Trang chủ    Thực tiễn    Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa các tộc người ở Tây Nguyên
Thứ năm, 28 Tháng 6 2018 16:20
1879 Lượt xem

Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa các tộc người ở Tây Nguyên

(LLCT) - Trong quá trình hình thành và phát triển, cộng đồng các tộc người ở Tây Nguyên đã không ngừng sáng tạo những di sản văn hóa đa dạng, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, do sự thay đổi về cơ cấu xã hội; sự biến đổi thể hiện trong văn hóa truyền thống đã làm thay đổi cơ bản đời sống văn hóa - xã hội Tây Nguyên. Thực trạng trên đòi hỏi công tác quản lý văn hóa ở Tây Nguyên là làm sao phải vừa tiếp thu những giá trị văn hóa mới, tiên tiến, vừa bảo tồn, phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của chiến lược “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” - xu hướng phát triển tất yếu trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, có ý nghĩa sống còn của các dân tộc trong thời kỳ toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế. Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh:“hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc. Gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hóa, văn nghệ, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa với phát triển du lịch và hoạt động thông tin đối ngoại nhằm truyền bá sâu rộng các giá trị văn hóa trong công chúng (...) Xây dựng và thực hiện các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số”(1). Hội nghị Trung ương 10 khóa IX khẳng định: Việt Nam cần chủ động “hội nhập, giao lưu văn hóa cùng với việc xây dựng những giá trị tốt đẹp về truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời đại”; “kiên trì và nâng cao tính thống nhất trong đa dạng văn hóa”.

Trong quá trình hình thành và phát triển, cộng đồng các tộc người Tây Nguyên đã không ngừng sáng tạo và để lại những di sản văn hóa đa dạng, độc đáo. Đây là những kết tinh giá trị được trao truyền, kế thừa và tái tạo từ nhiều thế hệ. Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể - những chứng tích vật chất sinh động, kho tàng di sản văn hóa Tây Nguyên còn bao hàm những văn hóa phi vật thể, những sản phẩm tinh thần thể hiện sự sáng tạo và bản sắc văn hóa Tây Nguyên.

Quá trình hình thành, phát triển và biến đổi bản sắc văn hóa

Quá trình di dân đến vùng đất Tây Nguyên bắt đầu vào thế kỷ thứ XVIII, khi một nhóm người Kinh theo nhà Tây Sơn lên vùng đất An Khê, dấy binh đánh quân xâm lược nhà Thanh. Đến nửa cuối thế kỷ XIX, một đợt di dân khác đến Kon Tum sau khi các linh mục người Pháp tìm được cơ sở truyền đạo Công giáo. Từ đó,  người Kinh lên vùng đất Tây Nguyên sinh sống ngày càng đông. Nhất là sau năm1975, với chủ trương phân bố lao động trong cả nước, người Kinh và một số dân tộc khác tới định cư ở Tây Nguyên. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, cơ cấu dân cư Tây Nguyên đã có sự thay đổi đáng kể, các tộc người tại khu vực này đa dạng hơn với nhiều ngôn ngữ, phong tục, tập quán khác nhau (cư dân bản địa chiếm 26,58%; dân tộc Kinh chiếm 64,69%; các dân tộc khác chiếm 8,73%) đã tác động và làm thay đổi mọi mặt đời sống xã hội ở Tây Nguyên.

Cơ cấu dân cư thay đổi dẫn tới sự biến đổi trong cơ cấu xã hội, điều kiện sống cùng phong tục tập quán, sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc. Trước đây, các làng bản sống trong rừng núi biệt lập, tự cung, tự cấp. Ngày nay, nhiều vùng núi rừng đã trở thành nông trường cao su, cà phê, chè,… tập trung người dân thập phương tới làm ăn, sinh sống. Đời sống các dân tộc được cải thiện. Nhiều bản làng đã được dùng điện lưới quốc gia, mạng lưới phát thanh, truyền hình được phủ sóng; y tế, giáo dục có sự tiến bộ rõ nét; các công trình thủy lợi lớn được xây dựng, hàng nghìn héc ta đất khô cằn được tưới tiêu, giúp người dân tăng vụ mùa. Từ đó, phong tục tập quán của các tộc người cũng dần thay đổi để phù hợp với điều kiện sống mới. Đồng bào đã biết trồng lúa nước, áp dụng các biện pháp khoa học – kỹ thuật vào trong canh tác. Nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ. Nhiều nơi, đồng bào các tộc người đã trở thành công nhân nông trường cà phê, cao su. Với mô hình “xã – nông trường”, đồng bào trở thành những người làm công ăn lương trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Cơ cấu bản làng hiện nay có nhiều nét mới so với làng truyền thống. Trước kia, đại gia đình gồm nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trong một ngôi nhà dài (nhà chung), nay các gia đình “hạt nhân” ra ở riêng để phát triển kinh tế, tạo sự thay đổi lớn trong cấu trúc làng truyền thống. Nhiều dân tộc sống xen cư nên hôn nhân giữa những người khác tộc người ngày càng nhiều. Do có nhiều thay đổi trong cơ cấu dân cư nên bức tranh tôn giáo ở các tộc người vùng Tây Nguyên cũng có sự biến đổi. Ngoài đạo Công giáo, đạo Phật đã có mặt ở Tây Nguyên hàng thế kỷ, đạo Tin lành cũng được truyền bá và phát triển mạnh, mang đến nhiều nét mới trong lối sống và văn hóa của đồng bào.

Trước sự thay đổi đó, bên cạnh những mặt tích cực, đời sống truyền thống của các tộc người Tây Nguyên ít nhiều bị ảnh hưởng. Một tầng văn hóa “mới” được hình thành và dường như đang làm mờ dần tầng văn hóa “cũ”, tác động trực tiếp, làm thay đổi cơ bản đời sống văn hóa – xã hội Tây Nguyên. Điều này thể hiện ở một số điểm chính sau:

Một là,sự thay đổi về cơ cấu xã hội.

Theo truyền thống, bản làng là đơn vị xã hội cơ bản và chủ đạo ở Tây Nguyên. Mọi mặt của cuộc sống, từ văn hóa, kinh tế đến tôn giáo đều gắn với các bản làng, bởi bản làng được coi là cộng đồng cư trú, cộng đồng sở hữu, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng văn hóa. Trước thời kỳ đổi mới, nền tảng văn hóa Tây Nguyên dựa trên sở hữu cộng đồng bản làng đối với đất đai và tài nguyên rừng. Khi ấy, rừng là cội nguồn tạo nên văn hóa Tây Nguyên. Tuy nhiên, nhược điểm của tính khép kín bản làng đã làm giảm sự liên kết xã hội ở mức độ rộng của cộng đồng nơi đây với các nhóm cư dân khác, khiến cư dân địa phương khó hội nhập với tiến trình hiện đại hóa, dẫn tới kìm hãm nguồn lực nội sinh phát triển.

Khi diễn ra các cuộc đại di dân, đã phá vỡ tính khép kín vốn có, làm biến đổi hiện trạng Tây Nguyên về mặt cơ cấu dân số và cấu trúc xã hội. Trước năm 1975, dân số vùng chưa đến 1 triệu người, hiện nay đã hơn 6 triệu người, tăng hơn gấp 6 lần trong vòng hơn 40 năm qua. Những người di cư mang đến Tây Nguyên những phương pháp canh tác sản xuất mới, khác với phương pháp canh tác mà cư dân bản địa từng thực hiện. Đồng thời họ cũng mang đến nhiều lối sống, văn hóa khác nhau. Tính thuần nhất của một nền văn hóa đặc trưng Tây Nguyên đã không còn mà thay thế vào đó là bức tranh sinh động về văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo...  của chính các thành phần cư dân sinh sống hiện tại.

Hai là,sự biến đổi hiện trạng văn hóa truyền thống

Quá trình suy giảm diện tích rừng ồ ạt cùng với sự chuyển đổi sở hữu về đất đai đã làm nền tảng văn hóa của cộng đồng cư dân tại chỗ có nhiều thay đổi. Điều này dẫn đến một hiện trạng văn hóa ở Tây Nguyên là hòa nhập với cộng đồng quốc gia muộn, nhưng sớm phải đối diện với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế thị trường. Hai luồng văn hóa bản địa, đậm dấu ấn xưa cũ và nền văn hóa mới, hiện đại của nhóm người di cư giao lưu với nhau, tạo ra màu sắc văn hóa đa dạng, vừa có sự tiếp thu, học hỏi cái mới, vừa tồn tại nguyên trạng tính nguyên sơ Tây Nguyên. Việc đa dạng văn hóa, lối sống, tộc người và các thành phần kinh tế đã tạo ra sự tự do phát triển. Do vậy, việc tìm kiếm tính đơn nhất những nét văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên cần gắn kết với việc phát triển bền vững.

Vai trò của già làng trong đời sống xã hội ngày càng mai một. Trước đây, già làng - người cao tuổi nhất trong bản làng, quyết định phân minh mọi vấn đề của cá nhân và cộng đồng. Già làng giáo dục con cháu, giáo dục bản làng đoàn kết, giúp đỡ nhau, không được làm sai luật lệ của làng. Già làng giữ trọng trách trong việc phát huy sự đoàn kết dân tộc, giúp đồng bào phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới, giữ vững bản sắc dân tộc. Ngày nay, với cơ cấu xã hội mới, hầu hết các địa phương ở Tây Nguyên đã có thêm vai trò của trưởng thôn, bản, làng trong việc quản lý các đơn vị dân cư. Trong quá trình triển khai, nhiều địa phương bổ sung thêm các tiêu chí, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của trưởng thôn, bản, làng theo hướng không kiêm nhiệm, dẫn tới nhiều “mô hình tổ chức” khác nhau, có nơi già làng và trưởng thôn (bản) riêng biệt, có nơi già lang kiêm trưởng thôn. Già làng hiện nay không được hưởng phụ cấp, còn trưởng thôn có phụ cấp (mức phụ cấp tùy theo điều kiện của mỗi địa phương).

Trước kia già làng là người dẫn dắt đời sống xã hội, đời sống tâm linh của người dân trong làng với sự am hiểu tín ngưỡng, phong tục và luật lệ của làng. Ngày nay, mô hình tín ngưỡng truyền thống của bản làng Tây Nguyên xưa bị phá vỡ, thay vào đó là tôn giáo mới được truyền bá. Do vậy, ở một số bản làng, già làng không còn giữ vai trò chủ đạo trong những vấn đề thuộc đời sống tâm linh.

Thực trạng trên đặt ra vấn đề đối với công tác quản lý văn hóa ở Tây Nguyên là làm sao vừa tiếp thu những giá trị văn hóa mới, tiên tiến, vừa bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo ra các cơ chế phát huy những giá trị văn hóa căn cốt của Tây Nguyên để có thể kích thích và thúc đẩy các tộc người tại chỗ phát triển. Chỉ có như thế văn hóa mới có sức sống. Định hướng xây dựng chính sách xã hội cần hướng đến các chính sách hỗ trợ, phát triển toàn diện đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, trong đó cần lồng ghép yếu tố tôn giáo vì tôn giáo đang tác động, phá vỡ dần không gian tâm linh truyền thống. Do đó, cần củng cố vai trò già làng, xem xét vị thế của thủ lĩnh tôn giáo, bởi họ chính là những người then chốt trong việc định hướng hành vi của cộng đồng dân tộc theo đạo. Song hành với đó cần nhận thức đúng mức và có chính sách kịp thời để giải quyết ổn thỏa các mối quan hệ giữa sở hữu toàn dân về đất, rừng với sở hữu cộng đồng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ và các nhóm dân tộc khác, đặc biệt là chế độ quản lý, sử dụng đất, rừng theo tập quán truyền thống của đồng bào. Cơ chế, chính sách quản lý ổn định xã hội cần được xây dựng dựa trên các thiết chế tự quản ở bản làng kết hợp với chính sách đoàn kết dân tộc, trong đó xác định bản làng là một bộ phận đặc biệt quan trọng và không thể tách rời trong cơ chế quản lý xã hội cấp cơ sở của vùng.

__________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 225.

 

ThS Trần Cao Anh

Học viện Chính trị khu vực III

 

 

 

 

 

 


 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền