Trang chủ    Thực tiễn    Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Thứ hai, 26 Tháng 2 2018 15:25
4097 Lượt xem

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

(LLCT) - Với 3 mặt giáp biển, khí hậu điều hòa ấm áp quanh năm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế để trở thành một “thiên đường du lịch”. Qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn luôn coi trọng vai trò, vị thế, tiềm năng và thế mạnh của du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

1. Chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế du lịch

Đại hội XII của Đảng (2016) khẳng định chủ trương: “Có chính sách phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và tính chuyên nghiệp cao”(1). Cụ thể hóa nghị quyết Đại hội XII, ngày 16-1-2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xác định phương hướng: Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch(2).

Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã sớm nhận thức sâu sắc tiềm năng, vị thế của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đã có những định hướng chỉ đạo phát triển du lịch. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III (1990), thứ IV (1995), đều xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng cần ưu tiên đầu tư và tập trung phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về du lịch, chỉ rõ định hướng phát triển du lịch với các mục tiêu và giải pháp cụ thể, đó là: Nghị quyết số 17/NQ-TV ngày 5-12-1998 về phát triển du lịch đến năm 2000 và Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển kinh tế du lịch đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2015, trong đó xác định mục tiêu phát triển là “Phấn đấu đến năm 2015, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí lớn của cả nước”.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (nhiệm kỳ 2010 - 2015): Tập trung phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch sinh thái; du lịch hội thảo, sự kiện... Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI nhiệm kỳ 2015 - 2020: Xác định tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch sinh thái chất lượng cao; du lịch lịch sử, tâm linh.

Như vậy, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhận thức nhất quán và có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát về phát triển kinh tế du lịch. Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ phù hợp với tiềm năng, thế mạnh phát triển ngành du lịch, đưa du lịch lên thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tổng thể kinh tế của tỉnh, từ đó tạo sự liên kết giữa các ngành nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và góp phần thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển du lịch Việt Nam.

2. Những kết quả đạt được

Về công tác quy hoạch

Ưu tiên phát triển ngành du lịch trong quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, UBND đã chỉ đạo, quán triệt sâu sắc nguyên tắc: giữa các dự án đầu tư du lịch và dự án của các ngành kinh tế khác phải quy hoạch một vùng đệm cách ly, không bố trí dự án các ngành kinh tế khác như công nghiệp, thủy sản... vào vùng đã quy hoạch cho ngành du lịch. Trên cơ sở nghiên cứu tổng thể tiềm năng, hiệu quả kinh tế - xã hội và mối liên kết giữa các khu du lịch và với các ngành kinh tế khác, đến nay, đã có 8 quy hoạch chi tiết được phê duyệt để đầu tư phát triển các dự án du lịch với khoảng trên 3.300 ha, gồm: Khu du lịch Chí Linh - Cửa Lấp 825 ha; Khu du lịch Hoa Anh Đào 240 ha; Khu du lịch văn hóa Lâm viên núi Minh Đạm 280 ha; Khu du lịch Lâm viên văn hóa núi Dinh 718,4 ha; Khu du lịch Lộc An 265 ha; Khu du lịch Bến Cát - Hồ Tràm 425,26 ha; Khu du lịch và dân cư Láng Hàng 330,69 ha; Khu du lịch Thác Hòa Bình 224 ha(3).

Đặc biệt, Quyết định số 264/2005/QĐ-TTg ngày 25-10-2005 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu phát triển Côn Đảo trở thành “khu kinh tế - du lịch hiện đại, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế”. Hiện nay, Côn Đảo đã có nhiều dự án lớn, tầm cỡ quốc tế triển khai đầu tư, xây dựng (Hotel Resort Regency Hyatt Côn Đảo; Khu du lịch Poulo Condor; Khu du lịch nghỉ mát Việt Nga; Khu du lịch nghỉ dưỡng và lướt sóng Condao Shangri-la; khu du lịch sinh thái Bãi Nhát - Bãi Dương...). Bên cạnh đó, quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 870/QĐ-TTg ngày 17-6-2015, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nghiên cứu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch(4).

Về định hướng phát triển các loại hình du lịch và sản phẩm du lịch

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định 3 loại hình du lịch tập trung là: loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch sinh thái; du lịch hội thảo, sự kiện. Trong đó, trọng điểm là Thành phố Vũng Tàu: Du lịch thăm quan di tích, du lịch ẩm thực, du lịch kết hợp mua sắm, du lịch giải trí, du lịch hội nghị, khai thác tốt Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng vũ khí cổ, quảng bá sản phẩm ẩm thực...(5)

Huyện Côn Đảo, phát huy lợi thế cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, phát triển loại hình du lịch biển - đảo, du lịch văn hóa, di tích lịch sử, du lịch sinh thái vườn quốc gia Côn Đảo. Để phát triển du lịch Côn Đảo cần tăng cường quảng bá, chấn chỉnh công tác thuyết minh, đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch, ngoài đường hàng không, cần phát triển đường biển.

Huyện Long Điền có bãi biển dài, cảnh quan đẹp và một số di tích nổi tiếng Dinh Cô, Mộ Cô, các ngôi chùa cổ, phù hợp với “Du lịch nghỉ dưỡng biển dài hạn”(6).

Huyện Đất Đỏ tập trung phát triển du lịch thăm quan, ẩm thực, phát triển du lịch thăm quan và thưởng thức đặc sản miền Biển.

Huyện Xuyên Mộc tiềm năng lớn về hai loại hình chính đó là du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng. Tập trung cơ sở du lịch cao cấp, hiện đại như Hồ Tràm Strip, Vietsovpetro Resort, Hương Phong - Hồ Cốc Resort, khu du lịch Hồ Cốc... xây dựng nơi đây thành “trung tâm của nghỉ dưỡng cao cấp ở khu vực”.

Huyện Tân Thành là địa bàn phát triển công nghiệp, cảng biển, tuy nhiên là nơi đang tập trung phát triển du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng Núi Dinh, thám hiểm vượt rừng, du lịch tâm linh với hệ thống chùa lớn như Vạn Phật Quang - Đại Tòng Lâm, Chùa Linh Chiếu.

Huyện Châu Đức, thành phố Bà Rịa không có tiềm năng du lịch như các địa phương khác nhưng có những điểm phát triển du lịch về tham quan, mua sắm, du lịch văn hóa.

Về đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch

Tính đến tháng 12-2016, trên địa bàn toàn tỉnh có 192 dự án đầu tư du lịch, với tổng diện tích 6.182,62 ha; tổng số vốn đăng ký đầu tư 45.996,22 tỷ đồng và 10.758 triệu USD; tổng vốn thực hiện 8.653,4 tỷ đồng và 776,84 triệu USD. Trong đó có 18 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, 174 dự án vốn đầu tư trong nước(7).

Số cơ sở lưu trú du lịch được thẩm định phân loại sao tăng đều qua các năm. Từ 82 cơ sở lưu trú du lịch với 3.392 phòng được xếp hạng, phân loại vào năm 2006, đến cuối năm 2016 đã có 276 cơ sở lưu trú được thẩm định xếp hạng với 10.948 phòng, trong đó có 4 khách sạn 5 sao với 1.463 phòng (The Imperial Hotel, Six Senses Côn Đảo, Hồ Tràm Strip, Pullman), 16 khách sạn 4 sao với 2.100 phòng, 20 khách sạn 3 sao với 1.336 phòng; 54 khách sạn 2 sao với 2.626 phòng và 3 khu căn hộ du lịch và biệt thự cao cấp với 95 phòng(8).

Về nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực của ngành du lịch cũng tăng nhanh trong thời gian qua, tính đến năm 2016 tổng số nhân lực đang làm việc trong ngành du lịch ước khoảng 16.520 người (tăng 9.288 người so với thời điểm năm 2006)(9). Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định cho sự phát triển, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo ngắn, trung, dài hạn cho lực lượng lao động trong ngành du lịch, tham gia các lớp đào tạo phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực du lịch trong tương lai.

Công tác quản lý hoạt động du lịch

Tỉnh ủy, UBND đã chỉ đạo kịp thời công tác kiện toàn, củng cố, nâng cao vai trò, hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển du lịch các cấp.

Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động du lịch, như: ưu tiên đầu tư hạ tầng, chỉnh trang môi trường, tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội; đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch thuận lợi và đúng pháp luật.

Trong công tác đầu tư du lịch, bảo đảm tiến độ các dự án; thống nhất danh mục dự án ưu tiên đầu tư du lịch.

Kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh các hoạt động du lịch, bảo đảm các hoạt động đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho khách; tăng cường kiểm tra công tác cứu hộ bờ biển, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định về quản lý thị trường; bảo đảm an ninh trật tự.

Về doanh thu

Hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh trong những năm qua có sự tăng trưởng cao. Toàn ngành du lịch đã có 138 doanh nghiệp kinh doanh, tổng lượng du khách đến địa phương từ 5, 5 triệu lượt khách năm 2006, tăng lên 16,8 triệu lượt năm 2016. Trong đó, khách quốc tế tăng bình quân 12,98%/năm, từ 225 nghìn lượt năm 2006, năm 2016 là 599.614 lượt(10).

Ngành du lịch quan tâm phát triển chiều sâu, từ chỗ các doanh nghiệp du lịch phát triển chủ yếu dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có, ít đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực, thì hiện nay vấn đề này đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm và có chiến lược đầu tư phát triển đồng bộ, lâu dài, nhất là các khu vực trọng điểm. Ngày càng có nhiều dự án du lịch chất lượng cao, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, phục vụ khách nước ngoài được xây dựng và đi vào hoạt động, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng doanh thu của ngành.

Doanh thu du lịch đã tăng từ 103 tỷ đồng năm 1993đến năm 2016, doanh thu từ dịch vụ lưu trú và dịch vụ du lịch là 2.188 tỷ đồng, trong đó doanh thu dịch vụ du lịch (lữ hành) là 559 tỷ đồng, doanh thu từ dịch vụ lưu trú là 1.589 tỷ đồng(11).

3. Một số hạn chế

Sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu các điểm đến hấp dẫn, độc đáo, một số điểm có nhiều lợi thế, tiềm năng lớn nhưng lại chưa được quảng bá tốt và hạ tầng hạn chế. Từ sự đơn điệu của sản phẩm du lịch dẫn đến tính mùa vụ; khách quốc tế chiếm tỷ trọng nhỏ, chi tiêu bình quân thấp, thời gian lưu trú ngắn.

Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, mặc dù các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch được đầu tư khá công phu nhưng chưa có một chiến lược truyền thông nhất quán và kịp thời, nên chưa hiệu quả, nhất là trong xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh.

Môi trường tự nhiên và môi trường xã hội còn thiếu tính ổn định, bền vững. Tệ nạn nâng giá dịch vụ tùy tiện, hàng rong đeo bám khách tại các khu du lịch vẫn diễn ra vào những mùa cao điểm; các bãi tắm đang đối mặt với ô nhiễm do rác thải, nước thải.

Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh quy mô còn nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư, lại thiếu sự hợp tác, liên kết; một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động đầu tư sản phẩm du lịch, tiếp thị, quảng bá, chủ yếu khai thác tiềm năng sẵn có.

Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, nhất là đội ngũ quản lý và trưởng các bộ phận dịch vụ có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực hiện tại và trong thời gian tới.

Quy hoạch du lịch thiếu đồng bộ về phân khu chức năng giữa các khu vực, kiến trúc còn manh mún, thiếu công trình điểm nhấn, chưa có sản phẩm du lịch độc đáo mang nét riêng của từng địa phương;chưa kịp thời xây dựng kế hoạch, lộ trình để tổ chức đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, như các tuyến đường nối xuống biển, các bãi tắm, dịch vụ công cộng để phục vụ nhân dân và du khách. Còn thiếu những điểm du lịch, khu thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm tầm cỡ khu vực và quốc tế. Nhiều dự án đầu tư chậm, để kéo dài, không hiệu quả.

Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong công tác quản lý nhà nước về du lịch còn chưa đồng bộ, còn mang tính thời điểm, rời rạc; hoạt động du lịch còn manh mún, phần lớn doanh nghiệp du lịch có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Tình trạng hàng rong, chặt chém, chèo kéo khách vẫn còn diễn ra ở một số khu vực làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của tỉnh.

4. Một số giải pháp

Một là, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Tạo ra sản phẩm mới ở các loại hình mà tỉnh có thế mạnh là: du lịch tham quan di tích kết hợp du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần nhằm tăng khả năng chi tiêu và độ dài ngày lưu trú. Trang thiết bị tiện nghi, đội ngũ thuyết minh viên tại các di tích lịch sử nổi tiếng như: Căn cứ Minh Đạm, Địa đạo Long Phước, Bạch Dinh, di tích lịch sử Quốc gia Côn Đảo để các di tích trở thành một điểm đến du lịch hoàn chỉnh, có sức hấp dẫn.

Tổ chức tuyên truyền, quảng bá các di tích thông qua các hãng lữ hành trong nước và quốc tế nhằm thu hút khách.

Hai là, xây dựng chiến lược marketing cho một số điểm đến có tiềm năng du lịch.

Tiếp tục tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch thường niên như khai hội Văn hóa-Du lịch, Festival Diều quốc tế, Giải bóng chuyền bãi biển nữ quốc tế; khai thác các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, đáp ứng nhu cầu dịch vụ du lịch của du khách đến nhân các sự kiện để quảng bá thương hiệu du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu. Thực hiện các ấn phẩm du lịch mới phục vụ cho công tác tuyên truyền, đối ngoại; Lựa chọn và tham gia tích cực một số hội chợ, triển lãm mang lại hiệu quả thiết thực về tiếp thị, quảng bá thương hiệu du lịch.

Ba là, bảo đảm trật tự, an toàn tại các tuyến - điểm tham quan, các bãi tắm, hạn chế tình trạng hàng rong vào các ngày lễ, mùa cao điểm du lịch; tiếp tục bình ổn giá dịch vụ du lịch bằng cách tăng cường sự phối hợp liên ngành kiểm tra về đăng ký giá và niêm yết giá, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về môi trường ở các khách sạn, khu du lịch. Duy trì chất lượng dịch vụ du lịch và chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh du lịch, chú trọng duy trì chất lượng các đơn vị được công nhận là “Địa chỉ tin cậy của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu”.

Bốn là, phối hợp với các trường đào tạo tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ dài hạn, ngắn hạn cho người lao động đang làm việc trong các đơn vị kinh doanh bằng hình thức xã hội hóa; thường xuyên tổ chức các hội thi tay nghề, nâng bậc nghề nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho người lao động ở các doanh nghiệp.

Năm là, rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế du lịch có nhiều lợi thế của tỉnh như tuyến ven biển Vũng Tàu - Long Hải - Phước Hải - Bình Châu thành tuyến du lịch trọng điểm, đa dạng, hấp dẫn và chất lượng cao của tỉnh. Huy động các nguồn lực để phát triển Côn Đảo thành Khu du lịch quốc gia mang tầm cỡ khu vực và thế giới. Ưu tiên thu hút các dự án hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế. Có cơ chế quản lý phù hợp các bãi tắm công cộng phục vụ người dân; phát triển loại hình du lịch đường sông.

Tăng cường sự phối hợp, kết nối tour du lịch, liên kết các ngành, các địa phương trong nước và quốc tế có tiềm năng du lịch; hằng năm, tổ chức gặp gỡ, đối thoại nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia phát triển kinh tế du lịch.

Sáu là, xây dựng chính sách khuyến khích ưu đãi, mời gọi các nhà đầu tư để thực hiện quy hoạch xây dựng theo các chương trình, dự án lớn. Trong đó cần có chính sách, giải pháp ưu tiên việc giao “đất sạch” cho nhà đầu tư thực hiện dự án; không nên để nhà đầu tư tự thực hiện giải phóng mặt bằng như hiện nay. Tiến hành lựa chọn một số khu đất có vị trí lợi thế, tiềm năng để kêu gọi đầu tư phát triển các dự án du lịch lớn, chất lượng cao, có tác dụng thúc đẩy ngành du lịch phát triển, trong đó chú trọng đến khu du lịch Paradise tại thành phố Vũng Tàu, khu Núi Dinh tại thành phố Bà Rịa, khu vực được quy hoạch làm dự án vườn thú hoang dã Safari tại huyện Xuyên Mộc.

Bảy là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò tham mưu, quản lý của các sở, ngành chức năng, các địa phươngcũng như vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong phát triển kinh tế du lịch. Tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình phối hợp triển khai nhiệm vụ.

Kiện toàn bộ máy tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh tới địa phương, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về du lịch được sâu sát, toàn diện và hiệu quả cao. Xây dựng, hoàn thiện các quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch; quy chế phối hợp giữa các lực lượng liên ngành trong công tác kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi chặt chém, chèo kéo khách, vi phạm về bảo vệ môi trường, giá dịch vụ, an toàn vệ sinh thực phẩm...

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính tri số 8-2017

ThS Đinh Văn An

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu

 

 

 

(1) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.288.

(2) Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị “về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, tr.1.

(3), (4), (10), (11) UBND tỉnh Tờ trình số 20/TTr-UBND, ngày 25-4-2016 về thành lập sở du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tr.3, 3, 4, 5.

(5), (6) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Kế hoạch số 312/KH- SVHTTDL ngày 4-11-2014 về Kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tr.4, 5.

(7), (8), (9) Báo cáo số 143/BC-SVHTTDL ngày 17-11-2016 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017, tr.7, 8, 8.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền