Trang chủ    Thực tiễn    Xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Thứ sáu, 08 Tháng 6 2018 17:37
3766 Lượt xem

Xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai

(LLCT) - Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến nay đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. Tuy nhiên bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS vẫn còn bất cập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở một số vùng còn gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là tại các vùng đồng bào DTTS (DTTS) trên địa bàn tỉnh cần thực hiện một số giải pháp để xây dựng mô hình “Làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS” phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. 

Gia Lai là tỉnh miền núi nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên có diện tích 15.536,92 km(1); dân số (tính cuối năm 2015) trên 1,4 triệu người, gồm 34 dân tộc cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm 44,93% (có 2 dân tộc đông nhất là Jrai (chiếm 31%) và Bahnar (chiếm 12,75%). Các DTTSsinh sống tập trung tại một số thôn, làng nhất định (có 1.242 thôn, làng có từ 50% số hộ gia đình trở lên là người DTTS)(1). Do đó, trong quá trình xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTStrên địa bàn tỉnh nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.

1. Thực trạng công tác xây dựng làng nông thôn mới

Sau năm 1975, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai đã ổn định, bảo đảm được an ninh, trật tự; thực hiện tốt một số nội dung chuyên đề, đặc biệt là chuyên đề “xây dựng cuộc sống mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” và đạt được một số kết quả tích cực.

Trong giai đoạn 1985 - 1986, công tác định canh, định cư của đồng bào DTTS đã được tỉnh quan tâm và có bước phát triển; đi đôi với khai hoang xây dựng đồng ruộng, làm thủy lợi, sản xuất lương thực, đồng bào đã lập vườn trồng cây công nghiệp, cây ăn quả. Tập quán lâu đời của đồng bào dần thay đổi, nhiều gia đình sống chung một nhà dài được chuyển đổi, tách hộ, lập vườn riêng, mỗi hộ gia đình được Nhà nước giao đất để lập vườn, làm nhà ở.

Đến giai đoạn 2001 - 2005, tỉnh tiếp tục tổ chức định canh, định cư cho đồng bào DTTS; những nơi định canh, định cư đều giải quyết cơ bản các vấn đề điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, đất ở, đất sản xuất cho người dân.

Từ năm 2011, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đến nay đã đạt được kết quả khá toàn diện. Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 49/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới;đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng nông thôn ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế:

Một là, bộ mặt nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTSvẫn còn bất cập.Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội,cảnh quan, môi trường, quy hoạch thôn, làngchưa đồng bộ, đại đa số nhà dân không có cổng, rào, sinh hoạt thiếu ngăn nắp, vệ sinh.

Hai là, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở một số vùng còn gặp nhiều khó khăn; nhất là đồng bào DTTS, tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm hơn 86% trên tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.

Nguyên nhân của những hạn chế xuất phát từ những lý do sau:

Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạoxây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế, thiếu biện pháp trong tổ chức thực hiện, việc tổ chức sản xuất trong nông nghiệp còn thiếu tính liên kết bền vững;

Một số địa phương mới chỉ tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dângắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộcvà bảo vệ môi trường, sắp xếp lại quy hoạch dân cư có lối sống văn minh, hiện đại.

2. Một số giải pháp

Để nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là tại các vùng đồng bào DTTS góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân,đồng thời gìn giữ được bản sắcvăn hóa của làng đồng bào trên địa bàn tỉnh, cầnthực hiệntốt một số giải pháp sau:

Thứ nhấttiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;Chỉ thị số 36/CT-TTg, ngày 30tháng 12năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 19 tháng 7 năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về xây dựng nông thôn mới tỉnh Gia Lai đến năm 2020;Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 12 tháng 4 năm 2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

Thứ hai, tập trung huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để việc xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS trở thành một phong trào toàn dân. Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền và sự tham gia của các hội,đoàn thể ở cơ sở; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể, gắn trách nhiệm với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, cần tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng mô hình “Làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTStrên cơ sở Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới theo Quyết định số 250/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai, cụ thể hóa thành các tiêu chí của làng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để tổ chức thực hiện. Trước mắt, cần tập trung hỗ trợ một số huyện thí điểm thực hiện như hoàn thành việc quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư tại một số thôn, làngđể rút kinh nghiệm và từ đó nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là người đứng đầu cần xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phân công cụ thể các đồng chí ủy viên ban thường vụ phụ trách công tác xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.

Thứ năm, tiến hành rà soát đánh giá đúng thực trạng, có phương án chi tiết xây dựng khu dân cư, có lộ trình, giải pháp lồng ghép với Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác, cân đối, bố trí các nguồn lực triển khai hiệu quả cao nhất; chú trọng, khuyến khích xã hội hóa theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Việc xây dựng“làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS” phải ưu tiên gắn với lộ trình xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới; hằng năm đánh giá, rà soát lại để điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với điều kiện phát triển và điều kiện thực tế của địa phương.

Thứ sáu, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan nhà nước cùng cấp tăng cường giám sát, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiệnxây dựng làng nông thôn mớitrong đồng bào DTTS gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, chủ động lựa chọn những nội dung thiết thực để phối hợp vận động, khích lệ, động viên các tổ chức, cá nhân chung sức, đồng lòng xây dựng làng nông thôn mớitrong vùng đồng bào DTTS, trong đó trọng tâm là giám sát việc bảo vệ môi trường, đẩy mạnh triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất tăng thu nhập; xây dựng cảnh quan môi trường; đảm bảo an ninh trật tự xã hội; xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.

Tăng cường vận động, tuyên truyền phát huy tối đa vai trò chủ thể của từng hộ gia đình trong xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS để xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp, có kinh tế - xã hội phát triển, an ninh trật tự được bảo đảm, đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Thứ bảy, các huyện, thị xã, thành phố chủ động cân đối lồng ghép các nguồn vốn và bố trí vốn ngân sách của địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện đạt hiệu quả, chú trọng khuyến khích xã hội hóa theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. 

Thứ tám, cần thường xuyên xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về xây dựng nông thôn mới trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh nhằm tuyên truyền sâu rộng, thiết thực, hiệu quả về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS. 

Thứ chín, các sở, ban, ngành liên quan tổ chức theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc địa bàn phụ trách xây dựng nông thôn mới đã được phân công gắn với nội dung xây dựng làng nông thôn mới. Theo dõi, tổng hợp báo cáo tiến độ xây dựng làng nông thôn mới tại địa bàn được phân công, kết quả thực hiện nguồn kinh phí xây dựng làng nông thôn mới thuộc lĩnh vực ngành mình phụ trách.

Việc xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng đồng bào DTTS nhằm phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, tạo ra làng nông thôn mới có kinh tế phát triển; đời sống người dân sung túc; có kết cấu hạ tầng- kinh tế xã hội phù hợp; có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp; khu chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, người dân được dùng nước sạch, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; an ninh trật tự được đảm bảo.

__________________

(1) Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai ngày 13-2-2018 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS.

 

ThS Ngô Thị Thu Hồng

                                                                   Trường Chính trị tỉnh Gia Lai

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền