Trang chủ    Thực tiễn    Kinh nghiệm xây dựng chính phủ kiến tạo của Singapore
Thứ tư, 29 Tháng 8 2018 15:06
2533 Lượt xem

Kinh nghiệm xây dựng chính phủ kiến tạo của Singapore

(LLCT) - Từ những năm 70 của thế kỷ XX, làn sóng cải cách, chuyển đổi từ chính phủ quản lý truyền thống sang chính phủ kiến tạo phù hợp với xu thế toàn cầu hóa đã được các nước đề xướng và thực hiện. Tuy nhiên, mỗi nước có điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý và thể chế chính trị khác nhau nên mô hình chính phủ kiến tạo cũng được các quốc gia vận dụng với những phương thức khác nhau, tạo nên những mô hình chính phủ kiến tạo mang những đặc trưng riêng. Vậy, Singapore đã xây dựng chính phủ kiến tạo như thế nào? Mô hình chính phủ kiến tạo của Singapore có những đặc trưng gì để đưa đất nước Singapore cất cánh? Những kinh nghiệm gì Việt Nam có thể tham khảo là những vấn đề nhóm tác giả phân tích, làm rõ trong nghiên cứu này.

 (Chiều 26/4/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Cơ quan Công nghệ Chính phủ Singapore. Ảnh: Thống Nhất  / TTXVN)

Trong quá trình thực hiện cải cách hiệu quả quản lý của chính phủ, khái niệm “nhà nước kiến tạo” hay “chính phủ kiến tạo” nhận được sự quan tâm chú ý của các nhà khoa học trên thế giới bởi những đặc trưng cơ bản của khái niệm này như: (1) giải quyết được vấn đề tài chính của đất nước; (2) chức năng quản lý của chính phủ bắt đầu chịu ảnh hưởng của khu vực tư nhân và thị trường; (3) về phương thức cung cấp dịch vụ công có sự chuyển biến: chính phủ từ người cung cấp dịch vụ công trở thành người “giám sát” việc cung cấp dịch vụ công; (4) tinh giản cơ cấu tổ chức, định vị chức năng của chính phủ “là người lái thuyền, chứ không phải là người chèo thuyền”.

1. Một số đặc trưng nổi bật trong tiến trình xây dựng Chính phủ kiến tạo của Singapore

Năm 1995, Chính phủ Singapore đã đưa ra Kế hoạch cải cách “21st Century Public Service” (Dịch vụ công cộng thế kỷ XXI). Đây là cuộc cải cách hành chính toàn diện nhất của Chính phủ Singapore. Kế hoạch cải cách này tập trung vào hai mục đích:

Thứ nhất, bảo đảm nâng cao chất lượng phục vụ cho khu vực công, đáp ứng nhu cầu của người dân với thái độ phục vụ lịch sự hơn và nhanh chóng, tiện lợi hơn với thông điệp “Chào đón thay đổi, dự đoán thay đổi và tạo điều kiện cho thay đổi” nhằm đáp ứng tiêu chí cơ bản: “kết nối với công dân - làm vui lòng khách hàng - phục vụ Singapore”. Do đó, Chính phủ khuyến khích công chức sáng tạo, dám nghĩ dám làm qua Chương trình đề xuất của nhân viên vào mỗi năm với quy định mỗi công chức trong 1 năm tối thiểu phải có 1 sáng kiến cải tiến hoặc đề xuất cải thiện các dịch vụ hành chính công và mỗi đơn vị phải đạt được tỷ lệ 100% người tham gia. Kết quả năm 2004, sáng kiến đề xuất của công chức đã tiết kiệm được gần 180 triệu đô la Singapore và trong vòng 10 năm thực hiện chương trình này đã giúp tiết kiệm được gần 5 tỷ đô la Singapore(1).

Thứ hai, Chính phủ cho thành lập các tổ chức hỗ trợ, với tư cách là một thực thể pháp lý riêng để khuyến khích người dân tích cực tham gia vào việc đưa ra quyết định và quản lý của Chính phủ và tạo điều kiện cho người dân có cơ hội và nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý cộng đồng của mình. Năm 1988, Singapore đã cải cách hoạt động bầu cử theo hướng dân chủ hóa với nguyên tắc: những gì nghị sĩ làm nhân dân đều biết, những gì nhân dân muốn thì nghị sĩ đều phải làm, qua đó góp phần đảm bảo sự công khai, minh bạch trong xây dựng, thực hiện chính sách công của Singapore và thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của các thành phần vào cải thiện dịch vụ công của Chính phủ.

Để thực hiện và quản lý Kế hoạch cải cách “21st Century Public Service” một cách hiệu quả, ngoài việc sử dụng các phương pháp quản lý hiện đại và tận dụng tối đa khoa học kỹ thuật tiên tiến, Chính phủ Singapore còn thiết lập một Ủy ban kế hoạch Trung ương dịch vụ công thế kỷ XXI. Ủy ban này được chia thành bốn Ủy ban chức năng, mỗi bộ phận phụ trách một công việc cụ thể. Ủy ban Phúc lợi chịu trách nhiệm tìm hiểu, tham khảo các chính sách nhằm cải thiện lợi ích dịch vụ dân sự, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu của người dân. Ủy ban Kiểm định chất lượng chịu trách nhiệm về kiểm định chất lượng trong việc nâng cao hiệu quả công việc và hiệu quả của việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức và các thủ tục hành chính. Ủy ban xây dựng và cải cách đội ngũ công chức có trách nhiệm bồi dưỡng, nâng cao tinh thần phục vụ cho công chức, đồng thời tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng cải cách đề án nhân sự. Ủy ban đánh giá tổ chức chịu trách nhiệm thẩm định trình tự xây dựng, điều chỉnh cơ cấu tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.

Chính phủ kiến tạo Singapore đặt ra yêu cầu chỉ tham gia thiết lập, điều hành các ngành kinh tế mới nảy sinh hoặc yếu kém trong khu vực tư nhân và giao quyền cho các cơ quan được thành lập theo luật định hoặc nhường cho khu vực tư nhân đảm nhiệm việc cung ứng dịch vụ công. Kết quả là sự phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa của Singapore hết sức nhanh chóng, đồng thời chất lượng dịch vụ công không ngừng được nâng cao. Ví dụ, trong giai đoạn 1959-1961, Chính phủ Singapore đã thành lập hai cơ quan là Ban Phát triển kinh tế và Hội đồng Nhà ở và Phát triển. Việc thành lập hai cơ quan này đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết vấn đề thất nghiệp và thiếu nhà ở Singapore. Hiện nay, có hơn 80% người dân được sống trong các căn hộ nhà ở do Nhà nước xây dựng với giá trợ cấp, còn lại là nhà do khối tư nhân xây dựng và nhà riêng; ngoài ra, các Cục tác nghiệp được lập ra với mục đích không ngừng nâng cao và mở rộng chất lượng dịch vụ công. Các Cục tác nghiệp được giám sát bởi các Bộ chủ quản với sự phân chia trách nhiệm theo hướng: Bộ chịu trách nhiệm xây dựng chính sách cho các cục tác nghiệp hoạt động; Cục tác nghiệp sẽ được cấp vốn dưới dạng trợ cấp, phí đại lý, vốn vay hoặc rót vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, các Cục tác nghiệp cũng có thể yêu cầu các công ty, người sử dụng nói chung trả phí thương mại cho các dịch vụ mà họ được cung cấp (dịch vụ có thu).

Chính phủ kiến tạo Singapore sử dụng “phương pháp tham vấn” trong toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Phương pháp tham vấn này tăng cường ý thức tham gia của người dân trong việc xây dựng và quản lý đất nước. Sự tham gia của người dân góp phần không nhỏ vào sự chuyển đổi thái độ quản lý và cung ứng dịch vụ công trong công cuộc cải cách đất nước. Năm 2004, chính sách “không có cửa nào là sai cả” đã nhận được sự tham gia tích cực của người dân. Theo đó, khi nhận được sự phản hồi của người dân về thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu của các công chức, cơ quan có thẩm quyền giải quyết các phản hồi của người dân phải liên hệ với người gửi ý kiến phản hồi, sau đó phối hợp với các cơ quan liên quan để khẩn trương giải quyết vụ việc, tạo thói quen cho công chức nhận thức tầm quan trọng của dịch vụ khách hàng là trên hết để phục vụ ngày một tốt hơn.

Ngoài ra, Singapore còn thông qua các cuộc cải cách hành chính trên quy mô lớn vào các năm 1980, 1991 với mục đích: nâng cao chất lượng các dịch vụ công, phân cấp quản lý tài chính, thực hiện Chương trình cải cách trong lĩnh vực hành chính gắn với hợp lý hóa tổ chức bộ máy, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử. Thành tựu đem lại từ những cuộc cải cách này vô cùng to lớn, đặt Chính phủ Singapore vào đúng vị trí là “người lái thuyền”. Các Bộ liên thông chặt chẽ với nhau; cân bằng việc hợp tác công- tư hoặc tư nhân hóa; trọng dụng nhân tài (đánh giá năng lực của công chức để quyết định giữ lại hay đào thải); chống tham nhũng quyết liệt (thể hiện ý chí liêm chính); đưa tinh thần doanh nghiệp vào hoạt động của bộ máy hành chính...

Cải cách triệt để từ nhận thức đến hành động, từ vai trò người điều chỉnh sang vai trò là người hỗ trợ và tận dụng tối đa nguồn lực cộng đồng của Chính phủ kiến tạo Singapore đã đưa Singapore đến thành công như hiện tại. “Chính phủ phải đáp ứng dịch vụ một cách hiệu quả không thôi thì chưa đủ mà Chính phủ phải đảm bảo rằng các chính sách của mình là hiệu quả bằng việc thực hiện các chính sách đúng và sử dụng nguồn lực cho các ưu tiên đúng đắn. Điều đó có nghĩa là việc tham vấn rộng rãi các chính sách của Chính phủ, thực hiện các phương pháp điều chỉnh đúng đắn và phản ứng linh hoạt với các thách thức mới”(2).

2. Một số liên hệ đối với xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển của Việt Nam hiện nay

Thời gian qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có các chủ trương và hành động cụ thể, quyết liệt trong việc cải cách từ “Chính phủ bao cấp” sang “Chính phủ kiến tạo phát triển”. Tuy nhiên, để chuyển từ Chính phủ vừa là định hướng phát triển, vừa đầu tư và tổ chức thực hiện sang một mô hình chính phủ của nhà nước kiến tạo, tách bạch quyết định về chính sách với tổ chức cung ứng dịch vụ công nhằm bảo đảm tầm nhìn điều hòa, cân đối nguồn lực cho toàn hệ thống, cần chú ý những điểm sau:

Thứ nhất, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó Chính phủ đóng vai trò điều hành triển khai thực hiện. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đảng viên, cán bộ, công chức nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng, tính tất yếu và các yếu tố khách quan, chủ quan của cải cách toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước. Bối cảnh thế giới luôn có những biến động vô cùng nhanh chóng và bất ngờ với nhiều ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đặt tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam phải có cách ứng xử vừa rất linh hoạt, mềm dẻo để thích nghi và hội nhập vừa rất bản lĩnh và có nguyên tắc để không tự đánh mất mình, đồng thời không bị tụt hậu xa hơn so với các nước khác. Muốn vậy, không cách nào khác là toàn xã hội phải chuyển mình, trong đó đội ngũ cán bộ, công chức là nhân tố trung tâm của cải cách. Nếu đội ngũ “phục vụ trực tiếp” người dân hiểu được sự cần thiết, tính tất yếu của cải cách hành chính thì mỗi hành động của họ sẽ là một “viên gạch” trong quá trình kiến tạo phát triển Chính phủ. Ngược lại, nếu nhận thức chưa đầy đủ, chưa có sự kiểm tra đánh giá quyết liệt của lãnh đạo các địa phương, ban, ngành, đặc biệt chưa nhận được sự tham gia phản biện của người dân và xã hội thì dù cấp trên  có “nóng” bao nhiêu nhưng cấp dưới vẫn trong tình trạng “lạnh và rất lạnh”, đúng như nhận định “Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn còn và chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng “nóng” nhưng một số Bộ trưởng vẫn còn “lạnh” hay “Bộ trưởng “nóng” nhưng nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng chưa “nóng”, các chuyên viên còn lạnh, thậm chí rất lạnh...”(3).

Thứ hai, muốn xây dựng thành công Chính phủ kiến tạo, Việt Nam cần cải cách thể chế chính sách bằng việc thành lập Ban rà soát văn bản để thường xuyên rà soát, loại bỏ những quy định không phù hợp, tránh việc nội dung của một số văn bản pháp luật chưa sát với thực tế, chưa theo kịp nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế thị trường(4). Một số quy định của luật còn nặng về nguyên tắc chung, thiếu tính ổn định, chưa xác định được nguồn lực để triển khai thực hiện, thiếu tính khả thi trong pháp luật trọng tài thương mại(5). Điều đó làm cho doanh nghiệp tốn nhiều thời gian và kinh phí,“năm 2016, các doanh nghiệp tốn 30 triệu ngày công cho công tác kiểm tra chuyên ngành với chi phí khoảng 14.300 tỷ đồng. Trong đó, cán bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương làm cho doanh nghiệp tốn 28 triệu 793 nghìn ngày công với chi phí hơn 12.200 tỷ đồng”(6). Đây là một trong những yếu tố dẫn đến thứ hạng về Khởi sự kinh doanh của Việt Nam thấp và liên tục giảm trong 3 năm gần đây, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước và sự vào cuộc của các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Thứ ba, các cơ quan hành chính nhà nước của Việt Nam can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng lại không phải chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình, dẫn đến hình thành một bộ máy cồng kềnh với đội ngũ công chức, viên chức đông nhưng hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, Chính phủ kiến tạo liêm chính Việt Nam cần xây dựng hệ thống đánh giá định lượng cụ thể về chất lượng và năng lực phục vụ, nhằm tinh giản hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; khắc phục tình trạng đánh giá theo cảm tính, thiếu định lượng như hiện nay. Đây là một mắt xích vô cùng quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, kiến thức chuyên môn vững vàng, năng lực phối kết hợp và xử lý tình huống tốt, đặc biệt là ý thức được “sự phục vụ” của mình đối với nhân dân và xã hội. Trong hệ thống đánh giá định lượng đó, nhất thiết phải yêu cầu tất cả các bộ, ngành cũng như các cấp chính quyền địa phương tổ chức đánh giá tâm lý khi phỏng vấn tuyển chọn nhân viên. Đồng thời, các công chức đang tại chức cũng sẽ phải qua phần đánh giá tâm lý và tư vấn để giúp họ cải thiện khả năng phục vụ. Phương pháp tổ chức đánh giá tâm lý sẽ hỗ trợ việc tuyển dụng, bố trí nhân sự do có thể giúp đánh giá khả năng hoàn thành nhiệm vụ căn cứ vào tính cách của mỗi cá nhân. Mặt khác, đánh giá tâm lý còn có thể hỗ trợ các “đầy tớ của nhân dân” điều chỉnh cảm xúc, tính cách, hành vi trong quá trình tác nghiệp. 

Thứ tư, đẩy nhanh việc chuyển đổi mô hình và cơ chế hoạt động phù hợp của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng những việc gì mà xã hội làm được thì Nhà nước kiên quyết không làm. Hiện nay, Việt Nam có 57.995 đơn vị sự nghiệp công lập với biên chế khoảng 2,45 triệu viên chức, trong đó ngành y tế và giáo dục chiếm gần 70% tổng biên chế. Lương chiếm gần 40% tổng quỹ lương của ngân sách nhà nước, chỉ có 123 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 1.934 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, 12.968 đảm bảo một phần chi thường xuyên, 42.146 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn toàn hoạt động(7). Đây là một con số đáng báo động cho một Chính phủ có quá nhiều đơn vị sự nghiệp dựa vào ngân sách nhà nước. Hệ lụy của nó là chất lượng dịch vụ công không được cải thiện đáng kể, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng quá lớn và đặc biệt ý thức liên quan đến cải cách hành chính, phục vụ nhân dân không cao. Để công cuộc kiến tạo Chính phủ được thành công và đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII: đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% số đơn vị so với 2015 (giảm 5.800 đơn vị), giảm tối thiểu 10% biên chế (khoảng 240.000 biên chế), Chính phủ kiến tạo phát triển cần tạo hành lang pháp lý phù hợp, quy định chặt chẽ những điều kiện để các đơn vị sự nghiệp có thể tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đơn vị mình nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cung ứng dịch vụ công.

Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa, tư nhân hóa dịch vụ công nhằm khuyến khích sự tham gia đóng góp nguồn lực của khu vực tư nhân, giảm gánh nặng chi phí đầu tư cho Nhà nước. Đây là một xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới và là một thành tố quan trọng của chính phủ kiến tạo phát triển. Kiến tạo đất nước và tạo điều kiện, khuyến khích để mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia kiến tạo là mục đích hướng tới của Chính phủ Việt Nam. Điều này đã được thể hiện rất rõ qua sự đóng góp của các nhà tư sản Việt Nam trong cách mạng giải phóng dân tộc (nhà tư sản Trịnh Văn Bô hiến hơn 5000 lượng vàng cho cách mạng). Trong mỗi thời kỳ phát triển của đất nước đều có những người sẵn sàng đóng góp sức lực nhỏ bé của mình cho xã hội, sự đóng góp của họ không những giúp ích cho đất nước mà còn thể hiện nhận thức, giác ngộ của mỗi cá nhân trong xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Xã hội hóa, tư nhân hóa dịch vụ công không những giảm tải gánh nặng chi phí đầu tư cho ngân sách mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ quan nhà nước trong cung ứng dịch vụ cho xã hội, đồng thời khuyến khích sự chung tay góp sức của nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức về chính phủ kiến tạo phát triển trong xã hội.

Thứ sáu, Việt Nam cần xây dựng hệ thống chính sách phản biện hiệu quả, chuyên nghiệp để thu hút sự tham gia của người dân, tổ chức xã hội. Cần có sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc xây dựng Chính phủ kiến tạo. Khi người dân, tổ chức xã hội tích cực và có trách nhiệm tham gia phản biện đối với chính sách và hoạt động của Chính phủ sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho quốc gia: thúc đẩy sự trong sạch của lãnh đạo, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển dịch vụ công, đặc biệt là sẽ loại bỏ được “sự thờ ơ, vô cảm” của cán bộ, công chức.

Trên chặng đường xây dựng Chính phủ kiến tạo hiện nay, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, có những tác nhân quan trọng không thể bỏ qua, như các yếu tố về kinh tế, địa chính trị, thời điểm phát triển kinh tế trên thế giới... và cuối cùng vấn đề then chốt phải là nhận biết được vai trò, chức năng của Chính phủ và thực hiện vai trò đó phù hợp với năng lực hiện có của bản thân Chính phủ. Từng bước nâng cao năng lực đó để đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò, chức năng của mình trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường. Bởi, nếu không có một chính phủ hiệu lực thì cũng không thể có một đất nước phát triển bền vững.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2018

(1) Đặng Thúy Doan: Vai trò của Chính phủ Singapore trong hành trình cải cách dịch vụ công, Tạp chí Tổ chức Nhà nước, 2017.

(2) Trích phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long tại Hội nghị tài khóa Singapore năm 2005.

(3) Trích phát biểu của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) trong Hội nghị quốc tế bàn về cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam, 15-3-2018, tại Hà Nội.

(4) Đinh Văn Ân, Lê Xuân Bá: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế  thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2006, tr.98-99.

(5) Nguyễn Văn Cương: Một số giải pháp tăng cường tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật, http://moj.gov.vn, ngày 18-2-2014 .

(6) Cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp (Kỳ 1), Báo Nhân dân Điện tử, ngày 19-10-2017.

(7) Hơn 42.000 đơn vị sự nghiệp trông chờ ngân sách, baomoi.com, ngày 29-11-2017.

PGS, TS Nguyễn Minh Phương

TS Nguyễn Thị Ngọc Mai

Trường đại học Nội vụ Hà Nội

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền