Trang chủ    Thực tiễn    Nhân lực du lịch ở Đà Nẵng - Những vấn đề đặt ra và giải pháp
Thứ tư, 24 Tháng 1 2018 16:46
9124 Lượt xem

Nhân lực du lịch ở Đà Nẵng - Những vấn đề đặt ra và giải pháp

Nhận thức rõ phát triển nhân lực là động lực chính thúc đẩy lực lượng sản xuất và là giải pháp chiến lược để khắc phục tình trạng tụt hậu của đất nước, thực hiện các bước phát triển rút ngắn, Đại hội XII xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc...”(1).

Đà Nẵng là thành phố có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trong những năm qua, ngành du lịch của thành phố đã đạt nhiều bước tiến trong đầu tư phát triển cơ sở vật chất, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng điểm đến và các tuyến du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước. Đến nay, toàn thành phố có 572 cơ sở lưu trú với 21.197 phòng; 43 cơ sở dịch vụ đạt chuẩn và 270 đơn vị kinh doanh lữ hành. Đến nay, Đà Nẵng có 83 dự án du lịch dịch vụ đang triển khai đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 7,3 tỷ USD (153,3 nghìn tỷ đồng), trong đó có 20 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 1,28 tỷ USD (tương đương 26,8 nghìn tỷ đồng) và 63 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 6,02 tỷ USD (tương đương 126,4 nghìn tỷ đồng). Đến năm 2016, có 20 đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng đang hoạt động, đưa tổng lượt khách đến Đà Nẵng đạt 5,51 triệu lượt, tăng 17,7% so với năm 2015, trong đó khách quốc tế đạt 1,66 triệu lượt, tăng 31,6 % và khách nội địa đạt 3,89 triệu lượt, tăng 17,7%. Tổng thu du lịch đạt 16 nghìn tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2015, tăng gần gấp 4 lần so với năm 2011 (năm 2011 là 4,6 nghìn tỷ đồng)(2). Giai đoạn 2011 - 2016, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân hằng năm đạt 22,0%. Trong kết quả chung đó, sự đóng góp của nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch có tính chất quyết định đến chất lượng dịch vụ du lịch.

1. Sự phát triển nhân lực du lịch ở thành phố Đà Nẵng

Về số lượng, nhân lực làm việc trong lĩnh vực du lịch ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2016 tăng rất nhanh theo từng năm. Năm 2011 có 14.141 người, đến năm 2016 là 25.083 người, tăng 77,38%, chiếm khoảng 3,2% lực lượng lao động toàn thành phố.

Về khả năng đáp ứng yêu cầu công việc, qua khảo sát, có 60% - 80% nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc, tùy vào từng lĩnh vực cụ thể, tuy nhiên có khoảng 15 - 20% số nhân viên trong lĩnh vực lưu trú, gần 30% số nhân viên trong lĩnh vực lữ hành chưa đáp ứng được các yêu cầu công việc(3).

Cơ cấu nhân lực các lĩnh vực được điều tiết ngày càng hợp lý, bảo đảm tính hiệu quả kinh tế - xã hội. Cơ cấu nhân lực tăng theo tỷ lệ tăng của ngành.

Cơ cấu về độ tuổi, giới tính cũng được cải thiện và phù hợp với tính chất công việc.

Về độ tuổi, lực lượng lao động du lịch phần lớn là trẻ tuổi: độ tuổi dưới 45 chiếm 88,5%, dưới 25 tuổi chiếm 30,9%; độ tuổi 45 - 60 chỉ chiếm 11,5%, chủ yếu thuộc nhóm cán bộ quản lý, điều hành.

Về giới tính, lao động nữ chiếm 51,71%, nam giới 48,29%. Mức độ chênh lệch giới dao động tùy theo ngành nghề cụ thể, những ngành đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỷ, cẩn thận, như các nghề thuộc nhóm ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, chăm sóc sức khỏe,... thì tỷ trọng lao động nữ cao hơn nam. Những nhóm ngành đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe, sức chịu đựng cao như lữ hành hay khu điểm du lịch (hướng dẫn du lịch, lái xe, bảo vệ...), lao động nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn. Cụ thể từng lĩnh vực (năm 2014) được thể hiện ở Hình 1.

Về trình độ, khảo sát lao động du lịch năm 2015 cho thấy, tỷ lệ lao động có trình độ đại học khá cao (21,57%), cao đẳng 12,66%, trung cấp 14,78%, trình độ sau đại học chỉ chiếm 0,74%. Thực tế ngành du lịch là ngành dịch vụ với một số vị trí lao động giản đơn, có tính đặc thù như bộ phận buồng, tạp vụ, cây cảnh, bảo vệ... vì thế tỷ lệ lao động có trình độ văn hóa trung học phổ thông và chưa tốt nghiệp trung học phổ thông khá cao, chiếm trên 50% tổng số lao động của ngành.

Tuy vậy, tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn thấp, chỉ 40,6%, số lao động có chuyên môn khác chiếm 59,4%, riêng lĩnh vực nhà hàng số người làm khác chuyên môn được đào tạo chiếm 83,5%(4).

Trong những năm qua, Sở Du lịch đã phối hợp với các cơ sở đào tạo, các cơ quan quản lý, kiểm tra, cấp mới chứng chỉ tiêu chuẩn nghề (VTOS), nhất là đối với hướng dẫn viên du lịch, yêu cầu chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong quá trình hướng dẫn khách tham quan. Năm 2016, Sở Du lịch đã thực hiện cấp mới và cấp đổi 1.186 thẻ hướng dẫn viên (trong đó cấp mới 723 thẻ), đưa tổng số hướng dẫn viên của thành phố lên 2.598 người (trong đó có 1.551 hướng dẫn viên quốc tế), tăng hơn 4 lần so với năm 2011(5). Đối với lao động thuộc nhóm dịch vụ nhà hàng, khách sạn, lữ hành, Sở Du lịch đã rà soát, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để cấp chứng chỉ nghề du lịch theo tiêu chuẩn VTOS(6).

Về trình độ ngoại ngữ, số lao động đã qua đào tạo ngoại ngữ chiếm 54,2% tổng số nhân lực du lịch. Tuy nhiên, số lao động có trình độ đại học về ngoại ngữ còn ít, hầu hết chỉ có trình độ tiếng Anh chứng chỉ tiếng Anh A, B, C. Các ngoại ngữ khác, như tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Đức, Ý..., chỉ có 2,3% tổng số lao động toàn ngành có khả năng sử dụng.

Về hiệu quả sử dụng lao động: Theo khảo sát từ các doanh nghiệp, tỷ lệ lao động có thể làm việc ngay sau khi tuyển dụng còn chưa cao, số lao động phải đào tạo lại chiếm tỷ lệ tương đối lớn: lĩnh vực khách sạn là 37,4%, lữ hành là 58,5%, cao nhất là nhà hàng 71,2% và khu điểm du lịch là 62,5%(7).

Tùy thuộc vào hiệu quả, vị trí công việc mà thu nhập có sự khác nhau. Theo khảo sát của Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng, mức lương trung bình/tháng của nhân viên khách sạn 4 - 5 sao tại Đà Nẵng khá cao: Trưởng bộ phận là 34 triệu đồng, trợ lý trưởng bộ phận: 16,7 triệu đồng, trợ lý bộ phận: 11 triệu đồng, giám sát: 7 triệu đồng, nhân viên có kinh nghiệm (từ 1 năm trở lên): 4,3 triệu đồng và nhân viên mới vào làm: 3,4 triệu đồng.

2. Những vấn đề đặt ra hiện nay

Nhìn chung, nhân lực du lịch ở thành phố Đà Nẵng cũng như cả nước hiện nay tuy đã tăng về số lượng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt, khan hiếm và chuyển dịch lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao như các vị trí quản lý, điều hành, hướng dẫn viên du lịch. Đặc biệt, vào mùa cao điểm, thiếu hụt nhân lực trầm trọng khiến các cơ sở kinh doanh du lịch phải thuê nhân lực du lịch từ nước ngoài hoặc từ các địa phương khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, làm tăng chi phí nhưng chất lượng dịch vụ khó kiểm soát, thậm chí xuất hiện tình trạng hướng dẫn viên du lịch “chui”, tác động tiêu cực đến thị trường du lịch của thành phố Đà Nẵng.

Nhân lực du lịch được đào tạo đúng chuyên môn, nghiệp vụ còn thấp, hiệu quả lao động, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, chăm sóc khách hàng, trình độ ngoại ngữ chưa cao. Chế độ tiền lương, tiền thưởng và kỷ luật lao động tại nhiều doanh nghiệp chưa tạo được động lực khuyến khích người lao động.

Hệ thống cơ sở đào tạo, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 20 đơn vị có đào tạo về du lịch, song chỉ có Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Nẵng là chuyên đào tạo nghề du lịch, còn các trường khác chỉ có khoa Du lịch. Tuy nhiên, do mới thành lập nên Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Nẵng còn nhiều khó khăn, hằng năm chỉ có khoảng 1.200 sinh viên ra trường nên chưa đáp ứng được nhu cầu lao động du lịch của thành phố. Dự báo đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ đón 8,1 triệu lượt khách, đòi hỏi nhân lực du lịch phải tăng cả về số lượng lẫn chất lượng mới đáp ứng được nhu cầu phát triển của du lịch thành phố.

Mối liên hệ giữa 3 nhà (Nhà nước - Nhà trường - Nhà sử dụng lao động) vẫn còn rời rạc, chưa bài bản. Việc thông tin về định hướng phát triển nhân lực du lịch (nhất là thông tin dự báo nhu cầu lao động, các tiêu chuẩn ngành, nghề) đến các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa thực hiện thường xuyên.

Chương trình đào tạo về du lịch vẫn nặng về lý thuyết, ít thực hành nên sinh viên ra trường còn nhiều bỡ ngỡ, phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Hỗ trợ đào tạo của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch chưa thực sự hiệu quả, các cơ sở đào tạo còn lúng túng khi áp dụng chuẩn nghề du lịch của Việt Nam (VTOS).

3. Một số giải pháp

Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển nhân lực du lịch

Đà Nẵng cần xây dựng hệ thống dữ liệu về thông tin nhân lực du lịch, gồm thực trạng nhân lực hiện tại và dự báo nhu cầu phát triển nhân lực du lịch trong thời gian tới. Đặc biệt, cần đổi mới, làm tốt công tác dự báo cung - cầu lao động du lịch trên địa bàn, trong đó xác định cụ thể số lượng, chức danh, tiêu chuẩn, thời gian dự kiến tuyển dụng. Làm tốt điều này sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cập nhật thông tin, từ đó có kế hoạch phù hợp để phát triển nhân lực cho ngành du lịch.

Hai là, hoàn thiện và ban hành chính sách phát triển nhân lực du lịch

Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần sớm ban hành và hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn nghiệp vụ của lao động trong ngành du lịch làm cơ sở cho việc tuyển dụng, phân công, bố trí lao động một cách bài bản, nghiêm túc; giúp người lao động có định hướng phấn đấu, nâng cao năng lực chuyên môn, cũng như có cơ sở để bảo vệ quyền lợi chính đáng. Ban hành các cơ chế, hướng dẫn thực hiện tốt sự phối hợp ba bên: Nhà nước, cơ sở đào tạo, người sử dụng lao động từ khâu xây dựng kế hoạch, đào tạo, tái đào tạo và sử dụng lao động. Đặc biệt, cần có những chính sách ưu đãi (về nhà ở, môi trường, giáo dục, y tế), chính sách thu hút nhân lực có trình độ, có kinh nghiệm, được đào tạo từ các cơ sở uy tín trong và ngoài nước.

Ba là, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch ở thành phố Đà Nẵng

Mỗi cá nhân cần tự trau dồi cập nhật thường xuyên kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, về đời sống chính trị - văn hóa - xã hội của đất nước. Đồng thời, cần nâng cao kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, thuyết phục, tạo dựng quan hệ với khách hàng. Ngoài ra, mỗi cá nhân làm việc trong lĩnh vực du lịch cần sử dụng được tối thiểu một ngoại ngữ; đồng thời rèn luyện thêm các kỹ năng mềm: hoạt náo, tinh thần đồng đội, kỹ năng hoạt động nhóm.

Về phía doanh nghiệp, cần đánh giá kết quả công việc theo tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS), bao gồm: kỹ năng cá nhân, kỹ năng làm việc, kết quả thực hiện công việc. Sau khi đánh giá, cần tiến hành phân loại lao động theo tiêu chí phù hợp hay không phù hợp, phù hợp với những công việc nào, từ đó, có kế hoạch đào tạo, luân chuyển, hoặc cho thôi việc. Cần ban hành chính sách thưởng - phạt, chế độ tiền lương và kỷ luật lao động, cải thiện điều kiện lao động, xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp, tính dân chủ, ý thức tập thể.

Bốn là, tăng cường hợp tác trong và ngoài nước để phát triển nhân lực du lịch

Thành phố cần phối hợp cùng các cơ quan quản lý về du lịch rà soát, điều chỉnh quy hoạch, mạng lưới cơ sở đào tạo ngành nghề, hoàn thiện chương trình, quy mô, trình độ đào tạo đáp ứng cung - cầu thị trường lao động ngành du lịch. Khuyến khích các hình thức liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch để nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo lại. Liên kết, hợp tác với các trung tâm đào tạo nghề du lịch trong nước và quốc tế để đào tạo, đào tạo lại nhân lực.

Tăng cường phối hợp giữa các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Du lịch với cơ sở đào tạo, với Hiệp hội du lịch để xây dựng mối quan hệ cộng đồng nghề nghiệp, tạo điều kiện để các thành viên trao đổi với nhau về kinh nghiệm quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn, các chương trình, dự án...; nhất là tranh thủ “chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động nông thôn” ở địa phương.

- Tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm về đào tạo nhân lực du lịch giữa các vùng miền, các quốc gia, phát huy thế mạnh mỗi địa phương nhằm thay đổi phong cách, thói quen và đổi mới tiêu chí đánh giá chất lượng nhân lực du lịch, tạo mặt bằng chất lượng thống nhất giữa các vùng miền và các quốc gia đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr.53.

(2), (5) Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng - Sở Du lịch: “Báo cáo kết quả hoạt động du lịch năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017”.

(3), (4), (7) Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - Tổng cục Du lịch: Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ: “Báo cáo kỹ thuật - Nghiên cứu khảo sát lực lượng lao động du lịch năm 2015 khu vực 3 tỉnh duyên hải miền Trung: Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam”, tr.71.

(6) VTOS: Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam là những tiêu chuẩn thực hiện công việc, cần phải đạt được những kiến thức, những kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc một cách có hiệu quả.

 

ThS Lê Thị Thanh Huyền

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền