Trang chủ    Thực tiễn    Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác bổ nhiệm cán bộ
Thứ tư, 24 Tháng 1 2018 11:13
1602 Lượt xem

Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác bổ nhiệm cán bộ

(LLCT) - Trong những năm qua, Đảng ta đã đặc biệt chú trọng việc hoàn thiện các quy định, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác cán bộ, góp phần khắc phục việc lạm quyền, lộng quyền của người đứng đầu trong bổ nhiệm cán bộ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp lợi dụng những kẻ hở để “lách” quy định, bổ nhiệm cất nhắc người nhà, người thân…Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, có các giải pháp để kiểm soát quyền lực trong công tác bổ nhiệm cán bộ.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai? Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm của tập thể, cá nhân ở một số ngành, địa phương trong công tác cán bộ gần đây đã phần nào làm sáng tỏ những vấn đề trên. Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, đáng chú ý nhất là việc lạm quyền, lộng quyền của người đứng đầu để “nâng đỡ không trong sáng”, dùng tập thể để hợp thức hóa quy trình, hợp thức hóa ý kiến cá nhân...Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực trong công tác bổ nhiệm cán bộ ở địa phương là vấn đề cấp thiết trong công tác tổ chức xây dựng Đảng hiện nay.

Kiểm soát quyền lực trong công tác bổ nhiệm cán bộ có thể hiểu là việc đặt quyền lực của tập thể, cá nhân vào đúng vị trí của nó trong từng khâu, từng bước của quy trình bổ nhiệm cán bộ, làm cho nguyên tắc tập trung dân chủ được phát huy hiệu quả nhằm bổ nhiệm đúng người, đúng việc. Kiểm soát quyền lực là vấn đề quan trọng, liên quan đến cơ chế vận hành của cả hệ thống chính trị.

Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19-12-2017 về phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử quy định rõ quy trình, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm cho công tác bổ nhiệm cán bộ được thực hiện chặt chẽ hơn, hạn chế việc lợi dụng kẽ hở của cơ chế để bổ nhiệm người nhà, người thân... Chủ trương đã có, nhưng một khi cán bộ đã suy thoái, biến chất thì họ luôn tìm đủ mọi cách thức để “lách” quy định, nhất là người đứng đầu. Sau gần một năm kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 22-3-2017 về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ cho thấy, đã có tình trạng sử dụng chiêu bài lợi dụng thảo luận để nâng người này, hạ người kia hoặc cố tình dàn xếp gợi ý theo ý chí chủ quan của người đứng đầu hoặc nhóm người. Có những điểm chung ở những nơi xảy ra hiện tượng trên là: (1) Thông tin về nhân sự có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự kiến bổ nhiệm không được công bố đầy đủ và chính xác. (2) Cấp uỷ viên thụ động, tư tưởng nể nang, ngại va chạm, xuôi chiều, chưa thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thảo luận, đề xuất ý kiến trong các bước của quy trình bổ nhiệm cán bộ. (3) Cơ quan tham mưu cấp ủy chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa thẳng thắn, kiên định nguyên tắc, lựa chiều khi tham mưu.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, các cấp ủy, các tổ chức đảng ở địa phương sẽ phải thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên về công tác cán bộ, nhất là bổ nhiệm cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”(1). Vì vậy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ công tác cán bộ là trách nhiệm của cấp ủy đảng; phải nhận thức đầy đủ bổ nhiệm cán bộ là khâu kiểm nghiệm, có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến hiệu quả, chất lượng của công tác cán bộ; phải được thực hiện đúng quy chế, quy định đã ban hành, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị chung của Đảng bộ và nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành mà chọn cán bộ; tiếp tục nhận thức đúng và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác bổ nhiệm cán bộ.

Hai là, quy định cụ thể những thông tin bắt buộc phải được công bố trong các hội nghị của quy trình công tác cán bộ. Các thông tin về phẩm chất, năng lực, uy tín của từng cán bộ dự kiến bổ nhiệm phải được cụ thể hóa theo tiêu chuẩn chức danh, tránh tình trạng chung chung, qua loa, đại khái, mỗi nơi làm một kiểu. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, thẩm định hồ sơ cán bộ. Việc số hóa hồ sơ cán bộ giúp cho công tác tham mưu được chủ động, hiệu quả hơn, từng bước xây dựng các ứng dụng phục vụ nghiệp vụ công tác cán bộ như ứng dụng phục vụ thẩm định hồ sơ cán bộ, ứng dụng phục vụ hội nghị trong công tác cán bộ...Từ đó kịp thời cung cấp thông tin đến từng tổ chức, cá nhân trong việc thẩm định, tham khảo để đưa ra ý kiến tốt nhất.

Ba là, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan tham mưu và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ. Các cơ quan tham mưu của cấp ủy là người giúp việc của cấp ủy đảng về từng lĩnh vực công tác và luôn được xác định có vị trí quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. Để kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan tham mưu và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ cần xây dựng và xác định rõ một số nguyên tắc cơ bản cho hoạt động của bộ máy cơ quan làm công tác cán bộ; hoàn thiện bộ máy làm công tác cán bộ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tránh sự chồng chéo, phân công không rành mạnh, sự phối hợp không ăn khớp giữa các bộ phận trong cơ quan và với các cơ quan liên quan; quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ. Xây dựng hình ảnh người cán bộ tổ chức xây dựng Đảng trong sáng, gương mẫu, tinh thông.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: "xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công việc của Ban tổ chức các cấp là then chốt của then chốt". Nếu "chốt" rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ(2). Một khi "chốt" đã rắn chắc, cứng cáp, vận hành thông suốt, được gia cố bởi trách nhiệm của từng cấp uỷ và ứng dụng công nghệ tiên tiến chắc chắn rằng công tác bổ nhiệm cán bộ sẽ không còn một kẻ hở nào, dù là nhỏ nhất.

_____________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nôi, 2002, t.6, tr.242.

(2) Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.

 

Phạm Minh Khoa

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền