Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao năng lực đội ngũ kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay
Thứ ba, 27 Tháng 3 2018 16:38
3041 Lượt xem

Nâng cao năng lực đội ngũ kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay

(LLCT) - Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng. Bộ Chính trị đã ban hành hai nghị quyết chuyên đề về vấn đề này,  Nghị quyết số 08 và Nghị quyết số 49. Thực hiện các Nghị quyết trên, đội ngũ cán bộ được tăng cường, chất lượng hoạt động tư pháp đã có chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Nguyên nhân chính là năng lực của đội ngũ kiểm sát viên còn nhiều hạn chế, bất cập. Ngành kiểm sát cần đào tạo, bồi dưỡng gắn với việc quy hoạch, sử dụng đội ngũ kiểm sát viên; đội ngũ kiểm sát viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để thực sự vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, bản lĩnh, công tâm và trách nhiệm.

Cải cách tư pháp luôn luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng và được đặt trong quỹ đạo chung của nhiệm vụ xây dựng, củng cố và hoàn thiện bộ máy nhà nước. Đặc biệt kể từ khi Đảng ta khẳng định xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một yêu cầu chiến lược và mang tính hiến định thì công tác tư pháp đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành hai nghị quyết chuyên đề về vấn đề cải cách tư pháp đó là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tớivà Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Những nội dung chính cần tập trung cải cách, đổi mới đã được Đảng ta xác định đó là: tổ chức bộ máy; phương thức hoạt động và trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Đội ngũ cán bộ tư pháp là người trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình tố tụng. Trong đó kiểm sát viên là người đại diện cho viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng trong vụ án. Thực hành quyền công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, quyết định đến quyền lợi chính trị, kinh tế và đôi khi là cả sinh mệnh con người. Chất lượng của hoạt động này còn ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Thực hành quyền công tố là chức năng quan trọng của cơ quan viện kiểm sát và được quy định trong Hiến pháp. Khoản 1 Điều 107, Hiến pháp 2013 quy định: “Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”(1)

Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, đội ngũ kiểm sát viên còn nhiều bất cập, là một trong những nguyên nhân chất lượng công tác tư pháp thấp. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tớiđã chỉ rõ: “Chất lượng công tác tư pháp nói chung chưa ngang tầm với nhu cầu và đòi hỏi của nhân dân; còn nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; vi phạm các quyền tự do dân chủ của công dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và với các cơ quan tư pháp”(2). Bộ Chính trị chỉ ra một trong những nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó là:“Công tác cán bộ của các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình hiện nay. Đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ và năng lực nghiệp vụ, một bộ phận tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, sa sút về phẩm chất đạo đức. Đây là vấn đề nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới kỷ cương, pháp luật, giảm hiệu lực của bộ máy nhà nước”(3).

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020,công tác xây dựng, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ kiểm sát viên đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo Nghị quyết số 522E-NQ/UBTVQH 13 ngày 16-8-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13, tổng số kiểm sát viên cho ngành kiểm sát nhân dân là 10.424 người (65,73% tổng số biên chế). Đến tháng 5-2015, tổng số kiểm sát viên được bổ nhiệm là 10.249 đạt chỉ tiêu được giao là 98,32%. Trong đó, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là 170; kiểm sát viên trung cấp là 3.545; kiểm sát viên sơ cấp: 5.534 người. Về trình độ chuyên môn, tiến sĩ là 28 (0,27%); thạc sĩ là 587 (57,2%); cử nhân 9.269 (95%). Về trình độ lý luận chính trị: cử nhân, cao cấp 2.526 (24,6%); trung cấp: 1.245 (12,1%)(4). Hoạt động thực hành quyền công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử đã được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực: chất lượng cáo trạng, luận tội được nâng lên một bước đáng kể; đề cương xét hỏi được chuẩn bị chu đáo, công phu nên việc tham gia xét hỏi, đối đáp, tranh luận của kiểm sát viên được thực hiện một cách chủ động, sắc xảo, được những người tham dự phiên tòa đồng tình...

Tuy nhiên, hoạt động thực hành quyền công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót, chất lượng, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp hiện nay. Có thể kể đến như: tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung của tòa án vẫn còn cao (năm 2016 là 1.039 hồ sơ); chất lượng cáo trạng, bản luận tội chưa cao; việc tranh luận với luật sư và những người tham gia tố tụng khác chưa thực sự sắc bén, đôi khi hời hợt, thiếu lý lẽ; tỷ lệ án hội đồng xét xử tuyên khác với đề nghị của Viện Kiểm sát vẫn còn nhiều (năm 2016 là 210 vụ/1.065 bị cáo). Đặc biệt tình trạng oan, sai vẫn xảy ra và chưa có chiều hướng giảm (năm 2016 Ngành đã giải quyết bồi thường 12 vụ/12 trường hợp trong tổng số 23 vụ/27 trường hợp với số tiền là 4.118.321.791 đồng)(5).

Nguyên nhân của những tồn tại này là hệ thống pháp luật có liên quan chưa thực sự hoàn chỉnh, đồng bộ; hoạt động điều tra của cơ quan điều tra và hoạt động xét xử của Tòa án vẫn còn nhiều bất cập; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ đối với kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ... Đặc biệt năng lực của một số kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử còn bất cập, hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan, đầu tư cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ tương xứng với yêu cầu về nhiệm vụ, thì việc nâng cao năng lực của kiểm sát viên đóng vai trò quyết định. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, năng lực của kiểm sát viên là yếu tố quan trọng nhất, nó được hợp thành bởi 3 yếu tố: Kiến thức; Kỹ năng; Thái độ. Đây cũng là những yêu cầu cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong bối cảnh hiện nay:

Thứ nhất, về kiến thức, kiểm sát viên cần không ngừng cập nhật, nâng cao các loại kiến thức để phục vụ cho việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, bao gồm kiến thức nghề, kiến thức ngoài nghề. Kiến thức nghề (kiến thức cứng) là sự hiểu biết về pháp luật, làm cơ sở cho việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố. Kiến thức ngoài nghề (kiến thức mềm), sự hiểu biết về các khoa học xã hội khác, như tội phạm học; khoa học về chứng cứ, về dấu vết;  lôgíc; tâm lý; xã hội học... Những kiến thức về các khoa học xã hội khác sẽ giúp cho việc tranh luận được thực hiện một cách sắc sảo, lôgic, chặt chẽ và thuyết phục. Đồng thời, giúp kiểm sát viên phát hiện ra những mâu thuẫn, thiếu lôgíc trong lời khai của bị cáo cũng như lập luận của bên gỡ tội.

Để trang bị kiến thức cho đội ngũ kiểm sát viên, hằng năm ngành kiểm sát phải:

- Luôn quán triệt một cách đầy đủ và sâu sắc các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của Ngành để thể chế hóa và vận dụng sát hợp vào công tác quy hoạch và kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ.

- Đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh nhanh tiến độ tiêu chuẩn hóa cán bộ, phải không ngừng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và luôn coi đó là một yêu cầu tất yếu, được đặt ngang nhiệm vụ chính trị trong công tác xây dựng Ngành. Tập trung nguồn lực cần thiết cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian tới, đặc biệt quan tâm tới đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và cấp cơ sở.

- Luôn xác định rõ và không chệch hướng mục tiêu nhiệm vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó đặc biệt chú trọng nội dung giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức cách mạng như lời dạy của Bác đối với cán bộ kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đào tạo có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm có hiệu quả, tránh hình thức.

- Tiếp tục đa dạng hóa và mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hóa cán bộ theo yêu cầu cải cách tư pháp.

- Làm cho cán bộ thấy rõ quyền lợi, trách nhiệm và danh dự trong việc tư tưởng nghĩa vụ học tập.

- Có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho đội ngũ kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; thường xuyên có chuyên đề tổng kết rút kinh nghiệm về công tác thực hành quyền công tố tại phiên tòa như: án tham nhũng, ma túy, người chưa thành niên phạm tội... Trên cơ sở kế hoạch đào tạo chung của ngành, lãnh đạo viện kiểm sát nhân dân các tỉnh chủ động cử cán bộ tham gia các lớp học như: cao cấp lý luận chính trị, quản lý nhà nước hệ chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, sau đại học; nâng cao nghiệp vụ hình sự; tin học, ngoại ngữ; cũng như các khoa học xã hội khác.

- Chủ động kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ của cấp trên đối với cấp dưới để kịp thời phát hiện, khắc phục, uốn nắn những sai sót, tồn tại trong công tác thực hành quyền công tố, bảo đảm cho hoạt động thực hành quyền công tố đạt chất lượng và hiệu quả.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ của ngành bảo đảm quy trình thống nhất, liên tục trong quy hoạch, chiến lược phát triển ngành kiểm sát.

Thời gian qua, viện kiểm sát nhân dân ở nhiều tỉnh đã phối hợp với tòa án nhân dân tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, với sự tham gia của đội ngũ kiểm sát viên cả hai cấp, sau đó trao đổi, nhận xét những điểm mạnh cũng như những hạn chế, thiếu sót của từng kiểm sát viên, để cùng rút kinh nghiệm. Đây là sáng kiến tốt, có hiệu quả tích cực trong việc tự đào tạo, đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố tại phiên tòa của kiểm sát viên mà không tốn nhiều kinh phí và thời gian và có hiệu quả tích cực.

Bên cạnh việc trang bị kiến thức thông qua trường lớp, mỗi kiểm sát viên (nhất là kiểm sát viên trẻ) cần không ngừng rèn luyện, tự học hỏi trong thực tiễn để trưởng thành. Kiểm sát viên phải luôn có ý thức học tập, kịp thời cập nhật những văn bản pháp luật mới và những kiến thức cơ bản về nhiều chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau, để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn.

Thứ hai, về kỹ năng, kiểm sát viên cần thường xuyên rèn luyện các kỹ năng nghiệp vụ. Bởi, kỹ năng là những hành động, thao tác được thực hiện một cách thuần thục, ổn định trên cơ sở tập luyện và vận dụng kiến thức để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ cụ thể. Thường xuyên rèn luyện các kỹ năng nghiệp vụ như kỹ năng viết cáo trạng, trình bày bản luận tội, diễn đạt, đối đáp trôi chảy, khả năng phản xạ linh hoạt trước các vấn đề mới phát sinh trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa...

Kiểm sát viên phải rèn luyện để luôn thể hiện phong cách ứng xử có văn hóa trong mọi hành vi, thái độ, cách xưng hô, tôn trọng sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa, tôn trọng quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng nhất là những người tham gia tranh tụng với mình.

Kiểm sát viên phải thường xuyên đánh giá lại hoạt động của mình, kịp thời rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc để tránh thiếu sót. Đồng thời, chú ý lắng nghe các ý kiến góp ý của đồng nghiệp, dư luận quần chúng tham dự phiên tòa với thái độ cầu thị để hoàn thiện kỹ năng nghiệp vụ.

Kỹ năng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên cần được quan tâm bồi dưỡng thường xuyên, nhất là kỹ năng tranh luận và đối đáp tại phiên tòa sơ thẩm. Trước hết, kiểm sát viên phải nắm vững mục đích của tranh luận, đối đáp là để bảo vệ quan điểm truy tố của viện kiểm sát trong cáo trạng.

Khi thực hiện các thao tác, kỹ năng nghiệp vụ tại tòa, kiểm sát viên phải bảo đảm những chuẩn mực (giá trị) cơ bản về văn hóa, nhất là văn hóa pháp lý trong xét hỏi, tranh luận, đối đáp... với luật sư, người bào chữa... Kiểm sát viên luôn phải chú ý tác phong, tính kỷ luật, tính tôn nghiêm và phải luôn bình tĩnh, tập trung cao độ trong suốt quá trình xét xử. Tránh tình trạng nóng vội, phản ứng gay gắt, tác phong luộm thuộm, lập luận không rõ ràng, trình bày cáo trạng, luận tội rời rạc,...

Để đạt được những chuẩn mực giá trị văn hóa khi thực hiện nhiệm vụ tại phiên tòa, kiểm sát viên cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững các quy định về pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, khoa học về chứng cứ, dấu vết, tâm lý tội phạm, đồng thời nắm vững các nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước và các chuyên ngành luật khác; phải thường xuyên rèn luyện tư duy logic, khả năng tổng hợp, phân tích đánh giá chứng cứ; thường xuyên rèn luyện kỹ năng về đọc, nói, viết, kỹ năng cảm hóa, giáo dục, thuyết phục người tham gia phiên tòa, nhất là kỹ năng tranh tụng; phải biết kết hợp nhuần nhuyễn kiến thức pháp luật, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ với sự hiểu biết tổng hợp về các môn khoa học xã hội, khoa học tâm lý, vốn sống, kinh nghiệm nghề nghiệp... khi thực hiện nhiệm vụ.

Phải có tác phong làm việc khoa học với tinh thần trách nhiệm cao, tự giác, tận tụy, khiêm tốn, tôn trọng mọi người.

Kiểm sát viên phải dự liệu trước những tình huống có thể xảy ra tại tòa và phương án giải quyết. Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa cần rèn luyện để có được hai tố chất là khả năng phân tích tổng hợp, tư duy logic và khả năng hùng biện, ứng xử linh hoạt trước đám đông. Đây là những kỹ năng mà kiểm sát viên phải thuần thục.

Để hình thành kỹ năng thực hành quyền công tố, đòi hỏi kiểm sát viên phải kiên trì rèn luyện một cách khoa học, nghiêm túc. Thường xuyên tự đánh giá, rút kinh nghiệm công tác. Đây là cách duy nhất hình thành kỹ năng, bởi vì kỹ năng chỉ có được thông qua lao động trực tiếp.

Thứ ba, về thái độ của kiểm sát viên

Ở đây thái độ được hiểu trên khía cạnh sự chăm chỉ, công tâm, bản lĩnh và trách nhiệm. Hoạt động thực hành quyền công tố của kiểm sát viên là hoạt động áp dụng pháp luật rất phức tạp, liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và đôi khi là cả sinh mệnh con người. Do đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi kiểm sát viên phải thực sự chăm chỉ, làm việc với tâm trong sáng, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách khách quan, chính xác và công bằng. Trước một hành vi phạm tội, kiểm sát viên cần phải xem xét, đánh giá một cách tỉ mỉ, khách quan và toàn diện, không thiên vị; luôn luôn bảo đảm nguyên tắc: mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Quyết tâm bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý. Khi xem xét một sự việc cần phải xem xét một cách toàn diện, tôn trọng sự thật, không được vội vã kết luận và suy đoán chủ quan. Tất cả phải được thể hiện qua chứng cứ cụ thể, rõ ràng, tuyệt đối không thành kiến, áp đặt ý chí chủ quan. Thận trọng suy xét, cẩn thận trong hành động để tránh sai sót, thể hiện ý thức trách nhiệm cao trong công việc và dám chịu trách nhiệm trước pháp luật về công việc đảm nhiệm.

Kiểm sát viên phải luôn luôn thể hiện được hình ảnh là người đại diện cho sự công bằng, đại diện cho chính nghĩa, lẽ phải, có phẩm chất đạo đức và đặc biệt phải có đủ năng lực để hoàn thành công việc chuyên môn được giao, đáp ứng được tiêu chí: vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm.

Đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên cần được thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện để giữ vững bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lương tâm, trách nhiệm, tận tụy và có tính tự giác cao với công việc; có tinh thần kiên quyết đấu tranh bảo vệ công lý, không thiên lệch trước bất kỳ áp lực nào; phải thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, biết vượt qua chính mình, kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, tôn trọng lẽ phải...

______________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 9-2017

(1) Hiến pháp năm 2013, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.72.

(2), (3) Bộ Chính trị: Nghị quyết số 08/NQ-TW, ngày 2-1- 2002 Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới.

(4) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao:Báo cáo tổng kết về công tác cán bộ năm 2015, 2015.

(5) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Cục Thống kê tội phạm:Thống kê tội phạm năm 2016, 2016.

 

ThS TRẦN VĂN QUÝ

Viện Nhà nước và pháp luật,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền