Trang chủ    Thực tiễn    Sự biến đổi giai cấp công nhân Việt Nam dưới tác động của hội nhập quốc tế
Thứ hai, 28 Tháng 5 2018 11:21
5120 Lượt xem

Sự biến đổi giai cấp công nhân Việt Nam dưới tác động của hội nhập quốc tế

(LLCT) - Dưới tác động của hội nhập quốc tế, giai cấp công nhân Việt Nam đã có sự phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu thành phần và ngành nghề, trình độ chuyên môn nghề nghiệp không ngừng được nâng cao, đời sống vật chất và tình thần ngày càng được cải thiện... Tuy nhiên, bên cạnh những biến đổi tích cực, giai cấp công nhân nước ta có những biến đổi tiêu cực, đó là: sự phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo trong nội bộ giai cấp công nhân ngày càng sâu sắc; lập trường giai cấp, bản lĩnh chính trị của một bộ phận công nhân bị phai nhạt. Do vậy, cần nhận diện rõ để có giải pháp khắc phục.

1. Những biến đổi tích cực của giai cấp công nhân nước ta dưới tác động của hội nhập quốc tế

- Giai cấp công nhân nước ta phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu thành phần và ngành nghề.

Trước đổi mới, trong điều kiện nền kinh tế khép kín, vận hành theo cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, giai cấp công nhân nước ta ít về số lượng, tương đối thuần nhất. Trong quá trình đổi mới,mở cửa và hội nhập quốc tế, chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần đã tạo bước chuyển quan trọng đối với cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, đã hình thành và phát triển nhanh thành phần kinh tế tư nhân và thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó đã tạo ra sự chuyển biến trong cơ cấu lực lượng lao động xã hội, làm cholực lượng công nhân - lao động công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu: “công nhân nước ta đang tiếp tục tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu theo ngành nghề và thành phần kinh tế. Trong đó, số công nhân trong khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn”(1). Số liệu thống kê cho thấy, nếu trước 1986, nước ta có khoảng 3,38 triệu công nhân, chiếm 16% lực lượng lao động xã hội; thì đến cuối 2015 tăng lên 12.856,9 nghìn người, chiếm 14,01% dân số và 23,81% lực lượng lao động xã hội. Trong đó, có 1.371,6 nghìn công nhân làm việc trong doanh nghiệp nhà nước (chiếm 10,67%); 7.712,2 nghìn công nhân làm việc trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước (chiếm 59,99%); 3.772,7 nghìn công nhân làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 29,34%)(2).

Cơ cấu ngành kinh tế của nước ta hiện nay đang vận động theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ. Với cơ cấu kinh tế như vậy, xuất hiện ngày càng đông bộ phận công nhân làm việc trong các ngành dịch vụ. Hiện nay, cơ cấu giai cấp công nhân nước ta trong các ngành kinh tế là: ngành công nghiệp chiếm 46,1%; ngành xây dựng chiếm 15%; thương mại, dịch vụ chiếm 25,9%; vận tải chiếm 4,7%; các ngành khác chiếm 8,3%(3).

Vì vậy, bên cạnh đội ngũ công nhân truyền thống, đã xuất hiện đội ngũ công nhân trong các ngành nghề mới. Trong đó, đa phần là lớp công nhân trẻ, có sức khỏe, có trình độ học vấn, có khả năng tiếp thu công nghệ hiện đại.

- Giai cấp công nhân nước ta ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn nghề nghiệp, hình thành tác phong và kỷ luật lao động theo hướng hiện đại.

Quá trình hội nhập quốc tế đã tiếp nhận những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào sản xuất, làm cho nền kinh tế nước ta đang chuyển biến nhanh theo hướng CNH, HĐH. Điều đó tạo động lực để giai cấp công nhân nước ta ngày càng phát triển cao về trình độ chuyên môn nghề nghiệp. Kết quả thống kê cho thấy, nếu so với năm 2005, lao động qua đào tạo chỉ chiếm 12,5% tổng số lao động, thì đến năm 2010 tăng lên 14,6% và đến 2016 tăng lên 20,6%(4). Nếu phân theo ngành nghề, tỷ lệ công nhân được đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực khai khoáng tăng từ 33,3% năm 2010 lên 50,4% năm 2016; lĩnh vực công nghiệp chế biến tăng từ 13,4% năm 2010 lên 18,5% năm 2016; lĩnh vực xây dựng tăng từ 12,6% năm 2010 lên 14,0% năm 2016; lĩnh vực dịch vụ vận tải tăng từ 33,6% năm 2010 lên 55,2% năm 2016;  lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng từ 79,3% năm 2010 lên 83,1% năm 2016(5).

Trình độ của giai cấp công nhân ngày càng được nâng cao đãtừng bước “hình thành ngày càng đông đảo bộ phận công nhân trí thức”(6). Đây là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập; góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm giữ vững sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong hội nhập quốc tế, giai cấp công nhân nước ta còn được rèn luyện tính kỷ luật, tác phong công nghiệp, thích ứng với các thể chế quy định quốc tế.

-Giai cấp công nhân nước ta có nhiều cơ hội việc làm, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện.

Trong những năm qua, nhờ những cải cách thể chế để hội nhập vào nền kinh tế thế giới, nên khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Số lượng công nhân trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Nếu như năm 1995 chỉ có gần 210nghìnlao động, thì đến năm 2015 là gần 3,8 triệu lao động, chiếm khoảng 29,34% tổng số lao động trong các doanh nghiệp(7). Với lộ trình hội nhập hiện nay, trong thời gian tới, việc làm cho công nhân sẽ tiếp tục tăng nhanh, nhất là ở những ngành nghề đòi hỏi trình độ lao động kỹ thuật cao.

Thu nhập và đời sống của công nhân không ngừng được cải thiện. Nếu như năm 2005, thu nhập bình quân của công nhân trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1.810 nghìn đồng/tháng, thì đến năm 2015 tăng lên 7.502 nghìn đồng/tháng. Thu nhập bình quân  của doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài là 10, 448 nghìn đồng/tháng(8).

Trong hội nhập quốc tế, các rào cản pháp lý về di chuyển pháp nhân, thể nhân được nới lỏng, các quan hệ kinh tế, đối ngoại, lao độngđược thiết lập sẽ tạo điều kiện cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng hơn 600 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề các loại. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn lao động cùng ngành nghề trong nước.

2. Bên cạnh những biến đổi tích cực, dưới tác động của hội nhập quốc tế, giai cấp công nhân nước ta cũng có những biến đổi tiêu cực, đó là:

-Lợi ích và vai trò của một bộ phận công nhân chưa được phát huy đầy đủ.

Mặc dù chỉ chiếm 14,01% dân số và 23,81% lực lượng lao động xã hội, nhưng đóng góp hằng năm của giai cấp công nhân cho đất nước chiếm hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, “lợi ích của một bộ phận công nhân được hưởng chưa tương xứng với những thành tựu của công cuộc đổi mới và những đóng góp của chính mình; việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân đang có nhiều khó khăn, bức xúc, đặc biệt là ở bộ phận công nhân lao động giản đơn tại các doanh nghiệp của tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”(9).

Giai cấp công nhân là người làm chủ đất nước, thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xã hội. Nhưng mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế đang làm cho “địa vị chính trị của giai cấp công nhân chưa thể hiện đầy đủ”(10). Trong quan hệ kinh tế, nếu xét trong từng điều kiện và mối quan hệ cụ thể thì một bộ phận công nhân nước ta hiện nay đang làm thuê với những mức độ khác nhau, đặc biệt là đội ngũ công nhân trong thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Do đặc thù sở hữu trong nền kinh tế thị trường, nên phần lớn công nhân trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có tư liệu sản xuất, sở hữu tư liệu sản xuất thuộc về giới chủ. Do đó, vai trò làm chủ sản xuất của bộ phận công nhân trong các loại hình doanh nghiệp này chưa được phát huy, nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh trong cuộc sống và trong quan hệ lao động.

Hội nhập quốc tế đã góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho giai cấp công nhân nói chung, nhưng một bộ phận công nhân, nhất là lao động giản đơn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất có thu nhập chưa tương xứng với kết quả lao động, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.

Trong quan hệ lao động đang nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc, nhất là trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc các doanh nghiệp vi phạm các cam kết trong hợp đồng lao động vẫn xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người công nhân. Ngoài ra, quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động còn mang tính chủ - thợ, thậm chí không ít doanh nghiệp quy định về giờ giấc làm việc vi phạm đến những quyền riêng tư thiết yếu của người công nhân.

- Sự phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo trong nội bộ ngày càng sâu sắc,ảnh hưởng đến sự  thống nhất, đoàn kết của giai cấp công nhân

Giai cấp công nhân Việt Nam được tổ chức bởi đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là giai cấp có sự thống nhất, đoàn kết cao. Nhưng trong điều kiện hội nhập quốc tế, dưới tác động của kinh tế thị trường, đang “có sự chênh lệch cao và phân hóa về thu nhập giữa các bộ phận công nhân; số công nhân lao động tay chân đơn giản có vị thế yếu trên thị trường lao động, có thu nhập thấp và nhiều khó khăn trong đời sống, cần được quan tâm nhiều hơn”(11).

Hiện nay, công nhân làm việc trong các thành phần kinh tế khác nhau thì thu nhập của họ cũng khác nhau. Theo kết quả thống kê về tiền lương bình quân trên cả nước năm 2015 cho thấy: công nhân làm việc trong doanh nghiệp nhà nước là 9.509 nghìn đồng/người/tháng; doanh nghiệp ngoài nhà nước là 6.225 nghìn đồng/người/tháng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 7.502 nghìn đồng/người/tháng(12).

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, việc ứng dụng khoa học vào sản xuất ngày càng được đẩy mạnh, dẫn đến sự phân tầng giữa công nhân có thu nhập cao ở các ngành độc quyền, những ngành nghề mới, lao động phức tạp với công nhân có thu nhập thấp ở những ngành nghề truyền thống, lao động giản đơn. Số liệu thống kê năm 2016 cho thấy, thu nhập bình quân của công nhân lao động trong các ngành: khai khoáng là 10.202 nghìn đồng/tháng; lĩnh vực khai thác dầu thô và khi đốt tự nhiên là 41.010 nghìn đồng/tháng; dịch vụ vận tải hàng không là 24.488 nghìn đồng/tháng; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là 15.990 nghìn đồng/tháng. Trong khi đó, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu nhập bình quân là 6.346 nghìn đồng/tháng; ngành xây dựng là 6.214 nghìn đồng/tháng; khai thác quặng kim loại thu nhập là 4.811 nghìn đồng/tháng; chế biến và sản xuất các sản phẩm từ gỗ là 4.937 nghìn  đồng/tháng(13)... Với xu hướng trí thức hóacông nhân do sự phát triển của khoa học và công nghệ, thì sự phân tầng, phân hóatrong nội bộ giai cấp công nhân nước ta sâu sắc hơn trong thời gian tới.

- Trong hội nhập quốc tế, lập trường giai cấp, bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng của một bộ phận công nhân bị phai nhạt, ảnh hưởng đến vai trò tiên phong của giai cấp công nhân nước ta

Hiện nay, mặt trái của hội nhập quốc tế đang làm cho “công nhân nước ta không đồng đều về nhận thức xã hội, giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức và kỷ luật lao động”(14). Không ít công nhân còn chưa nhận thức đầy đủ về sứ mệnh lịch sử của giai cấp mình; ý chí phấn đấu, ý thức tổ chức kỷ luật, tính tiên phong gương mẫu của một bộ phận công nhân giảm sút. Chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, cơ hội có điều kiện phát triển nhanh chóng. Một bộ phận công nhân trẻ còn bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã hội, sống buông thả, phai nhạt lý tưởng, suy thoái về đạo đức, lối sống, xa rời bản chất tốt đẹp của giai cấp công nhân, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và hình ảnh người công nhân Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Nhiều công nhân coi công việc tại nhà máy, xí nghiệp như là một cách mưu sinh, chưa coi đó là một nghề nghiệp, là sự nghiệp của bản thân. Không ít công nhân quan niệm làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là đi làm thuê nên chỉ chú trọng làm trọn phận sự, ít quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội. Dẫn đến “một bộ phận công nhân chưa thiết tha phấn đấu vào Đảng và tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị - xã hội”(15). Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo xuất thân từ công nhân ngày càng ít. 

3. Để phát huy sự biến đổi tích cực, ngăn ngừa và hạn chế sự biến đổi tiêu cực của giai cấp công nhân Việt Nam dưới tác động của hội nhập quốc tế hiện nay, cần thực hiện một số định hướng cơ bản sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức theo định hướng XHCN

Đẩy mạnh CNH, CNH trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, chúng ta cần phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của đất nước, phát huy lợi thế so sánh, nhất là lợi thế về nguồn lực lao động trong quá trình hội nhập. Do vậy cần phải “tiếp tục phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động”(16).Thực hiện nhiệm vụ này vừa giải quyết được việc làm cho lao động, vừa đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại,sử dụng nguồn lực lao động ở mọi trình độ, phân bổ hợp lý lao động giữa các vùng miền, thành phần, ngành nghề kinh tế.

Cần nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trong quá trình tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế. Mặt khác, thu hút đầu tư nước ngoài vào những ngành công nghệ cao, chú trọng chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chủ động lựa chọn và có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ quản lý và công nghệ hiện đại, có vị trí hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu, có liên kết với doanh nghiệp trong nước, là điều kiện để giai cấp công nhân nước ta phát triển về chất lượng.

Phát huy nội lực và tranh thủ những điều kiện thuận lợi do ngoại lực mang lại để đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và tiếp cận nhanh với sự tiến bộ của khoa học - công nghệ thế giới để sản xuất được những sản phẩm cạnh tranh trong điều kiện hội nhập là nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Điều này sẽ làm biến đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hiện đại, qua đó cũng làm cho giai cấp công nhân có điều kiện để phát triển về số lượng và chất lượng, cơ cấu giai cấp công nhân cũng biến đổi theo hướng trí thức hóa công nhân. Bộ phận công nhân lao động trí óc ngày càng tăng, lực lượng lao động chân tay giảm dần trong cơ cấu giai cấp công nhân nước ta.

Thứ hai, hoàn thiện và thực hiện nghiêm hệ thống chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp công nhân trong quá trình hội nhập quốc tế

Trong quá trình hội nhập quốc tế, cùng với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thì hệ thống chính sách, pháp luật về lao động cũng cần được đổi mới, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Những chính sách, pháp luật hiện hành đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được những thay đổi của tình hình phát triển kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế. Không ít địa phương mới chỉ coi trọng việc thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp, mà chưa thực sự quan tâm thích đáng đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động.

Để ngăn ngừa, hạn chế và khắc phục tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế đến sự biến đổi của giai cấp công nhân nước ta, bên cạnh việc coi trọng phát triển kinh tế cần quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho giai cấp công nhân. Trước mắt cần hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách việc làm cho công nhân; hoàn thiệnchính sách tiền lương phù hợp, bảo đảm sự công bằng trong phân phối thu nhập chocông nhân-lao động; đẩy mạnhthực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; hoàn thiện và phát triển hệ thống an sinh xã hội, mở rộng phúc lợi xã hội cho công nhân; hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng, ban hành và thực hiện hiệu quả quy định về xây dựng thiết chế văn hoá - xã hội cho công nhân trong doanh nghiệp.

Thứ ba, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân trong quá trình hội nhập quốc tế

Nâng cao giác ngộ chính trị cho giai cấp công nhân vừa là đòi hỏi bức thiết, đồng thời là việc làm thường xuyên. Đặc biệt, trong bối cảnh đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thì việc nâng cao ý thức giác ngộ chính trị cho giai cấp công nhân là vấn đề cấp bách. Để thực hiện điều này, trước hết cần thực hiện tốt những nội dung cơ bản: Một là, đổi mới nội dung và hình thức giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay; Hai là, tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp của giai cấp công nhân trong doanh nghiệp, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Ba là, đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2 -2018

(1), (6), (9), (10), (11), (14), (15) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.29, 44, 46, 45, 30, 30, 46.

(2), (7), (8) Xem Tổng cục Thống kê:Niên giám thống kê 2005, 2013, 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2006, 2014, 2017.

(3), (12), (13) Xem Tổng cục Thống kê:Niên giám thống kê 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2017, tr.279-284, 375, 376-381.

(4), (5) Xem Tổng cục Thống kê:Niên giám thống kê 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2017.

(16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.92.

 

TS Phạm Văn Giang

 Học viện Chính trị khu vực III

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền