Trang chủ    Thực tiễn    Một số kinh nghiệm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp
Thứ ba, 27 Tháng 3 2018 18:04
3424 Lượt xem

Một số kinh nghiệm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp

(LLCT) - Tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp là yêu cầu khách quan, cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu của tái cấu trúc là nâng cao thu nhập và đời sống nông dân,bảo đảm an ninh lương thực cho toàn xã hội, giải quyết công ăn, việc làm, đáp ứng tốt sự thay đổi của nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu trong sản xuất và tiêu thụ, đem lại lợi nhuận và thu nhập cao nhất cho người sản xuất. “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10-6-2013.

Đồng Tháplà địa phương đầu tiên trong khu vựcĐBSCLcũng như cả nước được Trung ương lựa chọnlàmthí điểm. Tỉnh đã xây dựng, trình Chính phủ Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, xem đây là một trong ba khâu đột phá cho phát triển kinh tế. Để thực hiện thành công khâu đột phá này, Đồng Tháp xác địnhnhững bước đi phù hợp với thực tiễn nhằm hướng đến mục tiêu chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp được tổ chức lại theo chuỗi ngành hàng gắn với vai trò dẫn dắt của thị trường.

Theo Đề án, Đồng Tháp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng nông nghiệp 4,5%/năm giai đoạn 2011-2015, và 5% giai đoạn 2016-2020. Trong đó, 50% số xã cơ bản đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, giảm tỷ lệ nghèo nông thôn 2%/năm. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng, phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, Đồng Tháp xác định 5 ngành nông, thủy sản chủ lực là lúa gạo, cá tra, vịt, xoài, hoa cây cảnh, đồng thời chỉ ra tái cơ cấu, phân bổ lại lao động là nội dung trọng tâm để thực hiện thành công Đề án.

Trên cơ sởđó, Đồng Tháp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp,trong đó tập trung vào quản lý, khai thác,sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất, mặt nước cho phát triển sản xuất nông, thủy sản và tăng quy mô sử dụng hiệu quả đầu tư công. Dựa trên quan điểm “Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp”cùng với định hướng “Hợp tác - liên kết - thị trường” và yêu cầu“Giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, đa dạng hóa nông sản chế biến”, tinh thần cơ bản của tái cơ cấu nông nghiệp tại Đồng Tháp là: Hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, tăng chế biến.

Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp,mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng bước đầu Đồng Tháp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, được đánh giá là điểm sáng cần nhân rộng trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp nước ta.

Tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần nâng cao đáng kể thu nhập của hộ nông dân và xây dựng nông thôn mới. Theo ước tính, lợi nhuận trên 1ha đất trồng trọt đạt khoảng 10 triệu đồng/năm; lợi nhuận trên 1 ha nuôi trồng thủy sản tăng khoảng 3,2%/năm. Cuối năm 2015,thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt hơn 29 triệu đồng/người, tăng gấp 2 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4% (vượt chỉ tiêu chung của cả nước). Hiện toàn tỉnh có 28 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 1 đơn vị cấp huyện đủ điều kiện xét công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới(1).

Góp phần chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang công nghiệp, dịch vụ và các ngành nghề khác.Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp của tỉnh đã giảm từ 70% năm 2011 xuống còn 52,5% cuối năm 2015. Đặc biệt, Đồng Tháp đang đẩy mạnhchuyển đổi lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp, tạo công ăn việc làm,nâng caothu nhập cho người lao động thông qua phát triển kinh tế dịch vụ và công nghiệp để thu hút lao động rút ra từ nông thôn.

Thúc đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, gần 100% diện tích sản xuất lúa ở Đồng Tháp đã cơ giới hóa khâu làm đất; hơn 97% thu hoạch bằng máy, 83% diện tích tưới tiêu bằng bơm điện, 22% sử dụng công cụ sạ hàng, 78% phun thuốc bằng máy, 83% chủ động bơm tưới, giúp tiết kiệm chi phí 4,3 triệu đồng/ha. Nhiều nơi trong tỉnh có hệ thống đường, bờ vùng, bờ thửa quy mô mở rộng để vận chuyển bằng xe cơ giới thuận tiện. Đặc biệt,hệ thống làm phẳng ruộng bằng công nghệ laser và máy gặt đập liên hợp cho sản xuất lúa gạo đạt năng suất cao. Các khâu phơi sấy cũng được sử dụng bằng máy móc, nhờ vậy tiết kiệm 90.000 đồng/tấn lúa, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ làm giảm 600 - 700đ/kg giá thành. Sản lượng lúa hàng năm của tỉnh ở mức 35 triệu tấn, xếp thứ 3 cả nước(2).

Giải quyết khó khăn về thị trường đối với hàng nông sản địa phương.Đồng Tháp đã cơ bản giải được bài toán “được mùa mất giá” đối với lúa gạo, xoài; xoài đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính (Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand). Tỉnh đã xây dựng và quảng bá được thương hiệu xoài Cao Lãnh rộng khắp cả nước và khu vực châu Á, diện tích trồng xoài tăng gần 800ha. Diện tích hoa, cây cảnh tăng 138% với thương hiệu hoa, cây cảnh Sa Đéc nổi tiếng. Mặt hàng cá tra được coi là bước phát triển nhảy vọt ở Đồng Tháp nhờ triển khai tốt khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, tổng sản lượng năm 2015 đạt 400.227 tấn, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đáng chú ý, tỉnh còn phát triển được nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra, như dầu cá Ranee, colagen, gelatin(3).

Xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Để trở thành đội ngũ chuyên nghiệp, nông dân cần có trình độ, kỹ năng, tư duy nhất định. Đội ngũ này được hình thành thông qua định hướng phân bố lại lao động nông thôn bằng các chương trình đào tạo nghề, xúc tiến việc làm, hợp tác lao động trong và ngoài nước... của tỉnh. Nhưng trên hết, “Liên kết bốn nhà” là một trong những cách thức khởi tạo môi trường hoạt động chuyên nghiệp thông qua quá trình tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất trên quy mô lớn, trongthực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể hơn, đây là một tiến trình xây dựng tính tự chủ, hợp tác làm ăn trong xã hội nông thôn. Hiện Đồng Tháp đang thí điểm mô hình “Tổ chức đảng, các đoàn thể trên cánh đồng liên kết”, nhất là tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho Hội Nông dân tiếp cận và sinh hoạt theo không gian của từng cánh đồng lớn.

Từ thành công bước đầu của Đồng Tháp trong quátrình tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là,tái cơ cấu trước hết cầnđịnh vị lại mặt hàng thế mạnh của tỉnh, gắn với quy hoạch lại vùng sản xuất, chế biến, tiêu thụ.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp chọnra5 ngành hàng chủ lực đểtái cơ cấu sản xuất,gồm: lúa gạo, hoa, cây cảnh, xoài, cá tra và vịt. Sau khi xác định được 5 ngành hàng chủ lực, tỉnh đã tìm hiểu, đánh giá các yếu tố tác động đến chuỗi giá trị ngành hàng như quy hoạch, cơ sở hạ tầng, chế biến, bảo quản; đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ trong tất cả các khâu, từ quá trình sản xuất đến chế biến, tiêu thụ ở thị trường trong nước và thế giới. Cụ thể, với ngành lúa gạo, hằng năm, tỉnh Đồng Tháp có hơn 541.800 ha sản xuất lúa, sản lượng trên 3,31 triệu tấn/năm, tập trung chủ lực ở các huyện, thị phía Bắc sông Tiền như: Cao Lãnh, Tháp Mười, Tam Nông, Thanh Bình, Hồng Ngự, Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự. Tỉnh định hướng quy hoạch thành 2 vùng: vùng ngập sâu khoảng 10.000ha với sản lượng 1,5 triệu tấn/năm nhằm sản xuất các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm như Đông Á, Trung Quốc, EU; vùng ngập nông với diện tích khoảng 70.000ha, sản lượng 1 triệu tấn/năm để sản xuất gạo đồ hoặc gạo chất lượng trung bình phục vụ các thị trường như châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á.

Với cá tra, tỉnh có hơn 2.000ha, sản lượng hơn 378.000 tấn, xuất khẩu sang 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỉnh định hướng phát triển vùng nuôi 1.500ha, sản lượng 300.000 tấn/năm nhằm sản xuất các sản phẩm chất lượng cao xuất khẩu sang EU, Mỹ... Phần lớn doanh nghiệp trong tỉnh đã tổ chức mô hìnhnuôi trồngkhép kín (chiếm trên 65% diện tích),góp phầnchủ động cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Tỉnh đã quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu cá tra gắn với cụm công nghiệp - dịch vụ phục vụ sản xuất, áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn quốc tế và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh cũngtạo đột phá từ cải thiện hai khâu: giống và thức ăn chăn nuôi, đồng thời phát triển công nghệ chế biến, tận dụng phụ phẩm, bảo vệ môi trường.

Đối với chăn nuôi vịt, hằng năm toàn tỉnh nuôi 5 triệu con và đang phát triển theo mô hình an toàn sinh học. Đồng Tháp sẽ khai thác triển vọng ngành chăn nuôi vịt thành một ngành sản xuất chiến lược của tỉnh, có quy mô lớn, tập trung, khai thác hết phụ phẩm.

Sở hữu thế mạnh với hơn 9.200ha xoài, đa phần là xoài Cát Chu và Cát Hòa Lộc với sản lượng ước tính 30.000 tấn/năm, tỉnh phát triển xoài thành mặthàng chiến lược. Theo đó, ngành hàng xoài được mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng, tăng khả năng tiếp thị và xây dựng thương hiệu xoài Đồng Tháp trên thị trường trong nước và thế giới.

Về ngành hoa kiểng, tỉnh đã xây dựng vùng hoa Sa Đéc trở thành khu vực sản xuất hoa tập trung lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời phát huy vai trò của cộng đồng làng nghề trong phát triển dịch vụ du lịch gắn với vùng sản xuất hoa.

Hai là, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giữa nông dân với hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp,gắn từ gieo trồng đến chế biến, xuất khẩu.

Đồng Tháp đã đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với HTX và nông dân, nhằm xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Để làm được điều đó, bản thân doanh nghiệp phải xây dựng được thương hiệucó uy tín trên thương trường; ngườinông dân cũngcầnthay đổi thành “nông dân kiểu mới”, phải triệt để tuân thủ quy trình GAP. Trong chuỗi liên kết đó,HTX chính là điều kiện cần, là xương sống trong suốt tiến trình cơ cấu. HTX là cầu nối, trung gian giữa hộ nông dân và doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, là khâu đột phá cho cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến.

Trong quá trình tái cơ cấu, Đồng Tháp luôn xác định rõ khoa học công nghệ là động lực cho tăng trưởng. Tỉnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào nông nghiệp, xây dựng nhiều mô hình sản xuất thực hành tốt (GAP), triển khai kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhằm góp phần tạo dựng thương hiệu cho nông sản của địa phương, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóatrên thị trường. Cụ thể, tỉnh triển khai các mô hình giảm giá thành sản xuất lúa, giúp chi phí giảm trên 600 đồng/kg, mang lại lợi nhuận cao gần gấp đôi so với sản xuất theo tập quán cũ. Không chỉ vậy, sản xuất, chế biến gạo với quy trình sản xuất hiện đại đã tạo ranhữngthương hiệu nổi tiếngnhư: Nosavina, Kim Trường Xuân, Sếu Đỏ, Hương Tràm v.v..(4)

Nhiều nhà vườn đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: sản xuất rải vụ để cho trái quanh năm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, sản xuất quy trình  an toàn, liên kết với các công ty để xây dựng vùng nguyên liệu, hợp tác tiêu thụ ổn định.  Ngành hàng xoài đã hình thành mô hình canh tác an toàn, sản xuất rải vụ trên tổng diện tích 50ha, hỗ trợ 40% chi phí bao quả xoài cho 100ha, tiết kiệm 6-8 lần phun thuốc với giá trị 5,6 triệu đồng/ha. Bên cạnh xuất thô, loại trái cây đặc sản này còn được chế biến thành xoài sấy dẻo, kem xoài, sữa chua v.v.. nhằm thu hút người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm.

Đối với ngành hoa, cây cảnh, địa phương đã cửcán bộ kỹ thuật sang Hà Lan để nghiên cứu, phát triển nghề trồng hoa kiểng, tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật của nước ngoài để chuyển giaocho nông dân. Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh được thành lập là cầu nối giữa người nông dân với tiến bộ khoa học công nghệ.

Gần đây, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, đặc biệt là hợp tác với Mỹ Lan Group và RYNAN AgriFoods để triển khai chương trình nghiên cứu nâng cao chất lượng, bao bì, bảo quản sản phẩm và cải tiến công nghệ sau thu hoạch; hướng dẫn nông dân nhân rộng mô hình sử dụng phân bón thông minh; quản lý dinh dưỡng cho cây bằng công nghệ điện toán đám mây; liên kết đào tạo đội ngũ sinh viên chất lượng cao về các chuyên ngành hoá học, công nghệ sinh học, nông nghiệp,v.v..

Bốn là, mạnh dạn thực hiện một số chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân.

Đồng Tháp đã có chính sách hỗ trợ nông dân, hỗ trợ cho doanh nghiệpđầu tư vào nông nghiệp trong quá trình tái cơ cấu, tranh thủ thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp như: hỗ trợ 50% lãi suất vay khi thuê đất mở rộng quy mô sản xuất và san phẳng mặt ruộng; thí điểm đối tác “công - tư” trong phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các khu, cụm công nghiệp - dịch vụ tại các vùng chuyên canh, phát triển các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp chủ lực; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đầu tư hạ tầng cho các HTX nông nghiệp; thí điểm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo Luật Công nghệ cao...

Đồng Tháp đã cùng với tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC), Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) cùng các đối tác ký kết thỏa thuận hợp tác. Theo đó, KRC sẽ chịu trách nhiệm thúc đẩy nguồn viện trợ vốn đầu tư cho tỉnh xây dựng cánh đồng liên kết sản xuất lúa gạo có quy mô dự kiến 20.000ha. Với IDH, tỉnh sẽ hợp tác trong việc phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Tỉnh cũngtranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ Trung ương phục vụ cho quá trình tái cơ cấu,như vận dụng linh hoạt những chính sách theo hướng tạo thuậnlợi, hỗ trợcho doanh nghiệp.Đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai và khoa học công nghệ để phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn.

Năm là,  tái cơ cấu xuất phát từ người nông dân, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, phát triển bền vững.

Đồng Tháp xác định nhiệm vụ cấp thiết là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, gắn kết chặt chẽ hai nhân tố quan trọng nhất trong chuỗi giá trị nông sản là nông dân và doanh nghiệp để phát triển sản xuất bền vững.          

Sáu là,Nhà nước làm tốt vai trò kiến tạo phát triển thông qua đổi mới cơ chế, chính sách, thể chếvà các hỗ trợ cần thiết, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động, sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Cần phát huy tinh thần tự chủ, tự lực của dân cư nông thôn, lấy nông dân làm chủ thể của quá trình phát triển, phối hợp hài hòa giữa các động lực của thị trường và vai trò kiến tạo của Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của sản xuất kinh doanh nông nghiệp; đồng thời chú trọng đáp ứng các yêu cầu về xã hội. Đồng Tháp đã xác định sản xuất, tiêu thụ phải theo cơ chế thị trường. Trong đó, tín hiệu thị trường phải thông qua doanh nghiệp. Doanh nghiệp là người tìm thị trường, rồi mang giống về thuê nông dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Nhờ vậy “đầu vào” và “đầu ra” được phối hợp nhịp nhàng.Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế thời gian gần đây, tỉnh đã tập trung xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ hàng hoá với các hệ thống phân phối lớn như Co.op Mart, Big C, Satra, Maximart, Hapro...

Là địa phương đầu tiên trong cả nước được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng và thực hiện “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp”, đến nay, Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng vàcác đề xuất chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Thông qua Đề án, Đồng Tháp bước đầu đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành kinh tế mũi nhọn vốn còn nhiều tiềm năng. Bài học kinh nghiệm được rút ra sau quá trình tiến hành Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp, đó là muốn đưa chính sách vào cuộc sống, trước tiên phải đưa cuộc sống vào chính sách. Muốn đưa tái cơ cấu vào đồng ruộng phải hiểu rõtâm tư, nguyện vọng của nông dân, lối suy nghĩ của doanh nghiệp. Nếu giải quyết tốt các vấn đề trên thì tái cơ cấu nông nghiệp sẽ mang lại hiệu quả cao. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp nói riêng cũng như các tỉnh có lợi thế phát triển nông nghiệp nói chung rất cần sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ một số cơ chế, chính sách: Điều chỉnh chính sách trong đầu tư công theo hướng ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm; ưu tiên đầu tư khoa học - công nghệ đối với các ngành hàng chủ lực, đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch và nâng cao chất lượng nông sản; phát triển thị trường nông sản, bảo hiểm nông nghiệp, cho thực hiện thí điểm chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, tổ hợp tác, miễn thuế vượt hạn điền để các chủ trang trại, tổ hợp tác mạnh dạn mở rộng đầu tư, quy mô sản xuất lớn, đồng thời thí điểm một số chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất, hỗ trợ vốn vay…

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2017

(1) Linh Đan, Vũ Luân: “Đồng Tháp tái cơ cấu nông nghiệp: sức lan tỏa của một chương trình”, Tạp chí Thương hiệu Việt, ngày 18-1-2017.

(2) Nguyễn Hành: “Thủ tướng đánh giá cao Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp”, Báo Dân Trí, ngày 16-12-2016.

(3)Nguyễn Thanh Hùng:“Kinh tế - xã hội Đồng Tháp: Thành tựu năm 2015 và triển vọng năm 2016”,Tạp chí Cộng sản, ngày 8-3-2016.

(4)Thanh Xuân:“Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp: Đề xuất nhiều chính sách đột phá”, Báo Dân Việt,ngày 26-11-2014.

 

TS Trần  Văn  Hiếu

Đại học Đồng Tháp

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền