Trang chủ    Thực tiễn    Giáo dục ý thức chính trị cho giai cấp công nhân Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay
Thứ ba, 27 Tháng 3 2018 18:01
4539 Lượt xem

Giáo dục ý thức chính trị cho giai cấp công nhân Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay

(LLCT) - Giáo dục ý thức chính trị cho giai cấp công nhân luôn là nhiệm vụ rất quan trọng. Trong giai đoạn hiện nay, dưới sự tác động của mặt trái trong quá trình hội nhập quốc tế, đã và đang làm cho một bộ phận công nhân nước ta xa rời lập trường giai cấp, phai nhạt lý tưởng cách mạng, ý thức tổ chức và kỷ luật lao động hạn chế. Bài viết trên cơ sở phân tích thực trạng và vấn đề đặt ra, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho giai cấp công nhân Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Giai cấp công nhân Việt Nam có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy vậy, trình độ nhận thức chính trị, ý thức pháp luật, kỷ luật và tác phong lao động công nghiệp của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đại hội XII (2016) của Đảng xác định: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ cho công nhân...”(1). Vì vậy, giáo dục ý thức chính trị cho giai cấp công nhân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

1. Một vài nét về thực trạng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay

Giai cấp công nhân nước ta ra đời và phát triển từ một nước nông nghiệp lạc hậu, tác phong lao động còn gắn với nền sản xuất nhỏ. Trong quá trình phát triển, giai cấp công nhân thường xuyên tiếp nhận vào đội ngũ của mình những người lao động mới, phần lớn là nông dân, còn trẻ tuổi đời, ít tuổi nghề nên ý thức, lập trường giai cấp còn nhiều hạn chế. Dẫn đến, “công nhân nước ta không đồng đều về nhận thức xã hội, giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức và kỷ luật lao động”(2).

Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, bên cạnh bộ phận công nhân vẫn giữ vững lập trường giai cấp, bản chất cách mạng, thì có một bộ phận chịu tác động và ảnh hưởng bởi lối sống tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, cơ hội, phai nhạt lý tưởng cách mạng, mà biểu hiện là đề cao lợi ích vật chất, tâm lý hưởng thụ, coi nhẹ giá trị truyền thống, lối sống đạo đức, giá trị tinh thần; chỉ lo vun vén cá nhân, gia đình hơn là chăm lo cho lợi ích chung của giai cấp, cộng đồng; chú trọng lợi ích trước mắt, coi nhẹ lợi ích cơ bản, lâu dài. Không ít công nhân thiếu ý chí phấn đấu, ý thức tổ chức kỷ luật. Một số công nhân trẻ còn bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã hội, sống buông thả, suy thoái về đạo đức, lối sống. Một bộ phận hoài nghi, không tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, mơ hồ về lập trường giai cấp, không tin tưởng vào con đường đi lên CNXH.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, một bộ phận công nhân coi công việc tại nhà máy, xí nghiệp như là một cách mưu sinh, mà chưa coi đó là một nghề nghiệp, một sự nghiệp. Vì vậy, ý thức tổ chức, kỷ luật lao động của bộ phận công nhân này rất hạn chế. Kết quả khảo sát cho thấy: 45,2% công nhân không sử dụng thiết bị bảo hộ lao động; 24,8% đi muộn, về sớm; 11,8% lấy cắp đồ của công ty; 25,6% nghỉ làm không xin phép; 25,6% không hoàn thành định mức công việc; 19,3% không chấp hành kỷ luật lao động(3).

Giai cấp công nhân là người làm chủ đất nước, thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, “địa vị chính trị của giai cấp công nhân chưa thể hiện đầy đủ”(4). Phần lớn công nhân trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhất là trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không có tư liệu sản xuất, là những lao động làm thuê cho giới chủ. Lợi ích của bộ phận công nhân trong những khu vực kinh tế này chưa tương xứng với công sức, thành quả lao động; đời sống công nhân rất nhiều khó khăn, thu nhập không đủ để tái sản xuất sức lao động mở rộng và tích lũy lâu dài. Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn về so sánh giữa thu nhập và chi tiêu cho thấy: 19,9% số người lao động có thu nhập không đủ sống; 31,3% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm; 40,7% vừa đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 8% có tích lũy.

Phần lớn công nhân không nhận mình thuộc giai cấp lãnh đạo xã hội, không phải là người làm chủ sản xuất, họ chỉ nhận mình là những người làm công ăn lương, cố gắng làm tốt công việc để tăng thêm thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống. Tâm lý này được thể hiện rõ ở phong cách làm việc, chỉ chú trọng đến công việc, làm trọn phận sự, thụ động và ít quan tâm đến các lĩnh vực chính trị - xã hội, coi những hoạt động đó là của ban chuyên trách. Từ nhận thức đó, “một bộ phận công nhân chưa thiết tha phấn đấu vào Đảng và tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị - xã hội”(5), dẫn tới tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo xuất thân từ công nhân ngày càng ít. 

Trong khi đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân chưa bám sát thực tiễn những vấn đề chính trị, xã hội trong nước và quốc tế, chậm đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục; đội ngũ làm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, dẫn đến thiếu sức hút đối với công nhân lao động. Trong hợp tác đầu tư, chỉ tập trung cho phát triển kinh tế, còn công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân chưa được chú trọng. Công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tích cực tham gia và tạo điều kiện cho các hoạt động chính trị - xã hội của công nhân còn nhiều hạn chế.

Quy định luật pháp về việc thành lập và hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và các tổ chức chính trị - xã hội ở doanh nghiệp chưa cụ thể, nên hầu hết chi ủy, chi bộ đảng trong các doanh nghiệp rất lúng túng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng nội dung, phương thức hoạt động. Chức năng của chi bộ trong các loại hình doanh nghiệp chưa được hướng dẫn thực hiện cụ thể nên hoạt động của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp, nhất là trong doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không hiệu quả. Đối với doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, nhiều tổ chức đảng trong doanh nghiệp tồn tại và hoạt động một cách mờ nhạt, không thể hiện được vai trò hạt nhân chính trị, thậm chí có nơi chi bộ chỉ tồn tại như “câu lạc bộ” của những người chung nỗi lo thất nghiệp.

Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng thời có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, ý thức chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân. Tuy nhiên trong thực tiễn, hoạt động của Công đoàn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được vai trò. Trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vai trò của tổ chức công đoàn rất mờ nhạt. Nhiều doanh nghiệp không thành lập tổ chức công đoàn vì ngại ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp, thậm chí giới chủ còn coi tổ chức công đoàn là đối trọng với mình. Nếu công đoàn được thành lập, thì những người làm công tác công đoàn do giới chủ “dựng lên”, và buộc họ gắn với lợi ích giới chủ, vì vậy, chức năng của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp cũng không còn hiệu lực.

2. Giải pháp nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay

Thứ nhất, hoàn thiện và thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp công nhân

C. Mác từng nói: “người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể làm ra lịch sử. Nhưng muốn sống được phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa”. Vì vậy, với những khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần của giai cấp công nhân nước ta hiện nay, thì điều mà người công nhân quan tâm đó là điều kiện sống phải được bảo đảm trước khi nghĩ đến chuyện khác. Do đó, trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, cần chăm lo đời sống, bảo vệ lợi ích chính đáng của giai cấp công nhân, người lao động, trước hết phải bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ cho công nhân. Sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phải được triển khai thực hiện nghiêm túc, có sự giám sát với một cơ chế rõ ràng, minh bạch để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giai cấp công nhân.

Thứ hai,đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân

Đổi mới nội dung và phương pháp, cách thức giáo dục chính trị, tư tưởng theo hướng đa dạng, linh hoạt và mềm dẻo với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, sinh động. Do đó, người làm công tác tuyên truyền, giáo dục phải năng động tìm tòi, lựa chọn những hình thức cho phù hợp với từng đối tượng. Chú ý tính khác biệt, đặc thù giữa các đối tượng công nhân trong từng loại hình cơ sở sản xuất, sự khác biệt về trình độ, tâm lý, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp để có biện pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp.

Đối vớicông nhân khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần giáo dục giác ngộ về chính trị, am hiểu về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ý thức giai cấp, ý thức dân tộc, tính tổ chức kỷ luật và tác phong lao động công nghiệp.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân phải được tiến hành thường xuyên, bền bỉ, bám sát thực tiễn. Bên cạnh đó, cần gắn công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động với việc động viên về mặt vật chất, tinh thần đối với công nhân lao động chấp hành tốt nội quy và kỷ luật lao động, có ý chí phấn đấu, rèn luyện nâng cao lập trường tư tưởng, có ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc.

Đặc biệt, cần tăng cườngcông tác giáo dục,nâng cao nhận thức củađội ngũ cán bộ,đảng viên, làm công tác lãnh đạo, quản lýtrong các doanh nghiệp bởiđây là lực lượng tiên phongtrong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm gương cho công nhân lao động tin theođường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp

Cần đổi mới tổ chức công đoàn, để “nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, thực sự đại diện quyền lợi cho người lao động, giải quyết kịp thời các tranh chấp”(6). Trước hết, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn cho sát với thực tiễn, có tính khả thi cao, phù hợp với những quy định của Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật liên quan. Xác định rõ vị trí, chức năng, quyền và cơ chế bảo đảm để Công đoàn thực hiện tốt chức năng của mình. Trên cơ sở những quy định của luật pháp, phải yêu cầu, động viên các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập và tạo điều kiện để Công đoàn hoạt động hiệu quả theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn. Đối vớicác doanh nghiệp đông công nhân,cần phải cócán bộ công đoàn chuyên trách;nghiên cứu việc cơ cấu đại diện công đoàn vào thường vụ cấp ủy ở những nơi có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân.

Công đoàn cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục công nhân nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, ý thức tự lực, tự cường, tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên định con đường XHCN; tập hợp trí tuệ công nhân, phối hợp với các tổ chức đại diện quyền lợi cho công nhân trong doanh nghiệp để tham gia xây dựng, bổ sung, sửa đổi và thực hiện chính sách, pháp luật.

Công đoàn cần chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Namđể thu hút, tập hợp đông đảo đội ngũcông nhânđể tạo nên sức mạnh tổng hợp trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách,pháp luật của Nhà nước.

Công đoàn cần chủ động mở rộng quan hệ với các tổ chức công đoàn trên thế giới và trong khu vực để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời để khẳng định vị trí và vai trò của Công đoàn Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác công đoàn các nước trên thế giới trong sự nghiệp vì quyền lợi của công nhân lao động, vì sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Thứ tư, đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảngbằng việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp.Cần hoàn thiện tổ chức cơ sở đảng theo hướng gắn tổ chức cơ sở đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội. Để thực hiện được nhiệm vụ này cần làm tốt những nội dung chủ yếu sau:

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên về vị trí, tầm quan trọng của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp với việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển giai cấp công nhân. Trên cơ sở đó, bổ sung quy định,chế tài cụ thể, đủ mạnh trong các luật để thực hiện nghiêm túc việc thành lập, hoạt động của tổ chức đảng tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đồng thời,coi trọng tuyên truyền, vận động, thuyết phụccác chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiểu đúng, đầy đủ, đồng hành, ủng hộ, tạo điều kiện để tổ chức đảng được thành lập và hoạt động thuận lợi, hiệu quả.

Trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ, xuất phát từ điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của tổ chức cơ sở đảng. Qua đó, thu hút và tạo điều kiện để công nhân tham gia sinh hoạt đoàn thể, phát hiện và bồi dưỡng vàkết nạpvào Đảng những quần chúngưu tú.

Mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng ở cơ sở, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong các doanh nghiệp để sinh hoạt đảng ngày càng nâng cao chất lượng. Khắc phục tình trạng sinh hoạt đảng mang tính hình thức, chiếu lệ. Phát huy vai trò và trách nhiệm của mỗi đảng viên để sinh hoạt đảng ở cơ sở thực sự là môi trường sinh hoạt chính trị tư tưởng hiệu quả.

Có chính sách động viên về vật chất, khuyến khích về tinh thần đối với đội ngũ cán bộ đảng ở doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, nhiệt tình, tâm huyết và kỹ năng công tác cho cán bộ đảng ở doanh nghiệp.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng cấp trên đối với tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Sự lãnh đạo của Đảng phải thực hiện phương châm hướng về cơ sở, phục vụ cơ sở, cùng cơ sở tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nhất là những tổ chức đảng yếu kém. Đồng thời, khắc phục bệnh quan liêu, hành chính của cấp ủy cấp trên.

Việc xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công nhân vừa có tính nguyên tắc, vừa có ý nghĩa quyết định đến tăng cường sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, nâng cao giác ngộ chính trị cho giai cấp công nhân là điều kiện cơ bản, quan trọng bảo đảm cho việc thực hiện vai trò tổ chức, lãnh đạo của giai cấp công nhân trong sự nghiệp CNH, HĐHđất nước và hội nhập quốc tế.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2017

(1), (6)ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 160, 301.

(2),  (4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.30, 45, 46.

(3) Viện Công nhân và Công đoàn: Xây dựng lối sống văn hóa của công nhân Việt Nam - Lý luận và thực tiễn, Nxb Lao động, Hà Nội, 2015, tr.101.

 

TS Phạm Văn Giang

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền