Trang chủ    Thực tiễn    Một số giải pháp tài chính phát triển thị trường khoa học - công nghệ
Thứ ba, 27 Tháng 3 2018 16:34
1562 Lượt xem

Một số giải pháp tài chính phát triển thị trường khoa học - công nghệ

(LLCT) - Việc tạo lập và vận hành có hiệu quả thị trường khoa học - công nghệ (KHCN) đòi hỏi những giải pháp đồng bộ về tài chính và phi tài chính. Trong đó nổi bật là tổ chức tốt các hoạt động huy động vốn đầu tư, mua - bán, trao đổi, chuyển nhượng các thành quả, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khoa học - công nghệ. Đồng thời, phát triển các yếu tố cần thiết khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, cả ở cấp vĩ mô lẫn vi mô...

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, không thể phát triển hiệu quả nền KHCN quốc gia nếu không tạo lập và vận hành có hiệu quả thị trường KHCN. Việc tổ chức tốt các hoạt động trao đổi, mua, bán, chuyển nhượng các thành quả, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ KHCN cũng như các yếu tố và điều kiện cần thiết khác liên quan đến nghiên cứu và ứng dụng KHCN ở cấp vĩ mô và vi mô sẽ có tác động tích cực đến phát triển nền KHCN nói riêng, sức mạnh và năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung.

Việc hình thành và phát triển thị trường KHCN ở nước ta là một quá trình lâu dài, phụ thuộc vào nhiều yếu tố và đòi hỏi có sự tham gia của các cấp, ngành, đơn vị hữu quan, triển khai những giải pháp đồng bộ, nhất quán và mạnh mẽ. Từ thực tiễn nước ta và kinh nghiệm quốc tế, có thể nhận thấy vai trò quan trọng của “bàn tay tài chính” trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường KHCN, thể hiện tập trung ở các nội dung và giải pháp sau:

1. Chính sách huy động và sử dụng vốn đầu tư

Sự hình thành và phát triển thị trường KHCN chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách đầu tư cho KHCN. Tổng số vốn đầu tư cho KHCN sẽ quy định quy mô, tầm vóc thị trường KHCN theo một tỷ lệ thuận tương ứng. Không thể có nền KHCN phát triển khi các nguồn vốn đầu tư cho KHCN quá ít, thiếu đa dạng và phân bổ dàn trải, thông qua mệnh lệnh hành chính, bị chi phối bởi các yếu tố cảm tính, duy ý chí hoặc vì những quyền lợi cục bộ, địa phương, ngắn hạn. Bởi vậy, chính sách đầu tư cho KHCN phải được thiết kế sao cho tổng đầu tư xã hội cho mục tiêu phát triển KHCN cần được duy trì ở mức đủ lớn (chiếm trên 2% GDP của quốc gia). Hơn nữa, dòng đầu tư này phải là “hợp lưu” của nhiều nguồn vốn đa dạng: ngân sách nhà nước (NSNN), vốn của doanh nghiệp, vốn từ các quỹ ngoài NSNN (trong đó có quỹ đầu tư rủi ro) và các nguồn tín dụng khác trong và ngoài nước. Việc sử dụng hợp lý các khoản chi NSNN tạo “cú hích ban đầu” để hình thành và phát triển thị trường KHCN, trong đó ưu tiên chi cho những nội dung:

- Chi để đào tạo đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia, công nhân kỹ thuật có chất lượng và trình độ chuyên nghiệp cao với tư cách là điều kiện tiên quyết để tạo ra hàng hóa và vận hành thị trường KHCN.

- Chi cho việc xây dựng, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu và ứng dụng triển khai KHCN mà sản phẩm, kết quả của chúng sẽ được thương mại hóa và được giao dịch rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, việc “đấu thầu” rộng rãi và minh bạch trong thực hiện các đề tài, dự án này là phương thức hiệu quả nhất để tiết kiệm NSNN, hình thành và phát triển thị trường KHCN.

- Ưu tiên chi NSNN cho mua sắm các kết quả, thành tựu KHCN, dịch vụ và trang thiết bị máy móc phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất từ các doanh nghiệp, nhà sản xuất và cung cấp trong nước, thay vì nhập ngoại những sản phẩm tương đương. Nói cách khác, Chính phủ phải là khách hàng mua lớn và đầu tiên trên thị trường KHCN quốc gia, từng bước giúp cho nền KHCN nước nhà trưởng thành và đủ sức tiếp nhận, cạnh tranh hiệu quả với nền KHCN nước ngoài.

- Xây dựng và duy trì hoạt động các trung tâm, văn phòng giao dịch, “chợ” đầu mối và thị trường chứng khoán chuyên ngành cho các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ KHCN; tổ chức tốt thị trường lao động, nhân lực khoa học trình độ cao; xây dựng các trung tâm tư vấn, chuyển giao KHCN, các cơ sở dữ liệu, thư viện, trung tâm thông tin KHCN; tổ chức các hội chợ, triển lãm KHCN, tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại KHCN khác và cung cấp thuận lợi, nhanh, rẻ các dịch vụ KHCN cho các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức và cá nhân có nhu cầu ở trong và ngoài nước.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ quan, cá nhân quan tâm và có nhu cầu, năng lực hoạt động KHCN được tiếp cận thuận lợi với các nguồn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, các ngân hàng thương mại. Áp dụng rộng rãi và khuyến khích các hình thức đầu tư nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao KHCN qua các kênh FDI, Quỹ đầu tư rủi ro, thuê mua tài chính, thanh toán bồi hoàn. Khuyến khích các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư tài chính trở thành người đồng tài trợ hoặc trực tiếp đầu tư, kinh doanh cùng doanh nghiệp cho các dự án nghiên cứu và ứng dụng KHCN có triển vọng và áp dụng “thương mại hóa” rộng rãi trong nước và quốc tế.

2. Chính sách thuế, phí, tiền lương và cung cấp dịch vụ tài chính khác

Áp dụng các ưu đãi, miễn, giảm thuế, phí và lãi suất tối đa cho các doanh nghiệp, cơ sở tiến hành các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng triển khai KHCN vào thực tiễn, nhất là đối với các sản phẩm chế thử, sản phẩm có hàm lượng KHCN cao, các sản phẩm sản xuất từ việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN. Điều chỉnh thuế suất hải quan linh hoạt đối với các giao dịch xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ nghiên cứu ứng dụng triển khai và các phát minh, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các sản phẩm KHCN. Từ đó, khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng triển khai, nâng cao tỷ lệ “nội địa hóa” và tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ KHCN sản xuất trong nước. Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư nghiên cứu và mở rộng áp dụng KHCN thông qua hỗ trợ tín dụng ưu đãi, miễn giảm thuế các loại và tăng mức khấu hao, tự chủ quyết định mức lương, thưởng cho cán bộ hoạt động KHCN.

Cung cấp rộng rãi, thuận tiện và bảo đảm chất lượng các dịch vụ tài chính hỗ trợ các giao dịch trên thị trường KHCN, kiểm toán, kế toán, tư vấn thuế và định giá, tư vấn chuyển giao KHCN, bảo hiểm, thanh toán và chuyển tiền.

Đặc biệt, cần điều chỉnh và hoàn thiện chế độ định mức chi tiêu và quản lý tài chính đối với khoa học theo hướng linh hoạt hơn, phù hợp với yêu cầu thực tế và khả năng tài chính của đơn vị, địa phương, cũng như trao nhiều quyền tự chủ hơn cho đơn vị và cá nhân chủ trì thực hiện các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KHCN. Do đó, giảm thiểu những trường hợp biến báo, gian dối trong thanh quyết toán tài chính - một hiện tượng phi khoa học trong hoạt động khoa học.

3. Chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu, quyền tác giả và thông tin khoa học công nghệ

Sẽ không có thị trường KHCN lành mạnh nếu không xử lý kịp thời, nghiêm khắc các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu và quyền tác giả, cũng như các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và cạnh tranh KHCN không lành mạnh. Vì vậy, cần tạo lập và thực thi có hiệu lực các quy định pháp lý và chính sách liên quan đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, các quy định và thể chế cần thiết phục vụ việc mua bán hàng hóa và dịch vụ KHCN.

Đối với các đề tài, dự án, phát minh và sáng kiến KHCN của doanh nghiệp và cá nhân ngoài khu vực kinh tế nhà nước, cần, một mặt,khuyến khích đăng ký và bảo hộ, khen thưởng bình đẳng như đối với các đối tượng thuộc các khu vực kinh tế nhà nước;mặt khác, có nguồn kinh phí NSNN thích hợp để hỗ trợ việc đăng ký, công nhận quyền tác giả, hỗ trợ một phần chi phí nghiên cứu và ứng dụng triển khai, tổ chức tiếp thị, quảng cáo và môi giới bán sản phẩm trên thị trường KHCN trong nước và quốc tế. Với những phát minh, sáng kiến đổi mới KHCN có giá trị thì có thể dùng NSNN để mua bản quyền tổ chức ứng dụng trên phạm vi toàn quốc vì lợi ích chung.

Cần nhấn mạnh rằng, để phát triển thị trường KHCN trong nước thì vai trò của Nhà nước trong việc tổ chức mạng lưới thông tin KHCN và các trung tâm giao dịch, chợ, các câu lạc bộ, hiệp hội, các cuộc hội nghị, diễn đàn trao đổi về KHCN là rất quan trọng. Thành lập những trang web chuyên ngành và tổng hợp, những ấn phẩm phát hành rộng rãi đến mọi đối tượng để cập nhật và truyền tải những thông tin, nhu cầu, cơ hội hợp tác, trao đổi liên quan đến nghiên cứu và ứng dụng triển khai KHCN của tất cả các lĩnh vực, ngành nghề trong và ngoài nước.

4. Chính sách khai thác và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học

Cho đến nay, cả trên toàn quốc cũng như từng địa phương, cả ở tầm ngắn hạn và dài hạn, việc khai thác các kết quả nghiên cứu khoa học dùng vốn ngân sách Nhà nước vẫn chưa được coi trọng đúng mức.

Để khai thác hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học dùng nguồn vốn NSNN, cần đổi mới, điều chỉnh cơ chế quản lý tài chính theo hướng sau:

Một là, tạo nguồn tài chính tập trung phục vụ khai thác, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học

Trước hết, trong dự toán kế hoạch ngân sách hàng năm cho hoạt động nghiên cứu khoa học của cấp thành phố và Trung ương, cần có khoản mục kinh phí dành riêng cho nội dung hỗ trợ khai thác, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học. Tùy theo nhu cầu và điều kiện thực tế, khoản mục này có thể chiếm từ 20%-30% tổng kinh phí cho KHCN hằng năm của thành phố. Về lâu dài, khoản mục ngân sách này cần được chuyển vào Quỹ hỗ trợ phát triển KHCN để thống nhất quản lý theo chế độ Quỹ.

Ngoài nguồn NSNN, vốn dành cho mục tiêu này còn được gia tăng nhanh hơn bởi các khoản thu lợi nhuận hoặc phí từ các dịch vụ nhờ việc khai thác, ứng dụng các kết quả nghiên cứu nêu trên. Để quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn thu này, cần xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, trước hết là các hợp đồng tài trợ, tư vấn cho các hoạt động khai thác, ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Tùy từng tính chất và mục tiêu cụ thể, các hoạt động tài trợ, tư vấn này có thể thu hồi một phần, toàn bộ (chủ yếu là trong lĩnh vực KHCN) hoặc thậm chí không thu hồi (đối với lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn).

Các dự án, đề tài được ưu tiên hỗ trợ tài chính từ nguồn Quỹ để khai thác, ứng dụng các kết quả nghiên cứu trước hết là: các đề tài dùng NSNN, thuộc các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng có mục tiêu công ích, phục vụ các định hướng, mục tiêu phát triển và nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế - xã hội và KHCN chung của thành phố; các đề tài nghiên cứu, triển khai phục vụ đổi mới công nghệ, chế tạo sản phẩm mới, sản xuất thử nghiệm tạo bứt phá và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thủ đô theo các định hướng ưu tiên đã được xác định trong đường lối, kế hoạch phát triển của thành phố; các hoạt động và dịch vụ góp phần làm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư của thành phố; các đề tài, dự án làm tăng năng lực KHCN của thành phố.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với nguồn kinh phí phục vụ khai thác, ứng dụng các kết quả nghiên cứu

Nếu nguồn kinh phí được tập trung vào Quỹ hỗ trợ phát triển KHCN như đã nêu trên thì kinh phí được cấp và quản lý theo quy định trong Điều lệ và nguyên tắc hoạt động của Quỹ này.

Nội dung hỗ trợ tài chính từ NSNN gồm: Hỗ trợ cho công tác in ấn, tuyên truyền và chuyển giao kết quả nghiên cứu;hỗ trợ triển khai ứng dụng các giải pháp, đề xuất về KHCN vào thực tiễn quản lý của thành phố hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đơn vị;hỗ trợ đăng ký, quảng bá thương hiệu bản quyền phát minh, sáng kiến KHCN;hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thị trường, triển lãm, quảng cáo sản phẩm mới, sản phẩm chế thử từ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, trung tâm thông tin, chợ KHCN, hệ thống dữ liệu, tài liệu và các dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu, triển khai của thành phố. Ngoài ra, tùy từng dự án, có thể hỗ trợ đào tạo nhân lực, mua sắm máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ việc khai thác, ứng dụng các kết quả nghiên cứu.

Phương thức hỗ trợ tài chính gồm: Hỗ trợ toàn bộ, một phần có thu hồi hoặc không thu hồi kinh phí đã cấp; hỗ trợ trực tiếp cho đơn vị được chỉ định hoặc tổ chức đấu thầu để khai thác, ứng dụng kết quả nghiên cứu theo phương án hiệu quả nhất. Ngoài ra, có thể sử dụng phương thức cho vay tín dụng, ưu đãi lãi suất, hỗ trợ lãi suất, thuê mua tài chính, đầu tư rủi ro cho các hoạt động khai thác, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học.

Việc quản lý tài chính kinh phí hỗ trợ được tiến hành theo từng trường hợp cụ thể trên tinh thần giảm thiểu phần hỗ trợ bao cấp, tăng phần kinh phí tự có hoặc chủ động huy động của doanh nghiệp, đơn vị; gắn mức hỗ trợ ưu đãi với các mục tiêu và quy mô tác động công ích của kết quả khai thác, ứng dụng. Đồng thời, phù hợp với đặc điểm và tạo thuận lợi cao nhất cho các hoạt động khai thác, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học.

Các lợi ích thương mại thu được từ việc khai thác, ứng dụng các kết quả nghiên cứu này đều cần được miễn tất cả các loại thuế và nghĩa vụ tài chính khác ít nhất trong 3 - 5 năm đầu kể từ khi áp dụng thành công và có lãi.

Ba là, hệ thống hóa và công khai hóa các danh mục đề tài, dự án có triển vọng khai thác, ứng dụng kết quả nghiên cứu

Trong các đề tài nghiên cứu khoa học hằng năm dùng NSNN, cần yêu cầu cụ thể các ban chủ nhiệm đề tài xây dựng các kiến nghị, đề xuất rõ ràng, khả thi. Có cơ chế khen thưởng xứng đáng cho các đề tài loại này. Khi nghiệm thu đề tài, Hội đồng nghiệm thu cần chỉ rõ việc khai thác, ứng dụng các kết quả nghiên cứu nào của đề tài.

Sau khi nghiệm thu, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng danh mục các kết quả nghiên cứu có triển vọng và cần hỗ trợ tài chính để khai thác, ứng dụng vào thực tiễn với các đề xuất, địa chỉ cụ thể. Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ, các ban chủ nhiệm chương trình, ban chủ nhiệm đề tài và các sở, ngành, đơn vị và cá nhân có trách nhiệm cũng cần chủ động tìm kiếm các giải pháp, đề xuất các kết quả nghiên cứu khoa học liên quan để đề nghị hỗ trợ tài chính cho việc khai thác, ứng dụng vào thực tiễn.

Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức xây dựng website riêng cho mục tiêu này, trong đó nêu rõ danh mục các đề tài, kết quả nghiên cứu; cơ chế tài chính hỗ trợ khai thác, ứng dụng các kết quả nghiên cứu và các địa chỉ có nhu cầu và khả năng tổ chức khai thác, ứng dụng các kết quả này. Định kỳ, Sở Khoa học và Công nghệ cần đăng tải rộng rãi trên các kênh thông tin đại chúng để thông tin cho các bên hữu quan cùng biết việc khai thác, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học.

______________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 9-2017

TS Nguyễn Minh Phong

Báo Nhân Dân

h ThS Bùi Thị Mai Anh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền