Trang chủ    Thực tiễn    Vấn đề phát huy nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay
Thứ hai, 26 Tháng 2 2018 15:24
3165 Lượt xem

Vấn đề phát huy nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới đất nước, Đảng ta khẳng định “cần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững”(1). Để hiện thực hóa chủ trương đó, vấn đề “Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân...”(2) được xác định là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm cần phải đặc biệt chú trọng tập trunglãnh đạo, chỉ đạothực hiệncó hiệu quảtrong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.

Thực tế hơn 30 năm qua chứng minh, với việc khai thác, sử dụng, phát huy các nguồn lựcvà sức sáng tạocủa nhân dân đã tạo nên những thành tựuto lớn, có ý nghĩa lịch sử: thế và lực, sức mạnh tổng hợp của quốc gia tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, thời cơ và vận hội phát triển mở ra rộng lớn. Một trong những bài học kinh nghiệm được Đại hội XII khái quát là “tập trung các nguồn lực thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ cấp bách, trước mắt, giải quyết dứt điểm những yếu kém, ách tắc, tạo đột phá để giữ vững và đẩy nhanh nhịp độ phát triển...; phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài nước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(3). Tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới đất nướcnhững năm qua, Đảng ta chỉ rõ“dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân...”(4)là một trongnhững yếu tốquan trọng, quyết định sựthành công.

Song, thực tế cũng cho thấy, tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng so với yêu cầu phát triển nhanh và bền vữngcủa đất nước,vẫn tồn tại không íthạn chế, bất cập: kinh tế phát triển thiếubền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế các nguồn lực được huy động; trên một số mặt và một số lĩnh vực, một bộ phận nhân dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng những thành quả của công cuộc đổi mới; công tác quy hoạch, kế hoạch và việc huy động, sử dụng các nguồn lực còn hạn chế, kém hiệu quả; các nguy cơ vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp, nền tảng để nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ, vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định... Đó cũng là những yếu tố cản trở việc huy động, phát huy các nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân trong giai đoạn hiện nay. Những hạn chế, bất cập đó có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, song chủ yếu do:

Một là,sự suy thoái, biến chất trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng và sự thắng lợi của công cuộc đổi mới. Thực tế cho thấy, những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng những năm qua chưa được khắc phục hiệu quả “làm cho Đảng ta chưa thật sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ”(5). Khi niềm tin suy giảm sẽ khó có thể huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cũng như phát huy sức sáng tạo, sự cống hiến hết mình của các tầng lớp nhân dân cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Hai là, hiệu lực quản lý của nhà nước còn hạn chế, sự thiếu minh bạch trong một số cơ chế, chính sách. Chính vì “hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm; Nhà nước còn can thiệp trực tiếp, quá lớn trong nền kinh tế. Vẫn còn tình trạng bao cấp, xin - cho trong xây dựng và thực hiện một số cơ chế, chính sách”(6) là một trong những yếu tố dẫn đến việc “chưa tạo được đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển. Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ; môi trường đầu tư, kinh doanh không thật sự thông thoáng, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp”(7). Đây cũng là một trong những yếu tố gây cản trở cho việc huy động các nguồn lực và phát huy sức sáng tạo của nhân dân trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Ba là, chưa tạo lập được môi trường thực sự dân chủ, tự do, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động các nguồn lực và sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân. Thực tế của lịch sử nhân loại đã chứng minh, dân chủ và tự do là nhu cầu không thể thiếu của mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng, mặt khác nó cũng là một trong những động lực to lớn thúc đẩy con người hoạt động và sáng tạo, qua đó thúc đấy sự tiến bộ xã hội. Không có dân chủ hoặc thiếu dân chủ, dân chủ hình thức sẽ không thể tạo điều kiện, môi trường và cơ hội để huy động hiệu quả các nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân vào sự phát triển đất nước, trái lại sẽ làm cho nguồn lực, sức mạnh, sức sáng tạo của dân tộc khó tránh khỏi sự phân tán và lãng phí.

Bốn là, giải quyết các mối quan hệ lợi ích có lúc, có nơi chưa thực sự thỏa đáng; lợi ích nhóm tiêu cực còn nhiều biểu hiện phức tạp. Có thể nói, lợi ích là yếu tố trực tiếp kích thích sự lao động, cống hiến và sáng tạo của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Do đó, khi các mối quan hệ lợi ích không được giải quyết một cách hài hòa, thỏa đáng sẽ triệt tiêu động lực của cống hiến và sáng tạo, cản trở việc huy động các nguồn lực và sức sáng tạo của quần chúng. Bên cạnh đó, lợi ích nhóm tiêu cực với nhiều biểu hiện tinh vi, phức tạp là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, khiến cho các nguồn lực dù được huy động cũng sẽ bị lãng phí, sử dụng kém hiệu quả. Lợi ích nhóm tiêu cực còn làm méo mó, biến dạng những chủ trương, chính sách, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới, là lực cản rất lớn đối với việc huy động, phát huy các nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân.

Để khắc phục nguyên nhân của những hạn chế, bất cập, trên cơ sở đó có thểhuy động, phát huy các nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dântrong giai đoạn hiện nay, Đảng, Nhà nước phải chú trọng giải quyết những vấn đề sau:

Một là, không ngừng củng cố niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta đã chứng minh, mọi thắng lợi to lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong đổi mới, xây dựng đất nước mà chúng ta có được, suy cho cùng là bởi Đảng ta đã tạo được niềm tin của nhân dân, được nhân dân ủng hộ. Chính vì đặt trọn niềm tin vào Đảng mà nhân dân ta đã lập nên những kỳ tích trong kháng chiến. Sẽ không thể có những chiến công hiển hách nếu không có niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng. Cũng chính niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng đã cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân mang tất cả sức lực, tài năng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Muốn huy động được của dân, tài dân, sức dân để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đòi hỏi phải đấu tranh quyết liệt với sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân vào Đảng; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”(8), gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, thực sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là “người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Mặt khác, đểxây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân,tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân đòi hỏi Đảng phải chăm lo đầy đủ đếnmọi mặtđời sống, lợi ích của nhân dân; phải giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề bức xúc của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Hai là, bảo đảm sự minh bạch trong cơ chế, chính sách, tạo môi trường công bằng, bình đẳng cho sự cống hiến và hưởng thụ của mọi tầng lớp nhân dân.

Đây là yếu tố cần thiết và quan trọng để có thể huy động các nguồn lực trong dân và cũng là điều kiện không thể thiếu cho việc phát huy sức sáng tạo của quần chúng. Môi trường công bằng, bình đẳng cho sự cống hiến, hưởng thụ của mọi tầng lớp nhân dân và sự rõ ràng, minh bạch của cơ chế, chính sách sẽ tạo dựng niềm tin trong dân, khiến họ yên tâm đầu tư các nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song, muốn có sự minh bạch thực sự trong cơ chế, chính sách thì không thể không hoàn thiện bộ máy nhà nước, bởi trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ta hiện nay, nhà nước là chủ thể quan trọng, nó có thể kích thích hay kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội tùy thuộc vào môi trường pháp lý - thể chế và những điều kiện cho sự phát triển do nó tạo ra. Để có thể huy động các nguồn lực trong dân, phát huy sức sáng tạo của mỗi chủ thể, đòi hỏi nhà nước phải thường xuyên tự đổi mới và hoàn thiện không ngừng theo hướng “Tập trung tạo dựng thể chế, cơ chế, chính sách và môi trường, điều kiện ngày càng minh bạch, an toàn, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tự do sáng tạo, đầu tư, kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng trong kinh tế thị trường”(9).

Trong cải cách nhà nước, khâu đột phá, giữ vai trò quyết định hiện nay là vấn đề cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ để củng cố, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển; mở đường, khuyến khích, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật. Do đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; giảm mạnh và bãi bỏ các loại thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức và công dân; mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch. Do đó, cần đổi mới tư duy về vai trò của Nhà nước trong phát triển kinh tế, chuyển từ mô hình “Nhà nước quản lý” sang mô hình “Nhà nước kiến tạovà phục vụ” nhằm phát huy tối đa quyền làm chủ thật sự của người dân, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện để mọi nguồn lực của quốc gia đều đượckhai thác,phân bổ và sử dụng có hiệu quả. Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Xây dựng cơ chế công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạch định và thực thi đường lối, chủ trương, chính sách; xóa bỏ cơ chế “xin -cho”, sự độc quyền trên một số lĩnh vực về kinh tế. Nhà nước phải bảo đảm được quyền làm chủ của nhân dân để phát huy được tính sáng tạo, tiềm năng của dân, để nhân dân thực sự là người làm chủ đất nước, được cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhà nước tạo môi trường công bằng, bình đẳng cho mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để họ có điều kiện tiếp cận với các cơ hội mà xã hội tạo ra. Điều đó sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước bởi nó kích thích sự sáng tạo của mọi người và tạo ra sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, góp phần giải phóng các nguồn lực, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Công bằng, bình đẳng trước hết là trong lĩnh vực kinh tế sẽ là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bởi nó là yếu tố tác động trực tiếp đến lợi ích của chủ thể hoạt động, do đó có tác dụng kích thích tính năng động, sáng tạo của người lao động, kích thích họ tích cực nâng cao tay nghề, năng lực, trình độ, áp dụng các biện pháp để nâng cao năng suất lao động. Khi công bằng, bình đẳng trong kinh tế được bảo đảm thì mới có thể khuyến khích các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, chấp nhận rủi ro, dám mạo hiểm để tìm tòi và đột phá trong các chiến lược phát triển.

Ba là, tạo lập môi trường tự do, dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Có thể nói, tự do không chỉ là điều kiện quan trọng và cần thiết cho sự sáng tạo, cống hiến và phát huy các nguồn lực của nhân dân mà nó còn là mục tiêu mà con người và xã hội phấn đấu. Sự tự do thực sự sẽ phát huy được khả năng chủ động, sáng tạo của mỗi con người và cả cộng đồng. Đó là một trong những cội nguồn quan trọng và cần thiết để sản sinh ra những sáng kiến, sáng tạo, đột phá để thúc đẩy xã hội không ngừng tiến lên phía trước. Nếu tự do bị thay bằng những ràng buộc vô lý sẽ không thể có sáng tạo, hơn nữa sẽ làm thui chột khả năng sáng tạo của con người bởi nó không những không tạo ra động lực mà trái lại sẽ biến động lực trở thành áp lực và sự trì trệ sẽ là hậu quả khó tránh. Song, sẽ không thể có tự do thật sự trong môi trường mất dân chủ, thiếu dân chủ hay dân chủ hình thức. Nghĩa là, dân chủ là điều kiện trực tiếp để có thể mang lại tự do cho mỗi con người và cả cộng đồng. Do đó, muốn huy động được tối đa các nguồn lực và muốn phát huy được sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, phục vụ cho sự phát triển đất nước đòi hỏi cần phải có môi trường tự do được nền dân chủ chân chính mang lại. Chính môi trường tự do, dân chủ là động lực có sức thúc đẩy mạnh mẽ con người hoạt động, cống hiến và sáng tạo, qua đó thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ, văn minh. Dân chủ là động lực giải phóng năng lực sáng tạo và làm giàu trí tuệ của từng cá nhân và cả cộng đồng xã hội bởi nó là điều kiện trực tiếp mang lại tự do cho mỗi con người. Sự phát triển tự do của cá nhân sẽ phát huy được khả năng chủ động, sáng tạo của cá nhân đó và sản sinh ra những sáng kiến. Thực hiện dân chủ còn góp phần tạo ra môi trường tâm lý - xã hội thuận lợi để khơi dậy tính tích cực của mỗi con người. Tất nhiên, dân chủ cần đi đôi với kỷ luật, kỷ cương trên cơ sở hệ thống luật pháp chặt chẽ, nghiêm minh. Khi đó, quyền tự do của con người sẽ được bảo đảm và dân chủ sẽ trở thành động lực thực tế thúc đẩy sự sáng tạo của con người và góp phần phát huy mọi nguồn lực của các tầng lớp nhân dân vì sự phát triển xã hội.

Do đó, mọi đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia góp ý kiến trong mọi khâu của quá trình,từ ra quyết định đến tổ chức thực hiện. Xây dựng cơ chế, chính sách và các hình thức tổ chức để nhân dân được phát huy quyền làm chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, phát triển tài năng, sức sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh làm giàu chính đáng, mang lại lợi ích cho mình và cho đất nước. Cần thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, đất đai, môi trường..., xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Dân chủ được thực hiện cũng sẽ là yếu tố quan trọng và cần thiết để có thể tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bốn là, giải quyết hài hòa, hợp lý các mối quan hệ lợi ích,kiên quyết chống lợi ích nhóm tiêu cực.

Lợi ích (bao gồm cả lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần) là động lực chủ yếu thúc đẩy con người hoạt động tích cực, tự giác trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, lợi ích vật chất suy cho cùng sẽ giữ vai trò quyết định bởi lợi ích vật chất, lợi ích kinh tế bao giờ cũng là động lực quan trọng nhất thúc đẩy con người hăng say làm việc, lao động sản xuất, nhờ đó làm cho xã hội không ngừng phát triển. Do đó, để có thể huy động các nguồn lực trong dân và phát huy được tối đa sức sáng tạo của nhân dân đòi hỏi phải chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích của toàn xã hội; huy động sức dân đi đôi với bồi dưỡng sức dân, chăm lo đến đời sống của nhân dân.

Trong việc giải quyết mối quan hệ lợi ích, cần chống cả hai khuynh hướng cực đoan - tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, rơi vào chủ nghĩa cá nhân vị kỷ; hoặc tuyệt đối hóa chủ nghĩa tập thể mà vô tình lãng quên lợi ích cá nhân. Nếu xem nhẹ lợi ích cá nhân, tuyệt đối hóa chủ nghĩa tập thể, đòi hỏi phải hy sinh lợi ích cá nhân một cách cực đoan, thái quá sẽ làm triệt tiêu động lực và sự phát triển của cá nhân, các cá nhân sẽ mất động lực để phấn đấu vươn lên, cống hiến và sáng tạo. Ngược lại, nếu tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân sẽ dẫn đến sự vụ lợi, vị kỷ, thờ ơ, vô cảm...

Để đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, một trong những đòi hỏi thiết yếu hiện nay là phải kiên quyết đấu tranh chống lợi ích nhóm tiêu cực. Trong xã hội tồn tại nhiều giai cấp, tầng lớp và nhóm người với đặc điểm, nhu cầu, hoàn cảnh khác nhau thì việc hình thành nên các lợi ích nhóm theo một nghĩa nào đó sẽ là yếu tố mang tính khách quan. Xét về mục đích và tính chất, lợi ích nhóm bao gồm cả lợi ích nhóm tích cực và lợi ích nhóm tiêu cực. Trong đó, lợi ích nhóm tích cực là lợi ích chính đáng, hợp pháp, không mâu thuẫn với lợi ích của quốc gia, dân tộc; còn lợi ích nhóm tiêu cực là lợi ích cục bộ của một thiểu số, xung đột, mâu thuẫn, đi ngược lại với lợi ích chung của nhân dân, của quốc gia, dân tộc. Rõ ràng, sự tác động mạnh mẽ của lợi ích nhóm là không thể phủ nhận, nó có thể đóng vai trò thúc đẩy hoặc hạn chế, cản trở việc huy động, phát huy các nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp đổi mới.

Hiện nay, ở nước ta, lợi ích nhóm tiêu cực khá đa dạng, phức tạp, hiện diện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhưng có tác hại và nguy hiểm nhất là lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy, đường lối, chính sách, pháp luật dù đúng đắn nhưng trong quá trình thực hiện, nếu để lợi ích nhóm tiêu cực chi phối sẽ làm sai lệch mục đích, không bảo đảm hiệu quả, không đạt được những mục tiêu đề ra. Mặt khác, lợi ích nhóm tiêu cực gắn với tham nhũng, lãng phí sẽ gây tổn hại lớn về tài sản của nhà nước và nhân dân, khiến cho các nguồn lực dù được huy động cũng sẽ sử dụng không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí. Không những thế, nó còn đẻ ra những bất công xã hội, đảo lộn những chuẩn mực, giá trị xã hội, thúc đẩy sự tha hóa quan chức, tạo môi trường cho tham nhũng phát triển và gây nguy cơ bế tắc trong xây dựng hoặc triển khai chính sách, làm tổn thất các nguồn lực và giảm hiệu quả đầu tư. Do đó, phải “kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách” để xóa bỏ đặc quyền đặc lợi, và phải “kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng”(10) là những đòi hỏi cấp bách và thiết thực, qua đó mới có thể tạo điều kiện cho việc huy động, phát huy các nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân vì sự nghiệp đổi mới đất nước.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính tri số 8-2017

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 217, 219, 64, 69, 197, 100, 99, 210, 270, 213.

 

TS Phan Mạnh Toàn

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền