Trang chủ    Thực tiễn    Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thời kỳ đổi mới
Chủ nhật, 16 Tháng 6 2013 00:36
16524 Lượt xem

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thời kỳ đổi mới

(LLCT)-Hai nước Lào và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5-9-1962. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày nay đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản và Chủ tịch Xuphanuvông đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân nhân dân hai nước dày công vun đắp đã không ngừng tăng cường và phát triển trong gần một thế kỷ qua, mang lại nền hòa bình, độc lập cho dân tộc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân hai nước.

Hai nước Lào và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5-9-1962. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày nay đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản và Chủ tịch Xuphanuvông đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân nhân dân hai nước dày công vun đắp đã không ngừng tăng cường và phát triển trong gần một thế kỷ qua, mang lại nền hòa bình, độc lập cho dân tộc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân hai nước. Tiếp đó, sau thắng lợi hoàn toàn trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18-7-1977), sự kiện này khẳng định quyết tâm của lãnh đạo, nhân dân hai nước tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trước những khó khăn gay gắt của khủng hoảng kinh tế - xã hội ở cả Việt Nam và Lào cuối thập kỷ 70 và thập kỷ 80 thế kỷ XX, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã nhìn thẳng vào sự thật, nhận ra những sai lầm chủ quan duy ý chí, nóng vội muốn đi nhanh lên CNXH theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp. Tại Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) và Đại hội IV của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (11-1986), hai Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện ở cả hai nước, trước hết là đổi mới kinh tế.

Kể từ đó đến nay, hai nước luôn song hành và hỗ trợ lẫn nhau trên con đường đổi mới. Sự hợp tác toàn diện đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho cả hai nước, đóng góp to lớn vào công cuộc bảo vệ đất nước và xây dựng nền tảng ban đầu cho nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không ngừng nâng cao đời sống cho người dân, đưa Việt Nam vào nhóm nước có thu nhập quốc dân theo đầu người ở mức trung bình của thế giới và sớm đưa Lào thoát khỏi nhóm nước chậm phát triển; cả hai nước đã cùng đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế, từng bước nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.

Với những thành tựu đạt được trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và trước bối cảnh tình hình khu vực và thế giới chuyển biến nhanh chóng, quan hệ Việt Nam-Lào đứng trước yêu cầu khách quan cần phải đổi mới cả về nội dung, phương thức lẫn cơ chế hợp tác theo hướng tăng cường hiệu quả toàn diện, bảo đảm đôi bên cùng có lợi, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Về phương diện chính trị, hai nước Việt Nam và Lào duy trì cơ chế làm việc giữa các lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ thông qua các chuyến thăm hữu nghị chính thức, thăm làm việc và thăm nội bộ lẫn nhau. Với cơ chế làm việc này, Lãnh đạo cấp cao hai nước luôn khẳng định quyết tâm, hoạch định chính sách, đồng thời trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương thực hiện các hoạt động nhằm không ngừng củng cố, tăng cường và nâng cao quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Gần đây nhất, sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội vào năm 2011, các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ của mỗi nước đã tiến hành các chuyến thăm lẫn nhau. Việc duy trì các chuyến thăm cấp cao thường xuyên giữa hai nước chứng tỏ tính chất đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Lào.

Bên cạnh đó, hai nước đã thiết lập cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ để cụ thể hóa chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, cụ thể hóa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước thông qua việc xây dựng nội dung hợp tác của từng thời kỳ, từng giai đoạn và hằng năm. Tới nay, Ủy ban Liên Chính phủ đã tiến hành được 34 kỳ họp định kỳ hằng năm luân phiên tại mỗi nước. Tại kỳ họp lần thứ 34 tổ chức vào tháng 1-2012, hai bên thống nhất nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong kinh tế và sử dụng vốn viện trợ của Việt Nam dành cho Lào theo hướng tập trung trọng điểm, tránh dàn trải. Việc kiện toàn, củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Phân ban hợp tác giữa hai nước là một trong những biện pháp đi đầu theo hướng này. Và trong tháng 8-2012, hai Phân ban hợp tác đã tiến hành họp kiểm điểm giữa kỳ tại cố đô Luang Prabang tươi đẹp của Lào.

Trong các lĩnh vực hợp tác, có thể nói giáo dục - đào tạo là lĩnh vực được hai bên hết sức coi trọng. Hằng năm, khoảng 50% lượng vốn viện trợ phát triển của Việt Nam dành cho Lào được phân bổ cho lĩnh vực hợp tác giáo dục - đào tạo. Hai bên chia sẻ chung nhận thức cần phải nhanh chóng xây dựng được một đội ngũ nhân lực có chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao tại mỗi nước và đóng góp vào việc tiếp tục củng cố, vun đắp quan hệ đặc biệt Việt - Lào.

Hai nước thống nhất, đi đến ký kết và triển khai “Đề án Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020”, coi đây là cơ sở cơ bản để phát triển nguồn nhân lực hai nước, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc phát triển đất nước tại mỗi nước; ký Kế hoạch năm 2012 về hợp tác giáo dục. Năm 2012, hai bên cũng đã thống nhất đầu tư nhiều hơn cho công tác đào tạo thông qua việc tăng cường đầu tư cho cơ sở vật chất, ăn ở và trang thiết bị học tập để nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, Việt Nam tiếp tục cử 28 giáo viên sang Lào dạy tiếng Việt và các môn khoa học cơ bản khác cho các trường học do Việt Nam giúp Lào xây dựng. Ngoài ra, Việt Nam cử thêm 2 giáo viên sang dạy tiếng Việt cho cán bộ chủ chốt các bộ, ngành, địa phương Lào.

Số lượng học bổng Việt Nam dành cho Lào hằng năm tăng liên tục. Năm 2009, ta dành cho bạn 650 suất học bổng, năm 2010 là 650 suất, năm 2011 là 695 suất, năm 2012 là 750 suất. Tương tự, Chính phủ Lào cũng dành cho Việt Nam số lượng học bổng ngày một tăng cho cán bộ, học sinh Việt Nam theo học các chương trình đại học, sau đại học, các ngành nghề tại Lào. Cụ thể, năm 2009 là 30 suất, năm 2010 là 35 suất, năm 2011 là 40 suất, năm 2012 là 44 suất. Bên cạnh đó, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng nguồn ngân sách của mình tài trợ thêm nhiều suất học bổng khác cho các bộ, ngành, địa phương của Lào. Năm 2012, hơn 5.000 cán bộ, học sinh Lào đang học tập tại các cơ sở đào tạo của Việt Nam. Cùng thời điểm, hơn 400 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Lào.

Hợp tác về an ninh - quốc phòng giữa hai nước mang tầm quan trọng đặc biệt. Mối quan hệ hợp tác này luôn được duy trì hết sức chặt chẽ, không ngừng được nâng cao trên mọi phương diện, kể cả huấn luyện, đào tạo. Vừa qua, hai bên đã ký Hiệp định hợp tác 5 năm 2011-2015 và kế hoạch hợp tác hằng năm. Hai bên thường xuyên phối hợp các hoạt động nhằm duy trì và đảm bảo vững chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước; ngăn chặn hiệu quả âm mưu và hoạt động chống phá của các lực lượng thù địch. Tình hình an ninh trật tự, an toàn tại khu vực biên giới luôn được giữ vững. Việc này đã góp phần vào việc tăng cường giao lưu kinh tế, văn hóa tại khu vực biên giới cũng như bảo đảm cho quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước liên tục phát triển.

Trong công tác phân giới cắm mốc, hai bên đang nỗ lực đẩy nhanh thực hiện dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới. Công tác này được đánh giá triển khai đúng kế hoạch. Tính đến tháng 12-2011, hai bên đã xây dựng được 483/503 cột mốc, xác định xong 631/661 vị trí mốc giới. Hai bên phấn đấu tới cuối năm 2012 sẽ xác định toàn bộ vị trí mốc quốc giới và tới năm 2014 sẽ hoàn thành việc xây dựng toàn bộ mốc quốc giới trên toàn tuyến.

Trong lĩnh vực kinh tế, sự hợp tác giữa hai nước đã chuyển từ giúp đỡ toàn diện của Việt Nam cho Lào trong thời gian đầu nhằm bảo đảm giữ vững nền độc lập non trẻ và từng bước khôi phục sản xuất sang các hình thức hợp tác kinh tế phù hợp và bình đẳng trên cơ sở năng lực của từng bên theo từng thời kỳ, phù hợp với yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của mỗi nước nhằm đưa hai nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và cùng phát triển. Theo yêu cầu của bạn, hằng năm Việt Nam dành cho Lào một khoản viện trợ phát triển theo hướng tăng dần từng năm. Vốn viện trợ phát triển của Việt Nam dành cho Lào được triển khai thực hiện căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Lào và có sự thống nhất của cả hai bên. Ngược lại, Lào cũng dành nhiều ưu tiên, ưu đãi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đầu tư trực tiếpcủa Việt Nam vào Lào mới bắt đầu khởi sắc từ năm 2005 khi một số dự án trồng cây công nghiệp được cấp phép và triển khai. Tuy nhiên, số lượng các dự án và số vốn đầu tư của Việt Nam vào Lào thực sự tăng nhanh kể từ năm 2009. Tới nay, Việt Nam đã trở thành một trong số các nước đầu tư hàng đầu vào Lào. Tính đến tháng 6-2012, các doanh nghiệp Việt Nam đã có hơn 435 dự án được bạn cấp phép đầu tư, trị giá trên 5 tỷ USD.

Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam có mặt trong hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế và tại hầu hết các tỉnh thành của Lào. Số lượng dự án và vốn đầu tư tập trung nhiều nhất trong các lĩnh vực trồng cây công nghiệp, khai khoáng, tài chính - ngân hàng, viễn thông và dịch vụ. Một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam triển khai nhanh, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, được bạn đánh giá cao. Điển hình trong số đó là các dự án trồng cây cao su, cụm công nghiệp mía đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Nam Lào; các dự án trồng và chế biến cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Công ty Cao su Đák Lák; Ngân hàng Lào - Việt và Bảo hiểm Lào - Việt (liên doanh của BIDV), Liên doanh Star Telecom với thương hiệu Unitel (liên doanh của Viettel), Khu kinh tế Chuyên biệt Viêng Chăn - Long Thành (của Tập đoàn kinh doanh bất động sản và sân gôn Long Thành)...

Kim ngạch thương mạigiữa hai nước liên tục đạt tăng trưởng cao. Tính chung giai đoạn 2006-1010, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,902 tỷ USD, tăng 35% so với giai đoạn 2011-2005 (riêng năm 2010, đạt 490 triệu USD, tăng 17,2% so với năm 2009). Năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 734 triệu USD, tăng tới 49,8% so với năm 2010; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Lào đạt 274 triệu USD, tăng 38,1%, nhập khẩu từ Lào đạt 460 USD tăng 57,5%. 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 465,7 triệu USD, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2011. Hiện nay, hai nước đang thực hiện chính sách ưu đãi giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu cho hàng hóa có xuất xứ từ mỗi nước; thực hiện thuế suất 0% cho các mặt hàng trong danh mục hàng hóa được hai Bộ Công thương thỏa thuận hằng năm. Mục tiêu phấn đấu của hai nước là đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỷ USD năm 2012 và 2 tỷ USD năm 2015.

Trong lĩnh vực kết nối hạ tầng, hai bên đã phối hợp chặt chẽ giải quyết kịp thời các vướng mắc để đảm bảo tiến độ xây dựng đường 2E (Mường Khoa - Tây Trang) để hoàn thành trong năm 2012. Đối với thực hiện Thỏa thuận về sử dụng cảng Vũng Áng ký ngày 20-7-2001, tới nay hai bên đã thành lập được Công ty Cổ phần cảng Vũng Áng Lào - Việt Nam để chuẩn bị đi vào hoạt động.

Hợp tác giữa các địa phươngđược chú trọng thúc đẩy. Các địa phương hai nước có chung đường biên giới thường xuyên tăng cường hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, cùng phối hợp để đảm bảo an ninh xã hội vùng biên, giải quyết tốt những vụ việc phát sinh nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển giữa hai nước. Trong những năm qua, ngoài sự hợp tác giữa các địa phương có chung đường biên và các địa phương kết nghĩa, các địa phương khác của Việt Nam và Lào cũng đã thiết lập quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau. Trong số đó có thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập quan hệ hợp tác với tỉnh Hủa Phăn, tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh Hủa Phăn, Luang Prabang, Xaynhạbuly; tỉnh Bắc Ninh với tỉnh Hủa Phăn; An Giang với Champasắc...

Hợp tác giữa các địa phương hai nước thường theo hướng tận dụng và phát huy thế mạnh của mỗi bên về tiềm năng đất đai, tài nguyên, nhân lực, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm để thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch và giao lưu văn hóa.

Các địa phương Việt Nam thường giúp các địa phương Lào xây dựng các công trình dân sinh như trường học, trụ sở cơ quan chính quyền tỉnh, nhà văn hóa, cầu, đường, bệnh viện; cử đoàn bác sĩ tới khám chữa bệnh cho người dân tại các địa phương bạn; thực hiện các hỗ trợ nhân đạo khác; nhận đào tạo và cung cấp học bổng cho sinh viên của các địa phương bạn cử đi; trao đổi kinh nghiệm về quản lý. Các địa phương Lào dành ưu đãi cho các địa phương Việt Nam về đất đai, dự án đầu tư,

Việc hợp tác giữa các bộ, ngànhhai nước cũng được triển khai sôi động. Với nhận thức chung về việc nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước, hợp tác giữa các bộ, ngành cũng phát triển theo hướng này. Tới nay, hầu hết các bộ, ngành của hai nước đã ký kết các văn bản hợp tác 5 năm và hằng năm. Các bộ, ngành còn thường xuyên thực hiện các chuyến thăm làm việc, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với nhau.

Tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam và Lào thường xuyên thực hiện các cuộc trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Trong các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, ASEM, hợp tác ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia (CLV), hợp tác 4 nước Việt Nam - Lào - Campuchia - Myanmar (CLMV), ACMECS, EAS, Ủy hội sông Mê Kông (MRC) và các diễn đàn khác cũng như các cơ chế tiểu vùng trong khu vực, hai nước luôn phối hợp để đóng góp một cách tích cực nhất nhằm xây dựng, duy trì và củng cố hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như quốc tế.

Với vị thế quốc tế ngày càng tăng cao, trong những năm vừa qua, Lào đã đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn. Việt Nam đã tích cực hỗ trợ Lào trong các hoạt động này như SEAGAMES 25 (12-2009) tại Viêng Chăn, Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 9 (ASEM 9) và Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu lần thứ 7 (ASEP 7) cuối năm 2012.

Trong việc giáo dục trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào: vừa qua, hai bên đã hoàn thành bộ sách Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007). Bộ sách lịch sử này mang tầm quan trọng đặc biệt, làm sáng tỏ những sự kiện lịch sử về tình đoàn kết hết mực thủy chung, trong sáng giữa nhân dân hai nước trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Việc triển khai phổ biến nội dung bộ sách lịch sử này sẽ giúp giáo dục cho các thế hệ hiện nay và mai sau hiểu được những năm tháng lịch sử hào hùng của hai dân tộc, gặt hái được những kỳ tích; hiểu được tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào là bài học lịch sử, là tài sản vô giá, vững bền mà các thế hệ nối tiếp phải có trách nhiệm bảo vệ, duy trì, phát huy vì sự phát triển và lợi ích của cả hai dân tộc. Bên cạnh đó, hai bên đang tích cực triển khai xây dựng Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào, dự kiến hoàn thành trong năm 2012.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, chúng ta có thể tự hào về những nỗ lực to lớn của nhiều thế hệ trong việc xây dựng, vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào không ngừng đơm hoa, kết trái; đưa mối quan hệ này trở nên hết sức mẫu mực, thủy chung, trong sáng và là hình mẫu duy nhất trên thế giới. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất chọn năm 2012 làm “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”. Tháng 2-2012, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chummaly Xaynhaxỏn đã công bố “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”, mở đầu cho hàng loạt các hoạt động kỷ niệm hết sức ý nghĩa, tràn đầy tình cảm anh em được tổ chức rộng khắp tại các địa phương của cả hai nước. Nổi bật nhất là Lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào được tổ chức đồng thời tại hai thủ đô Hà Nội và Viêng Chăn trong tháng 7 vừa qua.

Chúng ta có đầy đủ cơ sở để giữ vững niềm tin về một tương lai tươi sáng của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào “mãi mãi xanh tươi - đời đời bền vững”.

 

 

                                                            NGUYỄN XUÂN PHÚC

           Ủy viên Bộ Chính trị,

     Phó Thủ tướng Chính phủ

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền