Trang chủ    Thực tiễn    Thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với đất nước
Thứ tư, 24 Tháng 1 2018 16:44
2422 Lượt xem

Thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với đất nước

(LLCT) - 70 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn quan tâm và dành những tình cảm, trách nhiệm sâu sắc để chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng thông qua những chính sách cụ thể, thiết thực và phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng, thể hiện truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”, “đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.

Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20-SL về chế độ hưu bổng thương tật đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đây là Sắc lệnh đầu tiên về chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công, một sự kiện quan trọng trong chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta nhằm tỏ lòng biết ơn đối với sự hy sinh, cống hiến của các thương binh, liệt sĩ và người có công với đất nước.

Tháng 6-1947 tại Hội nghị đại biểu ngành, các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố họp ở xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn ngày 27-7 hằng năm làm Ngày thương binh toàn quốc (sau đổi thành Ngày thương binh, liệt sĩ). Từ đó, ngày 27-7 trở thành ngày truyền thống tốt đẹp, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. 70 năm qua, các chính sách thương binh, liệt sĩ đã ngày càng đi vào cuộc sống, tạo nên sự đồng thuận giữa “ý Đảng” và “lòng dân”, trở thành động lực của phong trào cách mạng rộng lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng đã không ngừng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và phát triển thành hai pháp lệnh: Pháp lệnh Phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Mẹ Việt Nam anh hùng và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng - liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (nay là Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng), với 13 diện đối tượng và hàng chục chính sách kèm theo. Với việc ban hành hai pháp lệnh trên, các nội dung ưu đãi đối với thương binh, liệt sỹ và người có công đã được luật hóa; nhiều vấn đề do lịch sử để lại và nảy sinh trong cơ chế mới đã được xử lý hài hòa; đời sống của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng từng bước được nâng lên.

Căn cứ vào Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm khoảng 10% dân số. Trong đó, gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 117 nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng, gần 800 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh (theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Hiện nay, có 185 nghìn thương binh, hơn 1.253 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến, 101.138 người có công giúp đỡ cách mạng, 186.137 người hoạt động kháng chiến và con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hơn 109.468 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hơn 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và trên 1,7 triệu đối tượng có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng của Nhà nước.

Nhiều cơ sở sự nghiệp, chăm sóc sức khỏe được xây dựng phục vụ các đối tượng chính sách. Từ An dưỡng đường và cơ sở phục hồi chức năng đầu tiên ra đời ở vùng tự do trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, đến nay, đã có một hệ thống gồm hơn 30 Trung tâm điều dưỡng thương binh, 14 cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng, phân bố đều trong cả nước với trang thiết bị hiện đại. Các cơ sở này đã phục vụ kịp thời cho việc điều dưỡng thương binh, bệnh binh, đào tạo cán bộ của ngành, dạy nghề cho các đối tượng, phục hồi chức năng và điều dưỡng cho người có công.

Nhiều nghĩa trang liệt sĩ và các công trình tưởng niệm liệt sĩ đã được xây dựng. Cả nước hiện có hơn 3 nghìn nghĩa trang - nơi yên nghỉ vĩnh hằng của trên 800 nghìn liệt sĩ; nhiều nghĩa trang trở thành những công trình văn hóa - lịch sử của đất nước, như: Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ... Nhiều công trình tưởng niệm liệt sĩ được xây dựng, như: Tượng đài chiến thắng Sông Lô (Phú Thọ), Tượng đài chiến thắng Núi Thành (Quảng Nam), Tượng đài chiến thắng Ấp Bắc (Tiền Giang), Đền thờ liệt sĩ Bến Dược (Thành phố Hồ Chí Minh)...; hàng nghìn nhà bia ghi tên liệt sĩ. Các công trình này đã trở thành những “địa chỉ đỏ”, góp phần giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào đối với quê hương, đất nước cho các thế hệ người Việt Nam.

Đi đôi với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” ngày càng được xã hội hóa sâu rộng. Từ cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”, “Ủng hộ binh sĩ bị thương”, những việc làm “Hiếu nghĩa bác ái” hưởng ứng lời kêu gọi và theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày cả nước “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (12-1946)”, đến những vườn cây, ao cá tạo việc làm cho hàng chục vạn thương binh, quân nhân xuất ngũ, chăm sóc thân nhân liệt sĩ khi cả nước “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”... Cho đến nay, phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng phát triển thành 5 chương trình tình nghĩa, bao gồm: Xây dựng quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng Nhà tình nghĩa; đón nhận thương binh nặng về chăm sóc tại gia đình; nhận chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ cô đơn, con liệt sĩ không nơi nương tựa. Các chương trình tình nghĩa trên được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương thực hiện có hiệu quả cao. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phong trào “uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa” đã phát triển mạnh mẽ, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa dân tộc, với nhiều hình thức phong phú, như: Nhà tình nghĩa, Vườn cây tình nghĩa, Sổ tiết kiệm tình nghĩa; Áo lụa tặng bà, áo ấm tặng mẹ; Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; Chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già, yếu, cô đơn, đỡ đầu con liệt sĩ, thương binh nặng... Thông qua đó, phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Trong 5 năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã ủng hộ được hàng tỷ đồng; xây mới hàng chục nghìn Nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 50 nghìn nhà, với tổng số tiền gần 10 nghìn tỷ đồng; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 100 tỷ đồng. Riêng Quân đội, đã xây dựng hàng nghìn Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội tặng các gia đình chính sách; đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội; phụng dưỡng hàng nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng...

Bên cạnh sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước và cộng đồng, các cấp, các ngành đã tích cực động viên thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế”, “Mãi mãi xứng đáng là công dân kiểu mẫu và gia đình cách mạng kiểu mẫu”. Từ đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách vượt khó, vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi, trở thành nhân tố điển hình tiên tiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều con của thương binh, liệt sĩ đã vượt qua khó khăn, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, kế tục truyền thống, sự nghiệp cách mạng của gia đình, quê hương, đất nước.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của cộng đồng và bản thân đối tượng chính sách, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công ngày càng phát triển vững chắc, góp phần ổn định chính trị - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công là lĩnh vực nhạy cảm, có tác động đến tâm lý, tình cảm của hàng triệu người, liên quan đến giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Vì vậy, yêu cầu đặt ra trong công tác thương binh, liệt sĩ và người có công là phải bám sát thực tiễn, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, bảo đảm cho các đối tượng chính sách được hưởng đúng, đủ ưu đãi của Nhà nước; khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong tổ chức thực hiện phong trào. Do đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, đơn vị kinh tế và mỗi cá nhân trong cộng đồng dân tộc.

Nghị quyết Đại hội XI chỉ rõ: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến...”(1).Đại hội XII của Đảng tiếp tục yêu cầu: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân”(2); “Huy động tốt nhất nguồn lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”(3); “Tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội,...”(4).

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, cần thực hiện tốt một số định hướng cơ bản sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công bằng các chương trình cụ thể. Sự đóng góp của cộng đồng là nguồn lực bổ sung phong phú cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn, chu đáo hơn đời sống người có công. Các cấp cần thường xuyên làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến làm tốt phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, các đối tượng chính sách có nhiều cố gắng trong sản xuất, học tập và công tác. Bổ sung những nội dung xây dựng chính sách ngày càng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận thương binh, liệt sĩ, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; tu bổ, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ. Để thực hiện tốt điều này đòi hỏi sự chung tay của các ngành, các cấp và của toàn dân. Trước hết, từng ngành, từng địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; triển khai kế hoạch cụ thể, rà soát, xem xét, kết luận từng trường hợp theo đúng quy định, tránh để nhầm, sót những người thực sự có cống hiến mà không được hưởng chính sách. Đồng thời, coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách; kiên quyết xử lý những hành vi gian dối, vi phạm pháp luật về người có công.

Ba là, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Nhà nước; đảm bảo các khoản phụ cấp, trợ cấp được trao “tận tay, đúng kỳ, đúng số” cho các đối tượng. Theo đó, các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, những bất hợp lý trong công tác chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để người có công được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện tốt Quyết định 62/2011/QĐ-TTg, ngày 9-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ “Về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc” đúng tiến độ, đúng, đủ đối tượng.

Hậu quả do chiến tranh để lại trên khắp đất nước ta còn rất nặng nề. Kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ 27-7 hằng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao truyền thống “đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc, ưu đãi thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp cho những người có công với đất nước yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền có trách nhiệm đi sát cuộc sống thực tế của nhân dân, lãnh đạo, chỉ đạo thật tốt việc thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, loại bỏ những điều không phù hợp, kịp thời bổ sung những điểm mới cần thiết nhằm giảm bớt khó khăn, đau đớn của những người đã nêu cao tinh thần anh dũng vì nước, vì dân, cống hiến tài năng, hy sinh xương máu cho Tổ quốc.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.229-230;

(2), (3), (4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.31, 136, 137.

 

Thượng tướng Trần Đơn 

Ủy viên Trung ương Đảng,

Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương,

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền