Trang chủ    Thực tiễn    Phật giáo góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội
Thứ tư, 24 Tháng 1 2018 16:48
4117 Lượt xem

Phật giáo góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội

(LLCT) - Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ lâu đời và đã trở thành một thành tố quan trọng trong đời sống văn hóa của con người Việt Nam. Trải qua tiến trình lịch sử hơn 2000 năm, Phật giáo luôn đồng hành với dân tộc và có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội, góp phần tạo nên bản sắc, cốt cách văn hóa, đóng góp to lớn vào công cuộc dựng nước và giữ nước. Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo tiếp tục có nhiều đóng góp vào công cuộc đổi mới đất nước thông qua các hoạt động phật sự và hoạt động xã hội hướng đến con người, vì con người, trong đó các hoạt động an sinh xã hội là điểm sáng, thể hiện rõ tinh thần “nhập thế giúp đời” của Phật giáo Việt Nam.

Từ trong bản chất, các tôn giáo chân chính đều chứa đựng giá trị nhân bản, nhân đạo và tinh thần hướng thiện. Với Phật giáo, ngay từ khi hình thành đã đề cao tinh thần từ bi, nhân ái, vì cuộc sống hạnh phúc và an lạc của con người. Theo triết lý Phật giáo, mục tiêu của tu hành là giác ngộ và giải thoát, nhưng để thực hiện mục tiêu đó thì đạo phải gắn với đời, “Đạo pháp bất ly thế gian giác”, phải lấy lòng từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha để cứu người và giúp đời. Đặc biệt, Phật giáo luôn đề cao tinh thần hướng thiện một cách thực tế thông qua việc sẻ chia những đau khổ mất mát của con người, cứu giúp con người khi hoạn nạn. Trong Lục độ của Phật giáo (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ), thì bố thí là hạnh đầu tiên phải thực hiện trên con đường giải thoát. Trong Thập thiện, “không trộm cắp mà phải bố thí” là một trong ba điều thiện về thân nghiệp mà mọi phật tử đều phải thực hành. Như vậy, theo tinh thần Phật giáo, việc giúp mình, giúp người trở thành lẽ tự nhiên trên con đường giác ngộ.

Trải qua quá trình lịch sử gắn bó và đồng hành với dân tộc, nhiều triết lý của Phật giáo đã hòa quyện với triết lý sống, giá trị, chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam đến mức nhuần nhuyễn. Chẳng hạn, thuyết nhân quả của Phật giáo đã hòa quyện với lối tư duy của người Việt để tạo thành triết lý sống tưởng đơn giản nhưng mang giá trị nhân văn sâu sắc: “ở hiền gặp lành”, “gieo nhân nào gặt quả ấy”... Hay hạnh Bố thí của Phật giáo khi hòa quyện với tinh thần nhân ái của con người Việt Nam đã hình thành triết lý sống coi trọng việc thực hành điều thiện: “dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”.

Phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, với phương châm “nhập thế giúp đời”, Phật giáo Việt Nam luôn tham gia tích cực vào các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xã hội. Sự tham gia của Phật giáo vào an sinh xã hội ngày càng sâu rộng, với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, đạt hiệu quả cao.

Về phạm vi, Phật giáo tham gia vào tất cả các nội dung chính của an sinh xã hội ở những mức độ khác nhau, bao gồm: bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững; trợ giúp xã hội cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phát triển bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bảo hiểm y tế) và tiếp cận dịch vụ xã hội ở mức tối thiểu (dịch vụ giáo dục, y tế, nhà ở tối thiểu; dịch vụ nước sạch và dịch vụ thông tin). Trước đây, Phật giáo chủ yếu tham gia vào nội dung nhân đạo, từ thiện và hình thức chủ yếu là quyên góp kinh phí để trợ giúp cho đồng bào bị thiên tai, lũ lụt. Việc trợ giúp thường xuyên chủ yếu dành cho một số cơ sở từ thiện (trung tâm bảo trợ, Tuệ Tĩnh đường). Hiện nay, Phật giáo đã mở rộng ra các hoạt động tăng cường giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững; tổ chức trợ giúp cơ bản về giáo dục, y tế và chỗ ở cho người dân.

Về quy mô huy động nguồn lực, mức độ huy động nguồn lực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội không ngừng gia tăng. Trong những năm 1980, mặc dù đời sống của nhân dân cũng như của tăng ni còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng Phật giáo tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào vùng bị bão lụt, thiên tai. Tuy giá trị kinh tế không lớn, nhưng các hoạt động xã hội của Phật giáo thời kỳ này đã góp phần thiết thực vào an sinh xã hội trong bối cảnh khó khăn chung. Kết quả huy động nguồn lực cho các hoạt động từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ nhiệm kỳ III đến nhiệm kỳ VI như sau: Nhiệm kỳ III (1992-1997) là 111,733 tỷ đồng, nhiệm kỳ IV (1997-2002) 296,972 tỷ đồng, nhiệm kỳ V (2002-2007), đạt trên 400 tỷ đồng, nhiệm kỳ VI (2007-2012) lên tới 2.879,432 tỷ đồng, tăng gấp gần 10 lần nhiệm kỳ trước(1). Trong nhiệm kỳ VII, công tác từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo có bước tiến vượt bậc. Chỉ trong 4 năm gần đây (2013-2016), tổng số kinh phí dành cho từ thiện xã hội của Phật giáo đã đạt trên 4 nghìn tỷ đồng, lớn hơn tổng kinh phí của tất cả các nhiệm kỳ trước.

Cùng với sự gia tăng về kinh phí, các hoạt động từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội của Phật giáo ngày càng đa dạng, phong phú. Về bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững, Phật giáo tham gia vào các hoạt động như: xây cầu, đào giếng, làm đường nông thôn, hỗ trợ gia đình chính sách, chiến sĩ biên phòng, nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tham gia ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa, chương trình nghĩa tình biển đảo, ủng hộ quỹ Cựu chiến binh, quỹ nạn nhân chất độc da cam, quỹ người mù, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ hỗ trợ ngư dân, v.v.. Nhiều tự viện, tăng ni, phật tử đã có sáng kiến tặng thẻ bảo hiểm y tế và đóng bảo hiểm xã hội cho người già cô đơn không nơi nương tựa, người nghèo, trẻ mồ côi...

Hoạt động trợ giúp xã hội được đẩy mạnh cả với trợ giúp đột xuất và trợ giúp thường xuyên. Với trợ giúp đột xuất, Phật giáo tập trung vào các hoạt động cứu trợ đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc; thăm và tặng quà cho bệnh nhân trại phong, trại tâm thần, nhà dưỡng lão, người khuyết tật, nạn nhân chất độc màu da cam; tặng xe đạp cho học sinh nghèo; tổ chức bếp ăn từ thiện, nồi cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo, v.v.. Cùng với trợ giúp xã hội trong nước, năm 2015, Giáo hội Phật giáo còn phát động đợt quyên góp cứu trợ động đất ở Nêpan với số tiền quyên góp tương đương 552.700 USD và 4700 rupi. Bên cạnh đó, Phật giáo ngày càng chú trọng tới các hoạt động bảo trợ thường xuyên, mang tính bền vững: hình thành được hệ thống trường nuôi dạy trẻ, chăm sóc người già cô đơn, không nơi nương tựa, như: Tại Hà Nội có Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ bị nhiễm HIV chùa Bồ Đề; Lớp học tình thương chùa Đồng Cựu; thành phố Hồ Chí Minh có 5 trường nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật; 4 cơ sở chăm sóc người già neo đơn, 13 lớp tình thương; Thừa Thiên - Huế có Trường dạy nghề miễn phí Tây Linh, trường mầm non tư thục Diệu Đế, trường mẫu giáo từ thiện Phú Lộc, v.v.. Nhìn chung, các cơ sở bảo trợ xã hội của Phật giáo khá khang trang, tiện ích. Hoạt động bảo trợ xã hội thường xuyên của Phật giáo đã đi vào nền nếp và mang lại hiệu quả cao.

Một trong những hoạt động hướng đến cộng đồng của Phật giáo được đánh giá cao là tổ chức các hoạt động trợ giúp cơ bản về y tế và chỗ ở cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Về chỗ ở, các chùa, tự viện là nơi thường xuyên tiếp nhận các cảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh, không nơi nương tựa. Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, tăng, ni, phật tử trong cả nước đã nhiệt tình hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trao tặng nhà tình nghĩa, tình thương cho các mẹ, các thương binh, bệnh binh, người nghèo neo đơn, xây dựng trung tâm bảo trợ dành cho người già neo đơn, trẻ em khuyết tật,... Về trợ giúp y tế, tăng ni, phật tử nhiều nơi đã hăng hái tham gia các hoạt động hiến máu nhân đạo; quyên góp hỗ trợ mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân bị đục thủy tinh thể; tổ chức các bếp ăn từ thiện, nồi cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo, v.v.. Nhiều nơi, Ban Trị sự Phật giáo đã thành lập trung tâm tư vấn, hỗ trợ người bị nhiễm HIV/AIDS. Đặc biệt, hệ thống Tuệ Tĩnh đường, phòng khám đông y hoạt động rất hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho mọi người. Hiện nay, Phật giáo có 150 Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị y học dân tộc, 1 phòng khám đa khoa và hàng trăm nhà thuốc nam, phòng châm cứu đang hoạt động ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau,... Các cơ sở y tế này đã thực hiện khám bệnh và phát thuốc, châm cứu, bấm huyệt cho hàng chục nghìn lượt người bệnh.

Có thể khẳng định, các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội của Phật giáo ngày càng tăng về quy mô, mở rộng về đối tượng thụ hưởng, phong phú, đa dạng về hình thức thể hiện và linh hoạt, sáng tạo trong cách thức tiến hành. Quá trình hoạt động đã có sự phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đặc biệt, đã thu hút được sự tham gia không chỉ của tăng, ni, phật tử mà còn của đông đảo người dân, doanh nghiệp, góp phần chia sẻ gánh nặng với Nhà nước trong việc giải quyết vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội; cùng Nhà nước và xã hội chung tay vì một xã hội tốt đẹp, mọi người dân có cuộc sống hạnh phúc.

Tuy nhiên, sự tham gia của Phật giáo vào hoạt động an sinh xã hội hiện vẫn còn một số bất cập. Mặc dù các hoạt động xã hội của Phật giáo rất đa dạng, phong phú nhưng hầu hết chỉ tập trung vào khía cạnh nhân đạo, từ thiện mà chưa chú ý đúng mức tới phương diện thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Tính kết nối hệ thống trong hoạt động xã hội từ thiện của Phật giáo chưa cao. Trình độ tổ chức của đội ngũ làm công tác bảo trợ xã hội còn hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp. Kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên, nhân viên trong một số cơ sở y tế, giáo dục, dạy nghề của Phật giáo còn hạn chế. Các cơ sở dạy nghề còn phân tán, nhỏ lẻ về quy mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, vì vậy chỉ mới đào tạo được những nghề giản đơn. Trong hoạt động bảo trợ, chưa huy động cao độ tiềm năng và các nguồn lực xã hội; một số cơ sở còn lúng túng, vướng mắc trong các hoạt động bảo trợ có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, do thiếu hiểu biết và thiếu sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể địa phương, nên đã có cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật bị lợi dụng, dẫn đến các hoạt động vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của Phật giáo. Vì vậy, để phát huy hơn nữa vai trò của Phật giáo trong công tác an sinh xã hội, một mặt đòi hỏi Giáo hội Phật giáo phát huy hơn nữa tinh thần “khế lý, khế cơ”, đổi mới các hoạt động để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xã hội, mặt khác rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và của cả cộng đồng xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, Phật giáo có thêm những cơ duyên mới để tăng cường các hoạt động an sinh xã hội, đóng góp nhiều hơn cho cuộc sống an bình, hạnh phúc của nhân dân.

Trước hết, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo đã thổi luồng gió mới vào hoạt động tôn giáo, đặc biệt là hoạt động của Phật giáo. Từ Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo trong giai đoạn mới (1990), qua các kỳ Đại hội Đảng, quan điểm, chính sách đổi mới của Đảng đối với tôn giáo ngày càng được hoàn thiện. Đảng vừa khẳng định quan điểm nhất quán là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, xây dựng khối đoàn kết giữa đồng bào có đạo và không theo đạo, giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời chủ trương phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong tôn giáo; khuyến khích các hoạt động tôn giáo ích nước, lợi dân, tốt đời, đẹp đạo. Chủ trương, chính sách của Đảng đối với tôn giáo đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, pháp luật, đặc biệt là trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo (2004) và trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (có hiệu lực từ 1-2018), tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát triển và thúc đẩy xu hướng thế tục hóa. Với tinh thần “khế lý, khế cơ”, Phật giáo đã nhanh chóng nắm bắt cơ duyên mới để hoằng dương Phật pháp, đồng thời tăng cường tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội.

Hai là, an sinh xã hội trở thành vấn đề cấp bách cần tập trung giải quyết để bảo đảm phát triển bền vững. Quá trình đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục: tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng; đời sống của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, biến đổi khí hậu, thiên tai,... đang đặt ra hàng loạt vấn đề xã hội, như: tình trạng thiếu việc làm, mất đất sản xuất và điều kiện sinh kế gặp nhiều khó khăn, tình trạng tái nghèo, thiếu khả năng chăm sóc sức khỏe,... Trong khi đó, nguồn lực của Nhà nước để bảo đảm an sinh xã hội còn hạn chế; hệ thống an sinh xã hội hiện còn phân tán, chồng chéo và hiệu quả chưa cao. Trong bối cảnh đó, rất cần sự tham gia của toàn xã hội vào an sinh xã hội. Ở Việt Nam, Phật giáo là một tôn giáo lớn, không chỉ có số lượng tín đồ đông đảo nhất, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, đó là điều kiện thuận lợi để Phật giáo tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội, góp phần chia sẻ gánh nặng với Nhà nước.

Ba là, chủ trương, chính sách an sinh xã hội ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện để các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng thuận lợi hơn trong việc tham gia vào công tác an sinh xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước ta ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác an sinh xã hội. Văn kiện Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Bảo đảm an sinh xã hội... trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương”(2), Nghị quyết số 15 của Đảng về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” đề ra yêu cầu “Chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ”. Cụ thể hóa quan điểm đó, Chính phủ đã xây dựng Chương trình hành động với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân nhằm bảo đảm việc làm, thu nhập tối thiểu của mỗi người dân; tăng số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội; trợ giúp cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; bảo đảm để người dân tiếp cận được với các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội”(3), đồng thời đề ra nhiều chủ trương mới trong lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội, như: Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân; đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả và tiếp cận phương pháp đánh giá theo chuẩn nghèo đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế. Chủ trương, chính sách an sinh xã hội của Đảng rất phù hợp với tinh thần từ bi, hướng thiện của Phật giáo, đặc biệt, chủ trương xã hội hóa công tác an sinh xã hội tạo điều kiện rất thuận lợi để Phật giáo tham gia vào các nội dung của công tác này.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa công tác an sinh xã hội, tăng cường tính hệ thống, kết nối trong hoạt động xã hội; tăng cường sự phối hợp với chính quyền, các đoàn thể nhân dân; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động an sinh xã hội của cơ sở. Về phía các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, cần tăng cường hơn nữa sự định hướng và phối hợp với Giáo hội Phật giáo trong các hoạt động xã hội, bảo đảm các hoạt động đúng với tôn chỉ, mục đích trong Hiến chương của Giáo hội, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và quy định, pháp luật của Nhà nước.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017

(1) Dẫn theo: Nguyễn Thanh Xuân (chủ biên): Tôn giáo và Chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2015, tr.384-385.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 228.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.137.

 

PGS, TS LÊ VĂN LỢI

Vụ Quản lý khoa học,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền