Trang chủ    Thực tiễn    Tỉnh Quảng Ngãi phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững
Thứ năm, 25 Tháng 1 2018 11:26
3781 Lượt xem

Tỉnh Quảng Ngãi phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững

(LLCT)  - Quảng Ngãi là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, có những điều kiện thuận lợi và khó khăn nhất định trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ năm 2005 đến năm 2017, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng CNH, HĐH gắn với xây dựng và giải quyết tốt vấn đề nông thôn và nông dân.

 

1. Được tái lập vào năm 1989, là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi luôn xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung. Vận dụng đường lối của Đảng trong lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVII (12-2005) đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo bước chuyển về chất của nền sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững là nhiệm vụ rất quan trọng”1. Đến Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII (9-2010), xuất phát từ thực tiễn địa phương, Đảng bộ tỉnh nhấn mạnh: “phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với giải quyết tốt vấn đề nông thôn và nông dân coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến”2. Đảng bộ tỉnh cũng chú trọng phát huy lợi thế kinh tế vùng trong nông nghiệp: vùng đồng bằng lấy phát triển vùng cây, con, nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến; vùng ven biển, hải đảo lấy ngành thủy sản làm chính, phát triển ngành muối phục vụ cho công nghiệp và tiêu dùng; vùng miền núi trọng tâm là lâm nghiệp.

Thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng bộ, từ năm 2005 đến 2015, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp trên từng lĩnh vực.

Ngày 15-12-2006, Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 08-KL/TU về “Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến giai đoạn 2006-2010”, với mục tiêu: “Hình thành và phát triển các vùng sản xuất cây nguyên liệu tập trung, chuyên canh theo hướng bền vững trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng về đất đai, lao động, nguồn vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm đáp ứng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, góp phần quan trọng tăng thu nhập cho người lao động, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội”3.

Về nội dung định hướng phát triển lâm nghiệp, Tỉnh ủy có các văn bản: Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 7-12-2006, “Về phát triển kinh tế-xã hội các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2006-2010”; Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 13-10-2011, “Về đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2011-2020”; Chỉ thị số 41-CT/TU, ngày 11-6-2015, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh”... Các văn bản trên tập trung đề ra các chủ trương, biện pháp để khai thác, đẩy mạnh lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng, nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế lâm nghiệp nói riêng và kinh tế-xã hội miền núi nói chung. 

Liên quan đến phát triển ngành thủy sản, ngày 15-12-2006, Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 07-KL/TU về “Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển toàn diện ngành thủy sản giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2015”, trong đó xác định mục tiêu: “Phát triển kinh tế thủy sản toàn diện trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến gắn với phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa... góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, giữ vững quốc phòng, an ninh, khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái biển”4. Ngày 29-6-2007, Tỉnh ủy đề ra Chương trình hành động số 15-CTr/TU “Về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” xác định mục tiêu đến năm 2020: “Đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh mạnh về biển, làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, đảo”5.

Để phát triển các nguồn lực phục vụ cho kinh tế nông nghiệp, Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản: Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 3-8-2006, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới”; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 7-5-2007, “Về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến 2015”;  góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh và trình độ, kỹ năng của người nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn, giải quyết vấn đề nông dân, ngày 19-11-2008, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 29-CTr/TU về việc “Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Tập trung phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH; phát triển nhanh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn nhất là các huyện miền núi và các vùng khó khăn của tỉnh...6.

Thực hiện chủ trương của Đảng vàQuyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10-6-2013, về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, ngày 8-4-2015, Tỉnh ủy có Thông báo số 1120-TB/TU “Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020” đóng góp một số ý kiến và chỉ đạo hoàn thiện đề án.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, HĐND, UBND các cấp, các sở, ban, ngành có liên quan đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện chủ trương của Đảng bộ. Tiêu biểu như: Quyết định số 441/QĐ-UBND, ngày 25-9-2009, của UBND tỉnh, về “Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”;Quyết định số 148/QĐ-UBND, ngày 25-5-2015, về “Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020”... Các cấp, các ngành trong tỉnh đã nghiêm túc quán triệt và cụ thể hóa chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng CNH, HĐH của Đảng bộ, đưa chủ trương vào thực tế nhằm phát huy hiệu quả cao nhất.

2. Qua hơn 10 năm thực hiện chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng bộ, kinh tế nông nghiệp Quảng Ngãi, giai đoạn 2005-2017, có sự phát triển rõ nét. Tốc độ tăng trưởngcao và cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH. “Sản xuất nông, lâm, thủy sản Quảng Ngãi giai đoạn 2005-2010 tăng bình quân hằng năm đạt 3,76%”7, đến “giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 5,3%, cao hơn giai đoạn 2005-2010 là 1,66%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra là 0,9%”8. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm trong ngành nông nghiệp, tăng trong lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ trọng toàn ngành nông nghiệp trong nền kinh tế năm 2005 là 34,76%9, đến năm 2015 giảm xuống còn 18,59%10. Sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện theo hướng bền vững. Năng suất, sản lượng cây trồng tăng; 5 cánh đồng mẫu lớn được quy hoạnh và đưa vào sản xuất; chú trọng quy hoạch và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng chuyên canh cây nguyên liệu, rau an toàn được hình thành và mở rộng. Chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trạingày càng tăng; tình hình dịch bệnh và xử lý chất thải trong chăn nuôi được kiểm soát tốt hơn; việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuấtngày càng nhiều và hiệu quả. Công tác quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đã được quan tâm chỉ đạo. Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát,trồng rừng gỗ lớn và mở rộng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ phục vụ chế biến, xuất khẩu ngày càng cao; tỷ lệ che phủ rừngđạt 50,04%; công tác bảo vệ, quản lý rừng ngày càng nghiêm ngặt và hiệu quả. Số tàu thuyền có công suất lớn và được cấp phép ngày càng nhiều; cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư xây dựng và nâng cấp phát triển theo hướng đa mục tiêu và tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu; công tác quản lý tàu thuyền, cảng biển và khu neo đậu trú bão tàu khá chặt chẽ; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống nông dân ngày càng được nâng cao.

Điểm đáng lưu ý trong sự phát triển của kinh tế nông nghiệp Quảng Ngãi giai đoạn 2005-2015 là tính toàn diện và bền vững được hình thành và bắt đầu phát triển; sản lượng nông sản không chỉ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà còn xuất khẩu; nhiều nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu độc quyền như: “Tỏi Lý Sơn” (2009), “Quế Trà Bồng-Tây Trà” (2009), “Muối Sa Huỳnh” (2011) và nhiều đặc sản nổi tiếng như: Cá bống Sông Trà, Kẹo Gương, Đường phèn, Đường phổi, Mạch nha, Don...

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ còn có những hạn chế: Chưa có những chủ trương, giải pháp mang tính đột phá cho phát triển kinh tế nông nghiệp; còn chậm trễ, lúng túng trong việc quán triệt chủ trương của cấp trên và đề ra chủ trương, chỉ đạo đối với cấp dưới; chưa có những giải pháp thật sự hữu hiệu trong xây dựng các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp... Kinh tế nông nghiệp Quảng Ngãi còn phân tán, nhỏ lẻ; sản phẩm hàng hóa chưa nhiều; các tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác tốt (đặc biệt là tiềm năng phát triển nông-lâm nghiệp miền núi); tính toàn diện và bền vững chưa cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm. Từ đó, kinh tế-xã hội nông thôn chưa tạo sự chuyển biến tích cực, đời sống nông dân vẫn còn nhiều khó khăn.

Từ những kết quả  trong hơn 10 năm (2005-2017) về phát triển kinh tế nông nghiệp, có thể đúc rút một số kinh nghiệm cơ bản sau: Một là, nhận thức đúng vị trí, vai trò của kinh tế nông nghiệp trong sự phát triển kinh tế-xã hội và xác định được lợi thế trong nông nghiệp để lựa chọn hướng đi phù hợp, hiệu quả. Hai là, vận dụng và triển khai kịp thời, đúng đắn, sáng tạo, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Ba là, chú trọng xây dựng các nguồn lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp một cách hiệu quả. Bốn là, phát triển kinh tế nông nghiệp luôn gắn liền với xây dựng nông thôn và giải quyết vấn đề nông dân.

Đây là những kinh nghiệm có giá trị để Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục có những chủ trương và sự chỉ đạo đúng đắn, phù hợp, hiệu quả hơn, phát huy hết tiềm năng, lợi thế nhằm đưa kinh tế nông nghiệp của tỉnh trong những giai đoạn tiếp theo phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

_________________

1. Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVII, 2005, tr. 66

2. Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII, 2010, tr 60

3. Tỉnh ủy Quảng Ngãi: Kết luận số 08-KL/TU về “Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến giai đoạn 2006-2010”, ngày 15-12-2006, tr. 3

4. Tỉnh ủy Quảng Ngãi: Kết luận số 07-KL/TU về “Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển toàn diện ngành thủy sản giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2015”, ngày 15-12-2006, tr. 2

5. Tỉnh ủy Quảng Ngãi: Chương trình hành động số 15-CTr/TU “Về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”,ngày 29-6-2007, tr. 3

6. Xem Tỉnh ủy Quảng Ngãi: Chương trình hành động số 29-CTr/TU về việc “Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, ngày 19-11-2008, tr. 5-8

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi: Báo cáo số 324/BC-SNN&PTNT về “Tổng kết thực hiện kế hoạch 05 năm 2006-2010 và triển khai kế hoạch 05 năm 2011-2015”,ngày 14-12-2010, tr. 1

8. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi: Báo cáo số 165/BC-SN&PTNT về “Tổng kết thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2015 và đánh giá 5 năm 2011-2015; triển khai nhiệm vụ Kế hoạch năm 2016 và 5 năm 2016-2020”, ngày 25-1-2016, tr. 1

9. Xem Cục thống kê tỉnh Quảng Ngãi: Niên giám thông kê tỉnh Quảng Ngãi 2010, Nxb Thống kê, H, 2011, tr. 29

10. Xem Cục thống kê tỉnh Quảng Ngãi: Niên giám thông kê tỉnh Quảng Ngãi 2016, Nxb Thống kê. H, 2016, tr. 47.

 

NGUYỄN THỊ THU HIỀN

Trường Đại học Tài chính - Kế toán

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền