông tin đại chúng như: truyền hình, phát thanh, đã tập trung xây dựng chuyên mục về giáo dục phổ thông với thời lượng phù hợp để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Tỉnh ủy về lĩnh vực giáo dục. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về phát triển giáo dục của tỉnh. Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Khuyến học… đã tích cực, kiên trì vượt mọi khó khăn, tiến hành vận động học sinh ra lớp đúng độ tuổi. Nhiều chi bộ Đảng ở các địa phương còn đưa công tác phổ cập giáo dục thành các tiêu chí để đánh giá chi bộ, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, từ cán bộ, đảng viên, đến từng gia đình có con em bỏ học để tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa, trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục phổ thông nói chung, cũng như công tác phổ cập giáo dục nói riêng. Từ đó, động viên, khuyến khích học sinh quay trở lại trường lớp. Để công tác phổ cập có hiệu quả hơn, tỉnh còn dành ra một khoản ngân sách nhất định để hỗ trợ cho học sinh đi học phổ cập có hoàn cảnh khó khăn. Giáo viên tham gia giảng dạy bổ túc hưởng chế độ thanh toán thêm giờ… Nhờ vậy, Hưng Yên đã trở thành một trong những tỉnh của cả nước hoàn thành phổ cập THPT trước kế hoạch.

Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh không chỉ giới hạn trong phạm vi quán triệt nghị quyết, chủ trương, chính sách, mà còn chủ động vận dụng, đưara những kết quả nghiên cứu chuyên sâu, đúc rút kinh nghiệm qua từng năm để xây dựng chủ trươngphát triển giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Nhìn chung, việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò giáo dục tuy có lúc, có nơi còn mang tính chất phong trào, nhưng về cơ bản đã góp phần quan trọng vào nhữngkết quả rất tích cựcđạt được. Thông qua hoạt động tuyên truyền giáo dục, mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ngày càng nhận thức đúng đắn, sâu sắc vai trò, vị trí của giáo dục đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Từ nhận thức rõ vai trò, vị trí của giáo dục, Hưng yên đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp phát triển giáo dục.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, coi phát triển giáo dục là sự nghiệp của toàn xã hội là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng đã được thực tiễn chứng minh. Tỉnh Hưng Yên luônđẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân cho sự nghiệp giáo dục.Xã hội hóa giáo dục không chỉ gắn giáo dục học đường với giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường và các tệ nạn xã hội tác động vào quá trình phát triển giáo dục; huy động các lực lượng xã hội tham gia vào phong trào toàn dân học tập, thực hiện kế hoạch giáo dục thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời; từng bước hình thành một “hệ thống giáo dục phổ thông liên kết toàn xã hội”, biến quá trình học tập thành quá trình “tự học”, tạo điều kiện để mọi người dân được hưởng thành quả do giáo dục mang lại, xã hội hóa giáo dục còn là quá trình làm cho toàn xã hội nhận thức đúng đắn hơn về vị trí, vai trò của giáo dục. Từ đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục phổ thông phát triển theo các mục tiêu đề ra.

Các cấp, các ngành tỉnh Hưng Yên đã chăm lo cho các thế hệ trẻ, bảo đảm cho các em được giáo dục thống nhất, liên tục từ gia đình đến nhà trường và trong các đoàn thể, xã hội. Đồng thời, phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc đảm bảo cở sở vật chất, kỹ thuật cho nhà trường tiến hành các hoạt động giáo dục. Có biện pháp chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên và cán bộ giáo dục để yên tâm, phấn khởi, tập trung tinh thần và nghị lực vào sự nghiệp giáo dục. Cùng với việc tăng cường đầu tư từ ngân sách, chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Hưng Yên chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân đóng góp kinh phí phục vụ phát triển giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện dạy và học.

Đảng bộ tỉnhHưng Yênchỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục thông qua thành lập Hội đồng giáo dục từ tỉnh đến các huyện để huy động tài lực, vật lực, trí lực của toàn dân, tăng cường khả năng phát kiến nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác giáo dục phổ thông. Nhờ vậy, đã tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phát triển giáo dục. Quy mô, mạng lưới trường lớp được mở rộng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Bên cạnh việc củng cố các loại hình công lập, tỉnh Hưng Yên chú trọng mở các loại hình ngoài công lập với nhiều hình thức học tập,vừa đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình, năng lực và sức học của học sinh. Các nguồn lực trong xã hội được huy động và sử dụng hiệu quả cho sự nghiệp giáo dục.

Phong trào khuyến học phát triển sôi nổi, sâu rộngkhắp các quận, huyện, phường, xã trong toàn tỉnh, thúc đẩy phong trào toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục, làm cho mọi người đều nhận thức rõrằng không học hành không thể xóa đói, giảm nghèo, không thể thực hiện CNH, HĐH đất nước. Nhiều gia đình điều kiện kinh tế còn khó khăn, thu nhập eo hẹp nhưng đã lo toan, dành mọi điều kiện cho con em được học hành. Có gia đình có 2 đến 3 con học đại học.Từ thực tế đãhình thành trong tỉnh một phong trào, một nếp sống chăm lo học hành sôi nổi, học ở trường, học ở nhà, học ở xã hội.

                                                                             

________________________________________

(1) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên: Lịch sử Giáo dục Hưng Yên 1945 - 2005, Hưng Yên, 2006, tr.5.

(2) Tỉnh ủy Hưng Yên: Chương trình hành động số 41-CT/TW về thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khóa IX) về giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, Hưng Yên, 2002, tr.11]

(3)  Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên: Báo cáo tổng kết năm học 2015 - 2016, phương hướng nhiệm vụ năm học 2016 - 2017, Hưng Yên, 2016, tr.11

(4)  Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên: Báo cáo tổng kết năm học 2015 - 2016, phương hướng nhiệm vụ năm học 2016 - 2017, Hưng Yên, 2016, tr.8

  Bùi Thị Hà

                                                              Trường THPT chuyên Hưng Yên

 
Tags: giáo dục
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền