Trang chủ    Thực tiễn    Hải Dương phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững
Thứ sáu, 05 Tháng 1 2018 09:07
5955 Lượt xem

Hải Dương phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững

(LLCT) - Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH, tập trung khai thác tối đa mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại và bền vững. Nhờ đó, nông nghiệp Hải Dương đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân.

1  Một số  kết quả đạt được

Hải Dương là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng với khá nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp. Để thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, đề án. Trong đó, quan trọng nhất là chương trình “Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2006 - 2010”; các đề án “Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao”; “ Phát triển chăn nuôi, thủy sản theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, quy mô, đảm bảo vệ sinh môi trường”; đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hải Dương đến năm 2020”.Những Đề án này của UBND tỉnh đều được ban hành trên cơ sở chủ trương của Đảng bộ tỉnh theo hướng xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững.

Đến nay, thành tựu lớn, quan trọng nhất là sản xuất nông nghiệp phát triển đúng định hướng, các chỉ tiêu chính về nông, lâm nghiệp - thủy sản đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Qua hai kỳ Đại hội (Đại hội XIV và Đại hội XV), giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng bình quân 3,5%/ năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cũng không ngừng tăng nhanh. Năm 2005 đạt 5.998,1 tỷ đồng, năm 2010 đạt 10.244,8 tỷ đồng và đến năm 2015 đã đạt 20.347,5 tỷ đồng ( tức là trong vòng 10 năm giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đã tăng 3,4 lần). Riêng năm 2015, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi là 6.347 tỷ đồng, tăng bình quân 11,6%/năm, giá trị sản xuất ngành thủy sản là 2.721 tỷ đồng, tăng bình quân 13,6%/năm…

Cơ cấu nội ngành đã có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi - thuỷ sản, giảm tỷ trọng giá trị sản xuất trồng trọt - lâm nghiệp. Tỷ trọng giá trị chăn nuôi - thủy sản tăng 1,3% (từ 39,3% năm 2013 lên 40,6% năm 2015).

Tỉnh đã hình thành được các vùng sản xuất rau màu tập trung như vùng hành củ (Kinh Môn, Nam Sách), vùng củ đậu (Kim Thành, Kinh Môn), vùng cà rốt (Cẩm Giàng, Nam Sách), vùng su hào, cải bắp (Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện), vùng dưa hấu, dưa lê (Tứ Kỳ, Gia Lộc)... Giá trị sản xuất tại các vùng hàng hóa tập trung đạt từ 150-300 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt có những vùng cây trồng đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm. Các loại cây lâu năm phát huy thế mạnh theo lợi thế vùng như vải (Thanh Hà, Chí Linh), ổi (Thanh Hà, Ninh Giang, Kinh Môn), chuối (Thanh Hà, Tứ Kỳ)...Đến năm 2015, toàn tỉnh đã có 8 huyện, thành phố, thị xã tham gia nuôi cá lồng trên sông gồm: Nam Sách,  Kinh Môn, Thanh Hà, Ninh Giang, Kim Thành, Tứ Kỳ, Thị xã Chí Linh và Thành phố Hải Dương; với 188 hộ và giải quyết được 564 lao động thường xuyên có việc làm, thu nhập ổn định(1). ..Về cơ bản, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng lương thực - thực phẩm và có sản phẩm hàng hoá. Sản xuất hàng hóa nông nghiệp phát triển mạnh, hiệu quả được nâng lên rõ rệt, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng từ 95 triệu đồng năm 2010 lên 125 triệu đồng năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 31 triệu đồng.

2.  Rào cản và giải pháp cơ bản

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tếnông nghiệp phát triển chưa bền vững, đa số sản phẩm nông nghiệp chưa gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ. Quy mô diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa ngày càng phát triển. Đa phần ruộng đất thuộc hộ gia đình nhỏ, mức độ tập trung ruộng đất phân tán, manh mún.Dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy đã phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nhất là khâu làm đất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Việc chuyển dịch cơ cấu và đổi mới phương thức sản xuất còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán; sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa đã được hình thành, tuy nhiên quy mô còn nhỏ và số lượng vùng còn ít; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội ngành có bước chuyển biến nhưng còn chậm, ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ còn nhiều hạn chế. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm còn ít; Các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động chưa hiệu quả, chưa thật sự đóng vai trò hỗ trợ hoạt động sản xuất cho nông hộ. Các hợp tác xã mới làm được một số ít khâu dịch vụ cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp, chưa thực hiện được chức năng đại diện cho xã viên để tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm, nhiều nơi hợp tác xã  mang tính hình thức; Kinh tế trang trại quy mô còn nhỏ và chiếm một tỷ lệ thấp trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Trong những năm 2005 - 2015, thực hiện chủ trương chuyển những diện tích trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, đồng thời chuyển hình thức nuôi quảng canh sang nuôi theo phương pháp công nghiệp được tỉnh đầu tư cho các dự án chuyển đổi và hình thành các vùng chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên, do đầu tư dàn trải cho nhiều dự án chuyển đổi nên vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản còn hạn chế. Cơ sở vật chất kỹ thuật vùng chăn nuôi còn lạc hậu, phát triển thiếu đồng bộ chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự đa dạng, phong phú và hiệu quảchưa cao;mối liên kết giữa “bốn nhà” trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩmchưa chặt chẽ, dẫn đến thực trạng “được mùa rớt giá”, “mất mùa được giá” làm hạn chế phát triển vùng sản xuất chuyên canh. Nhiều nông sản, thực phẩm đặc trưng của tỉnh có chất lượng cao nhưng chưa xây dựng được thương hiệu; hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường chưa được quan tâm đúng mức… Vấn đề ô nhiễm môi trường sống và môi trường sản xuất do rác thải, nước thải, khí thải đang gia tăng, nhất là những nơi đất chật người đông.

Để phát triển nông nghiệp Hải Dương theo hướng hiện đại và bền vững, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2017, tốc độ phát triển doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Hải Dương vẫn còn rất thấp. Cụ thể, tốc độ tăng doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp chỉ 2%/năm, trong khi tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp nói chung là 25%/năm. Hiện toàn tỉnh có trên 11.700 doanh nghiệp, tuy nhiên chỉ có 1.600 doanh nghiệp đăng ký các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trong số đó, chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp trong nước hoạt động thực sự và 18 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động lĩnh vực này.  Đầu tư vào nông nghiệp ở Hải Dương còn hạn chế bởi ưu đãi chưa hấp dẫn, lãi suất ngân hàng còn cao, giá thành sản xuất cao, giá bán sản phẩm thấp. Do đó huy động sự vào cuộc của tất cả các thành phần kinh tế là yếu tố quan trọng hàng đầu để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp Hải Dương trong thời gian tới. Muốn vậy, cần tập trung huy động và thực hiện đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; huy động các nguồn lực đầu tư xã hội, phát huy nội lực từ chính người nông dân và sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp; đẩy mạnh các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân để huy động nguồn lực xã hội và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Đồng thời, rà soát, phân loại các dự án đầu tư, điều chỉnh phương thức và nguồn vốn đầu tư để thu hút tối đa nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao chất lượng quá trình lựa chọn dự án; tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chấm dứt tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải. Ngân sách nhà nước tập trung đầu tư vào các công trình, dự án mà khả năng thu hồi vốn không cao hoặc không thể huy động đầu tư tư nhân.

Thứ hai, tăng cường công tác khuyến nông, phát huy sức mạnh hệ thống khuyến nông cơ sở. Đầu tư cơ sở vật chất và cán bộ cho hệ thống thú y, bảo vệ thực vật; tăng cường trang thiết bị, đáp ứng các yêu cầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đổi mới công tác khuyến nông theo hướng chọn mô hình sản xuất hàng hóa, sản phẩm an toàn, cán bộ khuyến nông chỉ đạo mô hình phải có thực tiễn sâu sắc, có tinh thần cao, bám sát đến từng cây trồng vật nuôi để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất đến nông dân. Nhân rộng các mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi áp dụng bộ kỹ thuật mới có hiệu quả. Xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa an toàn, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho một số nông sản chủ lực của tỉnh.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp

Thực tế hiện nay cho thấy, các Hợp tác xã nông nghiệp chưa thực sự phát huy hết vai trò của mình trong các hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp. Do vậy trong thời gian tới, Hải Dương tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã với nhiều biện pháp đa dạng, phong phú như thường xuyên quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã. Có cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác xã kiểu mới phát triển, đặc biệt hỗ trợ vay vốn và đơn giản hóa thủ tục cho vay; có chính sách thu hút các cán bộ trẻ, có trình độ về làm việc tại các hợp tác xã…; Xem xét lại xã viên thực sự có nhu cầu hợp tác sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, góp vốn vào hợp tác xã, giảm bớt số thành viên sản xuất tự cấp, tự túc, nhu cầu hợp tác không cao. Khuyến khích thành lập các loại hình Tổ hợp tác nông nghiệp; hình thành các Hợp tác xã chuyên ngành, tạo nên sức mạnh từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; Nâng cao hơn nữa vai trò của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, Hợp tác xã chuyên ngành, tổ hợp tác trong việc bảo vệ quyền lợi cho hộ nông dân khi tham gia chuỗi giá trị hàng nông sản và hỗ trợ về kỹ thuật cho các xã viên, nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định.

Thứ tư, tiếp tục đi tắt đón đầu, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác cây trồng, kỹ thuật nuôi gia súc, gia cầm, phát triển cơ giới hóa... Lựa chọn, đưa các kỹ thuật thâm canh công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất và tiềm lực kinh tế, trình độ của nông dân để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản.

Thứ năm, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp

Để thực hiện mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại theo hướng bền vững, Hải Dương cần tiếp tục ưu tiên đầu tư thích hợp về cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất, nhất là những vùng sản xuất hàng hóatập trung, áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng an toàn và những vùng chuyên canh. Phát triển hệ thống thuỷ lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới, tiêu chủ động cho các loại cây trồng trước hết là toàn bộ đất lúa, diện tích nuôi trồng thủysản và các loại cây rau màu cho giá trị kinh tế cao. Củng cố, xây dựng, kiên cố hoá hệ thống đê sông nhằm bảo đảm an toàn cho sản xuất và đời sống dân sinh. Tiếp tục quan tâm đầu tư để hoàn thiện hệ thống đường giao thôn nông thôn nói chung và đường giao thông nội đồng nói riêng, góp phần đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất, giảm bớt sức lao động cho người nông dân.

Với chủ trương xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, nông nghiệp Hải Dương đã có bước phát triển và chuyển mình ngày càng mạnh mẽ. Những kết quả đó là minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương trong quá trình đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững và góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung từ đó tạo thêm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh trong những năm tiếp theo.

___________________

(1) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương (2016): Báo cáo tổng kết công tác năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016, Lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Hải Dương

 

                                                                          Phùng Thị Tuyền

                                                            Trường Chính trị tỉnh Hải Dương

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền