Trang chủ    Thực tiễn    Kiến nghị chính sách nhằm thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012
Thứ ba, 27 Tháng 3 2018 18:01
2547 Lượt xem

Kiến nghị chính sách nhằm thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012

(LLCT) - Từ thực tiễn triển khai Luật HTX 2012 vào cuộc sống cho thấy rất nhiều khó khăn, vướng mắc làm chậm quá trình chuyển đổi HTXNN theo Luật HTX 2012, trong đó có những rào cản  từ một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn của Luật HTX 2012 và các văn bản dưới luật. Từ kết quả khảo sát, điều tra thực tế, bài viết đề xuất một số kiến nghị điều chỉnh, bổ sung một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn của Luật HTX 2012 và các văn bản dưới luật nhằm thúc đẩy HTXNN Việt Nam chuyển đổi, hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Luật HTX 2012 ra đời là một bước tiến trong nhận thức của Đảng và Nhà nước về hình thức tổ chức và phương thức hoạt động của hợp tác xã (HTX) nhằm đưa HTX Việt Nam tiếp cận với mô hình HTX thế giới, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đồng thời đưa HTX Việt Nam trở về đúng bản chất của kinh tế tập thể mang tính phục vụ cộng đồng là các thành viên trong HTX. Khoản 2, Điều 62, Luật HTX 2012 quy định “Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà tổ chức và hoạt động không phù hợp với quy định của Luật này thì phải đăng ký lại hoặc chuyển sang loại hình tổ chức khác trong thời hạn 36 tháng, kể từ khi Luật này có hiệu lực thi hành”. Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, nhiều HTX nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX 2012.

Tuy nhiên trên thực tế, tiến độ các HTXNN đăng ký lại theo Luật HTX 2012 rất chậm và chuyển đổi chủ yếu mang tính hình thức. Các HTX chủ yếu mới làm các thủ tục chuyển đổi và đăng ký lại vào cuối năm 2016; về phương thức hoạt động vẫn chưa có sự thay đổi, còn nặng về hành chính, bao cấp, phần lớn chưa hoạt động được theo quy định của Luật HTX năm 2012.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ các HTXNN chuyển đổi chậm, chất lượng chuyển đổi thấp, trong đó có những nguyên nhân từ một số quy định của Luật HTX 2012 và các văn bản dưới luậtchưa phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, qua khảo sát thực tiễn, đề xuất kiến nghị chính sách nhằm thúc đẩy HTXNN Việt Nam chuyển đổi và hoạt động hiệu quả.

Thứ nhất, sửa quy định về tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho đối tượng không là thành viên của HTXNN

Điểm a, Điểm c, Khoản 2, Điều 5 của Nghị định số 193/2013/NĐ-CPqui định: Tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm mà hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cam kết cung ứng, tiêu thụ cho thành viên, hợp tác xã thành viên cho khách hàng không phải thành viên do điều lệ hợp tác xã quy định cụ thể nhưng không được vượt quá mức quy định sau đây: Không quá 32% tổng giá trị cung ứng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp(1).

Một mặt, có thể thấy, để HTXNN hoạt động đúng bản chất phục vụ thành viên là những người nông dân yếu thế trong xã hội thì Luật HTX và các văn bản dưới luật cần đưa ra những quy định về vấn đề HTX cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho đối tượng là thành viên và đối tượng không là thành viên. Tuy nhiên, Nghị định Số 193 khi đưa ra quy định cụ thể tỷ lệ cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho đối tượng không là thành viên của HTX là không vượt quá 32% tổng sản phẩm dịch vụ cung ứng của HTX đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình.

Khi khảo sát đối với các chức danh quản lý HTX (đặc biệt là nhóm HTX chuyển đổi chưa thành công và không chuyển đổi được) về những cản trở trong chuyển đổi theo Luật HTX 2012 thì 193/342 phiếu (56,4%)(2)trả lời là do không đáp ứng được yêu cầu tỷ lệ cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho đối tượng thành viên ngoài HTX không được vượt quá 32% tổng giá trị sản phẩm, dịch vụ của HTX. Trên thực tế, các HTX đã cung cấp nhiều dịch vụ cho đối tượng không là thành viên của HTX, điển hình là các dịch vụ công như thủy lợi, điện, tín dụng, cung ứng giống lúa, vật tư phân bón, bảo quản, chế biến sản phẩm để thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn HTX hoạt động. Các tỷ lệ cung ứng này đều vượt quá mức quy định 32%.

Vì vậy, nhiều HTX gặp khó khăn khi thực hiện quy định này. HTX Đông Di Linh - Lâm Đồng: Theo luật hợp tác xã 2012, HTX cung ứng dịch vụ cho xã viên là chính, hạn chế cung cấp cho đối tượng khách hàng không phải là  thành viên HTX. Đây là một khó khăn cho hoạt động dịch vụ của HTX vì diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do đô thị hóa nên nhu cầu sử dụng dịch vụ của xã viên ngày càng ít(3)... HTXNN Xuân Lộc - Hồ Chí Minh: Căn cứ vào điều kiện thực tế sau khi tổ chức lại theo Luật HTX 2012; Ban Quản trị HTXNN nhận thấy một số nội dung quy định trong Luật, Nghị định số 193 rất khó thực hiện hoặc nếu thực hiện thì sẽ kìm hãm hoạt động của HTX. Cụ thể là: Quy định về tỷ lệ cung ứng sản phẩm dịch vụ cho khách hàng không phải thành viên. Thực tế, ngoài việc phục vụ nhu cầu của thành viên còn phải phục vụ nhu cầu xã hội, mặt khác hoạt động của HTX phải đem lại lợi nhuận nhằm tích luỹ đầu tư phát triển. Vì vậy, việc quy định tỷ lệ cung ứng sản phẩm,dịch vụ cho khách hàng không phải thành viênsẽ kìm hãm hoạt động của HTX, không tạo được động lực cạnh tranh cho HTX với các thành phần kinh tế khác(4).

Bên cạnh đó, các ý kiến từ phía cơ quan nhà nước quản lý HTXNN ở các địa phương thuộc 63 tỉnh thành trên cả nước thông qua các cuộc hội thảo, trao đổi, phỏng vấn, các báo cáo tổng kết cũng đã phản ánh sâu sắc vấn đề này. Chi cục phát triển nông thôn Thanh Hóa phản ánh: Việc cung ứng sản phẩm dịch vụ bị bó buộc, theo Luật mới quy định, tỷ lệ cung ứng đối với ngoài thành viên không được vượt quá 32%, khiến cho các HTX không thể mở rộng hoạt động; giảm doanh thu; nếu HTX có ít thành viên thì việc phát triển HTX sẽ vô cùng khó khăn(5). Chi cục phát triển nông thôn An Giang kiến nghị: Do đặc thù của các HTXNN là phục vụ cho cả vùng sản xuất nên việc bảo đảm tỷ lệ phục vụ thành viên theo quy định của Luật HTX 2012 và Nghị định 193 là rất khó. Do đó, đối với HTXNN hoặc HTX làm các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, đề nghị không quy định khống chế mức % giá trị HTX cung ứng dịch vụ cho khách hàng không phải là thành viên HTX(6).

Từ thực tiễn, “Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách khi Chính phủ ban hành Nghị định về Hợp tác xã nông nghiệp” của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã khẳng định: HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX 2012 phải bảo đảm đúng quy định về phương thức hoạt động của HTX. Theo đó, HTX phải bảo đảm tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng không phải là thành viên không được lớn hơn thành viên của HTX. Vì vậy, việc quy định tỷ lệ cung ứng dịch vụ cho khách hàng không phải là thành viên của HTXNN tại Nghị định số 193 đang là rào cản lớn đối với hoạt động kinh doanh và dịch vụ của các HTXNN. Rất nhiều HTXNN không thể thực hiện được quy định này nên đã không đăng ký lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012; các HTX đã thực hiện đăng ký lại thì không thể mở rộng hoạt động, dẫn đến doanh thu thấp, kinh doanh không hiệu quả; nhất là đối với các HTX có ít thành viên thì việc phát triển HTX đang gặp nhiều khó khăn”(7).

Vì vậy, cần sửa đổi quy định về tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho đối tượng là thành viên và đối tượng không là thành viên của HTXNN. Cụ thể: Sửa Điểm a, Điểm c, Khoản 2, Điều 5 của Nghị định số 193 theo hướng: “Các HTX phải bảo đảm đáp ứng 100% nhu cầu cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho thành viên trước, sau đó có thể cung ứng cho các đối tượng không phải là thành viên HTX” hoặc “Đại hội thành viên HTX bàn bạc, tự quyết định về tỷ lệ này hàng năm, phù hợp với điều kiện của từng HTX trong năm đó”.

Quy định như vậy sẽ giúp HTXNN vừa bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ đối với thành viên, vừa thúc đẩy mở rộng hoạt động sản xuất ra thị trường để tìm kiếm cơ hội phát triển, mang lại lợi ích cho thành viên.

Thứ hai, bổ sung quy định về gia hạn thời gian đăng ký lại HTX NN theo luật HTX năm 2012

Khoản 2 Điều 62 Luật Hợp tác xã 2012 quy định:“Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà tổ chức và hoạt động không phù hợp với quy định của Luật này thì phải đăng ký lại hoặc chuyển sang loại hình tổ chức khác trong thời hạn 36 tháng, kể từ khi Luật này có hiệu lực thi hành” (tức ngày 1-7-2016).

Tuy nhiên, trong thực tiễn, khi thời hạn đăng ký lại của các HTXNN đã kết thúc, nhưng số HTX NN cũ đã đăng ký lại còn ít, tiến độ đăng ký lại rất chậm và chất lượng chuyển đổi thấp, hình thức. Luật HTX ban hành năm 2012 nhưng đến tháng 12-2014 mới có 773 HTXNN đăng ký lại và sáp nhập (chiếm 7,4%)(8). Đến năm 2015, số HTXNN đăng ký lại tăng lên 2056 HTX (chiếm 18,87%)(9). Đến thời gian hết hạn chuyển đổi (31-6-2016), số HTXNN đăng ký lại tăng lên nhanh chóng nhưng cũng chỉ chiếm xấp xỉ 50% số HTX NN với 5421/10.854 HTX(10). Vì vậy, số HTXNN cũ chưa đăng ký lại và chuyển đổi còn khá lớn (3.272 HTX). Trong số chưa đăng ký lại, có 1.254 HTX hoạt động không hiệu quả đang ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng vẫn chưa được giải thể(11).

Thời hạn cho các HTX “đăng ký lại” được quy định cụ thể nhưng không quy định nếu hết thời hạn trên mà các HTX chưa đăng ký lại thì sẽ phải giải thể bắt buộc. Do vậy, các HTX được quyền “đăng ký lại” nếu có nhu cầu.

 Trong điều kiện đó, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cần hướng dẫn các HTXNN tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật HTX 2012 và làm các thủ tục để đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo đảm hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, hoặc giải thể HTX nếu không đăng ký thay đổi theo thời hạn.

Tuy nhiên, nhằm xử lý triệt để các HTXNN không thể chuyển đổi thì cần phải có những quy định cụ thể, tránh tình trạng HTX tồn tại trên danh nghĩa mà không hoạt động. Vì vậy, cần thiết bổ sung vào Điều 19 Nghị định 193 quy định về điều kiện, thủ tục giải thể HTXNN theo hướng “HTXNN không thể đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012 thì phải giải thể tự nguyện hoặc giải thể bắt buộc” theo Luật HTX; Thời hạn cuối cùng là 31-12-2018.

Như vậy, về mặt cơ chế, Nhà nước cho phép các HTXNN chưa đăng ký lại thì được phép tiếp tục đăng ký lại, song phải có quy định cụ thể thời gian kéo dài được phép bao lâu nhằm khắc phục tình trạng hàng loạt HTXNN tồn tại trên danh nghĩa nhưng thực chất không hoạt động.

Thứ ba, bổ sung quy định về “Mối quan hệ giữa Chủ tịch HĐQT với Giám đốc HTX”

Luật HTX 2003 quy định:

Cho phép HTX chọn 1 trong 2 mô hình tổ chức, gồm: một bộ máy vừa quản lý vừa điều hành: trưởng ban quản trị đồng thời là chủ nhiệm HTX (Điều 27); hoặc thành lập riêng bộ máy quản lý: ban quản trị và bộ máy điều hành: chủ nhiệm, phó chủ nhiệm (Điều 28).

Trên thực tế, phần lớn các HTXNN đã thành lập bộ máy tổ chức theo quy định tại Điều 27 của Luật HTX 2003: Trưởng ban quản trị đồng thời là chủ nhiệm HTX. Như vậy, Luật HTX 2003 chưa có sự tách bạch giữa cơ quan quản lý và cơ quan điều hành. Với hình thức bộ máy tổ chức mang tính kiêm nhiệm, vừa quản lý, vừa điều hành HTX sẽ đánh mất những giá trị cơ bản của sự hợp tác: tự do, bình đẳng, công bằng, đoàn kết, trách nhiệm; đánh mất sự minh bạch và dân chủtrong quản lý kinh doanh.

Khắc phục hạn chế trên, trong quy định về hình thức tổ chức HTX, Điều 35, Luật HTX 2012 quy định: Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý HTX do hội nghị thành lập hoặc đại hội thành viên bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo thể thức bỏ phiếu kín; Giám đốc là người điều hành hoạt động của HTX (Điều 38); Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của HTX (Điều 37). Như vậy, mặc dù không đề cập cụ thể đến việc HTX lựa chọn mô hình tổ chức 1 bộ máy hay 2 bộ máy thì những quy định này đã khẳng định rằng: Luật HTX 2012 đã đưa ra những quy định nhằm tách bạch giữa bộ máy quản lý và bộ máy điều hành của HTX.

Tuy nhiên, thực tế khảo sát cho thấy, ý kiến từ các HTXNN không tán đồng quy định phải tách riêng bộ máy quản lý với bộ máy điều hành. Kết quả khảo sát cho thấy, có 201/330 phiếu thành viên chức danh, chiếm 60,9%(12) cho rằng quy định này gây khó khăn cho HTX, nhất là những HTX thuộc nhóm chuyển đổi chưa thành công và chưa chuyển đổi được. Đây là những HTX có quy mô nhỏ, vốn ít. Các HTX không đủ khả năng trả lương cho 2 bộ máy độc lập. Nghiên cứu điều lệ của 27 HTX làm ăn hiệu quả từ 9 tỉnh trên địa bàn khảo sát cho thấy con số rất ít HTX áp dụng mô hình tổ chức 2 bộ máy tách biệt mà phần lớn chủ tịch hội đồng quản trị kiêm nhiệm giám đốc HTX.

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Việc chuyển đổi HTX gặp khó khăn còn do chính nội dung các chương, điều quy định trong luật khó áp dụng vào thực tế, nhất là đối với các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo Luật mới, HTX cần bổ sung thêm thành viên và thành lập hội đồng quản trị. Tuy nhiên, trong điều kiện ngày càng khó khăn do diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, việc chi trả lương cho cán bộ, thành viên HTX đang là bài toán nan giải. Nhiều HTX nông nghiệp sau khi chuyển đổi, số lượng thành viên quá ít, việc cung ứng một số dịch vụ đáp ứng trên 32% nhu cầu của các thành viên theo quy định của Nghị định số 193 sẽ rất khó khăn(13).

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cà Mau kiến nghị: Luật HTX năm 2012 có nhiều nội dung mới quy định chi tiết về mô hình HTX kiểu mới, với phương thức hoạt động có trình độ quản lý điều hành cao hơn. Từ đó các HTX có biểu hiện băn khoăn, e ngại, lúng túng, thiếu chủ động trong điều chỉnh, bổ sung phương án đăng ký lại hoạt động theo quy định mới nên chậm tiến hành thủ tục đăng ký, chuyển đổi hoạt động(14). Khảo sát tại tỉnh Sơn La cũng nhận được nhiều ý kiến: Từ khi triển khai Luật HTX 2012 đến nay, nhiều HTX kiểu mới đã bước đầu hình thành, thay thế dần những mô hình HTX kiểu cũ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều HTX, nhất là các HTX nông nghiệp quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, rất khó khăn trong việc tổ chức lại hoạt động theo quy định của Luật HTX 2012(15).

Cần khẳng định, Luật hợp tác xã năm 2012 quy định HTX có sự tách bạch hai bộ máy hội đồng quản trị và giám đốc điều hành là hợp lý. Theo đó, chủ tịch và thành viên hội đồng quản trị nhất thiết phải là thành viên HTX, nhưng phải có đủ năng lực thuê và kiểm soát bộ máy điều hành, từ giám đốc đến các nhân viên kinh tế, kỹ thuật của HTX. Giám đốc điều hành và bộ máy điều hành hợp tác xã phải được đào tạo chính quy, phải là những nhà kinh tế, kỹ thuật chuyên nghiệp, có trình độ, kỹ năng đủ đáp ứng yêu cầu của HTX.

Tuy nhiên, thực tế những HTXNN Việt Nam hiện nay thì những thành viên HTX là nông dân sản xuất nhỏ, lẻ, không đủ năng lực thuê và giám sát hoạt động của những nhà quản trị HTX chuyên nghiệp. Do tâm lý sản xuất nhỏ, họ không dễ chấp nhận trả mức thù lao xứng đáng theo giá cả thị trường cho các nhà quản trị HTX chuyên nghiệp.

Như vậy, chỉ có những nông dân chuyên nghiệp sản xuất hàng hóa lớn mới có nhu cầu và khả năng quản lý HTX của họ. Trên thực tế, nền nông nghiệp nước ta hiện nay chưa có nhiều nông dân sản xuất hàng hóa nông sản quy mô lớn. Do đó, cả nhu cầu và khả năng thành lập bộ máy quản lý và bộ máy điều hành độc lập của HTXNN nước ta hiện nay không cao. Vì vậy, thời điểm hiện nay HTXNN ở Việt Nam khó có thể tuân thủ quy định thành lập riêng 2 bộ máy như các nước phát triển trên thế giới.

Vì vậy, để đáp ứng thực tiễn hiện nay, nên cho phép HTXNN được thành lập 1 trong 2 bộ máy, song phải đưa ra những quy định mang tính chế tài nhằm khắc phục sự không minh bạch trong quản lý, điều hành của HTX. Đề tài kiến nghị bổ sung Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định về mối quan hệ giữa chủ tịch HĐQT với giám đốc HTX theo hướng “Chủ tịch HĐQT phải ký hợp đồng công việc với giám đốc điều hành hoạt động của HTX. Trong trường hợp chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc điều hành thì phó Chủ tịch HĐQT ký hợp đồng công việc với giám đốc điều hành thay chủ tịch HĐQT”.

Quy định như vậy giúp tách bạch và làm rõ vị trí, trách nhiệm mối quan hệ giữa Chủ tịch HĐQT với Giám đốc điều hành trong cả hai trường hợp chủ tịch HĐQT kiêm và không kiêm giám đốc điều hành HTX.

Bốn là, bổ sung quy định về xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ HTXNN thực hiện “kiểm toán kết hợp tư vấn phát triển HTX” từng năm đối với tất cả các HTXNN sau chuyển đổi về tổ chức và hoạt động theo Luật HTX 2012

Trong thực tế, HTXNN Việt Nam từ trước đến nay không được tổ chức kiểm toán HTX hàng năm (gồm kiểm tra các vấn đề về tổ chức, hoạt động của HTX và thực hiện tư vấn phát triển HTX) nên tạo kẽ hở cho một bộ phận HTX không thực hiện đúng luật HTX và phát sinh những hành vi sai trái trong HTX và từ các cơ quan chính quyền địa phương đối với HTX.

Bên cạnh đó, trong chuyển đổi phương thức hoạt động của HTXNN theo Luật HTX, nhất là những HTX yếu về năng lực điều hành và nghèo về tài chính thì các hỗ trợ kỹ thuật là rất cần thiết. Chính vì vậy, các tổ chức nhà nước quản lý HTX cần tiếp cận từng HTXNN để cung cấp các hỗ trợ cụ thể, đúng nhu cầu của từng HTXNN; từ đó giúp HTXNN chuyển đổi thành công về tổ chức, sau đó tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn chuyển đổi về hoạt động. Trên cơ sở đó, giúp HTXNN chuyển đổi thành công cả về hình tổ chức và phương thức hoạt động. Sự giúp đỡ này thông qua công việc “Kiểm toán và tư vấn phát triển HTX” được triển khai hàng năm và được thực hiện trong suốt quá trình chuyển đổi và phát triển HTX theo luật HTX năm 2012.

Vì vậy, bổ sung Nghị định 193 quy định về xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ HTXNN thực hiện “kiểm toán kết hợp tư vấn phát triển HTX” từng năm đối với tất cả các HTXNN sau chuyển đổi về tổ chức và hoạt động theo Luật HTX 2012 là cần thiết.

Cụ thể, nội dung quy định gồm:

i) Kiểm toán nội bộ kết hợp tư vấn phát triển HTX từng năm là “bắt buộc đối HTXNN” sau chuyển đổi về tổ chức và hoạt động theo Luật HTX 2012;

ii) Liên minh HTX Việt Nam phải hình thành hệ thống kiểm toán nội bộ và tư vấn phát triển HTX để vừa thực hiện kiểm toán vừa tư vấn giúp các HTX phát triển;

iii) Trong 3 năm đầu thực hiện kiểm toán nội bộ kết hợp tư vấn phát triển HTX, Nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí; từ năm thứ 4, HTX chịu 50% chi phí này và từ năm thứ 6 đến năm thứ 10 HTX chịu 80% chi phí, Nhà nước hỗ trợ 20%; từ năm thứ 11 trở đi HTX chịu 100% chí phí. Thực hiện kiểm toán nội bộ và tư vấn phát triển HTX vào trước mỗi kỳ Đại hội thành viên HTX hàng năm và phải đạt được yêu cầu giúp HTXNN xử lý tất cả các vướng mắc, khó khăn trong năm hoạt động và kiến nghị những vấn đề không xử lý được với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết;

iv) Các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng coi kết quả kiểm toán và tư vấn phát triển HTXNN đã được Đại hội thành viên thông qua là vật tín chấp để cho HTX vay vốn theo chính sách tín dụng hiện hành của Nhà nước phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

Quy định này sẽ giúp các HTXNN làm rõ những hạn chế hiện nay, được tư vấn khắc phục những hạn chế này và giúp đỡ phát triển trong những năm tới theo điều kiện cụ thể của từng HTX.

Tóm lại, thực tiễn là thước đo chân lý. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khi ban hành phù hợp với thực tiễn, được thực tiễn đón nhận sẽ góp phần làm thay đổi thực tiễn. Cũng từ thực tiễn, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có sự điều chỉnh, bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Luật HTX 2012 và các văn bản dưới Luật ra đời có một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn cần thiết được điều chỉnh, bổ sung nhằm góp phần vào sự phát triển của hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2017

(1) Chính phủ: Số 193/2013/NĐ-CP; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã, Hà Nội, ngày 21-11-2013.

(2) Nguồn: Bộ cơ sở dữ liệu khảo sát điều tra của Đề tài cấp Nhà nước: Nghiên cứu đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi hình thức tổ chức và phương thức hoạt động của hợp tác xã để thực hiện hiệu quả Luật HTX 2012.

(3) HTX Đông Di Linh - Lâm Đồng: Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2009-2013 kết quả sản xuất kinh doanh năm 2013 và phương hướng sản xuất kinh doanh năm 2014, nhiệm kỳ 2014-2019 của HTXNN Đông Di Linh,  Di Linh, ngày 20-5-2014.

(4), (5) Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Lộc - TP. Hồ Chí Minh: Báo cáo hợp tác xã nông nghiệp Xuân Lộc, Xuân Lộc, 2016.

(6) Chi cục phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, Số: 119/BC-CCPTN, Báo cáo tình hình đăng ký và tổ chức lại hoạt động hợp tác xã nông nghiệp theo Luật HTX 2012; An Giang, ngày 22-7-2016

(7) Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: “Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách khi Chính phủ ban hành Nghị định về Hợp tác xã nông nghiệp”, ngày 9-10-2015.

(8) Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, số 81/BC-KTHT-VP, Báo cáo tình hình tổ chức lại hoạt động HTXNN theo Luật HTX năm 2012, Hà Nội, 2015.

(9) Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Số 2992//BC- BNN-KTHT: Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Luật HTX và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế hợp tác năm 2016 trong lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội, ngày 14-4-2016.

(10) Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn: Báo cáo tình hình đăng ký và tổ chức lại hoạt động HTXNN theo Luật HTX năm 2012, Hà Nội, 2016.

(11) Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn  - Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Báo cáo tình hình đăng ký và tổ chức lại hoạt động HTXNN theo Luật HTX năm 2012, Hà Nội, 2016.

(12) Nguồn: Bộ cơ sở dữ liệu khảo sát điều tra của Đề tài cấp Nhà nước: Nghiên cứu đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi hình thức tổ chức và phương thức hoạt động của hợp tác xã để thực hiện hiệu quả Luật HTX 2012.

(13) Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:Báo cáo tham luận kết quả triển khai Luật HTXnăm 2015, Quảng Ninh, 2016.

(14) Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Báo cáo tham luận về tình hình triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã, Cà Mau, 2016.

(15) Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Báo cáo tham luận về tình hình triển khai và những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Hợp tác xã và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã, Sơn La, 2016.

 

TS Trần Thị Thái

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền