Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII
Thứ ba, 02 Tháng 10 2018 11:23
1630 Lượt xem

Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII

(LLCT) - Huyện Tây Giang là một trong 6 huyện miền núi cao, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam. Thời gian qua, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Quảng Nam, huyện đã có nhiều chính sách phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, Người chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”. Quán triệt tư tưởng của Người, trong suốt sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 26 về tậptrung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, trong đó khẳngđịnh: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”(1).

Hiện nay, đất nước ta đang tập trung đẩy mạnh CNH, HĐH, nội dung cơ bản và trước mắt là CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn. Nhiệm vụ chính trị mới rất nặng nề, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi Đảng ta phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó có cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) ngang tầm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nói chung, sự nghiệp CNH, HĐH đất nước nói riêng.

Huyện Tây Giang là một trong 6 huyện miền núi cao, biên giới đặc biệt khó khăn, nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Nam, gồm 10 đơn vị hành chính xã, trong đó có 8 xã biên giới; dân số trên 18.500 người, trong đó dân tộc Cơtu chiếm trên 95% dân số của huyện. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Quảng Nam, nền kinh tế của huyện đã có những chuyển biến tích cực, có sự tăng trưởng khá, GDP bình quân đầu người của huyện không ngừng tăng lên qua các năm, năm 2017 đạt 17,44 triệu đồng, năm 2018 phấn đấu đạt 19 triệu đồng. Văn hóa - xã hội được quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; phong trào xây dựng Nông thôn mới đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, hiện nay huyện đã có 2 xã được công nhận nông thôn mới đó là xã A Nông và xã Lăng. Quốc phòng, an ninh, đặc biệt là an ninh vùng biên giới được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Có được như vậy, một phần rất lớn là sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người DTTS.

Do vậy, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người DTTS trở thành một yêu cầu bức thiết trong quá trình phát triển. Huyện Tây Giang đã tiến hành tổng kết và tiếp tục triển khaiNghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 22-12-2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về việc đào tạo và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015-2020; Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 15-12-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025. Hằng năm, huyện đều ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy với những chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể, tạo ra sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số nói riêng và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/HU, ngày 15-10-2011 về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ giai đoạn 2015-2020. Bên cạnh việc quan tâm xây dựng, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, huyện đã có chính sách hỗ trợ riêng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người DTTS. Năm 2015, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Quyết định 157-QĐ/HU, ngày 4-11-2015 Quy định bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; và chỉ đạo quản lý chặt chẽ đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Với những quyết tâm đó, những năm gần đây, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người DTTS trên địa bàn huyện đã có những bước chuyển biến khá rõ rệt:

Hiện nay, Đảng bộ huyện có 34 tổ chức cơ sở đảng, trong đó số tổ chức cơ sở đảng thuộc loại hình xã là 10; cơ quan hành chính là 18; đơn vị sự nghiệp là 4; doanh nghiệp là 2, với 1.066 đảng viên, trong đó có 769 đảng viên là ngườiDTTS, chiếm tỷ lệ 72,14%.

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức người DTTScủa huyện Tây Giang là 442 đồng chí, trong đó cán bộ, công chức do huyện quản lý là 105 đồng chí; cán bộ, công chức cấp xã là 337/352 đồng chí, chiếm 95,74%, trong đó gồm:khối Đảng có 50 đồng chí, chiếm 14,84%; khối Mặt trận, đoàn thể có 119 đồng chí, chiếm 35,31%; khối Nhà nước có 168 đồng chí, chiếm 49,85%. Cán bộ, công chức nữ là 38 đồng chí, chiếm 11,27%. Đa số cán bộ, công chức cấp xã người DTTStuổi đời còn trẻ, trên 50 tuổi có 5 đồng chí, chiếm 1,48%; từ 40-50 tuổi có 57 đồng chí, chiếm 16,91%; từ 30-40 có 229 đồng chí, chiếm 67,95%; dưới 30 tuổi có 46 đồng chí, chiếm 13,65%. Trình độ các mặt như sau:

Về trình độ học vấn: tiểu học có 45 đồng chí, chiếm 13,35%; trung học cơ sở  có 101 đồng chí, chiếm 29,97%; trung học phổ thông có 191 đồng chí, chiếm 56,68%. Trong tổng số 337 cán bộ, công chức cấp xã thì có 104 cán bộ có chức vụ đều đã đạt trình độ học vấn 12/12, đây được xem là bước đột phá trong chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp xã của huyện Tây Giang, một huyện miền núi còn rất nghèo của tỉnh và là một trong 62 huyện nghèo của cả nước.

Về trình độ chuyên môn: sơ cấp có 3 đồng chí, chiếm 0,89%; trung cấp có 64 đồng chí, chiếm 18,99%; cao đẳng, đại học có 2 đồng chí, chiếm 0,59%.

Về trình độ lý luận chính trị: sơ cấp có 20 đồng chí, chiếm 5,93%;  trung cấp có 137 đồng chí, chiếm 40,65%; cao cấp, cử nhân có 2 đồng chí chiếm 0,59%.

Tỷ lệ cán bộ, công chức đã đạt chuẩn về trình độ tin học là 73%. Trong tổng số 337 cán bộ, công chức là người DTTS của xã, đạt 3 chuẩn có 34 đồng chí, chiếm 10,09%; đạt 1 chuẩn về văn hóa có 100 đồng chí, chiếm 29,67%; đạt 1 chuẩn về chính trị có 54 đồng chí, chiếm 16,02%; đạt 1 chuẩn về chuyên môn có 1 đồng chí, chiếm 0,3%; đạt 2 chuẩn về văn hóa, chính trị có 58 đồng chí, chiếm 17,21%; đạt 2 chuẩn về văn hóa, chuyên môn có 47 đồng chí, chiếm 13,95%; đạt 2 chuẩn về chính trị, chuyên môn có 3 đồng chí, chiếm 0,89%; không đạt chuẩn nào có 40 đồng chí, chiếm 11,87%.

Cùng với sự tăng lên về số lượng, trong những năm qua, trình độ cán bộ, công chức cấp xã người DTTScủa huyện tiếp tục được nâng lên về học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và quản lý nhà nước… từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của huyện trong thời kỳ mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người DTTSở huyện Tây Giang thời gian qua vẫn còn không ít những hạn chế bất cập:

Việc chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã là người dân tộc Cơtu ở Tây Giang thiếu thường xuyên liên tục, thậm chí còn lúng túng trong xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cán bộ.

Đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cấp xã luôn có sự biến động theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác đào tạo; cơ cấu cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa cân đối, tỷ lệ cán bộ nữ người dân tộc còn thấp; trình độ về quản lý kinh tế còn hạn chế, tỷ lệ cán bộ chưa qua đào tạo về chuyên môn và lý luận chính trị còn cao.

Công tác đánh giá cán bộ nhiều nơi còn hình thức, chưa gắn với hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng còn chậm so với mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở và gắn với đề án vị trí việc làm. Các cấp ủy đảng chưa chú ý đúng mức đến việc luân chuyển và thực hiện chính sách sát hợp với đối tượng này.

Đa số cán bộ, công chức cấp xã người DTTScủa huyện tuổi đời còn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, trình độ nhận thức và năng lực lãnh đạo, quản lý còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ở địa phương còn yếu, dẫn đến hiệu quả thực hiện không cao.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người DTTS theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương,Đảng bộ, chính quyền huyện Tây Giang tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người DTTS trên địa bàn huyện, xem đây là vấn đề chiến lược; xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS cả về số lượng và chất lượng.

Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức nhất là cán bộ trẻ. Chú trọng giáo dục về đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hóa của đồng bào dân tộc Cơtu và các tộc người sống trên địa bàn huyện; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo với rèn luyện trong thực tiễn và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm túc chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và cập nhật kiến thức mới cho các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã, nhất là cán bộ trẻ có trình độ.

Ba là, tập trung thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã. Nghị quyết 26-NQ/TW khẳng định: “Cấp ủy các cấp và người đứng đầu phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số”(2). Trên tinh thần đó,cấp ủy, chính quyền huyện Tây Giang cần gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch các chức danh cán bộ nhất là cán bộ, công chức trẻ, cán bộ nữ cấp xã một cách hợp lý để họ phát huy được năng lực chuyên môn sau đào tạo, bồi dưỡng. Gắn đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị cấp xã để rèn luyện qua thực tiễn ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau nhất là ở những xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Trên cơ sở rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã để có cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp về chuyên môn, nghiệp vụ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị giai đoạn 2018-2020, ưu tiên trong chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức trẻ tuổi. Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến thực hiện chế độ đãi ngộ trong đào tạo, bổi dưỡng kịp thời cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người DTTS để tạo động lực cho họ phấn đấu học tập và vươn lên.

Bốn là, coi trọng công tác bố trí, điều động, luân chuyển, đánh giá cán bộ, công chức. Bố trí cán bộ, công chức phải đúng chuyên môn, nghiệp vụ gắn với vị trí việc làm; điều động, luân chuyển cán bộ qua những chức vụ, vị trí khác nhau để rèn luyện cán bộ qua thực tiễn ở nhiều lĩnh vực, địa bàn khác nhau.

Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng hiệu quả công việc; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ sở. Tiếp tục thực hiện việc viết nhật ký công việc và hằng tháng đánh giá cán bộ, công chức theo nhật ký và hiệu quả thực thi công vụ trên thực tế để kịp thời động viên cán bộ phát huy ưu điểm, hạn chế khuyết điểm trong thi hành nhiệm vụ. Kết quả đánh giá của từng tháng đối với từng cán bộ, công chức chính là cơ sở để đánh giá hiệu quả thực thi nhiệm vụ của tập thể, đơn vị; cũng là cơ sở để đánh giá, xếp loại cuối năm.

Năm là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ, công chức cấp xã từ sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc có triển vọng để về phục vụ, cống hiến cho huyện nhà và đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận. Việc thực hiện chính sách tiền lương cũng như phụ cấp hợp lý sẽ là động lực để cán bộ, công chức yên tâm công tác.

Sáu là, quan tâm sắp xếp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, hướng đến tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức xã; đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổchức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bảy là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện các khâu của công tác cán bộ, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra, giám sát trong đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm đúng người, đúng chuyên môn, phát huy được chuyên môn sau khi đào tạo, bồi dưỡng; kiểm tra, giám sát chặt chẽ khâu đánh giá và sử dụng cán bộ, qua đó có cơ sở để xem xét đánh giá được chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người DTTS góp phần vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

___________________

(1), (2) ĐCSVN: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủphẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Văn phòng Trung ương Đảng,Hà Nội, 2018.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

2. Huyện ủy Tây Giang: Báo cáo sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU ngày 15-12-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025.

3. Phòng Nội vụ Tây Giang: Thống kê danh sách cán bộ chuyên trách cấp xã người dân tộc thiểu số ở huyện Tây Giang năm 2017.

4. Phòng Nội vụ Tây Giang: Thống kê danh sách công chức cấp xã người dân tộc thiểu số ở huyện Tây Giang năm 2017.

5. Ủy ban Nhân dân huyện Tây Giang: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội huyện Tây Giang năm 2017, 6 tháng đầu năm 2018.

 

PGS, TS Lê Kim Việt

ThS Phạm Thị Thu

Trường Chính trị tỉnh Quảng Nam

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền