Trang chủ    Thực tiễn    Quản lý, sử dụng đất của nông, lâm trường ở Đắk Lắk - thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp
Thứ sáu, 08 Tháng 6 2018 17:39
3681 Lượt xem

Quản lý, sử dụng đất của nông, lâm trường ở Đắk Lắk - thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp

(LLCT) - Từ sau năm 1975, Đảng và Nhà nước đã có một số chủ trương lớn nhằm khai thác đất đai ở Tây nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, một trong những chủ trương đó có phát triển các nông, lâm trường (NLT). Điều đó đã góp phần tăng ngân sách địa phương, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian dài các NLTđã chiếm giữ diện tích đất lớn ở nhiều vị trí trọng yếu trong tỉnh nhưng khai thác và sử dụng chưa hiệu quả. Trong khi dó người dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn thiếu đất sản xuất đã gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và an ninh chính trị trên địa bàn.

1. Thực trạng quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường ở Đắk Lắk

Sau năm 1975, tỉnh Đắk Lắk có diện tích 1.959.950ha, lớn thứ 2 so với cả nước,dân cư thưa thớt với336.000 người. Phát triển NLT được xác định là chủ trương lớn nhằm khai thác đất đai vùng Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Vì vậy, các NLT được xây dựng và phát triển ồ ạt ở Đắk Lắk. Nhiệm vụ của các nông trường chủ yếu phát triển cây công nghiệp, các lâm trường quản lý, bảo vệ, tu bổ và khai thác rừng. Nhiều nông trường hợp thành Liên hiệp Xí nghiệp, nhiều lâm trường hợp thành Liên hiệp Xí nghiệp lâm công nghiệp.

Giai đoạn 1976- 1980, Đắk Lắk có ba Liên hiệp Xí nghiệp cà phê lớn được thành lập với diện tích quy hoạch 176.300 ha, trong đó: Liên hiệp Xí nghiệp cà phê 333 có diện tích quy hoạch 46.800ha, Liên hiệp Xí nghiệp cà phê Việt - Đức có diện tích quy hoạch 48.700 ha, Liên hiệp Xí nghiệp cà phê Đắk Lắk có diện tích quy hoạch 86.800 ha.

Giai đoạn 1980 -1985, ba Liên hiệp Xí nghiệp lâm công nghiệp được thành lập quản lý hơn một nửa địa bàn tỉnh với diện tích quy hoạch 1.058.500ha, trong đó: Liên hiệp Xí nghiệp lâm công nghiệp Gia Nghĩa quản lý 3 huyện Đắk Nông, Krông Knô, Đắk Rlấp,có diện tích quy hoạch 270.000 ha;Liên hiệp Xí nghiệp lâm công nghiệp Ea Súp quản lý 4 huyện Ea H’leo, Krông Buk, Cư M’Gar, Ea Súp, có diện tích quy hoạch 473.500 ha;Liên hiệp Xí nghiệp Đắk Lắk quản lý một số huyện còn lại, diện tích quy hoạch là 315.000 ha.

Tính cả các nông trường cao su thuộc công ty Cao su Đắk Lắk, đến giữa thập niên 1980 trên địa bàn tỉnh có 106 NLT. Số lượng nông trường là 64, trong đó 46 nông trường trực thuộc Trung ương (chiếm 72%); 42 lâm trường, trong đó 28 lâm trường trực thuộc Trung ương (chiếm 66%). Tổng diện tích quy hoạch của toàn bộ NLT là 1.650.000 ha, chiếm trên 80% diện tích tự nhiên của tỉnh(1). Nhiều buôn làng đồng bào DTTS được thu hút vào các NLT. Chỉ trong năm 1982, có 16 buôn đồng bào dân tộc Ê Đê, M’nông trở thành công nhân của các NLT.

Trong giai đoạn 1976 - 1989, về cơ bản, các Liên hiệp hoạt động theo cơ chế bao cấp, còn gọi là cơ chế hạch toán báo sổ: Nhà nước giao vốn, vật tư, lao động cho các Liên hiệp, các Liên hiệp lại giao cho từng NLT bộ phận để tổ chức phát triển cây công nghiệp,… Các đơn vị  nông, lâm trường tổ chức sản xuất theo kế hoạch đã định và nộp sản phẩm theo chỉ tiêu pháp lệnh từ trên xuống. Nhà nước bao cấp toàn bộ vật tư, kinh phí và tiền lương cho các nông, lâm trường.

Do việc quy hoạch không hợp lý, dẫn đến việc sử dụng kém hiệu quả và lãng phí đất, rừng được giao. Năm 1985, trước khi đất nước thực hiện đổi mới, các cơ sở quốc doanh chiếm 86,13% diện tích đất đai toàn tỉnh, quản lý trên 20% số dân, bình quân 12,18 ha/người. Trong khi đó, với diện tích còn lại là 13,87%, gần 80% số dân với bình quân 0,53 ha/người phải tự nuôi sống, gánh tất cả nghĩa vụ lương thực, thực phẩm với Nhà nước, bình quân mất đến 2/3 tổng số thu hoạch. Bên cạnh đó, các cơ sở quốc doanh không phải đóng thuế đất, được đầu tư gần như tất cả số vốn của nhà nước (80 - 90%) lại cho một năng suất không bằng của tập thể và cá thể, chỉ hòa vốn, thậm chí còn thua lỗ kéo dài trong một thời gian(2).

Năm 2004, thực hiện Nghị quyết 22/2003/QH11 về chia tách tỉnh Đắk Lắk, thành lập tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Đắk Lắk (mới) có diện tích tự nhiên 1.312.537ha.

Thực hiện Nghị quyết 28/2003/NQ-TW ngày 16-6- 2003 Về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp và phát triển nông, lâm trường; Thông tư 04/2005/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 18-7-2005 Về hướng dẫn các biện pháp quản lý, sử dụng đất đai các nông, lâm trường; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 9/01/2011 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011của Chính phủ Về việc tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước,… Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành một số quyết định và triển khai thực hiện. Qua rà soát và xử lý số liệu từ báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh, sau sắp xếp đổi mới, đến nay trên địa bàn tỉnh có 65 công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng, trong đó, Trung ương quản lý 15 công ty nông nghiệp và 2 ban quản lý rừng với diện tích 197.221,25ha(3). Các công ty nông nghiệp quản lý 27.360,47 ha, trong đó diện tích được giao 2.002,76 ha; diện tích đã chuyển sang thuê đất là 25.357,71 ha; diện tích bị lấn chiếm là 464,96ha; diện tích đang tranh chấp là 0,63 ha; diện tích đang liên doanh, liên kết góp vốn quyền sử dụng đất 5,80 ha; diện tích sử dụng đúng mục đích là 26.782,92 ha; diện tích sử dụng vào mục đích khác chiếm 27,27 ha, trong đó diện tích đã bố trí cho cán bộ công nhân viên là 14,03 ha; diện tích đất chưa sử dụng là 76,37 ha; diện tích đất đã bàn giao cho địa phương là 8.117,01ha; diện tích đất dự kiến tiếp tục bàn giao cho địa phương là 778,85 ha.

Ban quản lý Vườn Quốc gia Yok Đôn và Vườn Quốc gia Chư Yang Sin quản lý 169.850,78 ha, trong đó diện tích được giao là 169.850,78 ha với diện tích sử dụng đúng mục đích là 169.226,30 ha; diện tích đất chưa sử dụng là 584,48 ha. Các công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh do địa phương quản lý có 40 đơn vị, trong đó có 18 công ty nông nghiệp, 15 công ty lâm nghiệp và 7 ban quản lý rừng với tổng diện tích đang quản lý, sử dụng là 328.983,91ha, trong đó diện tích được giao 173.489,99 ha; diện tích đã chuyển sang thuê đất là 155.133,92 ha; diện tích bị lấn chiếm là 8.473,11ha; diện tích đang tranh chấp là 19.995,64 ha; diện tích đang liên doanh, liên kết góp vốn quyền sử dụng đất là 7.244,12 ha; diện tích sử dụng đúng mục đích 301.683,08 ha; diện tích sử dụng vào mục đích khác là 334,91 ha, trong đó diện tích đã bố trí cho cán bộ công nhân viên  là 1,5 ha; diện tích đất chưa sử dụng là 3.483,19ha; diện tích đất đã bàn giao cho địa phương là 49.359,74 ha; diện tích đất dự kiến tiếp tục bàn giao cho địa phương là 22.099,07ha(4).

Các công ty nông nghiệp quản lý, sử dụng 18.098,04ha, trong đó diện tích được giao là 3.798,17ha; diện tích đã chuyển sang thuê đất 14.299,87ha; diện tích đang tranh chấp là 3,12 ha; diện tích đang liên doanh, liên kết góp vốn quyền sử dụng đất là 2.901,96 ha; diện tích sử dụng đúng mục đích là 15.945,40 ha; diện tích sử dụng vào mục đích khác là 1,01ha; diện tích đất chưa sử dụng 56,55ha; diện tích đất đã bàn giao cho địa phương là 5.146,15ha; diện tích đất dự kiến tiếp tục bàn giao cho địa phương là 687,31ha.

Các công ty lâm nghiệp quản lý, sử dụng diện tích 197.254,59ha, trong đó diện tích được giao là 80.446,42ha; diện tích đã chuyển sang thuê đất là 116.788,17ha; diện tích bị lấn chiếm là 6.864,91ha; diện tích đang tranh chấp 12.598,96 ha; diện tích đang liên doanh, liên kết góp vốn quyền sử dụng đất 5.152,16 ha; diện tích sử dụng đúng mục đích 181.116,98 ha; diện tích sử dụng vào mục đích khác 330,90ha, trong đó diện tích đã bố trí cho cán bộ công nhân viên là 0,49ha; diện tích đất chưa sử dụng là 3.786,64 ha; diện tích đất đã bàn giao cho địa phương là 30.528,88 ha; diện tích đất dự kiến tiếp tục bàn giao cho địa phương là 19.355,19 ha.

Các Ban quản lý rừng quản lý, sử dụng diện tích là 113.631,28 ha, trong đó diện tích được giao là 89.585,40 ha; diện tích đã chuyển sang thuê đất là 24.045,88ha; diện tích bị lấn chiếm là 1.608,20ha; diện tích đang tranh chấp là 7.402,56ha; diện tích sử dụng đúng mục đích là 104.620,70 ha; diện tích đất đã bàn giao cho địa phương là 13.684,71 ha; diện tích đất dự kiến tiếp tục bàn giao cho địa phương là 2.056,57 ha.

Các công ty nông nghiệp chủ yếu trồng cây hằng năm và cây công nghiệp dài ngày, trong đó cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su,… chiếm ưu thế. Phương thức trồng cây vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, do các hộ nông dân trực tiếp quản lý; quy mô mỗi hộ trồng chỉ 0,5 - 1 ha. Số hộ gia đình có diện tích lớn và sản xuất dưới hình thức trang trại chiếm tỷ lệ nhỏ. Các hộ nông dân khó tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ, thị trường cũng như các dịch vụ khác như vay vốn tín dụng, ngân hàng..., trong khi đó các công ty nông nghiệp và các doanh nghiệp công nghiệp chế biến chưa đóng vai trò trụ cột trong chuỗi giá trị. Việc thí điểm chuyển NLT thành công ty cổ phần qua quy mô thí điểm cổ phần hóa vườn cây gắn với cơ sở chế biến, dịch vụ gặp nhiều vướng mắc, nhất là việc định giá tài sản trên đất (cây trồng) và xử lý đất đai, chưa tính đến giá trị quyền sử dụng đất khi định giá tài sản. Hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích chưa cao, dẫn đến tình trạng mặc dù có nhiều đất song vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Các công ty lâm nghiệp chủ yếu là phục hồi, khoanh nuôi và bảo vệ, tu bổ rừng, trong đó, quản lý, bảo vệ rừng là chính. Nguồn thu chủ yếu là tiền bán gỗ được khai thác từ rừng tự nhiên theo kế hoạch hàng năm và nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Trong những năm gần đây, một số công ty lâm nghiệp không có chỉ tiêu khai thác gỗ hằng năm nên ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn hoạt động, chi trả lương và hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp.Đặc biệt, từ tháng 12-2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định không cho khai thác gỗ rừng tự nhiên nên các công ty lâm nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.   

Công tác quản lý, sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp trong thời gian dài thiếu chặt chẽ, lực lượng quản lý bảo vệ rừng mỏng, diện tích lớn; tình trạng dân di cư tự do lấn chiếm, chặt phá rừng làm nương rẫy kéo dài, đến nay chưa được xử lý dứt điểm. Tính đến thời điểm 31-12-2014, trên địa bàn tỉnh có 8.938,07 ha bị lấn chiếm([5]).

Các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng diện tích đất lớn, không phải trả tiền thuê đất nhưng không có vốn đầu tư, năng lực tổ chức sản xuất hạn chế, thực hiện khoán không đúng đối tượng, khoán chưa tính đến giá trị quyền sử dụng đất, nhiều đơn vị sử dụng không đúng mục đích, cho thuê, liên doanh liên kết... không đúng quy định. Trên địa bàn tỉnh hiện nay còn 28.462,86ha sử dụng đất sai mục đích và diện tích lớn đất đai chưa được đưa vào sử dụng nên hiệu quả sử dụng đất thấp.

Như vậy, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay, 65 công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng quản lý, sử dụng diện tích là 526.195,16 ha, trong đó: diện tích được giao là 345.703,53 ha; diện tích đã chuyển sang cho thuê đất là 180.491,63 ha. Tình trạng lấn chiếm và tranh chấp đất diễn ra nhiều tại các công ty nông, lâm nghiệp, cụ thể là 28.934,34 ha bị lấn chiếm và tranh chấp. Diện tích đang liên doanh, liên kết góp vốn quyền sử dụng đất là 7.249,92 ha, chủ yếu trồng cây công nghiệp dài ngày. Tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích  do sự phát triển của cây công nghiệp và do lợi ích kinh tế trước mắt. Diện tích sử dụng đúng mục đích là 497.732,30 ha; diện tích sử dụng vào mục đích khác là 362,18 ha, trong đó diện tích đã bố trí cho cán bộ công nhân viên là 15,53 ha; diện tích đất chưa sử dụng là 4.504,04 ha; diện tích đất đã bàn giao cho địa phương là 57.536,75 ha; diện tích đất dự kiến tiếp tục bàn giao cho địa phương là 22.877,92 ha.

So với những năm giữa thập niên 1980, số lượng nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay giảm 41 đơn vị, diện tích quản lý, sử dụng giảm 1.123.804,84 ha. Do chia tách tỉnh và sự hoạt động không hiệu quả của các NLT đã dẫn đến một số NLT bị sáp nhập, giải thể. Qua rà soát, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi đất của các đơn vị giải thể, phá sản, diện tích đất sử dụng không hiệu quả, đất nương rẫy đã có trước khi thành lập các NLT và đất bị lấn chiếm bàn giao về cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý. Đây là một trong những giải pháp để góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai của các NLT.

Tuy nhiên, hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp sau khi rà soát, sắp xếp đổi mới không thay đổi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và mục đích sử dụng đất mà nắm giữ diện tích đất lớn. Xét về diện tích được giao và diện tích quản lý, sử dụng đất trên thực tế của các công ty có sự chênh lệch đến 180.491,63 ha. Đây là một thực trạng bất hợp lý khi các công ty nắm giữ diện tích đất lớn, nhưng chưa phát huy được hiệu quả sử dụng đất trong lúc người dân thiếu đất sản xuất. Đến nay chỉ một số ít đơn vị  “sống được”, còn phần đông các công ty đều nợ lương công nhân, nợ thuế, nợ ngân hàng dai dẳng mà không có bất cứ nguồn thu nào để trả nợ; nhiều công ty đã cổ phần hóa nhưng việc quản lý đất đai vẫn rất lỏng lẻo, đất bị chuyển nhượng trái phép, sử dụng sai mục đích.

Có nơi giao khoán đất cho người dân nhưng buông lỏng, không quản lý được hợp đồng giao khoán hoặc giao khoán trái luật dẫn đến những mâu thuẫn. Nhiềucông ty còn khoán trắng, giao đất cho dân tự đầu tư canh tác, dẫn đến việc thỏa thuận mức khoán, quản lý diện tích đất không thống nhất, tùy tiện và hiệu quả sử dụng đất thấp. Các hộ nhận khoán và chính quyền huyện, xã đều bày tỏ sự bất bình về phương thức khoán của công ty, đó là hình thức khoán gọn([6]). Hiện công ty chưa phải nộp tiền thuê đất cho Nhà nước, và vì vậy hình thức khoán hộ thực chất là hình thức phát canh thu tô.

Theo kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 28/TW tại các công ty nông nghiệp do tỉnh quản lý tại thời điểm đến ngày 31-12-2013, chỉ có 6 đơn vị sản xuất kinh doanh có lãi từ 2,01%  đến 12,38%  sau thuế so với vốn chủ sở hữu. Do giá cà phê giảm mạnh trong thời gian dài nên các công ty nông nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực cà phê  kinh doanh thua lỗ, đến nay vẫn còn một số công ty chưa bù đắp được lỗ lũy kế.

Trong 15 công ty lâm nghiệp, chỉ có 01 đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi từ 4,9% sau thuế so với chủ sở hữu đó là Công ty Lâm nghiệp Krông Bông; 04 công ty thua lỗ, số còn lại chỉ đạt mức rất thấp (<0,1)([7]).

Tình trạng các công ty nông, lâm nghiệp quản lý nhiều diện tích đất nhưng không sử dụng hết và buông lỏng việc quản lý đã dẫn đến sự lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa các công ty nông, lâm nghiệp với cá nhân đến nay chưa giải quyết được. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn có 19.996,27 ha đất đang nằm trong diện tranh chấp, trong đó, Công ty lâm nghiệp Krông Bông, công ty bị xâm canh 127,29 ha, chiếm khoảng 0,4% diện tích đất được giao quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế diện tích bị xâm canh lớn hơn rất nhiều. Ví dụ, buôn Lia (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) có 158 hộ thì đã có trên 120 hộ dân có đất tự phát (xâm canh). Có nhiều hộ tự phát rừng lấy đất sản xuất từ 2-7 ha. Như vậy, chỉ ở 1 buôn, tổng diện tích đất bị xâm canh lên tới trên 200ha([8]). Có 3/15 công ty lâm nghiệp có diện tích lấn chiếm lên đến hàng nghìn ha như Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Phước An 2.868,12ha; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Rừng Xanh 1.008,93ha; Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng 1.608,20ha([9]).

 Nguyên nhân chủ yếu do khi quy hoạch thành lập NLT, việc giao đất cho các đơn vị không đo đạc, không xác định ranh giới rõ ràng trên thực địa, có nhiều trường hợp chỉ khoanh vẽ trên bản đồ, bao gồm cả đất của dân đang canh tác để lại do du canh từ trước khi thành lập NLT; một số công ty lâm nghiệp được hình thành từ sáp nhập một số lâm trường, nhưng không tiến hành rà soát đất đai trên thực địa khi sắp xếp mà mặc nhiên công nhận diện tích đã ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các lâm trường trước đó. Chính quyền địa phương thu hồi đất của công ty lâm nghiệp để giao cho dân nhưng không chỉ rõ ranh giới thu hồi và cũng không có biên bản bàn giao trên thực địa; sự phối hợp giữa chính quyền cơ sở với công ty nông, lâm nghiệp thiếu chặt chẽ, chính quyền cơ sở chưa tạo điều kiện giải quyết và ngăn chặn các hành vi lấn chiếm đất, để kéo dài nhiều năm, thậm chí bất lực trong việc giải quyết mâu thuẫn đất đai; việc quản lý đất đai của công ty nông, lâm nghiệp bị buông lỏng, thiếu sâu sát, thiếu kiểm tra; dân cư trên địa bàn gia tăng nhanh (cả cơ học và tự nhiên), nhu cầu đất ở và đất sản xuất phát sinh mạnh; giá trị đất tăng nhanh và ý thức chấp hành pháp luật, chính sách đất đai của một số người dân hạn chế, không tuân thủ pháp luật,…

3. Một số giải pháp

Xuất phát từ thực trạng trên, bài viết đề xuất một số phương hướng, giải pháp góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả đất tại các nông, lâm trường, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác bảo vệ rừng, quản lý tốt công tác di dân tự do để hạn chế tình trạng lấn chiếm đất đai.Xây dựng, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.

Thứ hai, đẩy nhanh việc rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện giao, cho thuê đất, xác định giá đất, thu tiền sử dụng đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, các công ty nông, lâm nghiệp có diện tích đất bị thu hồi phải bàn giao toàn bộ hồ sơ về quỹ đất bị thu hồi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất (đất của các công ty giải thể; đất dôi ra do thu hẹp nhiệm vụ; đất không sử dụng, đất công ty đang khoán trắng, sử dụng không đúng mục đích; diện tích đất đã chuyển nhượng; diện tích đất đã bán vườn cây; đất kết cấu hạ tầng không phục vụ sản xuất; đất ở theo quy hoạch của địa phương đã được phê duyệt.

Thứ tư, tiếp tục rà soát, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai:  Đối với đất của công ty đang bị hộ gia đình, cá nhân lấn, chiếm: Diện tích đất hộ gia đình, cá nhân đang canh tác và nằm trong phương án sử dụng đất của công ty thì xem xét, tiếp nhận và thực hiện giao khoán đất. Trường hợp không nhận giao khoán đất với công ty thì thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với đất của các công ty nông, lâm nghiệp đang bị tranh chấp: Diện tích đất tranh chấp giữa công ty và các hộ gia đình, cá nhân sống bằng nghề nông đã sản xuất ổn định, không ảnh hưởng đến phương án sử dụng đất của công ty thì giao lại địa phương để xem xét, giải quyết.

Diện tích đất tranh chấp giữa công ty và các hộ gia đình, cá nhân đang sản xuất ổn định, nhưng nằm trong phương án sử dụng đất của công ty, thì công ty xem xét ký hợp đồng giao khoán đất với hộ gia đình, cá nhân. Nếu không thực hiện giao khoán thì thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.

Thứ năm, hướng dẫn xử lý các trường hợp đất cho thuê, cho mượn; lấn, chiếm, tranh chấp; đất liên doanh, liên kết, hợp đồng hợp tác đầu tư; đất giao khoán; đất ở, đất kinh tế hộ gia đình phù hợp với quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về đầu tư.

Thứ sáu, các công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục rà soát, đánh giá lại các hợp đồng khoán, liên kết giữa công ty với người lao động, xây dựng phương án khoán mang tính bền vững, thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên đảm bảo đúng chính sách của nhà nước và lợi ích hài hòa giữa công ty với người lao động; đồng thời phải kết gắn với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và quy hoạch ngành, lĩnh vực.

 

_____________

(1) Ban Phân bổ lao động và dân cư Đắk Lắk:Báo cáo tình hình phát triển các nông, lâm trường Đắk Lắk thời kỳ 1976 - 1985.

(2) Vương Xuân Tình: Tái lập quản lí cộng đồng về đất đai ở các buôn làng Tây Nguyên (Trong bối cảnh thực hiện Luật Đất đai 1993), Hội thảo khoa học “Luật tục – hương ước và những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở làng buôn các dân tộc Tây Nguyên”, 2001, tr.96.

(3), (4), (5) Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đắk : Kiểm kê hiện trạng sử dụng đất của các công ty Nông, Lâm nghiệp, Ban quản lý rừng tính đến ngày 31-12-2014.

(6) Theo các hộ này và chính quyền cơ sở, sản lượng khoán quá cao, ít nhất chiếm 40 - 50% tổng sản lượng khai thác nên phần lợi ích của người nhận khoán rất thấp (ước tính trung bình chỉ khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/ha/năm).

(7) Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk: Báo cáo số 24/BC-UBND ngày 13-4-2015 về việc Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các Nông trường, Lâm trường Quốc doanh giai đoạn từ năm 2004 – 2014, tr.9,10.

(8) Vũ Văn Mễ: Luật đất đai năm 2013: Cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo tại tỉnh Hòa Bình, Đắk Lắk, Đắk Nông, http://actionaid.org/vi/vietnam/publications/bao-cao-luat-dat-dai-nam-2013-co-hoi-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-thoat-ngheo (truy cập thứ 5 ngày 30 tháng 10 năm 2014)-, tr.20.

(9) Xử lý số liệu của tác giả từ Báo cáo: Kiểm kê hiện trạng sử dụng đất của các công ty Nông, Lâm nghiệp, Ban quản lý rừng tính đến ngày 31-12-2014 củaSở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đắk Lắk.

 

ThS Trương Thị  Hạnh

                                                                         Viện KHXH vùng Tây Nguyên

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền