Trang chủ    Thực tiễn    Vai trò của đội ngũ doanh nhân trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội
Thứ năm, 26 Tháng 4 2018 17:43
15423 Lượt xem

Vai trò của đội ngũ doanh nhân trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội

(LLCT) - Bài viết trình bày nhận thức chung về đặc điểm, cơ cấu của doanh nhân; phân tích những đóng góp tích cực và những hạn chế của doanh nhân trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta trong thời kỳ đổi mới; đưa ra các giải pháp nhằm phát huy vai trò của doanh nhân trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay.

1. Quan niệm chung về doanh nhân; phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam

Có nhiều quan niệm khác nhau về doanh nhân Việt Nam. Định nghĩa sau  có thể phản ánh rõ nét nhất nội hàm của khái niệm này: doanh nhân Việt Nam là đội ngũ những người làm nghề kinh doanh, trước hết là bộ phận những người chủ sở hữu, lãnh đạo, quản lý, hoạt động nghiệp vụ kinh doanh (có mục tiêu vị lợi) của các hộ gia đình và doanh nghiệp(1).

Doanh nhân Việt Nam gồm 5 nhóm chính: (i) Những người điều hành, quản lý hoặc sở hữu các doanh nghiệp vừa và nhỏ; (ii) Những người quản lý, điều hành, làm nghiệp vụ kinh doanh trong các doanh nghiệp nhà nước; (iii) Những người quản lý, điều hành, làm nghiệp vụ kinh doanh cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; (iv) Những người làm chủ trong các trang trại, hợp tác xã, cơ sở kinh tế phi nông nghiệp và các hộ gia đình nông dân hoạt động sản xuất kinh doanh có đăng ký thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp; (v) Những doanh nhân gốc Việt (mang quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước sở tại) điều hành, quản lý, sở hữu hoặc làm nghiệp vụ kinh doanh ở nước ngoài.

Doanh nhân Việt Nam là sản phẩm của quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH)  đất nước theo định hướng XHCN (XHCN); chủ yếu được hình thành trong thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 đến nay. Tính đến năm 2013, cả nước có trên 2 triệu doanh nhân, trực tiếp tổ chức quản lý, điều hành gần 500 nghìn doanh nghiệp, 15 nghìn hợp tác xã và gần 4 triệu hộ kinh tế gia đình(2). Đa số doanh nhân Việt Nam thành lập doanh nghiệp xuất phát từ yêu cầu thực tế của cuộc sống và khát vọng làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội; họ vừa làm vừa học và trưởng thành từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Trình độ học vấn của doanh nhân Việt Nam nhìn chung còn thấp, những năm gần đây số lượng doanh nhân có trình độ đại học, sau đại học và được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ đang có xu hướng tăng lên(3). Độ tuổi trung bình của doanh nhân từ 30-50 tuổi, số doanh nhân trẻ tuổi (dưới 30 tuổi) đang phát triển nhanh. Ra đời, phát triển trong xã hội không có truyền thống kinh doanh; mặc dù còn thiếu tác phong kinh doanh chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm thương trường quốc tế và sự liên kết chặt chẽ nhưng nhìn chung doanh nhân Việt Nam cần cù, ham học hỏi, cầu tiến; có ý chí lập nghiệp, khát vọng làm giàu, dám chấp nhận rủi ro, thách thức; nhạy cảm về chính trị, yêu nước, tự cường, có trách nhiệm cao với cộng đồng, dân tộc(4)...

Phát triển xã hộilà sự biến đổi xã hội theo chiều hướng tiến bộ, bền vững. Phát triển xã hộibao gồm các nội dung sau: (1) tạo ra các điều kiện vật chất, kinh tế để giải quyết các vấn đề xã hội; (2) cải thiện chất lượng dân số, giải quyết một cách cơ bản vấn đề lao động, việc làm; tăng phúc lợi xã hội, tăng cơ hội cho toàn dân đối với chữa bệnh, giáo dục, y tế; (3) sự biến đổi về chất các thể chế xã hội, nâng cao địa vị pháp lý, vai trò các tổ chức, các nhóm xã hội để họ tham gia tích cực, bình đẳng, hiệu quả trong giải quyết những vấn đề xã hội; (4) thiết lập sự công bằng, bình đẳng trong đời sống xã hội; (5) bảo đảm xã hội, bảo trợ xã hội, thực hiện an sinh xã hội; (6) ổn định xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội; tạo dựng khả năng của xã hội trong quản lý hòa bình các quá trình xung đột và sự thay đổi xã hội; bảo đảm quyền công dân, quyền con người; (7) bảo vệ môi trường sinh thái, khai thác tài nguyên được thực hiện một cách bền vững(5)...

Quản lý phát triển xã hộilà sự tác động có định hướng, có tổ chức của chủ thể quản lý đến các khách thể (con người, cộng đồng, các quan hệ xã hội, hoạt động xã hội...) nhằm mục tiêu phát triển xã hội bền vững. Quản lý phát triển xã hội nhằm phát triển hài hòa cơ cấu xã hội; định hướng, kiểm soát các biến đổi xã hội; thực hiện các bảo đảm xã hội; thực thi chính sách xã hội phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực, địa bàn nhằm hài hòa quan hệ xã hội, quan hệ lợi ích; xử lý các vấn đề xã hội nảy sinh, bảo đảm sự đồng thuận xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Trong bản chất của chế độ XHCN, quản lý phát triển xã hội lấy con người làm điểm xuất phát, làm trung tâm và là mục tiêu cuối cùng. Nhà nước xây dựng thể chế, thiết chế quản lý xã hội; các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp là nòng cốt vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện để phát huy quyền làm chủ, quyền tự quản của nhân dân(6).

2. Vai trò của doanh nhân trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới

Đóng góp của doanh nhân Việt Nam trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội

Thứ nhất, doanh nhân là lực lượng xã hội đóng vai trò quan trọng trong giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân là lực lượng chủ yếu huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thông qua tổ chức và điều hành sản xuất - kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Trong đó, khu vực doanh nghiệp đã đóng góp trên 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho 7,4 triệu lao động, chiếm 81,7% lực lượng lao động phi nông nghiệp, hay 16,3% lực lượng lao động của toàn xã hội(7)... Doanh nhân Việt Nam (bao gồm cả những doanh nhân hoạt động kinh doanh ở nước ngoài) là lực lượng chủ lực thực hiện liên doanh, hợp tác kinh tế, tranh thủ vốn đầu tư nước ngoài, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Họ cũng là lực lượng quan trọng góp phần quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, hình ảnh và giá trị văn hóa Việt Nam đến với thế giới; đồng thời nhập khẩu hàng hóa, chuyển giao khoa học - công nghệ, phương thức kinh doanh và phương pháp quản lý kinh tế tiên tiến của thế giới về Việt Nam, thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Thứ hai, trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân Việt Nam đã góp phần quan trọng vào hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, hệ giá trị và lối sống phù hợp với điều kiện CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Cơ cấu xã hội mới ở Việt Nam có thêm đội ngũ hàng triệu doanh nhân với vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Họ là mắt xích không thể thiếu trong các liên kết, hợp tác kinh tế - xã hội, trong đó có liên kết “5 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà băng và nhà nông). Đội ngũ doanh nhân góp phần hình thành lối sống sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Doanh nhân giàu có, thành đạt trở thành mục tiêu, khát vọng phấn đấu của nhiều người, nhất là giới trẻ. 

Thứ ba, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đội ngũ doanh nhân đã góp phần quan trọng trong tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Sự ra đời, phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân đã mang lại việc làm và sinh kế cho nhiều người lao động trên các vùng miền cả nước, đặc biệt là đội ngũ công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới, miền núi, kể cả thương binh, bệnh binh, người yếu thế, người khuyết tật. Doanh nhân cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng các công trình phúc lợi góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong tiến trình đổi mới, doanh nhân Việt Nam đã góp phần xây dựng xã hội đoàn kết, đồng thuận, công bằng, an sinh, văn minh theo định hướng XHCN.

Thứ tư, doanh nhân tham gia vào các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, một số trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã góp phần quan trọng trong  góp ý, phản biện, xây dựng, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và các địa phương. Hầu hết doanh nhân tham gia vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đều phát huy tốt trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn của mình trong xây dựng và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm thương trường của doanh nhân đã tạo nên những góc nhìn, nhận định và khuyến nghị có giá trị thực tế khi tiến hành các hoạt động giám sát các cơ quan chính quyền trong việc thi hành pháp luật, thực hiện vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân(8). Như vậy, trong tiến trình đổi mới, doanh nhân là một trong những lực lượng cơ bản tham gia xây dựng, quyết định, phản biện, thực hiện chính sách phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.

Những hạn chế của doanh nhân Việt Nam trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội

Một bộ phận doanh nhân Việt Nam chưa được đào tạo bài bản, chưa có bề dày kinh nghiệm thương trường; thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, thiếu tính liên kết, hợp tác bền vững để tạo sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều doanh nhân thiếu kiến thức về pháp luật, nhất là pháp luật kinh doanh quốc tế, thiếu năng lực quản trị doanh nghiệp, dẫn đến bị động trong cạnh tranh và hội nhập. Hiện nước ta chưa có nhiều doanh nhân đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để tự tin đàm phán, ký kết hợp đồng hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Vẫn còn một bộ phận doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn bất chính, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh; lừa đảo, gian lận, buôn lậu, trốn thuế, làm hàng giả, hàng nhái... gây hậu quả xấu cho người tiêu dùng và xã hội. Một số doanh nghiệp, doanh nhân thiếu trách nhiệm với người lao động; nợ bảo hiểm xã hội, không chú ý đến an toàn toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm và đời sống tinh thần của người lao động(9). Nhiều doanh nghiệp sử dụng lãng phí, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gây tổn hại đến môi trường...

Không ít doanh nhân là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước yếu kém về trình độ, năng lực quản lý kinh tế, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng; gây thất thoát nghiêm trọng tài sản, tiền bạc của Nhà nước; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

3. Giải pháp phát huy vai trò của doanh nhân trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay

Một là, cần nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong quá trình CNH, HĐH, công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế(10).Khuyến khích tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp kinh doanh để tạo ra nhiều việc làm, nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi để doanh nhân phát huy tài năng kinh doanh. Xác định đúng quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nhân, doanh nghiệp đối với phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.

Hai là,phát huy vai trò của các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Thông qua các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức kinh tế, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội doanh nghiệp tập hợp ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của doanh nhân từ đó tham mưu cho Ðảng, Nhà nước trong xây dựng, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp, doanh nhân, lợi ích của người lao động, lợi ích cộng đồng và lợi ích quốc gia dân tộc.

Ba là, đề cao văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Xây dựng chuẩn mực của doanh nhân Việt Nam yêu nước, sáng tạo, đam mê kinh doanh, chủ động hội nhập, dám nghĩ, dám làm, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, có văn hóa và tuân thủ pháp luật. Xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; khuyến khích sử dụng lao động địa phương, lao động người dân tộc thiểu số, lao động nữ, con em gia đình chính sách, người khuyết tật. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích để bảo đảm tính hiệu quả, bền vững của liên kết “5 nhà” trong quá trình phát triển. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nhân đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng “công nghệ xanh”, đổi mới sản phẩm dịch vụ và tăng cường liên kết doanh nghiệp, chú trọng xây dựng, tôn vinh, quảng bá, khẳng định giá trị hàng hóa và thương hiệu Việt Nam.  

Bốn là,công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ để bảo đảm quyền lợi đầu tư và giảm thiểu rủi ro kinh doanh cho doanh nhân, doanh nghiệp; đồng thời hạn chế tình trạng tham nhũng, hối lộ, lợi ích nhóm giữa doanh nhân với những người hoạch định chính sách. Xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp, doanh nhân có hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo, gian lận, làm hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường,... làm tổn hại sức khỏe, tài sản người tiêu dùng, lũng đoạn thị trường, thất thoát tài sản, tiền bạc của Nhà nước.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với phát huy vai trò của doanh nhân trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Cần đẩy mạnh thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước đối với doanh nhân và các loại hình doanh nghiệp gắn với chủ trương, chính sách phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội bền vững. Ðẩy mạnh công tác phát triển Ðảng trong đội ngũ doanh nhân, nhất là ở các doanh nghiệp, ngành nghề giữ vị trí quan trọng của nền kinh tế. Nâng cao giác ngộ chính trị cho doanh nhân, người sử dụng lao động, bảo đảm doanh nghiệp hoạt động theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm tỷ lệ hợp lý đại diện của doanh nhân trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Đặc biệt, doanh nhân là đảng viên trong các loại hình doanh nghiệp phải là những người gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống, có tài kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, hết lòng vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích của người lao động và có trách nhiệm cao với cộng đồng xã hội.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 11-2017

(1) Đỗ Minh Cương: “Bàn về khái niệm doanh nhân Việt Nam”, Tạp chí Khoa họcĐại học quốc gia Hà Nội, chuyên san Kinh tế và Kinh doanh25, 2009, https://js.vnu.edu.vn.

(2), (7) Vũ Tiến Lộc: Doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, http://bizlive.vn.

(3) Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế, 2011, tr.33.

(4) Hoàng Văn Hoa: Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.246-255.

(5) Phan Xuân Sơn: “Phát triển xã hội”, Tạp chí Lý luận chính trịđiện tử, http://lyluanchinhtri.vn.

(6) Phùng Hữu Phú, Nguyễn Văn Đặng, Nguyễn Viết Thông: Tìm hiểu một số thuật ngữ trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.260-261.

(8) Doanh nhân tham gia nghị trường: Cần vượt lên chính mình, http://enternews.vn.

(9) Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế
tư nhân trở thành một động lực quan trọng
của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, 
http://dangcongsan.vn.

(10) Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN,http://vov.vn.

 

TS Nguyễn Anh Tuấn

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Dương Hoài An

Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền