Trang chủ    Thực tiễn    Phát huy vai trò của trụ cột văn hóa trong phát triển bền vững Tây Nguyên
Thứ hai, 28 Tháng 5 2018 11:19
2088 Lượt xem

Phát huy vai trò của trụ cột văn hóa trong phát triển bền vững Tây Nguyên

(LLCT) - Sự phát triển xã hội loài người đã trải qua nhiều mô hình phát triển. Mỗi mô hình đều có những mặt tích cực, nhưng cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn, hạn chế, bất cập.Quan điểm mới của thế giới hiện nay là phát triển xã hội toàn diện, hài hòa trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi sinh; hướng tới những giá trị nhân văn; văn hóa trở thành nền tảng, động lực và mục tiêu của sự phát triển bền vững. Từ nhận thức như vậy, bài viết làm rõ vai trò của trụ cột văn hóa trong phát triển bền vững Tây Nguyên hiện nay.

1. Quan niệm, nhận thức về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững

Giữa thế kỷ XX, ở các nước phương Tây, quan điểm phổ biến cho rằng: phát triển đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế. Nhà kinh tế học Simon Kuznets (đoạt giải Nobel năm 1971 thuộc Đại học Pennsylvania) khẳng định: “Chúng ta xác định tăng trưởng kinh tế của quốc gia là sự gia tăng liên tục bình quân đầu người”. Quan điểm trên đây đã sớm bị phủ nhận, bởi điều đó làm cho mâu thuẫn, bất bình đẳng, tiêu cực xã hội ngày càng gia tăng; ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng; đời sống tinh thần xã hội xuống cấp... Như Vernon Ruttan nhận xét: “Sự quan tâm đến văn hóa đã bị đẩy xuống đáy của tư duy và thực hành phát triển”(1). Từ thực tiễn đó, Tổ chức Liên Hợp quốc đã phát động “Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa” trên phạm vi toàn thế giới. Trong buổi phát động, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc P.Decuelar nêu rõ: “Thập kỷ này sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo ra những hình mẫu phát triển mà không chỉ đơn thuần phát triển kinh tế mà còn phải tính đến tầm quan trọng của con người với những di sản, khát vọng và trong tổng thể các giá trị vật chất, tinh thần...”(2). Nhờ đó, văn hóa đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của sự phát triển. Tổng kết hai thập kỷ phát triển văn hóa, Tổng Giám đốc UNESCO F.Mayer kết luận: “Kinh nghiệm của hai thập kỷ qua cho thấy, bất luận ở trình độ phát triển nào hoặc theo xu hướng chính trị nào, văn hóa và phát triển là hai mặt gắn liền nhau... hễ nước nào tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển mà tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra mất cân đối nghiêm trọng cả mặt kinh tế lẫn văn hóa và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều. Một sự phát triển chân chính đòi hỏi phải sử dụng một cách tối ưu nhân lực và vật lực của cộng đồng. Vì vậy, phân tích đến cùng, các trọng tâm, động lực và mục tiêu của sự phát triển phải được tìm trong văn hóa”(3). Kết luận này đã xác định văn hóa là trụ cột quan trọng của sự phát triển bền vững.

Về mặt lý luận, C.Mác đã từng khẳng định: Văn hóa chính là sự phát triển những năng lực bản chất của con người. Theo Mác, văn hóa chỉ gắn liền với con người và xã hội loài người; là yếu tố bên trong của sự phát triển. Khác với các lĩnh vực khác, văn hóa phát triển những năng lực bản chất của con người, như: trí tuệ, lao động, sáng tạo, đạo đức và năng lực thẩm mỹ. Cho nên, những nhân tố cơ bản của văn hóa, như: giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đạo đức, nghệ thuật có vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững môi sinh trong quá trình phát triển, nhất là sự phát triển bền vững.

Phát triển bền vữnglàthuật ngữ xuất hiện lần đầu tiên năm 1980 trong Chiến lược bảo tồn thế giới do Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên thế giới đề xuất, với nội dung: Sự phát triển của nhân loại không chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và tác động tới môi trường sinh thái học.Quan niệm nàyđược phổ biến và sử dụng rộng rãi vào năm 1987 từ Báo cáo Our Common Future (Tương lai của chúng ta) của Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới. Theo đó, sự phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại và ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.Năm 1992tại Rio de Janeiro, các đại biểu của hơn 170 nước tham gia Hội nghị Môi trường và Phát triển của Liên Hợp quốc đã xác nhận khái niệm này và gửi một thông điệp tới tất cả các Chính phủ các nước thành viên về tính cấp bách của vấn đề. Có thể nói, đây là định nghĩa phổ biến nhất về phát triển bền vững hiện nay. Ở Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 9 khóa X khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”(4).

Phát triển bền vững ở Việt Nam theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần Đại hội XI và XII của Đảng là: “Phát triển bền vững văn hóa, xã hội; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”(5), “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”(6). Quan điểm này tương đồng với chương trình nghị sự của Liên Hợp quốc về 17 mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững tới năm 2030 (đã được thông qua năm 2015). Đó là, (1) Xóa nghèo; (2) Xóa đói; (3) Bảo đảm cuộc sống khoẻ mạnh...; (4) Bảo đảm giáo dục chất lượng; (5) Đạt được bình đẳng giới...; (6) Bảo đảm nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh...; (7) Bảo đảm việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy; (8) Thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, tạo việc làm và công việc tốt cho mọi người...; (9) Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc... (10) Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia; (11) Các thành phố trở nên an toàn, vững chắc, bền vững...; (12) Hướng tới mô hình tiêu dùng và phát triển bền vững; (13) Ứng phó với biến đổi khí hậu...; (14) Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương biển...; (15) Quản lý tài nguyên rừng bền vững chống sa mạc hóa...; (16) Thúc đẩy xã hội hòa bình; (17) Đem lại sức sống mới cho Quan hệ đối tác toàn cầu về phát triển bền vững(7).

2. Phát huy vai trò trụ cột của văn hóa trong phát triển bền vững Tây Nguyên

Tây Nguyên là một vùng rộng lớn, còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế, chính trị, xã hội, như: nguy cơ sa mạc hóa, thất nghiệp, nghèo đói, kết cấu hạ tầng yếu kém, phân hóa - phân tầng xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ chưa phát triển... Văn hóa phải trở thành trụ cột quan trọng để giải quyết những thực trạng đó. Nhờ trụ cột văn hóa, trong đó chủ yếu là các nhân tố: giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và tiềm năng văn hóa đã tạo ra nguồn nhân lực phong phú, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nhờ đẩy mạnh phát triển khoa học, ứng dụng các thành tựu kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiềm năng văn hóa truyền thống... đã làm thay đổi bộ mặt Tây Nguyên. Đúng như Mác đã từng nhấn mạnh: Khoa học là động lực của lịch sử, lao động lành nghề là bội số của lao động giản đơn. Giáo dục đào tạo sẽ tạo ra lao động lành nghề cho kinh tế phát triển(8).

Trong nhiều năm qua, Tây Nguyên đã chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho sự phát triển. Đến nay, Tây Nguyên đã tạo ra một nguồn nhân lực tuy chưa xứng tầm, nhưng đa dạng và phong phú, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Theo Báo cáo của Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum, tính đến cuối năm 2016, toàn vùng đã có hàng trăm nghìn người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học với đội ngũ trí thức lên tới 113.841 người, trong đó có 109.795 trình độ đại học, 3.691 thạc sỹ, 355 tiến sỹ(9).

Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên cũng quan tâm đến xây dựng tiềm lực khoa học cho sự phát triển. Đến nay, nhiều viện, trung tâm, tổ chức khoa học và công nghệ được hình thành và phát triển, hoạt động hiệu quả, như: Viện Sinh học Tây Nguyên, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ, Viện Nghiên cứu kinh tế nông nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển công nghệ thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên, Trung tâm chuyển giao công nghệ Tây Nguyên. Viện Sinh học Tây Nguyên, Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ có nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị cao, như: lai tạo thành công cây sâm Ngọc Linh vô tính trồng ở núi Ngọc Linh; nhân thành công giống thông đỏ (2 nghìn cây) bằng phương pháp giâm cành; hoàn thiện nhân giống dâu tây sạch bệnh, cung cấp số lượng lớn cho tỉnh Lâm Đồng. Viện Khoa học kinh tế Tây Nguyên nghiên cứu nâng cao chất lượng các cây công nghiệp, như: cây cao su, cà phê, điều, hồ tiêu góp phần đưa Việt Nam trở thành trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới ở lĩnh vực này. Việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm ở Tây Nguyên được chú trọng và đem lại hiệu quả thiết thực. Có thể nói, sự tác động của khoa học - công nghệ ở Tây Nguyên đã tạo nên “cuộc cách mạng xanh” và thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là cơ sở quan trọng để nâng cao năng lực nội sinh của kinh tế Tây Nguyên. Trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, Chương trình Giống quốc gia cây trồng, vật nuôi, cây lâm nghiệp giai đoạn 2000 - 2005 và 2005 - 2010 của Chính phủ được thực hiện hiệu quả với nhiều giống mới cho năng suất cao, phù hợp với đặc điểm Tây Nguyên. Hơn 20 giống ngô lai đã được đưa vào gieo trồng đã nâng sản lượng ngô hạt từ 59,9% sản lượng lương thực có hạt (năm 2000) lên 78,3% (2007). Các tỉnh Tây Nguyên đã ứng dụng tiến bộ công nghệ cải tạo nâng cao chất lượng đàn gia cầm, gia súc và đưa giống mới như các giống bò Zebu, Brahman, Shaiwall, Charolais, Linusine... vào thay thế đàn gia súc năng suất thấp(10). Nhận thức được vai trò trụ cột của văn hóa, trong đó có tiềm năng văn hóa của Tây Nguyên trong phát triển kinh tế du lịch, một số tỉnh Tây Nguyên cũng đã tích cực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiêu biểu như: tỉnh Lâm Đồng năm 2017, doanh thu từ du lịch đạt gần 8 nghìn tỷ đồng; tỉnh Đắk Lắk đạt trên 450 tỷ đồng.

Nhờ trụ cột văn hóa, Tây Nguyên đã thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, đô thị hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, tốc độ tăng trưởng năm 2016 đạt 7,47%, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,56 triệu đồng, tăng 8,57%; tổng huy động vốn đầu tư phát triển xã hội hơn 78.796 tỷ đồng, tăng 7,25%; tổng thu ngân sách toàn vùng đạt 18.151 tỷ đồng, tăng 25,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 14,86 %; toàn vùng có 2.886 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 14,22% với tổng nguồn vốn hơn 10 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2016, toàn vùng Tây Nguyên đã đào tạo nghề cho 78 nghìn người, giải quyết việc làm cho 113 nghìn lao động, giảm hơn 2,1% số hộ nghèo và 2,4% hộ cận nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng chỉ còn 15% và tỷ lệ hộ cận nghèo còn 4,5%(11).

Tuy nhiên, trên thực tế, trụ cột văn hóa vẫn chưa được vững chắc, giáo dục - đào tạo phát triển chưa bền vững; khoa học - công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, tiềm năng văn hóa chưa trở thành động lực cho sự phát triển nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Chất lượng nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số còn yếu kém. Việc áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất còn hạn chế, chưa tạo ra động lực cho sự phát triển toàn vùng; các doanh nghiệp chưa trở thành trung tâm, cầu nối cho việc chuyển giao khoa học - công nghệ.

Để văn hóa trở thành trụ cột vững chắc cho sự phát triển bền vững Tây Nguyên, cần nắm vững và vận dụng sáng tạo định hướng, nhiệm vụ và giải pháp Đại hội XI và XII của Đảng đã đề ra. Cụ thể:

Một là, xem con người là chủ thể và động lực của sự phát triển Tây Nguyên. Đảng ta đã xác định:“Con người là trung tâm của chiến lược phát triển đồng thời là chủ thể phát triển”(12); “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”(13); “Xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khỏe về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật; phát huy tốt vai trò chủ thể sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”(14).

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và tiềm lực khoa học - công nghệ tiên tiến. Vì vậy, “Giáo dục và đào tạo phải hoàn thành được sứ mệnh “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”(15), phải “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh”(16).

Ba là, tăng cường chỉ đạo để xây dựng môi trường văn hóa Tây Nguyên: môi trường giáo dục - đào tạo, môi trường khoa học - công nghệ, môi trường đạo đức và môi trường thẩm mỹ. Trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, phải đưa cái đẹp vào cuộc sống, xây dựng môi trường thẩm mỹ lành mạnh, hòan thiện nhân cách con người Tây Nguyên theo hướng: “Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu”(17)...

Bốn là, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị ở địa phương về vai trò của văn hóa với phát triển. Văn hóa cần được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội như di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề phải chú ý đến cũng như phải coi trọng ngang nhau: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa”(18); Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi, văn hóa cũng là một mặt trận. Văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế, chính trị(19).

Năm là, cần kết hợp chặt chẽ trụ cột văn hóa với trụ cột chính trị, kinh tế và các trụ cột khác trong lĩnh vực xã hội ở Tây Nguyên theo hướng “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo”(20); “Chú trọng xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” nói chung và toàn vùng Tây Nguyên nói riêng(21); Phát triển kinh tế, xây dựng chính trị phải đi đôi với xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế(22).

Để vùng Tây Nguyên phát triển bền vững, cần nhận thức và vận dụng đúng quan điểm của Đảng trong Kết luận của Hội nghị Trung ương 10 khóa IX và Văn kiện Đại hội XII về bốn trụ cột chủ yếu: Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội... là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2 -2018

(1). Vernon Ruttan: Sosial Science Knowledge and Economic Development, University of Michigan Press, 2003, p.134.

(2), (3) Ủy ban quốc gia về Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa: Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao, Hà Nội, 1992, tr.23, 23.

(4), (22) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.48, 53.

(5), (7), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (20), (21) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.299, 268, 76, 29 và 53, 29, 114, 119-120, 127, 149, 128.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.98-99.

(8) Dẫn theo Tạp chí Thế giới mới số 73, 1993, tr.2.

(9) Báo cáo của UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và Kon Tum.

(10) ww.tapchicongsan.org.vn.

(11) http://congan.com.vn.

(18) Hồ Chí Minh: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb Văn học, Hà Nội, 1981, tr.345.

(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.368.

 

PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn

Học viện Chính trị Khu vực III

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền