Trang chủ    Thực tiễn    Quản lý nhà nước về tài nguyên rừng (qua thực tiễn tỉnh Nghệ An)
Thứ hai, 29 Tháng 10 2018 18:18
6902 Lượt xem

Quản lý nhà nước về tài nguyên rừng (qua thực tiễn tỉnh Nghệ An)

(LLCT) - Tài nguyên rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với khí quyển, đất đai, mùa màng, cung cấp các nguồn gen động thực vật quý hiếm cùng nhiều lợi ích khác. Rừng là nguồn tài nguyên quan trọng của nước ta, gồm ba nhóm: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, trong đó rừng sản xuất là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Do vậy, cần phải quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

 

Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm: rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.

Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm: vườn quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên gồm khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan gồm khu rừng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học.

Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, lâm sản ngoài gỗ và kết hợp phòng hộ, góp phầnbảo vệ môi trường, bao gồm: rừng sản xuất là rừng tự nhiên; rừng sản xuất là rừng trồng. Rừng giống gồm: rừng trồng và rừng tự nhiên thông qua bình chọn và công nhận.

Phát triển rừng bao gồm các hoạt độngtrồng mới rừng, trồng lại rừng sau khai thác, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, cải tạo rừng nghèo và việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh khác để tăng diện tích rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng.Phát triển rừng bền vững là sự phát triển không những đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Bảo vệ rừng là một nội dung của phát triển rừng bền vững. Đó là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Hoạt động bảo vệ và phát triển rừng phải bảo đảm nguyên tắc quản lý rừng bền vững; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng với khai thác hợp lý để phát huy hiệu quả tài nguyên rừng.

Để tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về bảo vệ và phát triển rừng.

Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; Quyết định một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quyết định công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2017 và một số quy định liên quan.

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh Nghệ An là 1.174.749,55 ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên, bao gồm diện tích có rừng là 888.695,70 ha (5.336,77 ha đất có rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng), diện tích chưa có rừng là 291.436,5 ha, độ che phủ của rừng chiếm 53,9 %.

Hệ thống quản lý rừng trên địa bàn tỉnh được tổ chức thống nhất theo quy định của Chính phủ. Trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã đặt ra mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở về lâm nghiệp; xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi; tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương để thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chủ động, nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống cháy, chữa cháy và sạt lở đất rừng để hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng. Quản lý chặt chẽ tình trạng dân di cư tự do tại cả nơi đi và nơi đến.

Ba là, rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch... Đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án; đồng thời xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư.

Bốn là, thực hiện nhanh tiến độ điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý, phân định, đánh mốc ranh giới các loại rừng trên bản đồ và thực địa đến đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn; ranh giới lâm phận quốc gia và ranh giới quản lý rừng của các chủ rừng. Khắc phục và giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng vào năm 2018. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp theo Nghị quyết của Chính phủ.

Năm là, xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân cần coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan.

Sáu là, chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia và thông lệ quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác song phương với các nước có chung đường biên giới nhằm tăng cường trao đổi thông tin, bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản hiệu quả, chặt chẽ. Tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tài trợ nước ngoài (vốn ODA, vay ưu đãi và hỗ trợ quốc tế...) cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Với những nỗ lực của tỉnh về bảo vệ rừng, hệ thống Kiểm lâm từng bước được kiện toàn, góp phần đáng kể vào việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều tiến bộ. Về phát triển rừng: thu hút đầu tư trồng rừng có nhiều cải thiện, diện tích rừng trồng ngày càng tăng, đặc biệt là rừng trồng sản xuất phát triển đáng kể, làm cho độ che phủ rừng của tỉnh tăng từ 40,1% vào năm 2005 lên 53,9% vào năm 2012. Về khai thác, sử dụng tài nguyên rừng:khai thác đảm bảo quy trình kỹ thuật lâm sinh, vừa khai thác sản lượng theo thiết kế, tận thu được lâm sản, vừa tạo điều kiện cho rừng phát triển ổn định và bền vững, không làm suy giảm diện tích rừng hiện có. Về sản xuất và cung ứng giống: xác định được các nguồn giống hiện có và phù hợp với vùng sinh thái, quản lý tốt hệ thống nguồn giống trong tỉnh đảm bảo cung cấp đủ giống, chất lượng di truyền được cải thiện cho nhu cầu trồng và chăm sóc rừng. Về thu hút các nguồn vốn đầu tư: ngoài các chính sách đầu tư phát triển lâm nghiệp của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận Nghệ An vẫn còn một số hạn chế là:bố trí cơ cấu quản lý sử dụng rừng và đất rừng chưa hợp lý. Công tác điều tra, đánh giá, thống kê tài nguyên rừng của các chủ rừng trên thực địa chưa chính xác, dẫn đến công tác lập quy hoạch và kế hoạch quản lý sử dụng tài nguyên rừng thiếu tính khả thi, làm cho việc tổ chức sản xuất kinh doanh rừng thụ động. Về bảo vệ rừng: hiệu lực quản lý nhà nước trong thực thi pháp luật bảo vệ và phát triển rừng còn yếu, tính giáo dục, thuyết phục và răn đe hạn chế, từ đó dẫn đến công tác bảo vệ rừng gặp khó khăn, chưa thực sự vững chắc. Về phát triển rừng: tốc độ phát triển rừng còn chậm, xu hướng phát triển mang tính phong trào, chưa tương xứng với tiềm năng đất đai hiện có, chưa thực sự thu hút các nguồn lực xã hội tham gia trồng rừng sản xuất. Chất lượng, năng suất và hiệu quả của rừng trồng còn đạt thấp, chưa thực sự thu hút đầu tư trồng rừng. Về khai thác sử dụng tài nguyên rừng: chưa khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng, đặc biệt sử dụng đất lâm nghiệp còn rất lãng phí. Công tác quản lý việc tổ chức khai thác gỗ rừng tự nhiên còn nhiều hạn chế.

Do điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An còn khó khăn, đời sống người dân còn nghèo, trình độ dân trí còn hạn chế đã ảnh hưởng đến đầu tư phát triển lâm nghiệp; diện tích rừng lớn, sức ép dân số và nhu cầu sử dụng đất gia tăng gây áp lực lớn lên công tác bảo vệ và phát triển rừng; mặt khác, do cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển rừng chưa đồng bộ, chưa phù hợp thực tiễn sản xuất, thiếu phương án lựa chọn nên tính khả thi và hiệu quả thấp; đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng rất thấp so với nhu cầu; sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp, các chủ rừng và lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng chưa chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra giám sát chưa sát sao, chưa hiệu quả, xử lý vi phạm chưa triệt để.

Những hạn chế như trên không phải chỉ riêng Nghệ An mà còn là của nhiều địa phương khác. Vì vậy cần tăng cường chỉ đạo, giám sát chặt chẽ và tổ chức thực hiện của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành trong tỉnh, các cấp chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm và nỗ lực phấn đấu của các chủ rừng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, với những chương trình, kế hoạch của từng cấp, ngành để quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Thứ nhất, phát triển rừng theo hướng bền vững: cần bảo vệ nghiêm ngặt, chấm dứt tình trạng khai thác gỗ, lâm sản trái pháp luật, cháy rừng; tiếp tục phủ xanh đất chống đồi núi trọc, mở rộng diện tích trồng cây lâm nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt. Bảo vệ rừng phòng hộ: bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu và bảo vệ môi trường có nguy cơ bị xâm hại cao. Bảo vệ rừng sản xuất: những khu rừng tự nhiên là rừng sản xuất có trữ lượng giàu, trung bình đang đóng cửa rừng. Chủ động thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo vệ tài nguyên rừng.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn; tập trung chú trọng phòng cháy, chữa cháy rừng vào thời điểm nắng nóng, hanh khô. Đặc biệt là tại các khu vực rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng trồng, vùng trọng điểm có nguy cơ cháy ở cấp cao. Đồng thời, thông tin về kết quả thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng của các ngành, các cấp, các đơn vị, địa phương, gương người tốt, việc tốt và những vấn đề tồn tại trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân trong việc chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng. Hướng dẫn việc củng cố, xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở, tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng tại chỗ.

Thứ hai, để hạn chế lấn chiếm, tranh chấp ranh giới giữa các loại rừng, cần thực hiện việcđóng mốc phân định 3 loại rừng theo quy hoạch; cầnnghiên cứu đánh giá lại toàn bộ quy hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng những quy trình, quy phạm thích hợp để tổ chức lại công tác lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ ba, chú trọng đến việc chia sẻ trách nhiệm và lợi ích giữa Nhà nước, cộng đồng dân cư và chủ rừng trong quá trình phát hiện, ngăn chặn và trấn áp lâm tặc. Nghiên cứu và đề xuất các quy định cụ thể về quyền bảo vệ rừng, tài sản và tính mạng của chủ rừng, đồng thời hỗ trợ lực lượng, kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện cho các chủ rừng thực hiện công tác bảo vệ rừng, chống lại các hành vi xâm hại rừng.

Thứ tưnâng cao năng lực cho cán bộ lâm nghiệp các cấp, đặc biệt là ở cấp xã và vùng sâu, vùng xa để đáp ứng yêu cầu về đổi mới ngành và hội nhập quốc tế. Chú trọng các hoạt động đào tạo và khuyến lâm cho người dân làm nghề rừng, đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ, để họ có đủ năng lực thực hiện đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và tạo thu nhập ổn định. Nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý, các doanh nghiệp, cộng đồng và hộ gia đình làm nghề rừng thông qua đào tạo tại chỗ, ngắn hạn và khuyến lâm.

Thứ năm, về nguồn lực tài chính: tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương thông qua kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 9-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; vận dụng linh hoạt các chính sách khác của Trung ương đã ban hành tạo nguồn vốn đầu tư; kêu gọi sự hỗ trợ, đầu tư từ các chương trình, dự án quốc tế để thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng. Tổ chức thực hiện tốt Nghị định 99/NĐ-CP ngày 24-9-2010 của Chính phủ về chi trả dịch vụ môi trường rừng; nhanh chóng tiếp cận và tham gia các dự án quốc tế để được cấp chứng chỉ carbon nhằm tăng nguồn thu cho lâm nghiệp; nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với diện tích quy hoạch rừng sản xuất xen kẽ trong diện tích quy hoạch rừng phòng hộ..

Tóm lại, với đặc điểm và vai trò của rừng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ trước mắt cũng như về lâu dài trong tổng thể hoạt động quản lý nhà nước bảo vệ và phát triển rừng; có chế tài ở mức cao và xử lý nghiêm khắc vi phạm pháp luật về tài nguyên rừng. Quản lý nhà nước về tài nguyên rừng đáp ứng phát triển bền vừng không chỉ riêng ở nước ta, mà là vấn đề của toàn cầu. Nhà nước đã sớm ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật qua nhiều thập kỷ, nhưng hiệu lực, hiệu quả quản lý về bảo vệ và phát triển rừng chưa đạt được như mong muốn. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Luật bảo vệ môi trường năm 2005 cho phù hợp với thực tiễn.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2018

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Bí thư Trung ương: Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12-1-2017, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về bảo vệ và phát triển rừng.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Báo cáo tổng kết, tại Hội nghị ngày 20-7-2017 về dự án 3 năm kiểm kê và điều tra diện tích hiện trạng rừng cả nước.

3. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.

4. Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3-3-2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

5. Quyết định số 5988/QĐ-UBND-NN ngày 11-11-2009 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

6. Quyết định số 4455/QĐ-UBND ngày 21-10-2011 của UBND tỉnh Nghệ An về việc Ban hành kế hoạch chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

7. Quyết định số 57/2012/QĐ - TTg ngày 9-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020.

TS Phùng Văn Hiền

Học viện Hành chính quốc gia

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền