Trang chủ    Thực tiễn    Xu hướng di dân các dân tộc thiểu số từ giác độ lực hút, lực đẩy
Thứ tư, 29 Tháng 8 2018 15:04
4151 Lượt xem

Xu hướng di dân các dân tộc thiểu số từ giác độ lực hút, lực đẩy

(LLCT) - Trên cơ sở vận dụng lý thuyết “lực hút lực đẩy” trong nghiên cứu di dân các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, bài viết đã chỉ ra một số xu hướng di dân phổ biến ở nước ta những năm qua, đó là: xu hướng di dân từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên; từ vùng núi xuống đồng bằng; từ trong nước ra nước ngoài. Trong các xu hướng đó thì xu hướng di cư của những cư dân có trình độ văn hóa thấp, lao động phổ thông, di cư theo mùa vụ, là xu hướng chính, thu hút lượng lớn người di cư.

1. Khái quát lý thuyết “lực hút, lực đẩy”

Di dân các dân tộc thiểu số là các hình thức di chuyển của các cá nhân, nhóm (gia đình, dòng họ, thôn bản), cộng đồng các dân tộc thiểu số nội tỉnh, nội vùng hoặc liên vùng; di chuyển từ nông thôn qua thành thị, nông thôn - nông thôn, thành thị - nông thôn, nông thôn tới các khu công nghiệp; di dân xuyên biên giới... Có thể là di dân tự phát (tự do) hoặc có tổ chức (có kế hoạch).Xu hướng di dân các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đặt trong bối cảnh của đổi mới, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, bị chi phối bởi các quy luật chung và đặc thù của vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, quy luật “lực hút lực đẩy” là yếu tố phổ biến cắt nghĩa cho căn nguyên của hiện tượng này.

Lý thuyết “lực hút lực đẩy” của Eerett Lee (1966),xem xét sự di cư của con người như sự thay đổi nơi cư trú trong những bối cảnh nhất định. Đó là quá trình bị chi phối bởi “sức hút” của nơi đến và “lực đẩy” của nơi đi. Everett Lee luận giải rằng, do“lực đẩy” của nơi ở, nơi có nhiều khó khăn, vất vả cho cuộc sống của con người sở tại (nơi xuất cư) và do “lực hút” của nơi đến (nơi nhập cư) có nhiều thuận lợi hơn, cơ hội sống và làm việc tốt hơn đã khách quan tạo ra sự luân chuyển của các dòng di dân(1). Sau đó Lipton (1976), Todaro (1976) và nhiều học giả khác đã bổ sung, phát triển làm phong phú thêm lý thuyết và ứng dụng hữu dụng trong những điều kiện và hoàn cảnh đa dạng khác nhau. Nhưng tất cả các học giả vẫn nhất quán tư tưởng chủ đạo của lý thuyết “lực hút lực đẩy” của Lee. Lý thuyết này đã được vận dụng phổ biến trong các nghiên cứu di dân nhiều thập niên qua.

Các yếu tố “lực hút” gồm: các khu vực, thành phố công nghiệp hóa; các quốc gia có phương tiện thông tin hiện đại, kinh tế; chế độ phúc lợi xã hội cao hoặc có nền dân chủ tiến bộ, nơi mà tự do tôn giáo và quyền con người được đề cao... Các yếu tố “lực đẩy” gồm:nghèo đói và thu nhập thấp; thiếu triển vọng phát triển nghề nghiệp; thiếu đất canh tác, địa hình chia cắt, thiếu tài nguyên đất đai;tỷ lệ thất nghiệp cao, thiếu việc làm;tồn tại phổ biến những vấn nạn xã hội và không đảm bảo về mặt nhân quyền;xung đột nội bộ và chiến tranh; thiên tai, biến đổi khí hậu ngày một xấu đi, nạn đói...

Lý giải vấn đề di dân từ lý thuyết “lực hút, lực đẩy” cho thấy, các yếu tố của “lực đẩy” chính là căn nguyên khiến dân cư phải di dời đến những nơi có các yếu tố là “lực hút” nhằm đảm bảo cuộc sống.

2. Vận dụng lý thuyết “lực hút, lực đẩy” trong nghiên cứu di dân các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Có nhiều lý do để dân di cư từ nơi này đến nơi khác, như tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật... Các yếu tố này tương tác với nhiều yếu tố khác, đặc biệt là căn nguyên kinh tế tạo thành “lực đẩy” dân cư di cư từ khu vực này sang khu vực khác. Ở một số địa phương, tỷ lệ nghèo của người dân tộc thiểu số còn khá cao, lao động địa phương thường bị dôi dư, đặc biệt là phụ nữ. Trong khi đó phụ nữ là lực lượng lao động quan trọng trong các ngành thủ công, công nghiệp nhẹ. Bối cảnh đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến dòng dân di cư. Họ bị chi phối bởi thị trường lao động phân khúc theo giới. Điểm đến chủ yếu của lao động nữ là các vùng đô thị, cũng đồng thời lan nhanh qua các vùng biên giới. Lý do này có thể là do tỷ lệ nghèo khá cao, lao động ở địa phương dư thừa. Nhưng ngay cả khi phụ nữ di cư vì lý do gia đình thì nam giới và phụ nữ vẫn có chung mục đích là cải thiện đời sống. Di cư giữa các tỉnh có độ tuổi trẻ nhất với độ tuổi trung vị là 24 tuổi. Di cư giữa các huyện và trong huyện có tuổi lớn hơn. Tình trạng hôn nhân là một yếu tố có ảnh hưởng đến di cư. Di cư có gia đình gặp nhiều khó khăn hơn so với di dân một mình. Trình độ học vấn cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến di cư. Điều tra di cư nội địa Quốc gia năm 2015(2)cho thấy, có 31,7%  người di cư có trình độ chuyên môn kỹ thuật; 27% là những người có trình độ trung học. Trong khi đó, người không di cư tốt nghiệp trung học là 29,5%, người không di cư có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 24,5%, tốt nghiệp tiểu học là 18,6%, tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ là 18,2%. Như vậy, người di cư có trình độ học vấn cao hơn người không di cư. Ngoài việc lý giải theo lứa tuổi, “yếu tố lực hút” về điều kiện sinh hoạt, lao động của nơi ở mới là lý do chính thu hút người có học vấn cao hơn di cư. Người di cư chủ yếu đến các khu vực đô thị, khu công nghiệp, nơi trung tâm thương mại, văn hóa, xã hội của các địa phương, nơi đòi hỏi cao về trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của người lao động nhập cư. Chính thực tế này là lực hút chủ yếu đòi hỏi có sự sàng lọc đối với người di cư khiến không phải ai cũng di cư được mà thông qua sự sàng lọc khách quan.

Có thể khái quát một số xu hướng di dân phổ biến như sau:

- Xu hướng di dân từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên

 Di cư tự do ở khu vực này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có sự đa dạng về các tôn giáo...Lúc đầu, dân di cư khá ồ ạt, về sau theo từng nhóm nhỏ lẻ; điểm đến nhiều nhất là Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (giai đoạn 2000-2010). Các  tỉnh Tây Nguyên giai đoạn này có khoảng 43 nghìn hộ với gần 200 nghìn khẩu là người DTTS di cư từ miền núi phía Bắc tới cư trú. Có khoảng 50% số người di cư là người nội tỉnh. Trong số 13/14 tỉnh vùng núi Tây Bắc, dân di cư tự do chủ yếu ở 2 tỉnh Điện Biên và Cao Bằng (chiếm gần 50% số dân di cư tự do toàn vùng). Nguyên nhân chủ yếu của di cư có nhiều song chủ yếu là do thiếu đất canh tác ở sở tại (lực đẩy). Đối với nhiều đồng bào DTTS, phong tục sống du canh du cư nhiều đời đã luôn buộc họ phải khai hoang, đốt rãy từ nơi này đến nơi khác. Lâu dần, đất màu mỡ không còn nữa, họ buộc phải rời quê hương đi đến vùng đất mới. Tây Nguyên là vùng đất đỏ Bazan màu mỡ, rộng rãi, sinh kế thuận lợi tạo thành lực hút đối với đông đảo cư dân, đặc biệt là người DTTS. Những năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên đã chú trọng công tác quy hoạch, sắp xếp dân cư ngày một ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho dân cư đến có đất sản xuất, được thụ hưởng các chính sách xã hội, đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài.

- Xu hướng di dân từ vùng núi xuống vùng đồng bằng

Xu hướng này chủ yếu là dòng dân di cư là lực lượng lao động trẻ tới các khu công nghiệp, thương mại.Địa điểm nhập cư của xu hướng này là các tỉnh đồng bằng đang tiến hành công nghiệp hóa. Các địa phương có nhiều nhất những người di cư theo nhóm này là Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc v.v.. Phần lớn những người di cư thuộc nhóm này là thanh niên trẻ đã tốt nghiệp phổ thông. Mặc dù có trình độ văn hóa khá cao trong nhóm dân tộc thiểu số song họ đang chịu áp lực lớn về cường độ và những yêu cầu của dây chuyền sản xuất công nghiệp hiện đại. Họ cũng luôn bị áp lực bởi những cảnh báo bị sa thải sau khi làm việc 10-15 năm. Vì vậy, họ luôn phải chủ động tìm việc làm khác hoặc quay trở lại quê nhà sinh sống. Tuy nhiên, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, họ vẫn có thói quen truyền thống là tâm lý thích làm việc theo thời vụ, có thể nghỉ việc quay về gia đình khi quê nhà đang vào mùa vụ hoặc khi thôn bản, dòng họ có việc cần thiết. Dòng di cư này khá phổ biến và chiếm một tỷ trọng đáng kể trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Ở khía cạnh khác, di dân từ vùng núi xuống vùng đồng bằng của một số dân tộc thiểu số bị chi phối bởi tập quán truyền thống. Chẳng hạn dân tộc Thổ, phải di cư lên miền núi sinh sống để trốn tránh sưu thuế nặng nề của chế độ phong kiến ở miền xuôi hoặc tránh những bệnh dịch mà họ mắc phải. Người Thổ vốn sống dựa vào nương rãy, có kinh nghiệm canh tác trên đất dốc. Cùng với trồng lúa, đồng bào còn trồng xen các cây lương thực hoa màu khác. Vì những mục đích cải thiện cuộc sống và những khó khăn trong sinh hoạt miền núi đang là “lực đẩy” khiến người Thổ muốn di cư xuống vùng đồng bằng vốn là nơi cư trú của tổ tiên họ, thuận lợi về môi trường sống và các hoạt động sinh kế.

- Xu hướng di dân từ trong nước ra nước ngoài

Do cuộc sống ở nơi sở tại còn gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm, thu nhập thấp, tạo “lực đẩy” người lao động tìm kiếm nơi sinh sống khác. Trong khi bên kia biên giới, ở các vùng kinh tế phát triển, công việc thuận lợi, thu nhập tốt hơn, sinh hoạt hằng ngày tiện ích hơn đã tạo “lực hút” hấp dẫn người lao động trong nước chuyển cư sang nước ngoài sinh sống, làm việc. Trong các dòng di dân này, chiếm số đông là di dân tự do sang Trung Quốc. Sở dĩ có tình trạng đó bởi các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc còn thiếu nhiều lao động. Trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã hình thành nhiều thành phố công nghiệp, các khu thương mại mới thu hút lao động từ khắp nơi. Nguồn lao động chủ yếu ở khu vực này là thanh niên, những người có sức khỏe, có trình độ kiến thức. Bối cảnh đó đã tạo ra khoảng trống lớn trong lực lượng lao động nông nghiệp (lao động phổ thông với những công việc đồng áng, chăn nuôi...) chính là những công việc quen thuộc của cư dân nông thôn người dân tộc thiểu số nước ta. Đáp ứng và lấp vào khoảng trống đó hàng vạn người Việt Nam, đặc biệt là dân cư vùng giáp biên giới đã sang làm việc tại Trung Quốc, tạo ra dòng di dân tự phát rất khó kiểm soát. Những công việc khá quen thuộc chỉ đòi hỏi trình độ lao động giản đơn. Do vậy họ thích nghi rất nhanh và dễ dàng đáp ứng công việc. Đặc điểm phổ biến của dòng di cư này là di cư theo mùa vụ, có ở mọi lứa tuổi, giới tính. Những địa phương có lượng lớn lao động di cư sang Trung Quốc theo loại hình này thường là những tỉnh có đường biên giới giáp với Trung Quốc. Theo báo cáo từ các tỉnh tiến hành khảo sát thì Lạng Sơn, Hà Giang là những tỉnh có người di dân sang Trung Quốc đông hơn cả. Chỉ tính riêng năm 2017, Ở phố Cáo (Đồng Văn - Hà Giang) có đến gần 800 người sang Trung Quốc lao động tạp vụ. Các tỉnh khác như Sơn La, Nghệ An cũng lên đến hàng nghìn. Tuy lao động phổ thông song những người lao động di cư cũng đem một lượng tiền khá lớn về quê. Nhiều hộ gia đình vùng biên giới đã có điều kiện để xây nhà mới, thay đổi hẳn bộ mặt quê nhà. Điều này phản ánh khá rõ quy luật “lực hút, lực đẩy “ đã được vận hành trên quê hương người di cư.

Trong các dòng di dân ra nước ngoài có một bộ phận lớn là lao động trong nước xuất khẩu. Chiếm số đông là lao động phổ thông ở Hàn Quốc, Trung Đông (Sê Ry, Iran, Irắc, Arập...), một số lao động đòi hỏi trình độ cao hơn như ở Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức... “Sức hút” ở các nước này là thu nhập cao, phương thức quản lý tân tiến, quan hệ con người văn minh, điều kiện sống hiện đại, giao thông liên lạc thuận lợi, có thể học hỏi được nhiều công nghệ mới cũng như cách thức quản lý, điều hành sản xuất. Nhiều người lao động ở nước ngoài khi về nước đã mang kỹ thuật, vốn cũng như cách thức làm ăn mới, tạo sức hấp dẫn nhiều người khác học hỏi. Họ cũng tạo ra những điểm sáng thôn làng mới. Người dân tộc thiểu số chủ yếu là nhập vào các nhóm có yêu cầu lao động phổ thông như ở Hàn Quốc, Trung Đông (Sêry, Arập).

Tóm lại, trên đây là các xu hướng di dân chủ yếu của người dân tộc thiểu số ở nước ta trong mấy thập kỷ qua. Về đại thể, có rất nhiều lực đẩy, lực kéo, là sự tích hợp của nhiều yếu tố xã hội, phong tục tập quán, sự tác động của yếu tố tôn giáo, trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, quy luật “lực hút lực đẩy” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Trong các xu hướng di dân chính đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thì xu hướng di cư của những cư dân có trình độ văn hóa thấp, lao động phổ thông, di cư theo mùa vụ, là xu hướng chính, thu hút lượng lớn người di cư.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2018

(1) Trích lược “Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2015, đề tài Di cư xuyên biên giới của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên - Thực trạng và giải pháp can thiệp chính sách của PGS,TS Đoàn Minh Huấn; tr.3-4.

(2) Di cư nội địa quốc gia 2015.

 

GS, TS Nguyễn Đình Tấn

     Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền