Trang chủ    Thực tiễn     Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa ở Việt Nam hiện nay
Thứ năm, 26 Tháng 4 2018 17:50
22239 Lượt xem

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa (TCVH) đầy đủ, đồng bộ, hiện đại là yêu cầu cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, bởi đó là cơ sở, nền tảng đầu tiên để văn hóa có thể “cất cánh, thăng hoa”, nơi kết nối, giao lưu, sáng tạo, tập hợp ý chí, quyết tâm, sự đồng thuận của toàn xã hội. Bài viết đánh giá quá trình xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa trong những năm qua, nêu những thành tựu và những hạn chế, thách thức đặt ra, đề xuất một số giải pháp, tiếp tục xây dựng thiết chế văn hóa.

 

1. Vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa

Thiết chế văn hóa (Cultural institutions) là thuật ngữ dùng để chỉ các cơ quan, đơn vị hoạt động văn hóa do nhà nước hoặc cộng đồng xã hội lập ra trong khuôn khổ pháp luật hoặc quy chế của ngành, đoàn thể nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của công chúng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, TCVH là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí; chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa đủ để gọi là thiết chế văn hóa. Như vậy, TCVH không chỉ đơn thuần là những công trình vật chất cụ thể mà bao hàm trong đó là hệ thống cơ chế, chính sách vận hành; đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý, tổ chức; nguồn lực tài chính và các chủ thể hoạt động. TCVH thiên về những thực hành, sáng tạo và trao truyền văn hóa giữa các thế hệ, giai tầng trong cộng đồng dân cư. Không có TCVH thì việc sáng tạo, quảng bá, trình diễn và hưởng thụ các giá trị văn hóa trở nên đơn điệu, nhàm chán.

Đảng, Nhà nước ta trong những năm qua đã quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực cần thiết để xây dựng và hoàn thiện hệ thống TCVH. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) của Đảng xác định: “Củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa. Nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa hiện có, sắp xếp hợp lý các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp và kinh doanh, nâng cấp các đơn vị văn hóa - nghệ thuật trọng điểm, tạo chất lượng mới cho toàn ngành”(1). Chủ trương này tiếp tục được khẳng định trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ, Nghị quyết số 33/NQ-TW, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (2014) về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Văn kiện Đại hội XII của Đảng đều nhấn mạnh đến ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống TCVH: “Hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”(2).

Có thể nói, TCVH có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành công trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay:

Thứ nhất, TCVH phản ánh diện mạo văn hóa của cộng đồng, quốc gia, chất lượng cuộc sống, nhu cầu hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần của nhân dân cũng như tài nghệ sáng tạo của chủ thể văn hóa. Nhiều TCVH truyền thống như đình, chùa, nhà hát, thư viện, bảo tàng... đã trở thành biểu tượng, di sản văn hóa, phản ánh trình độ phát triển trong những giai đoạn, thời kỳ lịch sử cụ thể, là tài sản vô giá chứa đựng giá trị mỹ thuật, kiến trúc, lịch sử, văn hóa, có ảnh hưởng lớn đến giáo dục, hình thành nhân cách con người.

Thứ hai, TCVH không chỉ là nơi người dân hưởng thụ các giá trị văn hóa mà còn là nơi kích thích, ươm mầm cho những ý tưởng, khát vọng sáng tạo; nơi trao truyền, quảng bá, lan tỏa những sản phẩm văn hóa; nơi người dân trình diễn, sinh hoạt nghệ thuật dân gian. Chính sức hấp dẫn của TCVH đã huy động được tinh thần đoàn kết của nhân dân, giúp họ thêm yêu quý và gắn bó với quê hương, bản làng.

Thứ ba, với tính chất là nơi sinh hoạt cộng đồng và diễn ra những sự kiện lớn của địa phương, TCVH đóng vai trò như trung tâm chính trị - hành chính, duy trì sự thống nhất, ổn định trong bộ máy quản lý của Nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Trong công cuộc CNH, HĐH đất nước và xây dựng nông thôn mới hiện nay, TCVH càng có vai trò quan trọng trong việc động viên tinh thần nhân dân cùng chung tay xây dựng quê hương giàu mạnh.

Sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đời sống văn hóa của nhân dân không ngừng được nâng cao, hệ thống TCVH ngày càng đầy đủ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, cũng như so với nhịp độ phát triển của các lĩnh vực khác thì việc đầu tư cho văn hóa, trong đó có TCVH vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng. Nhìn nhận, đánh giá quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVH là việc làm cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

2. Thực trạng xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa

Một số thành tựu trong xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa

Những năm qua, hệ thống TCVH (như Nhà văn hóa thôn bản, trung tâm văn hóa huyện, thị, tỉnh thành; hệ thống rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện, bưu điện văn hóa...) không ngừng được đầu tư xây dựng. Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở, năm 2016, hệ thống các TCVH không ngừng được củng cố, tăng cường xây dựng và từng bước hiện đại(3):

Số liệu thống kê cho thấy hệ thống TCVH đã được xây dựng đồng bộ trên khắp các tỉnh/thành phố, từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và hưởng thụ các giá trị tinh thần ngày càng cao của đông đảo nhân dân. Đồng thời thể hiện sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và cấp chính quyền, sự tham gia, hưởng ứng của người dân trong kiến tạo, xây dựng hệ thống TCVH thiết yếu, đảm bảo cho nhu cầu vui chơi giải trí; trao đổi, tìm kiếm thông tin, tri thức; rèn luyện thể lực, thể thao; kết nối, giao lưu giữa những nhóm cộng đồng, dân cư, tạo không khí thi đua phấn khởi, tăng cường tình đoàn kết, tạo động lực và niềm tin để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã đề ra mục tiêu quan trọng trong xây dựng, phát triển văn hóa là phải: “Hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thể thao trên địa bàn xã. Đến 2015 có 30% số xã có nhà văn hóa xã, thôn đạt chuẩn, đến 2020 có 75% số xã đạt chuẩn”(4). Phong trào đã thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân, huy động được sự đóng góp về sức người, sức của của nhân dân, cùng với chính quyền làm thay đổi diện mạo nông thôn, hướng tới những giá trị văn minh, tiến bộ. Qua đó, nhiều TCVH được đầu tư xây dựng, làm mới hiện đại phù hợp với đặc trưng văn hóa vùng miền, phát huy được vai trò, công năng trong sinh hoạt cộng đồng.

Bên cạnh đó, Đề án Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 (Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 5-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ), Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ), đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam bằng chiến lược, chương trình cụ thể với mục tiêu: Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nhằm tổ chức các cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn dân cư, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, thể thao của các tầng lớp nhân dân; đồng thời làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương. Từ đó, Chính phủ đề ra các chỉ tiêu thực hiện như: “Đến năm 2020, 70% số thôn (ở khu vực miền núi là 50%) có nhà văn hóa - khu thể thao; 80% số đơn vị hành chính xã (ở khu vực miền núi là 60%) có trung tâm văn hóa - thể thao; 90% số đơn vị hành chính cấp huyện có trung tâm văn hóa- thể thao; 30% số đơn vị hành chính cấp huyện có nhà thiếu nhi; 10% số đơn vị hành chính cấp huyện có nhà văn hóa lao động; 100% số đơn vị hành chính cấp tỉnh có trung tâm văn hóa;100% số đơn vị cấp tỉnh có cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi hoặc trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi; 50% số đơn vị cấp tỉnh có cung văn hóa lao động, nhà văn hóa lao động; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động, trong đó tối thiểu 30% khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động xây dựng được trung tâm văn hóa - thể thao phục vụ công nhân, người lao động”(5). Đây là những điều kiện thuận lợi để các cấp, ngành và người dân khai thác, tận dụng những ưu thế, nguồn lực sẵn có để xây dựng những TCVH có ích, phù hợp với địa bàn cư trú, phong tục tập quán vùng miền để TCVH thực sự trở thành không gian sinh hoạt cộng đồng thân tình, gần gũi; nơi người dân gặp gỡ, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm; trình diễn nghệ thuật; nơi ý Đảng lòng dân cùng đồng thuận để tìm ra những kế sách phát triển quê hương giàu mạnh.

Một số hạn chế, bất cập trong xây dựng và hoàn thiện thiết chế văn hóa

Đánh giá về những hạn chế, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chưa đạt yêu cầu”(6). Để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng, phát triển nền văn hóa mới với những đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, một trong những giải pháp quan trọng mà Đảng đề ra là “Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa”(7).

Tại Hội nghị “Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức tại TP. Cần Thơ từ ngày 19 đến 20-10-2017, những bất cập trong khai thác, quản lý TCVH cơ sở đã được chỉ ra như: TCVH vẫn chưa đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Hiện vẫn còn 20 tỉnh, thành phố còn tình trạng “Nhà văn hóa không nhà”. Nhiều Trung tâm văn hóa cấp tỉnh, quận, huyện không có trụ sở, phải “ở nhờ” các đơn vị khác; nhiều xã, phường, thị trấn, khu vực, ấp, thôn, bản chưa có nhà văn hóa vì thiếu quỹ đất công và thiếu kinh phí xây dựng.

Bên cạnh đó, tình trạng nhiều TCVH hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí lớn. Nhiều trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, bưu điện văn hóa trở nên hoang hóa vì thiếu hoạt động thiết thực, thiếu bộ máy nhân sự quản lý, địa điểm được xây dựng ở cách khu dân cư nên không thu hút được người dân tham gia. Nhiều nơi, thư viện xuống cấp, nghèo nàn về cơ sở vật chất, sách vở. Một số nhà văn hóa, trung tâm văn hóa hoạt động sai chức năng, không phát huy được tác dụng là nơi sinh hoạt cộng đồng với những hoạt động văn nghệ, giao lưu thiết thực, bổ ích.

Một số TCVH thiên về các hoạt động trình diễn nghệ thuật như nhà hát, rạp chiếu phim mặc dù được đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị nhưng chậm đổi mới trong nội dung, sáng tạo kịch bản nên không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của công chúng. Một số nhà hát truyền thống như tuồng, chèo, kịch không có công chúng đến xem. Mặt khác, sự lấn át của các loại hình nghệ thuật, truyền thông hiện đại với sức hấp dẫn về kỹ nghệ, nội dung, hình thức đã tạo được sức hút và sự lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Điều này đồng nghĩa với việc các TCVH và nghệ thuật truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương do chạy theo thành tích nên đã huy động người dân đóng góp những khoản kinh phí lớn để xây nhà văn hóa; nhiều nhà văn hóa được xây dựng không bảo đảm chất lượng, thiếu thẩm mỹ do không được đầu tư, do thất thoát, tham nhũng, khiến TCVH đó vô tình trở thành vật cản của sự phát triển. Điều này cần được sớm khắc phục để tạo ra đời sống văn hóa lành mạnh, tạo động lực để xây dựng và phát triển đất nước.

3. Một số giải pháp phát huy vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa

Để xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, việc kiện toàn, hiện đại hóa hệ thống các TCVH đóng vai trò quan trọng, đòi hỏi cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, các cấp, ngành cần quán triệt sâu rộng nghị quyết của Đảng về chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với không ngừng phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện với những phẩm chất yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Cần tạo ra mạng lưới hệ thống TCVH đẩy đủ, đồng bộ, hiện đại ở khắp các tỉnh, thành, vùng, miền; tránh sự mất cân đối trong hưởng thụ các giá trị tinh thần của nhân dân, không để tình trạng “trắng nhà văn hóa” thôn bản, bởi không có TCVH, người dân khó có thể thực hành, trao truyền, hưởng thụ và lan tỏa những giá trị văn hóa trong cộng đồng.

Thứ hai, bên cạnh việc đầu tư về nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng cho các địa phương đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, cần có những nghiên cứu, đánh giá khảo sát về nhu cầu, tâm lý của người dân trong xây dựng TCVH. Việc xây dựng TCVH phải phù hợp với địa bàn, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa tộc người và đáp ứng nhu cầu, lợi ích của người dân. TCVH phải là những công trình kiên cố mang tính cộng đồng, chứa đựng những giá trị thẩm mỹ và khát vọng của nhân dân, tránh đơn điệu hóa một mô hình TCVH. Bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới phải được quan tâm, trong đó đặc biệt chú trọng đến xây dựng, kiện toàn mô hình làng văn hóa, nhà văn thôn, bản, tạo không gian, môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, nhân văn. Trao quyền và khuyến kích người dân tham gia quản lý cộng đồng, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong sáng tạo, quảng bá văn hóa.

Thứ ba, song song với quá trình xây mới các TCVH hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển thì việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các TCVH truyền thống mang dấu ấn lịch sử, gắn liền với quá trình đánh giặc, giữ nước của cha ông cũng cần được quan tâm. Đồng thời, cần kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý TCVH để vận hành, khai thác có hiệu quả các TCVH; tăng cường việc quảng bá hình ảnh, văn hóa đặc trưng của địa phương thông các hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá.

Thứ tư, xã hội hóa các hoạt động, phong trào xây dựng nhà văn hóa, làng văn hóa và các TCVH nhằm huy động sự tham gia, đóng góp của người dân, đồng thời, phát huy tính chủ động, tích cực của các chủ thể văn hóa trong xây dựng nội dung, chương trình hành động. Tuy nhiên, cần căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn và mức sống của người dân để xây dựng lên những TCVH phù hợp, tránh phô trương hình thức, chạy đua theo thành tích, chỉ tiêu. Chính quyền không nên làm thay mà là người tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân để quản lý và phát huy những giá trị tích cực của TCVH.

Thứ năm, trong quản lý, vận hành các TCVH, cần xây dựng những mô hình thí điểm, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng, học tập những mô hình hoạt động hiệu quả. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong khai thác TCVH khi có các trung tâm văn hóa quận, huyện, hoàn toàn tự chủ về kinh phí, không sử dụng ngân sách, như: Trung tâm văn hóa quận 1 (Nhà hát Bến Thành), Trung tâm văn hóa quận 10 (Nhà hát Hòa Bình), đạt doanh thu hằng năm từ 15-18 tỷ đồng. Những địa phương khác như TP Cần Thơ đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng và tổ chức hoạt động các trung tâm, nhà văn hóa; Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... sáp nhập trung tâm văn hóa với trung tâm học tập cộng đồng để nâng cao hiệu quả hoạt động, tận dụng tối ưu nguồn lực cơ sở vật chất, kinh phí và nhân sự của các thiết chế văn hóa. Đó là những cách làm sáng tạo nhằm phát huy vai trò, công năng của TCVH trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các loại hình nghệ thuật hiện đại.

Có thể nói, xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVH đầy đủ, đồng bộ, hiện đại là yêu cầu cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, bởi đó là cơ sở, nền tảng đầu tiên để văn hóa có thể “cất cánh, thăng hoa”, nơi kết nối, giao lưu, sáng tạo và tập hợp ý chí, quyết tâm của toàn xã hội. Để kiến tạo lên những TCVH đáp ứng yêu cầu phát triển, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, ngành và sự tham gia của toàn xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2017

(1) Nguồn: https://thuvienphapluat.vn

(2) Nguồn: https://thuvienphapluat.vn

(3) Nguồn: http://bvhttdl.gov.vn.

(4) Nguồn:http://vanban.chinhphu.vn.

(5) Nguồn: thuvienphapluat.vn.

(6), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.257, 303.

TS Nguyễn Huy Phòng

Viện Văn hóa và phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền