Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển dịch vụ du lịch biển ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)
Thứ tư, 03 Tháng 10 2018 16:37
3855 Lượt xem

Phát triển dịch vụ du lịch biển ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

(LLCT) - Đảo Lý Sơn là đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập năm 1993, qua 25 năm xây dựng và phát triển, Lý Sơn đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, với tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch biển, Lý Sơn đang tập trung mọi nỗ lực để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

1. Tiềm năng và những kết quả bước đầu trong phát triển dịch vụ du lịch biển trên đảo Lý Sơn

Lý Sơn là huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, có dân số khoảng 24.000 người (2017) với diện tích 10,32 km2.Huyện đảo Lý Sơn có lợi thế về phát triển du lịch vì có nhiều quang cảnh thiên nhiên đẹp, hoang sơ kỳ vĩ; nhiều di tích, tư liệu lịch sử và các lễ hội dân gian độc đáo mang bản sắc riêng, đặc biệt là truyền thống lịch sử đấu tranh, xây dựng bảo vệ và giữ gìn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bằng nỗ lực, cách làm sáng tạo, Lý Sơn đã quảng bá rộng khắp hình ảnh huyện đảo, tạo tiềm lực cho ngành dịch vụ du lịch từng bước phát triển và ngày thêm khởi sắc. Từ năm 2014 đến nay, Lý Sơn đã thu hút lượng khách lớn trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch. Do đó các ngành dịch vụ của Lý Sơn có điều kiện phát triển và khẳng định vị thế trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần của huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Lý Sơn đang là địa chỉ, điểm đến du lịch hấp dẫn, đầy hứa hẹn mà trước đây du khách trong và ngoài nước ít biết đến.

 Thực tế nhiều du khách đến Quảng Ngãi đã chọn huyện đảo Lý Sơn là điểm đến đầu tiên vì ngoài những thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử, đảo Lý Sơn còn có nhiều nông sản có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cây tỏi. Tỏi Lý Sơn đã trở thành thương hiệu với chất lượng tốt, hương vị đặc trưng và là vị thuốc chữa trị có hiệu quả một số bệnh. Cùng với cây tỏi, cây hành (củ hành tím) Lý Sơn cũng có thương hiệu bởi chất lượng và giá trị kinh tế cao. Hiện nay huyện đảo Lý Sơn đang tập trung thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong sản xuất để tỏi, hành Lý Sơn luôn giữ vững thương hiệu, phục vụ dân sinh, du khách gần xa góp phần phát triển kinh tế đảo.

Lý Sơn còn có hệ thống hang động, chùa chiền cổ kính, có 1 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (đình làng Anh Vũ) và 8 di tích di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Về văn hóa phi vật thể, huyện đảo có Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được công bố trong danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong những năm gần đây, khách du lịch đến tham quan Lý Sơn gia tăng đã thúc đẩy những ngành dịch vụ khác tại huyện đảo phát triển. Năm 2014 có 36.620 lượt du khách đến đảo (trong đó có 381 du khách quốc tế), tăng 26,3% so với 2013. Theo đó sức mua, tiêu dùng trong huyện đã nâng mức dịch vụ bán lẻ hàng hóa năm 2014 lên 393,656 tỷ đồng, tăng 23,56% so với 2013 với 851 hộ kinh doanh, dịch vụ, tăng 40 hộ so với 2013, giải quyết được 1.198 lao động có thu nhập ổn định; các loại hình dịch vụ có bước phát triển mới, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.

Năm 2015, nhờ hệ thống dịch vụ được tiếp tục cải thiện như ăn uống, nhà nghỉ, khách sạn, các đội tàu biển chuyên phục vụ du khách và việc đi lại, mua sắm, vui chơi giải trí… thuận lợi, văn minh nên lượng du khách đến đảo tăng cao, đạt 95.035 lượt khách (trong đó có 495 du khách quốc tế) gấp 2,6 lần so với năm 2014 và gấp 10,8 lần so với năm 2010, bình quân tăng 60,9%/năm, doanh thu dịch vụ du lịch biển tăng bình quân 85%/năm. Đến năm 2016, Lý Sơn đã đón 164.900 lượt du khách, trong đó có 933 lượt du khách quốc tế, tăng 69.900 lượt du khách so với 2015. Đặc biệt, từ khi UBND tỉnh tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa với quy mô cấp tỉnh (2014) và Lý Sơn có điện từ mạng lưới điện quốc gia (8-2014), lượng du khách đến Lý Sơn tăng đột biến. Tính đến tháng 10-2017, Lý Sơn đón hơn 200.000 lượt du khách với 110 cơ sở dịch vụ lưu trú hoạt động, trong đó có 6 khách sạn, 47 nhà nghỉ, 5 nhà trọ, 56 hộ gia đình du lịch homestay.

Bảng 1. Lượng du khách và doanh thu dịch vụ du lịch biển huyện đảo Lý Sơn

Chỉ tiêu

đvt

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Tổng lượt khách

người

6.590

8.237

8.800

8.200

8.700

28.954

36.620

95.035

Khách nội địa

người

6.492

8.114

8.680

8.155

8.602

28.759

36.239

94.540

Khách quốc tế

người

98

123

120

45

98

195

381

495

Doanh thu

Tỷ đồng

3.295

4.118

5.280

4.920

5.220

34.624

43.944

11.4400

Nguồn: Đề án phát triển kinh tế biển, đảo Quảng Ngãi đến năm 2020 của UBND tỉnh Quảng Ngãi, ban hành ngày 31-7-2017.

Dịch vụ vận tải biển ngày càng phục tốt hơn việc đi lại của nhân dân và du khách, các phương tiện tàu gỗ chủ yếu chỉ phục vận chuyển hàng hóa. Đến nay huyện có 11 tàu cao tốc chuyên phục vụ vận chuyển du khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn; có 16 canô  phục vụ du khách tuyến An Bình, 1 tàu đáy kính phục vụ du khách ngắm san hô; 80 xe du lịch từ 4 đến 16 ghế ngồi; 90 nhà hàng, quán ăn đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, ăn nghỉ, đi lại của du khách; ngoài ra các dịch vụ kinh doanh internet, karaoke, dịch vụ vui chơi, giải trí khác cũng phát triển đảm bảo chất lượng.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ - thể thao luôn được huyện quan tâm. Huyện ủy Lý Sơn đã phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh tổ chức thành công Ngày chạy olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2016 với quy mô cấp tỉnh trên địa bàn huyện; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo hợp tác phát triển công nghệ - thông tin - truyền thông tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX tại Lý Sơn; phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức cuộc thi Báo chí miền Trung tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức Lễ đặt viên đá xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa...

Huyện đã xây dựng xong tuyến đường và hệ thống cấp thoát nước trung tâm huyện, bến neo đậu tàu thuyền, sửa chữa cầu cảng và triển khai dự án trồng rừng phòng hộ tạo cảnh quang môi trường trên đảo. Đặc biệt, được Trung ương đầu tư, huyện đã hoàn thành dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho Lý Sơn bằng cáp ngầm. Từ đó, Lý Sơn có điều kiện phấn đấu đạt chuẩn đô thị đảo loại V trong thời gian tới. Điều này mở ra triển vọng mới cho dịch vụ du lịch biển, đảo Lý Sơn.

Bên cạnh những thành công đáng ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên đảo, Lý Sơn vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển như: công tác quy hoạch đặt ra nhiều vấn đề mới cần tiếp tục bổ sung; sản phẩm dịch vụ, các loại hình dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch nghèo nàn và đơn điệu, ít đổi mới. Nguồn nhân lực phục vụ dịch vụ du lịch biển còn thiếu, chất lượng thấp kể cả cán bộ quản lý; dịch vụ du lịch cộng đồng có nhu cầu nhưng chưa phát triển, chủ yếu là hoạt động tự phát. Các số liệu khảo sát hoạt động dịch vụ du lịch cộng đồng ở huyện đảo Lý Sơn ( 2016) cho thấy, trong 336 hộ kinh doanh các loại hình dịch vụ du lịch thì dịch vụ nhà hàng ăn uống chiếm tỷ lệ 21,1%; dịch vụ đồ uống, cà phê, tạp hóa chiếm 12,5%; dịch vụ kinh doanh vận chuyển gồm các loại xe máy, tàu vận chuyển du khách tham quan đảo chiếm 20%; dịch vụ kinh doanh hải sản chiếm 10,4%; buôn bán hành, tỏi chiếm 13,4%; buôn bán các loại hàng lưu niệm chiếm 7,8%; dịch vụ kinh doanh lưu trú nhà nghỉ, khách sạn chiếm 4,5%; dịch vụ lưu trú tại nhà (homestay) chiếm 2,7% và các dịch vụ khác 6,4%. Như vậy, các hoạt động dịch vụ tham gia phục vụ du lịch cộng đồng ở đảo Lý Sơn chủ yếu là dịch vụ ăn uống và kinh doanh vận chuyển du khách. Tuy nhiên, có đến 94,6% số ý kiến được hỏi trả lời rất ít được tham gia các khóa, lớp học tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ có liên quan đến công việc kinh doanh dịch vụ, họ chủ yếu làm theo kinh nghiệm và học hỏi ở các địa phương, đơn vị khác. Rõ ràng, sự tham gia của cộng đồng dân cư trên đảo Lý Sơn về các hoạt động dịch vụ du lịch còn rất hạn chế, trong khi lực lượng làm dịch vụ này có số lượng khá đông và tiềm năng về vật chất khá lớn. Vấn đề hạn chế nữa là hiệu quả quản lý nhà nước về các hoạt động dịch vụ chưa cao. Những hạn chế này rất cần có giải pháp khắc phục để phát huy được tiềm năng du lịch của huyện đảo Lý Sơn.

3. Một số giải pháp phát triển du lịch biển

Thứ nhất, tiếp tục quy hoạch, bổ sung quy hoạch

Lý Sơn cần tiếp tục quy hoạch và bổ sung quy hoạch với các loại hình dịch vụ mới để phục vụ có hiệu quả cho ngành du lịch thị trường thời hội nhập. Do đó, trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh cần phải tính tới mối quan hệ tác động đến các hoạt động dịch vụ du lịch lâu dài, dịch vụ kết hợp với du lịch trở thành sức mạnh để khai thác và thu hút, giải phóng có hiệu quả mọi nguồn lực trong trách nhiệm phát triển nhanh và bền vững. Trong bổ sung quy hoạch, Lý Sơn cần chú trọng đến các loại hình vui chơi, giải trí cao cấp như: nhạc nước, công viên du lịch biển, nâng cấp quy hoạch kết cấu hạ tầng, quy hoạch trồng rừng du lịch trên đảo, quy hoạch hệ thống khách sạn, homestay cộng đồng, quy hoạch bến tàu, bãi tắm du lịch, một số khu nhà ở dân cư hướng theo làng du lịch văn minh,… tạo ra nhiều loại hình dịch vụ mới để du khách có điều kiện lưu lại trên đảo nhiều ngày.

Thứ hai, tăng cường giáo dục cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa đặc thù của biển, đảo

Giáo dục du lịch và thu hút cộng đồng vào các hoạt động dịch vụ để phục vụ du lịch là mục tiêu và giải pháp thực khả thi cho du lịch sinh thái biển, đảo ở Lý Sơn. Du lịch biển thuộc loại du lịch tự nhiên, do đó hằng năm huyện cần tổ chức mở các lớp bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng hoạt động kinh doanh các dịch vụ du lịch, tăng cường giáo dục ý thức cộng đồng cho người dân về bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo tồn các di sản quý giá; thái độ ứng xử với khách du lịch trong quá trình tham quan, giải trí. Vì đối tượng giáo dục là cộng đồng dân cư trên đảo, du khách, đội ngũ cán bộ, nhân viên và người lao động tham gia vào các hoạt động du lịch, do đó những người phụ trách công tác đào tạo, bồi dưỡng cần nắm được đặc điểm của từng bộ phận để xây dựng phương pháp giáo dục, có nội dung giáo dục phù hợp và đạt hiệu quả cao.

Khuyến khích người dân trên đảo sản xuất nông phẩm, hải sản sạch, chất lượng để cung ứng cho dân cư,  nhà hàng, khách sạn, từng bước thay thế các sản phẩm mà họ phải mua trong đất liền, trong khi tại đảo Lý Sơn có đủ khả năng sản xuất cung ứng những mặt hàng đó. Bên cạnh đó, Lý Sơn cũng cần có những sáng tạo trong việc tìm và nuôi trồng nhiều mặt hàng nông sản mới để không chỉ làm phong phú thêm các đặc sản của vùng mà còn tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động trên đảo, vì hiện tại dân cư trên đảo phần lớn còn nghèo khó, chất lượng cuộc sống thấp; mặt khác, đối với nhà hàng, khách sạn cũng yên tâm hơn khi mua nông phẩm, hải sản của dân đảo để chế biến những món ăn chất lượng phục vụ du khách.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước gắn với bảo vệ môi trường, an ninh bền vững trong hoạt đông dịch vụ du lịch trên đảo Lý Sơn

Dịch vụ du lịch biển, đảo ở Lý Sơn có liên quan trực tiếp đến môi trường, an toàn, an ninh. Trong đó, dịch vụ vừa là lĩnh vực kinh doanh, vừa để phục vụ sự phát triển, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường cả trên mặt đất và dưới lòng đại dương; bảo vệ các di sản văn hóa, di tích lịch sử, các công trình nghệ thuật nhân văn, tâm linh… Ngày nay, Lý Sơn đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước, theo đó du lịch cũng phát triển mạnh, đòi hỏi các loại hình dịch vụ cũng phát triển tương ứng để đáp ứng nhu cầu phục vụ.

Tuy nhiên trong thực tế cũng thấy rõ là mặt trái của sự phát triển cũng tạo ra nhiều áp lực cho môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh, các giá trị văn hóa, lịch sử và an toàn trật tự - xã hội. Hiện tại môi trường an ninh, các hoạt động dịch vụ du lịch ở Lý Sơn tuy chưa có nhiều sự cố song thực tế cũng đã xảy ra những vụ việc cần ngăn chặn kịp thời, nhất là tình trạng du khách nước ngoài đi lại, lưu trú qua đêm trên đảo, hoạt động sinh hoạt vui chơi, giải trí hành trình trên biển hay những tour du lịch giá rẻ; tình trạng cò mồi, tranh giành chèo kéo du khách, nhất là buôn bán tại các bến tàu, bãi tắm, nơi thờ tự,... ở đảo Lớn cũng như đảo Bé. Nhiều vấn đề chưa có quy chế rõ ràng, chế tài quản lý hiệu quả, có những vụ việc khi giải quyết thì liên quan đến nhiều bộ phận nhưng không được phân công, phân cấp cụ thể nên dễ bị rủi ro về trách nhiệm, do đó:

Trong quyền hạn của mình, huyện Lý Sơn cần xác định rõ đặc điểm, tính chất các loại hình dịch vụ du lịch để ban hành những văn bản quy phạm để  quản lý, quy định cụ thể trách nhiệm, phân công, phân cấp quản lý mà không chồng chéo về công tác quản lý du lịch, nhất vấn đề an ninh trật tự, quản lý thị trường, bảo vệ môi trường biển đảo.

Tỉnh cần ban hành các văn bản pháp lý quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, tổ chức chính trị - xã hội; các lực lượng vũ trang phối hợp làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo để phát triển du lịch như: Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân, Dân quân tự vệ; các tổ đội, hợp tác xã đánh bắt, khai thác hải sản trên biển, đảo nhằm bảo vệ vững chắc môi trường, an toàn, an ninh vùng biển, đảo Lý Sơn thuộc Tỉnh quản lý.

Tăng cường tuyên truyền luật biển cho nhân dân, du khách, các đối tượng kinh dịch vụ du lịch trên đảo nâng cao nhận thức trong quá trình thực hiện các hoạt động của mình nhằm đảm bảo an toàn, an ninh; đồng thời kịp thời ứng cứu, xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra cho du khách hoặc người dân khi lao động đánh bắt hải sản trên biển.

_________________

Tài liệu tham khảo.

1. Nghị quyết số 103/NQ-CP của chính phủ ban hành ngày 6-10-2017 Về Chương trình hành động thực hiện NQ 08-NQ/TW ngày 16-01-2017 của Bộ chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

2. Nghị quyết số 04-NQ/TU của tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành ngày 19-10-2016 Về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2016-2020.

3. Đề án phát triển kinh tế biển, đảo đến năm 2020, ban hành ngày 31-7-2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

4. Báo cáo số 05/BC-VHTT ngày 20-10-2017 của phòng Văn hóa thể thao huyện Lý Sơn Về tình hình phát triển du lịch từ 2007 – 2017 trên địa bàn huyện Lý Sơn.  

5. Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của UBND huyện Lý Sơn.

 

TS Đỗ Thanh Phương

Học viện Chính trị khu vực III

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền