Trang chủ    Thực tiễn    Đẩy mạnh thực hiện dân chủ cơ sở (qua kinh nghiệm của Hà Tĩnh)
Thứ tư, 26 Tháng 9 2018 15:01
1789 Lượt xem

Đẩy mạnh thực hiện dân chủ cơ sở (qua kinh nghiệm của Hà Tĩnh)

(LLCT) - Trong những năm qua, việc phát huy vai trò của người dân và cơ chế bảo đảm sự tham gia của nhân dân vào hoạt động quản lý xã hội đã đạt những kết quả quan trọng. Tuy vậy, việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở vẫn còn những hạn chế, khiếm khuyết. Trước bối cảnh mới, việc củng cố, tăng cường tính dân chủ trong Đảng, trong các tầng lớp nhân dân tạo sự đồng thuận từ trên xuống dưới là yếu tố hết sức cần thiết nhằm “tiếp tục triển khai hiệu quả dân chủ ở cơ sở”(1).

(Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cùng đoàn công tác nắm bắt tâm tư các hộ dân sống xung quanh Nhà máy Xử lý rác thải Phú Hà (ngày 30/8/2018)

1. Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Tỉnh Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 6.025,6km2, dân số gần 1,3 triệu người. Hà Tĩnh có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào dài 145km, đường bờ biển dài 137km. Hệ thống giao thông khá thuận lợi với Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh, đường 8A, 12C nối Cảng Vũng Áng với các tỉnh của Lào và Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình)(2). Hà Tĩnh có 10 huyện, 1 thành phố, 2 thị xã, 262 xã, phường, thị trấn với 2.115 thôn, xóm, tổ dân phố. Có hai tôn giáo lớn được Nhà nước công nhận là Công giáo và Phật giáo, ngoài ra có một số theo đạo Tin lành(3).

Đặc điểm trên tạo cho Hà Tĩnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức khi bước vào thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cũng như trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, tỉnh Hà Tĩnh nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc hoàn thiện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân nhằm củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện”(4)

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh Hà Tĩnh luôn quan tâm tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng, Pháp lệnh của Quốc hội và các nghị định của Chính phủ về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.

Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ trong xã hội được nâng lên, dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện ngày càng phát huy hiệu quả. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hóa. Quyền làm chủ của nhân dân được đảm bảo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị ở cơ sở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đổi mới phong cách làm việc của cán bộ, công chức; kiềm chế tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Phát huy dân chủ, tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân. Đây chính là nguyên nhân cơ bản để tỉnh Hà Tĩnh khắc phục kịp thời, hiệu quả một số vụ việc khó khăn, phức tạp, nhất là giải quyết sự cố môi trường biển năm 2016.

Các cơ quan, đơn vị trong hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập trong toàn tỉnh tiếp tục xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo Nghị định số 71/1998/NĐ-CP và Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, tập trung nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức được biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan quyết định; những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát kiểm tra; dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức liên quan.

Các xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn được triển khai sâu rộng, hệ thống, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở.

Hầu hết các xã, phường, thị trấn đã xây dựng được quy chế hoạt động nội bộ(5); xây dựng hương ước, quy ước thôn, xóm, tổ dân phố(6); thực hiện nghiêm túc quy chế, quy định và các nội dung, hình thức thực hiện dân chủ cơ sở. Các nội dung cần công khai được Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn niêm yết, công khai trên hệ thống truyền thanh cơ sở, qua sinh hoạt cộng đồng thôn xóm, tổ dân phố, các đoàn thể...

Thực hiện Nghị định 07/1999/NĐ-CP, Nghị định 87/2007/NĐ-CP và Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh và các sở, ban, ngành đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở(7). Các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, đặc biệt là những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn triển khai quy chế còn nhiều khó khăn(8)

Các doanh nghiệp khu vực Nhà nước (bao gồm: các doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước và các doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối, trên 50%) đã ban hành nội quy, quy chế, quy định để thực hiện các nội dung của nghị định; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn và các văn bản pháp luật hiện hành, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên theo hệ thống ngành dọc.

Tùy theo đặc điểm của từng doanh nghiệp, ban giám đốc đã phối hợp với tổ chức công đoàn công khai những nội dung quan trọng để người lao động biết. Các nội dung liên quan đến sản xuất kinh doanh, thu, chi tài chính, chế độ chính sách đối với người lao động... được lấy ý kiến đóng góp của người lao động. Cán bộ, nhân viên, người lao động cơ bản nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình trong kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Nhờ vậy, phần lớn các phản ánh, kiến nghị của cán bộ, nhân viên, người lao động được ban giám đốc tiếp thu.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chủ trương về quy chế dân chủ vẫn bộc lộ không ít hạn chế:

Công tác tổ chức học tập, quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở nhiều địa phương, cơ sở còn hình thức.

Một bộ phận nhân dân chưa tiếp cận đầy đủ các quan điểm, quy định của Đảng, Nhà nước về thực hiện dân chủ cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy đảng chưa đạt yêu cầu. Sau kiểm tra, giám sát chưa tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, bất cập. Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhiều địa phương, nhất là ở cấp xã hoạt động còn thụ động.

Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trên các loại hình chưa đồng đều; nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 60/2013/NĐ-CP. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở không xây dựng quy chế riêng về thực hiện dân chủ cơ sở. Chưa quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động; mối quan hệ với cấp trên và cấp dưới trong tổ chức thực hiện quy chế.

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở chưa rõ nét; chưa lắng nghe, tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của cấp dưới. Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, một số người đứng đầu điều hành nhiệm vụ áp đặt, chủ quan, nóng vội, duy ý chí,...

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương; quan liêu, gây phiền hà cho công dân khi đến tiếp xúc, giải quyết công việc. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nhìn chung còn bất cập về trình độ chuyên môn, thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, bao gồm cả cán bộ là người đứng đầu suy thoái về đạo đức, lối sống, thiếu ý thức phê bình, tự phê bình; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng lãnh đạo; phát ngôn, ứng xử thiếu chuẩn mực; thờ ơ trước các vấn đề khó khăn của đất nước và của tỉnh.

Một số địa phương, cơ sở chưa công khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan trực tiếp đến trách nhiệm, quyền lợi của người dân. Một số nội dung như: chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, xóm, tổ dân phố do nhân dân đóng góp không được bàn, quyết định, để xảy ra sai phạm trong quá trình triển khai.

Một số nội dung như: dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; dự thảo kế hoạch triển khai các công trình, dự án trên địa bàn... ở nhiều địa phương chưa lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, đã làm hạn chế vai trò giám sát của người dân, nảy sinh bức xúc trong nhân dân, phát sinh tụ tập đông người, khiếu kiện vượt cấp. 

Trách nhiệm của người dân ở một số địa phương trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở chưa cao. Một bộ phận nhân dân hiểu sai về dân chủ, cho rằng dân chủ là muốn làm gì cũng được; lợi dụng dân chủ để thực hiện mục đích cá nhân.

Công tác kiểm tra, giám sát của cán bộ, công chức, viên chức thông qua Ban Thanh tra nhân dân chưa thực sự hiệu quả.  

2. Giải pháp đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Nâng cao nhận thức của các tổ chức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc quán triệt, phổ biến các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở gắn với triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các chủ trương của Ban thường vụ Tỉnh ủy về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang...

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các giải pháp xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo tinh thần Chỉ thị 30-CT/TW, Kết luận 120-KL/TW, ngày 07-01-2016 của Bộ Chính trị, Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Công tác tuyên truyền, phổ biến phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt trong cộng đồng dân cư; in ấn sổ tay, tờ rơi tuyên truyền với nội dung đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Nội dung tập huấn phải phù hợp với từng đối tượng. Trường chính trị tỉnh và Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện xây dựng chương trình, bài giảng, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức các cấp, các ngành về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xác định đây là nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo lý luận chính trị cho các đối tượng học viên. Qua đó, để các tổ chức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nhận thức được dân chủ và mở rộng, phát huy dân chủ; xem thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là giải pháp hữu hiệu để đưa các quan điểm, mục tiêu của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; hiệu quả thực hiện của chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội

Các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp xây dựng đầy đủ quy chế làm việc, quy chế thực hiện dân chủ cơ sở theo quy định và tổ chức thực hiện nghiêm các quy chế.

Chính quyền các cấp tiếp tục thể chế hóa, ban hành hệ thống chính sách cụ thể, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; phối hợp với chính quyền các cấp triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung, quy trình tham vấn, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân theo quy định.

Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy chế theo quy định

Các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở, doanh nghiệp rà soát, bổ sung hoàn thiện quy chế đáp ứng các nội dung quy định tại Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, Nghị định số 60-/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, chú trọng  đảm bảo các nội dung trọng tâm:

Đối với các cơ quan, đơn vị (bao gồm: quy chế dân chủ trong hoạt động nội bộ và quy chế dân chủ trong mối quan hệ công tác với công dân, với các cơ quan cấp trên, cấp dưới). Quy chế thực hiện dân chủ phải quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức; những việc người đứng đầu phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết; những việc cán bộ công chức, viên chức được tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan quyết định; những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát, kiểm tra. Đối với quy chế thực hiện dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức liên quan phải quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức trong quan hệ, giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức liên quan; quan hệ giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới theo đúng các quy định tại Nghị định số 04/2015/NĐ-CP.

Đối với các xã, phường, thị trấn (bao gồm: quy chế dân chủ trong mối quan hệ công tác với nhân dân, các cơ quan, tổ chức có liên quan và quy chế dân chủ trong hoạt động nội bộ cơ quan cấp xã). Quy chế thực hiện dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với nhân dân và các cơ quan, tổ chức liên quan cần quy định rõ những nội dung phải công khai để nhân dân biết; những nội dung nhân dân bàn, quyết định; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung nhân dân giám sát; trách nhiệm của chính quyền, của cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, của cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố, của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và của nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cấp xã theo đúng các quy định tại Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11. Quy chế thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan cấp xã bám vào các quy định tại Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với doanh nghiệp: xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc (bao gồm: nội quy, quy chế, quy định của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể...) phải bám vào 4 nội dung trọng tâm: nội dung người sử dụng lao động phải công khai; nội dung người lao động tham gia ý kiến; nội dung người lao động quyết định; nội dung người lao động kiểm tra, giám sát. Gắn với việc chỉ đạo các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước thành lập tổ chức đảng, công đoàn và các tổ chức quần chúng, đặc biệt tổ chức công đoàn phải thể hiện vai trò trung gian trong việc đảm bảo hài hòa giữa trách nhiệm, quyền lợi của doanh nghiệp với trách nhiệm, quyền lợi của công nhân, người lao động thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Mặt khác, chỉ đạo các doanh nghiệp từng bước thực hiện tốt hơn việc tổ chức đối thoại nơi làm việc và đối thoại khi một bên có yêu cầu; tổ chức hội nghị người lao động (12 tháng một lần). Quy chế phải xác định rõ trách nhiệm của chủ sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở (công đoàn) cùng các thành phần liên quan. Nội dung đối thoại và hội nghị người lao động đã được quy định rõ tại Nghị định số 60-/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân; vai trò của người đứng đầu trong điều hành, thực hiện quy chế dân chủ

Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ về “Đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức” và Hướng dẫn của tỉnh về việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm. Trọng tâm đánh giá trên các mặt: ý thức chấp hành kỷ luật, thực hiện các quy chế, quy định, nội quy làm việc của cơ quan, đơn vị; việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức công vụ, văn hóa giao tiếp và những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm theo Luật Cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm được phân công hoặc được giao chỉ đạo.

Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức khách quan. Gắn công tác đánh giá với công tác bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức. Phát huy, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức (trong đó bao gồm cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt) thể hiện chính kiến của mình, tránh “dĩ hòa vi quý”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Từ đó, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, bình đẳng, có tính cạnh tranh lành mạnh.

Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình hành động của Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hàng Trung ương khóa XI “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật, gắn phát huy dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, công chức, đảng viên.

Thực hiện các giải pháp để nâng cao dân trí. Trong đó, chú trọng nâng cao trình độ nhận thức về các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quan điểm chỉ đạo, chính sách của tỉnh trên các lĩnh vực; đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho nhân dân. Thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về các nội dung theo quy định. Tăng cường tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; chỉ đạo giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị chính đáng và khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở.

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng quy chế và điều hành thực hiện quy chế; gắn với thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn đảng; quy định nêu gương, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Nghị định của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ... tạo chuyển biến về tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu trong thực hiện chức trách nhiệm vụ.

Chỉ đạo, giao trách nhiệm cho người đứng đầu thực hiện tốt 10 nhiệm vụ của người đứng đầu được quy định tại Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và 8 nhiệm vụ của người đứng đầu, chủ sử dụng lao động được quy định tại Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Thực hiện tốt chất vấn trong Đảng, trong cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm túc cơ chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, cơ quan chính quyền với nhân dân theo quy định; tổ chức đối thoại đột xuất khi có vấn đề mới phát sinh, với phương châm gần dân, chia sẻ với dân và cùng dân giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc đặt ra ở cơ sở.

Đề cao tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu trên cơ sở mở rộng dân chủ, biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhiều chiều của cấp dưới, của nhân dân. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi nhiệm vụ của người đứng đầu, gắn đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở  với công tác đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ và công tác đánh giá phân loại thi đua, khen thưởng của tổ chức, cá nhân cuối năm; có hình thức xử lý nghiêm những trường hợp điều hành thực hiện nhiệm vụ theo ý chí cá nhân, áp đặt, tùy tiện, không theo quy chế.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức trong hệ thống chính trị.Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo; công tác đánh giá, tổ chức sơ kết, tổng kết

Các cấp ủy đảng quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo chương trình kiểm tra, giám sát định kỳ hằng năm của cấp ủy.

Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề và kiểm tra, giám sát thường xuyên, nhất là đối với những nơi có dấu hiệu tiềm ẩn phức tạp và những lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực. Chú trọng kiểm tra, giám sát vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan báo chí, các tầng lớp nhân dân.

Sau kiểm tra, giám sát, các cấp ủy đảng, chính quyền đề ra các giải pháp đồng bộ để khắc phục; xử lý nghiêm những tổ chức và cá nhân điều hành thực hiện nhiệm vụ không theo quy chế, vi phạm dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ, mất ổn định tình hình ở cơ sở; đặc biệt phải xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng dân chủ vì mục đích cá nhân, cố tình vi phạm dân chủ, vi phạm pháp luật.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở các cấp. Tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết kịp thời, đảm bảo chất lượng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo định kỳ.

Quan tâm chỉ đạo xây dựng các mô hình, điển hình về phát huy dân chủ cơ sở trên các mặt công tác, các lĩnh vực đời sống xã hội; trong đó chú trọng xây dựng các mô hình về thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị và các mô hình về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong huy động nguồn lực Nhân dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình, điển hình tốt.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2018               

(1) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.169.

(2) (3), (4), (7), (8) Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh.

(5) Quy chế về chi tiêu nội bộ, sử dụng, quản lý tài sản công; quy chế tiếp công dân, giải quyết các thủ tục hành chính, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; quy chế về công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; quy chế về thi đua, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; quy chế văn hóa công sở...

(6) Theo số liệu thống kê, khảo sát, đến nay có 1.909/2.223 thôn, xóm, tổ dân phố đã xây dựng được hương ước, quy ước (đạt 85,9%).

Ths Hoàng Trung Dũng

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh          

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền