Trang chủ    Thực tiễn    Ô nhiễm môi trường trong sản xuất thép và chế tài xử lý
Thứ tư, 22 Tháng 8 2018 16:56
14161 Lượt xem

Ô nhiễm môi trường trong sản xuất thép và chế tài xử lý

(LLCT) - Sản xuất thép là ngành công nghiệp nặng quan trọng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Ngành sản xuất thép thời gian qua đạt nhiều kết quả song còn nhiều bất cập, nhất là về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước. Do vậy, việc quản lý, kiểm soát ngành công nghiệp sản xuất thép để hạn chế tối đa các hệ lụy đối với môi trường là vấn đề bức thiết hiện nay.

1. Thực trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất thép

Sản xuất thép thuộc ngành công nghiệp nặngquan trọng,phục vụ cho xây dựng cơ bảnnhưngtiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khí, đấtvànước.Sản xuất 1 tấn thép sẽ thải ra từ 0,5đến 1 tấn xỉ, 10.000m3 khí thải, 100kg bụi, 80m3 nước thải(1), trong đó, nhiều chất gây ô nhiễm,như: axit, kiềm, các nguyên tố hợp kim... Trong các vùng luyện kim, khí quyển bị nhiễm bẩn chiếm tỷ lệ gần 60%. Ngoài nguyên liệu chính là thép phế, sắt xốp, gang thỏi hoặc gang lỏng, vôi, việc sản xuất thép còn sử dụng năng lượng như than, gas, điện, dầu, oxy, nước và các chất phụ trợ,như:hợp kim, điện cực, khí trơ, vật liệu đầm lò. Đặc biệt, quá trình sản xuất gang thép gây ô nhiễm môi trường khí với lượng bụi lên tới hàng nghìn tấn/năm, thành phần chủ yếu là các oxit kim loại, cácloại oxit khác (FeO, MnO, Al2O3, SiO2, CaO, MgO) và các loại khí thải chứa CO, CO2, SO2, NO2,gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà trực tiếp là công nhân làm việc trong nhà máy. Trong các nhà máy luyện thép bằng phương pháp truyền thống, nước làm mát thường bị nhiễm kim loại nặng và các chất phụ gia nên không được tái sử dụng mà xả ra môi trườngcùng nguồn nước thải khác. Thành phần của nước thải này rất khó xử lý vàchứa nhiều hóa chất độc hại,như:phenol, xyanua, ammonia, kim loại nặng và một số chất hữu cơ khác.Ngoài ra, ô nhiễm nhiệt, rung động, tiếng ồn cũng là những vấn đề ngành thép phải quan tâm.

Hiện nay, các tỉnh, thành trong cả nước đềucó nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ bảnnên ngành sản xuất thép có vai trò quan trọngnhằmđáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước, bình ổn thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho xã hội,... Trong những năm qua, ngành thép Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng: năng lực sản xuất ngày càng tăng, sử dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu về môi trường; tốc độ tăng trưởng sản lượng thép của các năm 2014-2015 đạt 19,8%-21,8%.Năm 2015,Việt Nam đã trở thành nước tiêu thụ nhiều thép nhất trong các nước Đông Nam Á. Hệ thống sản xuất và phân phối đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu thép xây dựng cả nước (khoảng 6 triệu tấn thép xây dựng trong tổng cầu khoảng 20 triệu tấn thép). Một số doanh nghiệp trong nước đã vươn lên trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, đầu tư chiều sâu và đầu tư mới một số cơ sở sản xuất phôi thép, nhờ đó tăng năng lực sản xuất phôi thép cả nước, tạo ra cơ sở quan trọng để ngành thép Việt Nam phát triển(2).

 

STT

 

Ngành hàng

                    Sản xuất

                    Bán hàng

Năm 2018

(tấn)

% so với

năm 2017

% so với

năm 2016

Năm 2018

(tấn)

% so với

năm 2017

% so với

năm 2016

1

Thép xây dựng

2.363.754

106

132

2.246.625

108

125

2

Ống thép

549.003

112

147

532.048

111

142

3

Tôn mạ KL & SPM

1.074.250

108

116

847.928

119

92

4

Thép cán nguội

1.152.055

129

147

580.497

125

74

5

HRC

632.390

 

 

634.894

 

 

Tổng cộng

5.771.452

125

148

4.841.992

129

124

 Nguồn: Tình hình sản xuất – bán hàng Quý I/2018  (theo báo cáo của các thành viên Hiệp hội thép), vsa.com.vn

Cũng giống các nước có ngành công nghiệp sản xuất thép trên thế giới, trong những năm qua, Việt Nam cũng đang phải gánh chịu nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường do sản xuất thép gây ra. Theo nhận định của các chuyên gia, với hàng trăm cơ sở sản xuất thép hiện có(3) vàcác dự án thépở Việt Nam đã đượccấp phép triển khai đúng cam kết thì đến năm 2020, ngành thép sẽ thải ra 174 triệu tấn CO2 và lúc đó, mỗi người dân Việt Namsẽ phải hứng chịuthêm 1,5 tấn khí CO2”, và thêm nhiều vùng đất, nguồn nước bị ô nhiễm, “làng ung thư”, gây ra những thiệt hại to lớn cho nền kinh tế quốc dân(4). Các vụ việc ô nhiễm môi trường do sản xuất thép gây ra như: làng nghề sắt thép Đa Hội (Từ Sơn - Bắc Ninh), Công ty cổ phần thép Dana Ý và Công ty cổ phần thép Dana Úc (Hòa Vang - Đà Nẵng), Công ty cổ phần gang thép Vạn Lợi (An Dương - Hải Phòng) và đặc biệt là sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh… là những bài học đắt giá cho chúng ta trong việc tăng trưởng kinh tế không gắn với bảo vệ môi trường. Do vậy, việc quản lý, kiểm soát ngành công nghiệp sản xuất thép để hạn chế tối đa các hệ lụy đối với môi trường là một vấn đề bức thiết hiện nay.

2. Chế tài xử lý vi phạm bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất thép ở nước ta hiện nay

Để bảo đảm hài hòa giữa phát triển ngành sản xuất thép và bảo vệ môi trường bên cạnh việcthực hiện đồng bộ cácgiải pháp như: quy hoạch phát triển ngành thép bảo đảm tăng trưởng bền vững; đầu tư chiều sâu cho nghiên cứu khoa học về hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường; lựa chọn và áp dụng công nghệ sản xuất thép tiến tiến, hiện đại; tăng cường hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành sản xuất thép từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án đến khâu hậu kiểm, kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; v.v.. thì cần phải có chế tài xử lý vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động sản xuất thép.

Pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam hiện nay quy định khá đầy đủ các hành vi vi phạm và các chế tài xử lý. Tùy vào mức độ vi phạm, hành viviphạm có thể bị xử lý bằng chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự. Nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại thì còn có thể bị áp dụng chế tài dân sự buộc bồi thường thiệt hại.

Chế tài hành chính

Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP(5), các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất théplà:Vi phạm quy định về kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môitrường (Điều 8, 9, 10); Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường(Điều 13); Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường(Điều 14); Vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường(Điều 15); Vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường(Điều 16); Vi phạm các quy định về tiếng ồn(Điều 17); Vi phạm các quy định về độ rung(Điều 18); Vi phạm các quy định về thu gom, vận chuyển, chôn lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường(Điều 20);Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại(Điều 21);Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu phục vụ hoạt động sản xuất thép(Điều 24, Điều 25); Hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường(Điều 47).

Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chế tài hành chính được áp dụng để xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định về bảo vệ môi trường nói chung và trong hoạt động sản xuất thép nói riêng gồm có:Hình thức xử phạt chính có hình thức cảnh cáo và phạt tiền; Hình thức phạt bổ sung có hình thức tước quyền sử dụng có thời hạn đối với một số loại giấy phép và hình thức tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính…

Biện pháp khắc phục hậu quả:doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động sản xuất thép có thể bị áp dụng là: buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm theo quy định; Buộc bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra theo quy định pháp luật(6).

Chế tài dân sự

Điều 13 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: "1. Người vi phạm hành chính nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường…2. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự".

Theo quy định tại Điều 275 Bộ luật dân sự 2015, một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là việc“gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” và tương ứng với căn cứ này là các quy định tại Chương XX, Phần thứ ba Bộ luật dân sự  2015 về “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được hiểu là bổn phận, nghĩa vụ của người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường.

Như vậy, căn cứ quy định của Bộ luật dân sự thì người có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường nói chung và trong hoạt động sản xuất thép nói riêng nếu gây thiệt hại thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.

Tuy nhiên, theo nguyên tắc giải quyết việc dân sự quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự thì việc xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại do Tòa án tiến hành chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của người bị thiệt hại hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Theo thủ tục tố tụng dân sự thì trách nhiệm chứng minh thiệt hại thuộc về người bị thiệt hại.

Đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường nói chung, nếu gây thiệt hại thì thường gây thiệt hại cho cả một cộng đồng dân cư mà cộng đồng dân cư có đặc điểm là không có mối liên kết chặt chẽ về mặt tổ chức. Do vậy, việc kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra theo thủ tục tố tụng dân sự là rất khó thực hiện trên thực tế.

Chế tài hình sự

Tội phạm về môi trường nói chung đã được quy định trong Bộ luật hình sự qua nhiều thời kỳ nhưng mới chỉ quy định hành vi phạm tội của cá nhân. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành công nghiệp sản xuất thép thường có quy mô lớn, hoạt động sản xuất được thực hiện có tổ chức chặt chẽ và tuân theo quy trình sản xuất do doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đặt ra và vận hành.Hành vi phạm tội về môi trường nếu xảy ra trong hoạt động sản xuất thép cần phải xem xét dưới góc độ là hành vi do tổ chức, pháp nhân thực hiện, cá nhân khó có thể thực hiện tội phạm về môi trường trong trường hợp này hay nói cách khác khó có thể quy kết cho cá nhân phạm tội về môi trường trong hoạt động sản xuất thép. Do vậy, thời gian qua, việc xử lý hình sự đối với doanh nghiệp hay cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động sản xuất thép rất khó thực hiện.

Bộ luật hình sự2015 đã bổ sung quy định mới về pháp nhân thương mại phạm tội. Trong đó,quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm về môi trường. Đối với hoạt động sản xuất thép, doanh nghiệp sản xuất có thể phạm các tội như: "Tội gây ô nhiễm môi trường"; "Tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường"; …

Mặt khác, việc xử lý bằng chế tài hình sự đối với vi phạm pháp luật về môi trường nói chung có ưu điểm hơn chế tài hành chính về việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do tội phạm môi trường gây ra.Giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự có ưu điểm là rút ngắn được tiến trình tố tụng, làm giảm chi phí về tiền bạc, công sức, thời gian của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như của các đương sự. Việc bồi thường thiệt hại được cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết khi khởi tố vụ án hình sự mà không cần có đơn khởi kiện của đương sự.

Chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý nhà nước về sản xuất thép

Trong công tác xử lý vi phạm và đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực sản xuất thép, bên cạnh việc phát hiện và xử lý vi phạm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thì việc xác định trách nhiệm, xác định vi phạm và xử lý vi phạm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước trong thi hành công vụ dẫn đến vi phạm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là rất cần thiết.

Những vi phạm trong hoạt động quản lý nhà nước có thể dẫn tới doanh nghiệp sản xuất thép vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây hậu quả xấu đến môi trường, như: thẩm định, phê duyệt quy hoạch ngành sản xuất thép; thẩm định phê duyệt dự án sản xuất thép; phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp; cấp các loại giấy phép xả thải cho doanh nghiệp sản xuất thép; vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật hiện nay chưa quy định mang tính nguyên tắc chung về xác định hành vi vi phạm của người thi hành công vụ và nguyên tắc xử lý vi phạm, không có quy định khái niệm "hành vi vi phạm của người thi hành công vụ".Do vậy, để xử lý vi phạm trong quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước đối với lĩnh vực sản xuất thép nói riêng, hiện nay, chúng ta căn cứ vào: Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17-5-2011 quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức; Nghị định số 27/2011/NĐ-CP ngày 6-4-2012 quy định xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức; Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước ban hành ngày 20-7-2017 (có hiệu lực từ 1-7-2018);Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) có chương 23 quy định về các tội phạm về chức vụ, trong đó, vi phạm trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và trong lĩnh vực môi trường nói riêng đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị truy cứu về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Với đặc thù của ngành công nghiệp sản xuất thép như đã phân tích ở trênvà thực trạng vấn đề ô nhiễm môi trường do sản xuất thép gây ra ở nước ta, nếu chúng ta không có chế tài xử lý nghiêm minh những vi phạm pháp luật về bảo về môi trường thì chúng ta sẽ lại gánh chịu hậu quả về môi trường ô nhiễm như đã từng xảy ra trong những năm qua.

Với điều kiện pháp luật hiện nay mới chỉ đáp ứng được yêu cầu về xử lý vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh sản xuất thép đối với vi phạm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thép. Việc xem xét và xử lý trách nhiệm đối với vi phạm trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung, trong lĩnh vực sản xuất thép nói riêng còn thiếu cơ sở pháp lý nên việc xử lý vi phạm của người thi hành công vụ trong hoạt động quản lý nhà nước trên thực tế rất hạn chế. Đây là vấn đề mới và rất phức tạp, rất cần được sự đầu tư nghiên cứu của các nhà khoa học và các nhà làm luật để tạo ra sự nghiêm minh trong thi hành pháp luật và kiểm soát quyền lực nhà nước.

_________________

(1) Công nghiệp thép và cái giá đắt về môi trường, xã hội, Zing.vn, 30-6-2016.

(2) C.Hoàng, Có thể đóng cửa nhà máy thép, VietNamnet, 7-9-2016

(3) Tính đến năm 2016, nước ta có hơn 300 doanh nghiệp sản xuất thép nhỏ và vừa.

(4) Theo PGS.TS Đinh Đức Trường: “Hiện nay, Việt Nam chưa thành nước công nghiệp nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường đã rất nghiêm trọng. Mỗi năm Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP. Còn con số này của Trung Quốc là 10%. Nếu với đà tăng ô nhiễm như hiện nay, Việt Nam sẽ sớm vượt qua Trung Quốc về ô nhiễm”. Nguồn: Công nghiệp gây ô nhiễm: Cứ đà này, Việt Nam sẽ chóng vượt Trung Quốc, Báo điện tử Dân trí, 21-11-2016.

(5) Chính phủ:Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

(6)Chính phủ:Khoản 3, Điều 4, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016của về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

 

ThS Đỗ Văn Điệp

Công an thành phốHải Phòng

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền