Trang chủ    Thực tiễn    Tác động của đạo Tin Lành đối với việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ năm, 26 Tháng 7 2018 17:04
9229 Lượt xem

Tác động của đạo Tin Lành đối với việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong đồng bào dân tộc thiểu số

(LLCT) - Đạo Tin Lành phát triển mạnh ở nước ta những năm gần đây, trong đó chủ yếu là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Bên cạnh những tác động tích cực của đạo Tin Lành đến việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, tạo ra nếp sống văn minh, tiến bộ hơn trong đồng bào dân tộc thì tôn giáo này cũng đang làm xáo trộn, mai một nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Do vậy, cần có những giải pháp phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực. 

Đạo Tin Lành được truyền vào nước ta từ năm 1911, đầu tiên ở Đà Nẵng. Hiện nay, đạo Tin Lành phát triển chủ yếu trong vùng đồng bào DTTS ở Tây Bắc và Tây Nguyên, chiếm khoảng 74% số tín đồ. Tây Nguyên có số lượng tín đồ Tin Lành chiếm 40% tín đồ Tin Lành của cả nước, trong đó tín đồ là người DTTS chiếm 94%(1), các dân tộc theo đạo Tin Lành chủ yếu là Ê Đê, Gia Rai, Mnông, Cơ Ho, Ba Na. Ở Tây Bắc, chủ yếu là dân tộc Mông và Dao theo đạo Tin Lành. Riêng với dân tộc Mông, cứ 5-6 người Mông thì có 1 người theo đạo Tin Lành Vàng Chứ. Đạo Tin Lành khi xâm nhập vào đồng bào DTTS đã làm thay đổi sâu sắc mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội của đồng bào, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa.

1. Tác động của đạo Tin Lành đối với việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến

Nền văn hóa tiên tiến đòi hỏi phải tiếp thu những giá trị mới, tích cực, tiến bộ, hiện đại phù hợp với sự phát triển, đồng thời loại bỏ những yếu tố truyền thống lạc hậu, không còn phù hợp với thời đại. Đạo Tin Lành xuất phát từ phương Tây, chứa đựng một số giá trị văn hóa tích cực, có khả năng làm “hiện đại hóa” nền văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số. Trong văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS ở nước ta cũng chứa đựng những phong tục, tập quán lạc hậu, không phù hợp với bối cảnh mới, cần được loại bỏ và thay vào đó là nếp sống văn minh, hiện đại. Đạo Tin Lành đã tác động, làm thay đổi nếp sống lạc hậu truyền từ đời này qua đời khác trong một bộ phận nhân dân theo đạo. Đạo Tin Lành chú ý đến những vấn đề thiết thực, cụ thể của đời sống thường nhật, khuyên dạy đồng bào từ bỏ những hủ tục nặng nề trong ma chay, cưới xin, tế lễ... hướng đến cuộc sống văn minh. Thực tế cho thấy, nhiều buôn làng ở vùng đồng bào DTTS theo đạo đã có một số mặt tiến bộ trong đời sống xã hội.

Tục tang ma trong đồng bào DTTS còn nhiều thủ tục rườm rà, ảnh hưởng đến đời sống, đặc biệt là hoạt động sản xuất. Đối với đồng bào Ê Đê ở Đắk Lắk, nếu một gia đình có tang, dân làng đều ngừng hoạt động sản xuất để tập trung vào việc tang lễ. Trong những ngày diễn ra tang lễ, người trong buôn kéo đến chia buồn và đóng góp phần mình, có thể là gạo, rượu, gà... mang tới để ăn uống chung. Sau khi chôn cất người chết, gia đình lại giết 1 con gà hoặc 1 con heo cùng với ché rượu để thầy cúng làm lễ đuổi hồn người chết. Nếu sau khi chôn cất vài ngày, trong gia đình gặp chuyện rủi ro thì có thể làm lại lễ hiến sinh cúng hồn người chết hoặc khai quật ngôi mộ vừa chôn (vì họ tin rằng người chết không bằng lòng với nơi chôn cất hoặc chôn không đúng yêu cầu của người chết căn dặn). Còn đối với người Mông, khi nhà có người chết, sau 1 thời gian con cháu phải làm “ma khô”, nếu chưa làm nghi lễ này thì coi như một món nợ. Đời bố chưa làm “ma khô” cho ông bà thì đời cháu phải làm. Mỗi lần làm “ma khô” phải mổ một con trâu kèm theo gạo, rượu và nhiều thực phẩm khác. Họ tin rằng, nếu chưa làm được “ma khô” thì con cháu mắc lỗi với tổ tiên và có thể bị tổ tiên trừng phạt, bị làm cho ốm đau, hoạn nạn. Do đó, nhiều nhà phải vay nợ làm “ma khô”, vì vậy đã nghèo lại càng nghèo hơn. Những hủ tục tang ma như vậy trong đồng bào DTTS đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay, cần phải loại bỏ. Ở đồng bào theo đạo Tin Lành, những phong tục, tập quán lạc hậu đó đã  thay đổi. Các nghi lễ tang ma, cưới xin rườm rà trước đây được thay bằng các nghi thức của Thiên Chúa giáo. Người chết không để trong nhà quá 24 tiếng, được đi chôn cất không kiêng bất cứ ngày, giờ nào trừ chủ nhật. Thủ tục ma chay cũng bớt phần rườm rà, không ăn uống linh đình, khóc lóc (vì đạo Tin Lành quan niệm người chết đi sẽ được thác về với Chúa). Khi chôn cất không cần thủ tục nào mà chỉ cần cắm cây thánh giá lên mộ.

Một số đồng bào DTTS có phong tục khi có người ốm phải cúng ma, nhiều khi người bệnh nặng hơn thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng vì không được chữa trị kịp thời. Đây là một hủ tục lạc hậu cần phải xóa bỏ. Ở bộ phận đồng bào DTTS theo đạo Tin Lành, tập tục này đã được thay đổi. 100% số người Mông theo Tin Lành được hỏi “làm gì khi bị ốm” đều trả lời “ cầu trước, nếu không khỏi thì đi lấy thuốc, đi bệnh viện”(2).

Đạo Tin Lành góp phần xây dựng lối sống văn minh, hiện đại trong gia đình đồng bào DTTS. Ở nhiều vùng vẫn tồn tại những tập quán lạc hậu như sinh nhiều con, có tư tưởng trọng nam khinh nữ, gia đình phụ quyền,... Nhưng với những gia đình đồng bào DTTS theo đạo Tin Lành, những tập quán đó dần xóa bỏ, vợ chồng bình đẳng, gia đình một vợ, một chồng thủy chung được khẳng định, ít có trường hợp ly hôn trong gia đình có người theo đạo Tin Lành. Trong vấn đề sinh đẻ, đạo Tin Lành khuyên con người nên sinh đẻ có kế hoạch, đẻ ít con để nuôi dạy cho tốt. Con trai hay con gái không quan trọng vì con trai hay con gái đều thác về với Chúa.

Đạo Tin Lành hướng dẫn đồng bào dân tộc tổ chức đời sống ngày càng văn minh, tiến bộ hơn. Sinh hoạt hàng ngày của đồng bào quy củ và hợp vệ sinh hơn. Nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm được tách riêng ra khỏi nơi ở, khu vực nguồn nước sinh hoạt được giữ sạch. Các hủ tục lạc hậu được giảm bớt, những lệ tục có hại cho đời sống, những phương thức sản xuất không thích hợp, những tổ chức làng xóm lỗi thời, những kiêng kỵ vô lý, phản khoa học được loại trừ. Tục ma lai, mẹ chết chôn con theo hầu như đã được bãi bỏ, chết không còn chôn chung, lễ nạp không tổ chức ăn uống linh đình. Giáo lý mà các linh mục truyền dạy có nhiều nét tương đồng, phù hợp với văn hóa truyền thống người Việt. Đó là việc răn dạy con người sống hòa mục, hướng thiện, biết yêu thương, trân trọng, giúp đỡ nhau. Do đó khi gia nhập đạo, các tín đồ Tin Lành luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau và coi đó là một phương châm để hành đạo. Trong tổ chức đời sống, đạo Tin Lành khuyến khích đồng bào tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, lấy các hoạt động xã hội làm điều kiện, phương tiện để truyền đạo, do đó hạn chế tính khép kín trong cộng đồng, đồng bào tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội.

Như vậy, với việc xóa bỏ những phong tục, tập quán, thay vào đó là lối sống văn minh, hiện đại trong sinh hoạt, sản xuất và trong gia đình, đạo Tin Lành đã có tác động tích cực trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến trong đồng bào DTTS.

2. Tác động của đạo Tin Lành đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống

Đạo Tin Lành có tác động kép đến văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, làm hiện đại hóa nền văn hóa nhưng cũng đồng thời làm mai một nhiều giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Tín ngưỡng truyền thống của đồng bào DTTS là tín ngưỡng đa thần. Người dân tộc Tây Nguyên tin rằng, con người là một sinh vật sống giữa thế giới thần linh. Thần linh hiện hữu mọi nơi, quấy nhiễu, đòi hỏi con người phải đáp ứng những yêu cầu về lễ nghi và vật chất. Mỗi dân tộc có những vị thần riêng: người Ba Na có thần lúa (Lang xơri), thần Nước (Yang Đak), Thần Núi (Iang Kong), thần Cây (Iang Long)... Người Gia Rai có thần Nhà, thần Làng, thần Bến nước. Đối tượng thiêng truyền thống của người DTTS phía Bắc là Trời, thần nước, các loại ma (nhà, bản, rừng). Văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS ở nước ta gắn liền với tín ngưỡng đa thần. Giá trị văn hóa cổ truyền là các giá trị tiêu biểu của nhiều dân tộc, từ nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục tập quán đến luật tục, các loại hình nghệ thuật... Đó là tấm gương phản chiếu của tín ngưỡng đa thần. Khi đồng bào DTTS có biến đổi đời sống tín ngưỡng, tôn giáo sẽ có sự biến đổi bản sắc văn hóa tộc người. Đạo Tin Lành là tôn giáo độc thần, chỉ thờ Chúa Trời. Khi đồng bào theo đạo Tinh Lành, tín ngưỡng đa thần bị triệt tiêu và được thay thế bằng tư tưởng độc thần tôn giáo, đồng bào không còn tin vào các vị thần linh của mình nữa thì nhiều tập tục, lễ hội, lễ nghi truyền thống gắn với những vị thần sẽ mất đi cơ sở tồn tại.

Một trong những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tây Nguyên là không gian văn hóa cồng chiêng - giá trị văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng bào DTTS Tây Nguyên có quan niệm rất sâu sắc, con người có thể kết giao được với thần linh và cồng chiêng là vật thiêng mà trong chúng đều có thần linh trú ngụ. Tiếng chiêng là âm thanh kết nối cuộc sống thực tại của con người với thế giới thiêng liêng của thần linh. Khi đồng bào không tin vào các vị thần sẽ không còn thấy giá trị tâm linh trong tiếng cồng chiêng, từ đó làm thay đổi không gian văn hóa truyền thống của cộng đồng. Âm thanh cồng chiêng trong cộng đồng theo đạo Tin Lành không còn tính linh thiêng, gắn bó với xứ sở, cộng đồng. Niềm tin tuyệt đối vào đức Chúa trời đã “giải thiêng” gần như toàn bộ đức tin truyền thống của người theo đạo. Để giữ trọn Đức tin nơi chúa Trời, cộng đồng theo đạo đoạn tuyện với những nghi lễ truyền thống, mang bản sắc dân tộc, gắn liền tín ngưỡng thờ thần linh đã lưu giữ hàng nghìn năm như nghi lễ đâm trâu lấy máu tế thần, nghi lễ nông nghiệp, nghi lễ vòng đời người.., thay vào đó là các nghi lễ tôn giáo như: lễ phục sinh, lễ giáng sinh, lễ dâng trẻ, lễ bồi đinh... Nghi lễ vòng đời người được thực hiện như người Kinh như: lễ sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng. Tang ma truyền thống đã bị bãi bỏ. Nhiều người Ê Đê, Mnông ở Tây Nguyên không còn nhớ hoặc không muốn nhớ đến các vị thần khởi nguyên của cộng đồng nữa. Họ đến nhà thờ để làm dấu thánh, hát thánh ca, chịu các phép bí tích...

Không chỉ tín ngưỡng cổ truyền bị suy giảm, việc thờ cúng các vị thần bị từ bỏ, nhiều nghi lễ phong tục phai nhạt mà các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian trong đồng bào DTTS theo đạo Tin Lành cũng biến mất... Thí dụ như ở làng Ba Na, các nhạc cụ cổ truyền (cồng chiêng, trống, Klông pút...), các làn điệu dân ca, dân vũ không còn được tái hiện, thực hành trong đời sống hiện tại. Trong những ngày lễ cộng đồng, đồng bào dân tộc theo đạo Tin Lành không tổ chức những bữa cơm cộng cảm gắn với sinh hoạt tập thể là uống rượu cần, biểu diễn cồng chiêng, sử thi... Vai trò của già làng trong phân xử, hòa giải mâu thuẫn, xung đột, duy trì phong tục, luật tục của làng cũng mờ nhạt.

Do đạo Tin Lành không đồng hành cùng tín ngưỡng truyền thống nên khi tiếp nhận tư tưởng độc thần tôn giáo, đồng bào đã từ bỏ luôn các giá trị truyền thống của cộng đồng để tiếp nhận những phong tục, tập quán, lối sống mới theo quy tắc và chuẩn mực của tôn giáo. Đạo Tin Lành chủ trương bài trừ mê tín dị đoan, loại bỏ các lễ hội truyền thống, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, loại bỏ sự ảnh hưởng của luật tục, sử thi trong đời sống cộng đồng. Điều đó đã gây tổn thất lớn trong việc bảo tồn di sản, giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người. Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ sự khác biệt về các hoạt động lưu giữ, bảo tồn giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống giữa đồng bào dân tộc có đạo Tin Lành và không có đạo Tin Lành: “Trong khi đại bộ phận theo đạo Thiên Chúa và Tin Lành ở phía Tây, lễ hội, dân ca, âm nhạc đang ngày một mất đi thì ở bộ phận theo tín ngưỡng truyền thống phía Đông, các sinh hoạt dân ca, dân nhạc, dân vũ cổ truyền vẫn được duy trì và trân trọng. Các bộ cồng chiêng vẫn được lưu giữ như tài sản quý giá và được đem sử dụng như là nhạc cụ đặc trưng không thể thiếu trong các lễ hội bỏ mả”(3). Việc nhiều đồng bào DTTS ở Tây Nguyên đang mất dần giá trị văn hóa truyền thống có thể lý giải ở nhiều nguyên nhân, do sự tác động của nhiều nhân tố, trong đó có đạo Tin Lành. Quá trình thâm nhập và phát triển mạnh mẽ của đạo Tin Lành vào Tây Nguyên đúng vào thời điểm kết cấu cộng đồng bị phá vỡ, cuộc đại di dân của người Kinh vào xây dựng kinh tế mới diễn ra buộc người dân tộc phải hội nhập. Việc thay đổi từ tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống thờ đa thần sang độc thần ở đồng bào theo đạo Tin Lành đã làm thay đổi nền tảng, văn hóa cổ truyền của các DTTS. Có nhà nghiên cứu đã khẳng định: “Sự thâm nhập và lan rộng của tôn giáo trong vùng đồng bào DTTS đang là một trong những tác nhân cơ bản làm suy giảm, biến dạng diện mạo văn hóa tộc người. Bởi sự tác động của các nhân tố khác có thể khiến cho mảng văn hóa tộc người hao khuyết đi tính hệ thống, tính đa dạng và độc đáo nhưng chúng ta vẫn có thể phục hồi lại bằng những biện pháp thích hợp. Còn tác động của tôn giáo sẽ khiến văn hóa tộc người có sự thay đổi từ gốc”(4). Đó chính là tác động mặt trái của đạo Tin Lành đối với vấn đề xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong vùng đồng bào DTTS.

Một trong những truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS là tính cố kết cộng đồng, do họ cùng chung niềm tin vào các vị thần, chung các lễ nghi và các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của các tộc người còn là hoạt động văn hóa, xã hội, là chất xúc tác cố kết cộng đồng, vì thế khi niềm tin tôn giáo bị phân rẽ thì đồng thời các cộng đồng dân cư cũng bị chia nhỏ. Khi niềm tin không còn chung nhau thì cũng tạo ra sự thiếu đoàn kết, thống nhất trong một cộng đồng tộc người. Hơn nữa, đạo Tin Lành phủ định sạch trơn tín ngưỡng, phong tục truyền thống của đồng bào DTTS, vì vậy xảy ra xung đột văn hóa, sự phản ứng của văn hóa tín ngưỡng tại chỗ với văn hóa, lối sống Tin Lành. Trong thời kỳ đầu khi đạo Tin Lành mới truyền vào, nhiều đồng bào dân tộc không theo đạo Tin Lành bỏ đi khỏi làng, tìm nơi khác để sinh sống.

Một trong những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam là tục thờ cúng tổ tiên. Dân tộc Việt Nam thờ cúng tổ tiên không chỉ để tưởng nhớ người đã mất mà còn cầu xin người đã khuất phù hộ cho sức khoẻ tốt, may mắn để làm ăn, mùa màng bội thu. Đồng bào sống có trước, có sau, không quên quá khứ song cũng hướng tới tương lai tốt đẹp. “Đạo thờ cúng tổ tiên theo nghĩa rộng không chỉ thờ những người có công sinh dưỡng đã khuất, nghĩa là những người cùng huyết thống, mà thờ cả những người có công với cộng đồng làng xã, đất nước”(5). Điều này tạo ra sự thống nhất cộng đồng, gắn bó gia đình với làng xã, đất nước. Tuy nhiên, đồng bào dân tộc khi theo đạo Tin Lành, chỉ thờ phụng Chúa, bỏ việc thờ cúng tổ tiên đã tồn tại hàng nghìn năm, cắt đứt mối liên hệ truyền thống với tổ tông, từ đó làm phai nhạt bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.

3. Một số định hướng phát huy giá trị của đạo Tin Lành với xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của đạo Tin Lành đến văn hóa tộc người cần có những phương hướng, giải pháp phù hợp.

Thứ nhất, cần phân biệt rõ những giá trị và phản giá trị trong văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Do không phân biệt được đâu là những giá trị tinh hoa và đâu là phản giá trị trong di sản nên nhiều nơi đồng bào đã từ bỏ các loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp. Tín ngưỡng đa thần vừa tạo nên những những lễ nghi, phong tục tốt đẹp, vừa chứa đựng các tập tục lạc hậu cần phải loại bỏ. Vì vậy, các nhà nghiên cứu văn hóa cần làm rõ những gì là giá trị và phản giá trị trong văn hóa truyền thống của đồng bào. Song hành với đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền tới từng thôn, bản, giúp đồng bào nhận thức rõ những phong tục, truyền thống nào lạc hậu cần phải loại bỏ, những phong tục, lễ nghi nào tốt đẹp, đặc sắc cần phải giữ gìn, phát huy. Điều này sẽ giúp đồng bào theo đạo Tin Lành tránh xu hướng phủ định sạch trơn, coi văn hóa truyền thống là mê tín dị đoan, cổ hủ.

Thứ hai, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào DTTS nhưng cũng cần nâng cao ý thức tộc người, ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa tộc người của đồng bào. Đạo Tin Lành được truyền bá vào đồng bào DTTS trong những điều kiện đặc biệt, có lợi ích nhất định trong đời sống đồng bào như thỏa mãn nhu cầu tâm linh, đời sống kinh tế, văn hóa trong bối cảnh xã hội mới do đó cần bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục ý thức tộc người trong đồng bào, giúp đồng bào hiểu rằng, ý thức tộc người là cơ sở khẳng định sự tồn tại của tộc người, mất bản sắc văn hóa tộc người là mất tộc người. Đồng bào vừa là một tín đồ Tin Lành nhưng cũng thuộc về một tộc người nhất định, cần có những hoạt động giữ niềm tin tôn giáo nhưng cũng cần bảo vệ sự tồn tại và phát triển của tộc người mình. Khi đồng bào DTTS vừa có niềm tin tôn giáo, vừa có ý thức bảo vệ bản sắc tộc người thì họ sẽ dung hòa được để vừa theo đạo Tin Lành nhưng không đánh mất dần bản sắc văn hóa.

Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta hiện nay và đặc biệt cấp bách trong vùng đồng bào DTTS. Do đó, việc làm rõ các nhân tố đang tác động đến nền văn hóa tộc người là cần thiết để có những giải pháp phù hợp. Đạo Tin Lành là một nhân tố quan trọng tác động đến việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong đồng bào dân tộc có đạo, do đó cần phải được nghiên cứu một cách toàn diện để chúng ta có thái độ và biện pháp ứng xử phù hợp.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2018

(1) Trần Thị Phương Anh: Mối quan hệ giữa yếu tố lợi ích, bối cảnh sống và lựa chọn niềm tin tôn giáo: Trường hợp đạo Tin Lành trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay,Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn, số 1-2016.

(2) Tô Thúy Hạnh: Niềm tin của tín đồ người Mông vào Đức Chúa trời – Vàng trứ, Tạp chí Tâm lý họcsố, 2-2010.

(3) Bùi Minh Đạo: Dân tộc Ba Na ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006, tr. 293 -294.

(4) Đoàn Tuấn Anh: Sự biến đổi trong đời sống tín ngưỡng của người Ba Na ở Gia Lai và sự tác động của nó đến việc giữ gìn bản sắc văn hoá tộc người,  Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 12-2011.

(5) Đặng Nghiêm Vạn: Mấy vấn đề về văn hoá và phát triển ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1993, tr. 315.

 

ThS Hà Thị Thuỳ Dương

Học viện Chính trị khu vực IV

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền