Trang chủ    Thực tiễn    Sự chuyển biến trong sinh hoạt tín ngưỡng của người H’Mông ở Sơn La hiện nay
Thứ tư, 24 Tháng 1 2018 16:50
5764 Lượt xem

Sự chuyển biến trong sinh hoạt tín ngưỡng của người H’Mông ở Sơn La hiện nay

(LLCT) - Người H’Mông ở Sơn La, cũng như nhiều địa phương khác ở Việt Nam, đặc biệt tin tưởng vào sức mạnh chi phối của các vị thần linh, được đồng bào gọi chung là “ma” đối với cuộc sống của con người. Các vị thần linh của người H’Mông, chủ yếu thuộc hai nhóm là “ma tổ tiên” (nhân thần) và “ma tự nhiên” (nhiên thần), có quyền năng rất lớn, có thể ban phúc hay giáng họa cho con người. Sự ban phúc hay giáng họa hoàn toàn phụ thuộc vào cách ứng xử của con người đối với các vị thần linh. Do vậy, người H’Mông phải thực hành nhiều nghi lễ thờ cúng thần linh định kỳ hay đột xuất để tạ ơn khi gặp điều may mắn hay giải hạn khi gặp điều tai ương, cầu mong điều tốt đẹp trong cuộc sống.

1. Tín ngưỡng truyền thống của người H’Mông ở Việt Nam

Người H’Mông ở Sơn La, cũng như nhiều địa phương khác ở Việt Nam, đặc biệt tin tưởng vào sức mạnh chi phối của các vị thần linh, được đồng bào gọi chung là “ma” đối với cuộc sống của con người. Các vị thần linh của người H’Mông, chủ yếu thuộc hai nhóm là “ma tổ tiên” (nhân thần) và “ma tự nhiên” (nhiên thần), có quyền năng rất lớn, có thể ban phúc hay giáng họa cho con người. Sự ban phúc hay giáng họa hoàn toàn phụ thuộc vào cách ứng xử của con người đối với các vị thần linh. Do vậy, người H’Mông phải thực hành nhiều nghi lễ thờ cúng thần linh định kỳ hay đột xuất để tạ ơn khi gặp điều may mắn hay giải hạn khi gặp điều tai ương, cầu mong điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Thờ cúng thần linh tổ tiên, cả phạm vi gia đình lẫn phạm vi gia tộc, là nghi lễ quan trọng nhất trong văn hóa tâm linh truyền thống của người H’Mông. Nghi lễ này thể hiện trước hết ở đám tang (ông bà, bố mẹ) và các lễ cúng “ma bò” và “ma lợn”. Bên cạnh đó, tổ tiên của người H’Mông còn được thờ cúng trong các nghi lễ mừng năm mới, cưới xin, đặt tên trẻ sơ sinh, đặt tên người trưởng thành, vào nhà mới, cơm mới, gọi vía, thả hồn, đuổi ma,v.v..(1).

Trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên người H’Mông, tín ngưỡng liên quan đến dòng họ có vai trò quan trọng nhất, trở thành nét đặc thù trong đời sống tâm linh của tộc người này. Nét đặc thù tín ngưỡng liên quan đến dòng họ của người H’Mông thể hiện ở các nghi lễ trong tang ma (cách đặt hướng mộ, cách chôn cất người chết...); trong các vật thiêng hay những điều cấm kỵ mang đậm dấu ấn Tôtem giáo (dòng họ Giàng kiêng ăn quả tim các con vật, dòng họ Ly kiêng ăn lá lách các con vật, dòng họ Lầu kiêng ăn chim xanh Đa lâu...); đặc biệt là số lượng phần thịt cúng, bát thịt bày cúng và cách thức xếp các phần thịt cúng trong ba nghi lễ “ma bò”, “ma lợn” và “ma cửa” (hoàn toàn khác nhau với những biểu trưng ký hiệu tín ngưỡng rất phức tạp giữa các dòng họ)(2).

Thờ cúng thần linh tự nhiên của người H’Mông được thực hiện ở hai phạm vi gia đình và bản làng xuất phát từ quan niệm, các loại ma này có chức năng bảo vệ con người và của cải trong một nhà, một bản hay một vùng. Ở phạm vi gia đình, đó là các lễ cúng thần nhà, thần cửa, thần bếp,v.v.. Ở phạm vi bản làng, đó là các lễ cúng thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối,v.v..

Thần linh tự nhiên thường được cúng lễ vào ngày đầu năm mới để tạ ơn các “ma” đã giúp gia đình hoặc bản làng tránh khỏi những điều xấu, ác trong năm qua, phù hộ những điều tốt đẹp cho năm mới. Bên cạnh lễ mừng năm mới, việc thờ cúng các vị thần tự nhiên của người H’Mông còn được thực hiện trong một số nghi lễ khác, mà thần nhà và thần cửa là hai ví dụ điển hình. Hai vị thần tự nhiên này được người H’Mông thờ cúng một cách trang trọng vào dịp cưới xin, tang ma hay vào nhà mới(3).

Nhìn chung, xuất phát từ tâm thái vừa “Kính” vừa “Sợ” các vị thần linh, trước hết là ma tổ tiên, người H’Mông luôn tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống một cách chu đáo nhất, thể hiện trên nhiều phương diện như: quàn thi thể người chết (không đưa vào áo quan) lâu ngày trong nhà, giết nhiều trâu, bò, lợn, gà để cúng lễ (nhất là với những người cao tuổi và có nhiều đóng góp với gia đình và dòng họ(4)),v.v.. 

Một thành tố quan trọng nữa trong đời sống tâm linh truyền thống người H’Mông là Saman giáo, một hình thức tôn giáo cổ xưa thông qua người môi giới để giao tiếp với thần linh, qua đó nhờ thần linh giúp đỡ những điều mình mong muốn.

Saman giáo ở người H’Mông hình thành trên cơ sở quan niệm nguyên nhân các loại bệnh tật của con người đều do sự nổi giận của thần linh. Do đó, khi gặp phải bệnh tật, người H’Mông sẽ mời thầy pháp Saman (người có thể liên hệ với thế giới thần linh, thấu hiểu và hóa giải sự nổi giận của các thần linh đối với con người), đến nhà bệnh nhân để tiến hành lễ chiêu binh tìm ma. Sau khi xuất hồn tìm gặp tổ Xyz Zi (theo truyền thuyết là một người vô cùng tài giỏi chuyên ra tay cứu chữa tất cả người H’Mông sống lại, bị ông Trời bày kế lừa lên trên trời), thầy pháp Saman cho gia chủ biết nguyên nhân của bệnh tật cùng với đồ tế lễ phải chuẩn bị để chuộc lỗi với thần linh. Sau khi biết được loại ma làm hại và đồ tế lễ tương ứng, thầy pháp Saman tiến hành lễ cúng giải. Trong lễ cúng giải, thầy pháp Saman xuất hồn tìm gặp và thỉnh mời ma gây hại về nhận đồ tế lễ, cũng như đi cùng trời cuối đất tìm hồn người bệnh trở về.  

Bên cạnh đó, thầy pháp Saman còn giúp phát hiện những kẻ vô tình hay cố ý sai phạm luật tục, nghi lễ của dòng họ, của dân tộc. Chỉ có thầy pháp Saman mới giúp được người phạm lỗi chuộc tội với thần linh và sửa sai cho người ấy. Vì thế, thầy pháp Saman luôn là một thành viên không thể thiếu trong đời sống tâm linh và đời sống xã hội của người H’Mông cho dù họ không có vị trí cao trong xã hội(5).

Trong đời sống tâm linh của người H’Mông còn có một hiện tượng vừa mang tính tôn giáo vừa mang tính thế tục tồn tại lâu đời ở các vùng người H’Mông, đó là việc “xưng vua”.

Các cuộc “xưng vua” của người H’Mông không chỉ xuất phát từ các yếu tố tâm linh, mà còn từ yếu tố lịch sử và tâm lý tộc người đặc thù. Sự luyến tiếc quá khứ huy hoàng, ước mong một cuộc sống tốt đẹp, kết hợp với sự tác động mạnh mẽ của Đạo giáo phù thuỷ khiến nhiều người H’Mông hoang tưởng về sự xuất hiện của một vị cứu tinh, là một ông vua hay một vị thủ lĩnh, vô cùng tài giỏi sẽ đem lại cuộc sống sung sướng cho tộc người này(6).

Hiện tượng “xưng vua” của người H’Mông có những đặc điểm sau: Thứ nhất, người đứng ra “xưng vua” không bao giờ nhận mình là vua H’Mông, mà luôn tự nhận ở một vị trí thấp hơn và gần gũi với vua H’Mông bằng những tên gọi khác nhau như “con của vua”, “người được sai khiến”, “người được thừa hành”, “người truyền đạt” của vua. Thứ hai, vua H’Mông trong các cuộc “xưng vua” là một hình tượng không có thật, được thần thánh hóa trở thành một người có nhiều pháp thuật cao siêu và huyền bí để người H’Mông tin tưởng đi theo và ủng hộ hành động “xưng vua”. Thứ ba, niềm tin sâu sắc người H’Mông sẽ có cuộc sống sung sướng gắn với hình ảnh “vua Mèo ra”, “vua H’Mông về” chính là sự hấp dẫn của các cuộc “xưng vua” và thể hiện sự khát khao mà người H’Mông luôn muốn hướng tới. Thứ tư, từ nửa sau thế kỷ XX, hành động “xưng vua”, vốn diễn ra bình thường trong đời sống xã hội của người H’Mông vào từng thời điểm không nhất định, đã bị các thế lực xấu lợi dụng khiến hiện tượng này trở nên phức tạp(7).

2. Tình hình tôn giáo, tín ngưỡng của người H’Mông ở Sơn La hiện nay

Từ cuối thập niên 80 thế kỷ XX, do chịu sự tác động mạnh mẽ của bối cảnh quốc tế và trong nước, đời sống tôn giáo tín ngưỡng của người H’Mông ở Sơn La phân rẽ theo hai nhóm chính: giữ tín ngưỡng truyền thống và theo các tôn giáo lớn.

Về nhóm thứ nhất, tín ngưỡng truyền thống rõ ràng là một yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa truyền thống người H’Mông, duy trì và củng cố vững chắc mối quan hệ thân tộc và cố kết cộng đồng giúp cho người H’Mông vượt qua những hoàn cảnh khắc nghiệt trong cuộc sống. Do vậy, đại bộ phận người H’Mông ở Sơn La hiện nay (trên 98%)(8) vẫn bảo lưu các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống.

Về nhóm thứ hai, Công giáo chính thức truyền vào người H’Mông ở Sơn La từ năm 1986 (bản Tạng Sỏn, xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã). Tính đến tháng 12-2016, trên địa bàn Sơn La có 4.306 người H’Mông theo Công giáo (chiếm 0,03% dân số người H’Mông toàn tỉnh). Đạo Tin lành xuất hiện trong cộng đồng người H’Mông ở Sơn La từ năm 1987 (bản Ít Lót, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã; bản Tạng Sỏn, xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã). Tính đến tháng 12-2016, trên địa bàn Sơn La có 11.779 người H’Mông theo đạo Tin lành (chiếm 0,09% tổng dân số người H’Mông toàn tỉnh). Tổng số đồng bào dân tộc H’Mông ở Sơn La theo Công giáo và đạo Tin lành là 16.085 người (chiếm 0,12% dân số người H’Mông toàn tỉnh)(9).

Tính đến năm 2017, đạo Tin lành đã chính thức truyền nhập vào vùng người H’Mông ở Sơn La được 30 năm; Công giáo cũng có khoảng thời gian tương tự, thậm chí có thể lâu hơn(10). Điều này cho thấy, việc một bộ phận không nhỏ người H’Mông ở Sơn La, cũng như ở nhiều địa phương khác, cải đổi tôn giáo tín ngưỡng là một nhu cầu thực tế. Nhu cầu cải đổi ấy đã xuất hiện từ giữa thập niên 20 thế kỷ XX với một bộ phận người H’Mông theo Công giáo(18) (gốc từ hai bản Hầu Thào và Lao Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai hiện nay), thực sự rõ rệt từ cuối thập niên 80 thế kỷ XX với sự gia tăng đột biến và bất thường với số lượng khá lớn theo đạo Tin lành. Bên cạnh đó, từ hai thập niên đầu thế kỷ XXI (thời điểm thành lập tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang,...) đã có một số lượng rất nhỏ người H’Mông theo Phật giáo(12).

Việc cải đổi từ tín ngưỡng truyền thống sang Công giáo, đạo Tin lành ở Sơn La trong khoảng 10 - 15 năm đầu đã gây ra những mâu thuẫn khó tránh khỏi giữa cộng đồng người H’Mông cùng dòng họ, bản làng với nhau, chủ yếu do sự khác biệt trong thực hành các nghi lễ, nhất là tang ma. Bố mẹ qua đời, anh em con cháu họ hàng hai bên ít đến chịu tang, làm ma. Cộng đồng người H’Mông theo đạo Tin lành và Công giáo không thờ cúng ma tổ tiên, ma nhà, ma cửa. Vai trò của người có uy tín trong đời sống xã hội và đời sống tâm linh của người H’Mông chuyển từ trưởng họ, trưởng bản, già làng, thầy pháp Saman (thường là cao niên) sang người đứng đầu các điểm nhóm đạo và người tích cực truyền đạo (thường là thanh niên),v.v.(13).

Trước thực tế đó, chính quyền và người dân Sơn La đã có những giải pháp nhằm thực hiện nếp sống văn hóa mới, bảo vệ thuần phong mỹ tục, khuyến khích các lễ nghi lành mạnh và tiết kiệm, chú trọng giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường, không học đạo và truyền đạo trái phép,... trong cộng đồng người H’Mông trên địa bàn toàn tỉnh.

Về phía người dân, việc hạn chế các nghi lễ và tập quán lỗi thời trong sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống thể hiện qua sự chủ động cải sửa trong từng gia đình, từng dòng họ, nhất là trong quy ước các bản làng người H’Mông. Không chỉ có những quy ước ở từng bản làng, việc cải sửa sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống của người H’Mông còn được quy định trong các quy ước liên bản, liên xã, liên huyện, tiêu biểu nhất là “Quy ước 21 bản H’Mông” ở khu vực giáp ranh 3 huyện Yên Châu, Bắc Yên và Mộc Châu(14).

Nội dung “Quy ước 21 bản H’Mông” đề cập đến nhiều mặt đời sống xã hội của cộng đồng người H’Mông, trong đó có sinh hoạt tín ngưỡng.

Về phía chính quyền, việc giữ gìn các giá trị văn hóa tốt đẹp, bài trừ các hủ tục lạc hậu là những nội dung quan trọng của “Bản cam kết 5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc H’Mông được thông qua tại Hội nghị bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng họ, già làng, người có uy tín dân tộc H’Mông toàn tỉnh do Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La tổ chức vào tháng 3-2007. Văn bản này, sau khi được các đại biểu tham dự hội nghị ký cam kết thực hiện, đã được phát hành đến tất cả các hộ người H’Mông trên địa bàn Sơn La để thực hiện.

Đề cập đến vấn đề sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, “Bản cam kết 5 có, 5 không” nêu rõ: “Có nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc H’Mông” (mục 3, phần “5 có”); “Không truyền đạo trái phép và trái với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Không để người chết nhiều ngày, không để ngoài áo quan và mổ nhiều trâu, bò” (mục 2 và mục 3, phần “5 không”)(15).

Thực tiễn triển khai “Quy ước 21 bản H’Mông”, “Bản cam kết 5 có, 5 không” trong những năm qua cho thấy, đời sống xã hội và đời sống tâm linh của người H’Mông ở Sơn La đã có những chuyển biến tích cực, nếp sống văn hóa mới dần hình thành, nhiều hủ tục lạc hậu dần bị đẩy lùi hoặc bị loại bỏ.

Nhiều nghi lễ tín ngưỡng được cộng đồng người H’Mông ở Sơn La tự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, như giảm bớt số lượng đồ cúng lễ, kết hợp nhiều loại hình chữa trị người ốm đau bệnh tật theo hướng chú trọng y học hiện đại và y học dân gian, thời gian tiến hành tang lễ giảm xuống còn 2 ngày, đặc biệt là việc đưa người chết vào áo quan ngay trong nhà sau khi làm xong các nghi lễ theo phong tục truyền thống.

Kết quả tích cực từ việc cải sửa những hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống còn góp phần tạo ra sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống không chỉ giữa các thành viên trong cộng đồng người H’Mông giữ tín ngưỡng truyền thống, mà còn giữa họ với những người H’Mông theo đạo Tin lành và Công giáo ở Sơn La.

Đời sống tôn giáo tín ngưỡng của người H’Mông ở Sơn La hiện nay đang biến chuyển mạnh mẽ dưới sự tác động của bối cảnh thời đại mới. Trong đó, sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống của đồng bào nhìn chung diễn ra theo chiều hướng tích cực, vừa bảo tồn và phát huy những yếu tố tốt đẹp, vừa hạn chế và loại bỏ những yếu tố lỗi thời; vừa lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình, vừa tiếp thu văn hóa mới của nhân loại. Sự biến chuyển tích cực trong sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống của người H’Mông góp phần duy trì khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định chính trị - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào trên địa bàn Sơn La.

Có thể nói, “Quy ước 21 bản H’Mông” và “Bản cam kết 5 có, 5 không” là sự gặp nhau giữa “lòng Dân” với “ý Đảng”. Tính hiệu quả của hai văn bản này trên thực tế những năm qua cho thấy sự hợp lý trong việc điều hòa giữa luật pháp (quốc gia) với luật tục (người H’Mông), cũng như sự hỗ trợ của luật tục (người H’Mông) cho luật pháp (quốc gia). Do vậy, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền và cộng đồng người H’Mông ở Sơn La cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, thường xuyên điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phù hợp hơn nữa với thực tiễn đời sống của đồng bào dân tộc.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017

(1) Về những nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở cấp độ gia đình và cấp độ dòng họ, xem: Vương Duy Quang (2005), Văn hóa tâm linh của người H’Mông ở Việt Nam: truyền thống và hiện đại, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2015, tr.95-101; Thào Xuân Sùng chủ biên (2009), Dân tộc H’Mông Sơn La với việc giải quyết vấn đề tín ngưỡng tôn giáo hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.29-31.

(2) Về số lượng phần thịt, bát thịt bày cúng và cách thức xếp các phần thịt trong các lễ cúng “ma bò”, “ma lợn” và “ma cửa”, xem: Vương Duy Quang (1980), Quan hệ dòng họ của người H’Mông Hoa xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Hoàng Liên Sơn, Luận văn tốt nghiệp chuyên ngành Dân tộc học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Lê Tâm Đắc (1994), Quan hệ dòng họ của người H’Mông ở xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, Luận văn tốt nghiệp chuyên ngành Dân tộc học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Vương Duy Quang (2005), Văn hóa tâm linh của người H’Mông ở Việt Nam..., sđd, tr.111-126.

(3) Quan niệm của người H’Mông về vai trò và chức năng của các vị thần tự nhiên trong cộng đồng tộc người này, xem: Nguyễn Văn Thắng chủ biên (2009), Giữ “Lý cũ” hay theo “Lý mới”: Bản chất của những cách phản ứng khác nhau của người Hmông ở Việt Nam với ảnh hưởng của đạo Tin lành, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.63; Vương Duy Quang (2005), Văn hóa tâm linh của người H’Mông ở Việt Nam..., sđd, tr.101-105. 

(4) Thào Xuân Sùng chủ biên (2009), Dân tộc H’Mông Sơn La..., sđd, tr.29-30.

(5), (6), (7), (11), (13) Vương Duy Quang (2005), Văn hóa tâm linh của người H’Mông ở Việt Nam..., sđd, tr.136-147, 38-43, 43-46, 47-55.

(8), (9) Số liệu do Ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La cung cấp: Tài liệu điền dã cá nhân tháng 6-2017.

(10) Theo Linh mục Nguyễn Ngọc Ngoạn, linh mục chính xứ Giáo xứ Điện Biên (tỉnh Điện Biên), người H’Mông ở Sơn La cũng như ở Điện Biên theo Công giáo trước hếttừ một bộ phận đồng tộc di cư hoặc có quan hệ hôn nhân và quan hệ họ hàng với nhóm người H’Mông ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai hiện nay) theo đạo từ giữa thập niên 20 thế kỷ XX. Cho nên, niên điểm đầu tiên người H’Mông ở Sơn La theo Công giáo có thể sớm hơn nhiều so với mốc năm 1986. Tài liệu điền dã cá nhân vào tháng 10-2016.

(12) Theo thông tin từ Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sơn La, Phật giáo đã truyền bá vào một bộ phận rất nhỏ người H’Mông chủ yếu ở hai huyện Vân Hồ và Mộc Châu, tỉnh Sơn La (Tài liệu điền dã cá nhân tháng 3-2017). Đây là dấu hiệu chung của Phật giáo ở một số địa phương vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng,v.v.. Tuy nhiên, Phật giáo rất khó tồn tại và phát triển trong cộng đồng người H’Mông ở Sơn La hay bất kỳ một địa phương nào khác trong cả nước do những đặc tính của cả phía người H’Mông lẫn phía Phật giáo (chúng tôi phân tích trong một chuyên đề khác).

(14) 21 bản người H’Mông gồm: Bó Kiếng, Chi Đảy, Hang Hóc, Co Sáy (xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu); Khau Khoang, Ôn Ốc (xã Mường Lựm, huyện Yên Châu); Nóng Pết, Bó Mon, Co Tong, Cay Ton (xã Tú Nang, huyện Yên Châu); Na Lù, Hang Căn (xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu); Nóng Khéo, Pá Sang (xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu); Suối Pứng, Nặm Lin (xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên), Suối Trắng A (xã Chiềng Sạy, huyện Bắc Yên), Suối Trắng B (xã Phiêng Côn, huyện Bắc Yên); Suối Khoang, Pá Đông (xã Chiềng Hặc, huyện Mộc Châu), Sa Lũ (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu).

(15) Chá A Của (2016), Xây dựng dòng họ “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc H’Mông ở Sơn La, Tạp chí Dân vận, số 11, tr.44. Cần nói thêm, “Quy ước 21 bản H’Mông nhiệm kỳ 2010-2014” đã bổ sung kịp thời một số nội dung của “Bản cam kết 5 có, 5 không”. Cụ thể, Điều 7 quy định: “Không du canh du cư, không vượt biên trái phép; Không học đạo và truyền đạo trái phép, không đúng với phong tục, tập quán dân tộc H’Mông...”. Ban Quản lý Quy ước 21 bản H’Mông (2009), Biên bản bổ sung Quy ước 21 bản H’Mông nhiệm kỳ 2010-2014, tr.5.

TS Lê Tâm Đắc

Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền