Trang chủ    Thực tiễn    Kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Thanh Hóa hiện nay
Thứ năm, 04 Tháng 10 2018 09:43
2449 Lượt xem

Kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Thanh Hóa hiện nay

(LLCT) - Trong thời gian qua, nhờ triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIIvề phát triển kinh tế tư nhânvà Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương trong tỉnh, nên Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển các DNNVV, góp phần tạo việc làm và phát triển nền kinh tế của tỉnh.

Theo tiêu chí xác định, DNNVV là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: 1) Doanh nghiệp siêu nhỏ: Có số lao động từ 10 người trở xuống; 2) Doanh nghiệp nhỏ: Có số lao động từ trên 10 người đến 200 người; tổng nguồn vốn có từ 20 tỷ đồng trở xuống; 3) Doanh nghiệp vừa: Có số lao động từ trên 200 người đến 300 người; tổng nguồn vốn có từ trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng(1).

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh Thanh Hóa đã có 1.169 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19% so với cùng kỳ và bằng 39% so với kế hoạch;Tổng số vốn đăng ký ước đạt 9.547tỷ đồng, tăng 29,7% so với cùng kỳ; vốnđăng ký bình quân/1 doanh nghiệp đạt 8,1tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ; tổng số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới ước đạt 12.009 lao động, tăng 4,4% so với cùng kỳ(2).

Trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại các vùng, miền của tỉnh Thanh Hóa đều tăng so với cùng kỳ năm trước:vùng đồng bằng có 726 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 16% so với cùng kỳ và bằng 38% so với kế hoạch; vùng ven biển có 298 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 22% so với cùng kỳ và bằng 44% so với kế hoạch; vùng miền núi có 145 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 19% so với cùng kỳ và bằng 37% so với kế hoạch. Lũy kế đến13-6-2018, toàn tỉnh có 11.613 doanh nghiệp hoạt động; trong đó, có 10.634 doanh nghiệp đang hoạt động và 978 doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn; đạt 33,5 doanh nghiệp đang hoạt động/1 vạn dân(3).

Tính đến nay, Thanh Hóa đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (sau các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hải Phòng); đã đạt được kết quả quan trọngvề đầu tư, xây dựng, phát triển DNNVV trong tổng thể Kế hoạch hành động “Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết củaTỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018” và Đề án phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Có được những kết quả nêu trên là do tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâmsau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ kinh doanh cá thể và cộng đồng doanh nghiệp về lợi ích và quyền lợi khi chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; ban hành kịp thời các văn bản liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp

Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo, định hướng cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh tăng cường tuyên truyền về cơ chế, chính sách, pháp luật về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Tuyên truyền, phổ biến đến các cá nhân, hộ gia đình về rủi ro khi hoạt động kinh doanh cá thể và lợi ích, quyền lợi khi thành lập doanh nghiệp nhằm khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện tốt Luật Hỗ trợ DNNVV2017, các nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, kế hoạch hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 gắn với thực hiện hiệu quả “3 đồng hành và 5 hỗ trợ”(7) đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các văn bản pháp luật, nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Trung ương ban hành, bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế địa phương để tổ chức triển khai thực hiện, như: Kế hoạch số 31 ngày 27-2-2017 về thực hiện Kết luận số 55 ngày 29-11-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Kế hoạch số 57 ngày 14-4-2017 về đào tạo khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng doanh nhân năm 2017; Chỉ thị số 12 ngày 13-7-2017 về đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp; cùng nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế, mọi loại hình doanh nghiệp được thành lập, phát triển.

Hai là, xác định cải cách thủ tục hành chính là khâu then chốt nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Các ngành, các cấp tổ chức thực hiện tốt chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về cải cách hành chính, trong đó, kiên trì thực hiện tốt phương châm “4 tăng”, “2 giảm”, “3 không” gồm: Tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tăng sự hài lòng của tổ chức, công dân; giảm thời gian và giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính; không phiền hà, sách nhiễu; không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá một lần; không trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính; phấn đấu thời gian tới, giải quyết đúng thời hạn 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng.

Đặc biệt, đề cao vai trò người  đứng đầu tại các địa phương, đơn vị trong chỉ đạo việc thực hiện cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương.

Cục thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh việc vận động các hộ kinh doanh có đủ điều kiện đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định. Tập trung chỉ đạo và giao chỉ tiêu cụ thể cho các Chi cục thuế vận động những hộ kinh doanh có doanh số lớn, thường xuyên sử dụng hóa đơn để chuyển đổi sang hoạt động theo mô hìnhdoanh nghiệp.

Tiến hành rà soát các điều kiện kinh doanh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thành lập doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp và triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên môn kỹ thuật,...

Ba là, chú trọng công tác khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp

Giai đoạn 2010-2016(5), tỉnh đã tổ chức được 40 khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp; VCCI Thanh Hóa tổ chức trên 230 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý doanh nghiệp, tập huấn pháp luật cho trên 12.300 lượt học viên; Hiệp hội doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan tổ chức các khóa tập huấn về hội nhập kinh tế quốc tế, về nghiệp vụ kế toán cho các kế toán viên của các doanh nghiệp. Ban hành nhiều cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp như: Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; cơ chế khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi... đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Trong 2 năm 2017-2018(6), Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 2-4-2018 về đào tạo khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng doanh nhân năm 2018; tổ chức được 4 khóa đào tạo, bồi dưỡng cho 800 cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức và lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị trên địa bàn các huyện, thành phố Thanh Hóa; tiến hành triển khai đồng loạt các khóa đào tạo Khởi sự doanh nghiệp và Bồi dưỡng doanh nhân tại các địa phương cho các học viên trên địa bàn tỉnh về: nâng cao năng lực quản trị cho đội ngũ doanh nhân, cung cấp các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về khởi sự và quản trị doanh nghiệp như nhận thức kinh doanh và ý tưởng kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh, những vấn đề về thị trường và marketing trong khởi sự doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và vận hành doanh nghiệp, kiến thức và kỹ năng cần thiết thành lập doanh nghiệp, quản trị tài chính.

Từ tháng 1-2018, Chủ tịch Ủyban nhân dân tỉnh đã tổ chức tiếp doanh nghiệp định kỳ hằng tháng để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tổ chức giao ban, đối thoại giữa doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng và Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thanh Hóa để tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng... trong việc hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện hiệu quả chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ - thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xác lập quyền sở hữu trí tuệ(7).

Bốn là, làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệpbảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp

Các sở, ngành, đơn vị và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố bước đầu đã làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, theo phân cấp quản lý và chức năng, nhiệm vụ được giao. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra tình hình, kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp sau đối thoại, bảo đảm giải quyết dứt điểmcác vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.

Các sở, ngành, đơn vị và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu và các nguyên tắccủa Nghị quyết số 35, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra doanh nghiệp,không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp; xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéotrong thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị đi kiểm tra, đôn đốc công tác phát triển doanh nghiệp tại địa bàn các huyện - từ đó, có giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, nâng cao số lượng doanh nghiệp thành lập mới.  

Năm là, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường và cơ hội tiếp cận các nguồn lực cho doanh nghiệp

Công tác vận động, xúc tiến đầu tư được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo theo hướng đổi mới về nội dung và phương thức vận động xúc tiến đầu tư, gắn xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và du lịch, chú trọng xúc tiến đầu tư tại các thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính lớn như WB, ADB, JICA.Tỉnh đã ban hành Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020, làm cơ sở cho các ngành, các cấp vận động, xúc tiến đầu tư. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thành công Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào khu kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận, thu hút nhiều tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh, tại diễn đàn, các nhà đầu tư đã ký cam kết đầu tư với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ USD. Hội nghị là cơ hội xúc tiến đầu tư, tạo sức lan tỏa, góp phần thúc đẩy nguồn vốn đầu tư FDI, ODA và vốn từ khu vực doanh nghiệp tư nhân vào Thanh Hóa một cách tích cực và hiệu quả trong thời gian tới.

Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp đầy đủ thông tin, định hướng để doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm và công khai những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về môi trường... để bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính.

Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn một số khu đất đã được quy hoạch để thực hiện thu hồi, tạo mặt bằng sạch cho thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận đất đai; hướng dẫn, hỗ trợ Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất; thực hiện các cơ chế, chính sách sử dụng đất, các nguồn tài nguyên một cách minh bạch, bình đẳng; thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai để tiến hành sản xuất kinh doanh với quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao.

Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động. Kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư.

Ngày 27-6-2013, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVVvới vốn điều lệ 100 tỷ đồng; đồng thời, tỉnh đã tổ chức hội nghị làm việc với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Thanh Hóa tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất; nghiên cứu cắt giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay; đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục và điều kiện cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; triển khai có hiệu quả chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng, các chương trình tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Sáu là, phát huy vai trò của các hội, hiệp hội doanh nghiệp, VCCI Thanh Hóa, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp

Xây dựng các chương trình, biện pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt vai trò là người đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân; thể hiện vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước.

Phối hợp với VCCI định kỳ hằng năm tổ chức các Hội nghị đối thoại, đồng thời thiết lập, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của nhà đầu tư và doanh nghiệp để nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư;định kỳ hằng quý cung cấp thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI, về nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức chính trị - xãhội, xã hội - nghề nghiệp các cấp thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị của chủ doanh nghiệp, người lao động để làm tốt công tác giám sát, kiến nghị với cấp ủy và các cơ quan nhà nước các cấp kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi của người lao động và cải thiện an sinh xã hội.

Bảy là, coi trọng hiệu quả quản lý nhà nước, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị gắn với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

Nêu gương kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện nghiêm quy định “4 tăng”, “2 giảm”, “3 không”; thực hiện hiệu quả “3 đồng hành và 5 hỗ trợ”.

Chú trọng xây dựng bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn gắn với đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, tư tưởng chính trị vững vàng, trách nhiệm cao và liêm chính trong giải quyết công việc. Từ đó, tạo thuận lợi cho công tác triển khai các cơ chế, chính sách, pháp luật và các kế hoạch, chiến lược phát triển; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn; hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh.

______________________

(1) Xem: Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, ngày 30-6-2009 về quy định các chính sách trợ giúp và quản lý nhà nước về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

(2), (3), (6) Xem: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng đăng ký kinh doanh, Báo cáo Tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm: Nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018, Thanh Hóa ngày 13-6-2018.

(4)Ba đồng hànhgồm: (1) Đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính; (2) Đồng hành trong hoàn thiện thể chế pháp luật (cấp giấy phép xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng tín dụng,...); (3) Đồng hành xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp. Năm hỗ trợ gồm: (1) Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; (2) Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động; (3) Hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp vận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; (4) Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; (5) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

(5) Xem: Tỉnh ủy Thanh Hóa, Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Thanh Hóa, ngày 4-10-2016.

(7) Xem: Phan Nam, Sở kế hoạch và đầu tư Thanh Hóa: Tăng lượng, nâng chất, http://enternews.vn, ngày 15-7-2016.

ThS. Chu Thị Hằng Nga

Viện Thông tin khoa học,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền