Trang chủ    Thực tiễn    Các lý thuyết về di cư và vận dụng trong chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Thứ ba, 30 Tháng 10 2018 09:02
7892 Lượt xem

Các lý thuyết về di cư và vận dụng trong chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam

(LLCT) - Là biểu hiện sinh động của tính cơ động xã hội, di cư gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và toàn cầu hóa. Các lý thuyết về di cư được phân chia thành nhiều loại khác nhau để phản ánh các nguyên nhân khác nhau của các hình thức di cư rất phong phú, đa dạng của các dân tộc. Theo lý thuyết di cư, ở Việt Nam hình thức di cư nông thôn - thành thị vẫn là hình thức phổ biến nhất, nguyên nhân chủ yếu là do việc làm và thu nhập; và di cư là nguồn cung lao động rất cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và công nghiệp hóa. Việc nghiên cứu và vận dụng lý thuyết di cư là rất cần thiết để đổi mới chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Trên thế giới, di cư quốc tế vẫn tiếp tục diễn ra với nhiều nguyên nhân và các vấn đề phức tạp gắn với quá trình toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu. Theo ước tính của Liên Hợp quốc, năm 2015, thế giới có tổng cộng 244 triệu người di cư, chiếm 3,3% tổng dân số thế giới. Nơi đến nhiều nhất của người di cư quốc tế là châu Âu với 76 triệu người, thứ hai là châu Á với 75 triệu người và thứ ba là Hoa Kỳ với 47 triệu người. Trong số những người di cư quốc tế năm 2015, có 104 triệu người di cư xuất phát từ các nước châu Á (chiếm 43%), tiếp đến là từ châu Âu với 62 triệu người di cư quốc tế và thứ ba là di cư từ châu Mỹ Latinh và Caribe với 37 triệu người. Một số tác giả phân biệt các loại di cư quốc tế, gồm: (i) di cư lao động, (ii) di cư trở về, (iii) di cư dây chuyền và (iv) di cư tị nạn. Một số tác giả khác bổ sung hai loại di cư nữa là (v) di cư bắt buộc và (vi) di cư hưu trí. Căn cứ vào ý chí của người di cư, có thể phân biệt di cư tự nguyện và di cư bắt buộc. Căn cứ vào mục đích của di cư, có thể phân loại di cư kinh tế, di cư chính trị, di cư sinh thái và các loại di cư khác. Ở Việt Nam, di cư nội địa được chia thành các luồng di cư nông thôn - thành thị, nông thôn - nông thôn, thành thị - nông thôn và thành thị - thành thị. Theo một cách phân loại khác, di cư nội địa gồm di cư trong huyện, giữa các huyện, các tỉnh, các vùng hoặc di cư đến, di cư quay về và di cư gián đoạn. Nhưng ai là người di cư? Tại sao lại di cư? Tại sao di cư diễn ra dưới hình thức này hay hình thức khác? Các câu trả lời cho những câu hỏi này dẫn đến các lý thuyết khác nhau giải thích không giống nhau về nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến di cư.  Các lý thuyết di cư được phân chia theo nhiều cách khác nhau(1), do đó rất cần được nghiên cứu và vận dụng phù hợp trong điều kiện lịch sử - xã hội cụ thể.

1. Một số lý thuyết xã hội học về di cư

Lý thuyết về các cơ hội can thiệp (Intervening Opportunities) của Stouffer (1940),  nhấn mạnh rằng, di cư tỷ lệ thuận với các cơ hội, ví dụ về thu nhập, việc làm ở nơi đến và tỷ lệ nghịch với các trở ngại có thể xảy ra trong quá trình di cư ở nơi đi và nơi đến. Có thể thấy, lý thuyết này ngầm coi di cư là hành vi lựa chọn duy lý của cá nhân nhằm tối đa hóa các cơ hội, các lợi ích có thể có và tránh, giảm thiểu các khó khăn, trở ngại có thể có của di cư. Theo lý thuyết này, chính sách di cư nói chung và nhất là chính sách di cư, tái định cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng cần đặc biệt chú ý đến việc hỗ trợ giảm bớt các yếu tố can thiệp gây khó khăn và tạo ra các điều kiện, cơ hội thuận lợi cho người di cư để đảm bảo cuộc sống của họ ở nơi đến phải tốt hơn hoặc ít nhất là ngang bằng với cuộc sống của họ ở nơi đi. Nói cách khác, chính sách là một loại yếu tố can thiệp thì chính sách cần can thiệp sao cho có lợi đối với người di cư bởi di cư luôn là một quá trình nhiều khó khăn, trở ngại.

Lý thuyết về các nhân tố hút - đẩy (Push - Pull Factors) của Lee (1966), nhấn mạnh rằng di cư là kết quả của sự tương tác của các nhân tố hút và đẩy (các yếu tố can thiệp và các yếu tố cá nhân(2)) có mặt ở cả nơi đến, nơi xuất phát chứ không chỉ đơn thuần là kết quả của các lực đẩy từ nơi xuất phát và các lực hút từ nơi đến đối với người di cư. Lý thuyết này là sự tiếp nối các nỗ lực của E.G Ravenstein trong việc tìm kiếm các quy luật kinh tế giải thích các luồng di cư từ nơi đông dân sang nơi thưa dân, từ nông thôn ra thành thị, từ nơi nghèo đến nơi giàu. Lý thuyết này cho thấy, không chỉ người di cư mà cả người làm chính sách cũng cần có thông tin về các nhân tố hút, nhân tố đẩy ở cả nơi đến, nơi đi và các môi trường của quá trình di cư. Các nhân tố này không chỉ bó hẹp trong phạm vi các nhân tố kinh tế mà rất có thể là các điều kiện phi kinh tế như các điều kiện y tế, giáo dục, trật tự, an toàn xã hội.

Cuộc điều tra di cư nội địa quốc gia ở Việt Nam năm 2015 cho biết: trong các nguyên nhân di cư(3),  nguyên nhân kinh tế tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập chiếm tỷ lệ cao nhất (34,7%), tiếp đến là nguyên nhân quan hệ xã hội (kết hôn, gần người thân - 25,5%, nguyên nhân liên quan tới giáo dục, đào tạo (23,4%) và cuối cùng là các nguyên nhân khác (16,4%).

Lý thuyết về quá độ cơ động (mobility transition) của Zelinsky (1971) có tên gốc là “giả thuyết về sự quá độ cơ động” coi di cư là sự quá độ cơ động từ giai đoạn này sang giai đoạn khác của dân số trong không gian - thời gian xác định. Zelinsky đưa ra giả thuyết về 5 giai đoạn quá độ cơ động lần lượt là: Giai đoạn 1 tương ứng với xã hội tiền truyền thống khi đó chưa xuất hiện thành thị và hầu như không có di cư mặc dù mức độ cơ động, di động là rất lớn. Giai đoạn 2 tương ứng với xã hội truyền thống sớm đặc trưng bởi các cuộc di chuyển, di cư lớn từ nông thôn vào thành thị. Giai đoạn 3 tương ứng với xã hội quá độ muộn đặc trưng bởi di cư thành thị - thành thị đã vượt trội so với di cư nông thôn - thành thị. Giai đoạn 4 tương ứng với xã hội tiên tiến đặc trưng bởi di cư nông thôn - thành thị giảm và di cư thành thị - thành thị vẫn diễn ra mạnh mẽ đồng thời gia tăng di cư thành thị - ngoại ô. Giai đoạn 5 tương ứng với xã hội tiên tiến trong tương lai với việc di cư trở nên phổ biến giữa các thành phố. Mỗi một giai đoạn quá độ cơ động này đều tương ứng với một xã hội nhất định với quy mô, mức sinh, mức tăng trưởng dân số khác nhau. Lý thuyết quá độ cơ động chủ yếu là giả thuyết về di cư trong lịch sử xã hội loài người, do vậy khó có thể kiểm chứng trong một xã hội cụ thể. Tuy nhiên, lý thuyết này nhấn mạnh hai điều quan trọng đối với chính sách phát triển, đó là thứ nhất cần phải coi cơ động xã hội nói chung và di cư nói riêng là một động lực, một cơ chế, một quá trình của hiện đại hóa và tiến bộ xã hội; thứ hai, do vậy, cần tính đến các đặc điểm dân số học của xã hội để có thể đề ra được những chính sách phù hợp với di cư trong từng giai đoạn lịch sử xã hội cụ thể. Ở Việt Nam, di cư chủ yếu là di cư nông thôn - thành thị, đặc trưng cho xã hội đang CNH, HĐH. Cuộc điều tra di cư nội địa năm 2015 cho biết, số lượng người di cư nông thôn - thành thị chiếm tới gần 50%, di cư nông thôn - nông thôn chiếm trên 29%, di cư thành thị - thành thị chiếm 18% còn lại gần 3% là di cư thành thị - nông thôn.

Lý thuyết về các mạng lưới di cư (Migrant Networks) của Taylor (1986). Lý thuyết này chú trọng các nhân tố hút ở các mạng lưới cá nhân của người di cư gồm những người có quan hệ dòng họ, bạn bè và cùng chung nguồn gốc ở nơi đến. Các mạng lưới di cư này thu hút những người di cư bằng nhiều cách khác nhau như: giảm chi phí, giảm rủi ro và tạo các điều kiện, cơ hội cần thiết trong cuộc sống. Điều tra di cư nội địa của Việt Nam (2015) cho biết: đa số (64%) người di cư có họ hàng, người thân, bạn bè và đồng hương đang sống tại nơi đến. Như vậy lý thuyết và kết quả điều tra cho thấy rõ vai trò đặc biệt quan trọng của các mối quan hệ xã hội giữa các cá nhân, gia đình, nhóm trong việc cung cấp thông tin và hỗ trợ đối với người di cư. Do vậy, chính sách di cư nói chung và chính sách về di cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng cần chú trọng thiết lập các mạng lưới di cư chính thức và không chính thức của người di cư ở cả nơi đến và nơi đi. Trên thực tế, các thông tin và các nguồn lực vật chất, tinh thần được lan tỏa, cộng hưởng nhanh chóng và hiệu quả trong mạng lưới di cư phi chính thức so với mạng lưới chính thức kiểu quản lý hành chính nhà nước.

Lý thuyết về các không gian xã hội xuyên quốc gia (Transnational Social Spaces) của Pries (1999) và Faist (2000) cho rằng, tập hợp các vị trí và các mối quan hệ, các tương tác trong các tổ chức, mạng lưới giữa các cá nhân và nhóm xuyên biên giới tạo nên “các không gian xã hội xuyên quốc gia” có thể đóng vai trò thúc đẩy di cư quốc tế(4). Cơ chế thúc đẩy ở đây là các vốn xã hội (social capital) trong các không gian xã hội xuyên quốc gia luôn có chức năng cầu nối; và các nguồn lực có thể giúp người di cư vừa thực hiện được mục đích, vừa tăng cường vị trí, vai trò và các mối quan hệ của họ. Có thể vận dụng lý thuyết chuyên về di cư quốc tế này vào nghiên cứu di cư nội địa trong một nền kinh tế chậm phát triển như Việt Nam. Theo lý thuyết này, người di cư gồm cả đồng bào dân tộc thiểu số luôn có xu hướng bị hút vào những không gian xã hội xuyên vùng miền, nơi có thể giúp họ giao lưu, học hỏi nhưng vẫn duy trì, phát huy bản sắc văn hóa của họ. Câu hỏi tại sao di cư được trả lời từ lý thuyết này là di cư để tìm đến với những không gian xã hội phù hợp hơn. Như vậy, di cư không đơn giản là sự di chuyển trong không gian địa lý hoặc giữa các không gian địa - chính trị, địa - kinh tế mà còn bao hàm cả sự di chuyển giữa các không gian xã hội gồm cả không gian vật chất và không gian tinh thần, văn hóa, xã hội. Điều đặc biệt là người di cư không chỉ di chuyển vị trí của họ trong các không gian xã hội mà còn có thể góp phần biến đổi, mở rộng và phát triển các không gian xã hội đó.

2. Một số lý thuyết kinh tế học về di cư

Lý thuyết kinh điển (classical theory) của Lewis (1940) nhấn mạnh rằng, trong nền kinh tế chậm phát triển, di cư nông thôn - thành thị là sự dịch chuyển lao động dư thừa từ khu vực nông nghiệp truyền thống tự cung, tự cấp sang khu vực kinh tế tư bản hiện đại sử dụng lao động làm thuê để kiếm lợi nhuận, nhờ vậy mà khu vực này phát triển. Lý thuyết kinh điển có thể áp dụng vào nghiên cứu di cư của đồng bào dân tộc thiểu số dưới hình thức chủ yếu là di cư lao động từ khu vực chậm phát triển sang  khu vực có tiềm năng phát triển cao hơn.

Lý thuyết tân kinh điển (neo-classical) của Harris và Todaro (1970) chỉ ra rằng, di cư nông thôn - thành thị ở các nước chậm phát triển chủ yếu phụ thuộc vào mức chênh lệch tiền công trung bình kỳ vọng, chứ không phải mức chênh lệch tiền công thực tế giữa nông thôn và thành thị. Người di cư cân nhắc tất cả các cơ hội việc làm ở nông thôn và thành thị, rồi chọn cơ hội di cư nào có thể tối ưu hóa các mức tiền công kỳ vọng của họ. Lý thuyết tân kinh điển có thể khó áp dụng vào giải thích hiện tượng di cư của đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện chưa phổ biến lao động làm thuê. Nhưng rõ ràng là thu nhập kỳ vọng, lợi ích kỳ vọng ở nơi đến luôn có sức hút và ảnh hưởng nhất định đối với quyết định di cư. Điều này giải thích tại sao người di cư dễ bị lôi kéo vì những lời hứa hẹn. Do vậy, người di cư cần phải có thông tin và bản lĩnh chấp nhận mạo hiểm và không bi quan, thất vọng khi gặp phải khó khăn ở nơi đến.

Lý thuyết về thị trường lao động kép (Dual labor market) của Piore (1979). Theo lý thuyết này, không phải thị trường lao động nói chung hấp dẫn người di cư mà thị trường bị phân đôi thành hai thị trường trong đó mỗi thị trường thu hút một loại người di cư. Thị trường lao động hạng hai đặc trưng bởi các loại việc làm không ổn định, điều kiện lao động kém với thu nhập thấp chủ yếu thu hút người di cư thiếu trình độ chuyên môn kỹ thuật từ nông thôn. Trong khi đó, thị trường lao động hạng nhất đặc trưng bởi việc làm chất lượng cao, thu nhập nhiều, cơ hội thăng tiến lớn luôn có sức thu hút đối với người di cư có trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề cao. Cuộc điều tra di cư nội địa quốc gia (2015) cho biết: đa số người di cư xuất thân từ nông thôn với trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp và phần đông người di cư làm công việc giản đơn trong thị trường lao động hạng hai. Do vậy, thu nhập trung bình của người di cư có việc làm đạt khoảng 5-5,4 triệu đồng/tháng, thấp hơn so với người không di cư, nhưng mức thu nhập này được người di cư đánh giá là cao hơn nhiều so với trước khi di cư. Điều này càng chứng tỏ rằng, đối với cá nhân, di cư là một chiến lược sống mà người lao động có thể lựa chọn và thực hiện trong những điều kiện nhất định. Đối với tăng trưởng kinh tế, di cư là nguồn cung lao động cho các phân khúc thị trường trong đó có thị trường lao động hạng hai.

Lý thuyết thị trường lao động kép cho thấy, di cư lao động nói chung và di cư của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đóng vai trò là nguồn cung lao động cần cho thị trường lao động hạng hai. Điều này giải thích cho hiện tượng phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế luôn kéo theo sự gia tăng di cư để đảm bảo nguồn cung lao động cho các khu vực này. Theo lý thuyết này, chính sách về di cư cần quan tâm tới lao động, việc làm của người di cư để đảm bảo giảm bớt các rủi ro như bị bóc lột, bị bạo lực, lạm dụng trong các quan hệ lao động của người di cư, đặc biệt cần quan tâm tới đào tạo nghề, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động di cư. Chính sách di cư cũng cần tính đến việc phát triển năng lực và tạo điều kiện cho người di cư có thể đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp để thích nghi, thành đạt và phát triển trong thị trường lao động kép ở nơi đến.

3. Một số lý thuyết liên ngành về di cư

Lý thuyết về các hệ thống thế giới (World Systems theory) của Wallestein (1974). Theo lý thuyết này, thế giới là hệ thống của các hệ thống bao gồm các hệ thống ngoại vi với các quốc gia nghèo có chức năng cung cấp nguồn lực (gồm cả nhân lực), cho các hệ thống trung tâm với các quốc gia tư bản chủ nghĩa giàu có. Di cư luôn là sự di chuyển lao động từ các hệ thống ngoại vi nghèo vào các hệ thống trung tâm giàu và đó là cơ chế vận hành, hoạt động của các hệ thống xã hội với tính cách là một thế giới thống nhất. Lý thuyết này có thể giải thích hiện tượng di cư lao động quốc tế, nhưng khó có thể giải thích hiện tượng di cư hưu trí và di cư trở về, hồi hương. Lý thuyết này cũng khó có thể giải thích hiện tượng di cư của đồng bào dân tộc thiểu số từ vùng ngoại vi này sang vùng ngoại vi khác trong một quốc gia. Tuy nhiên, lý thuyết này gợi ý cho việc phải chú ý đến tính hệ thống của di cư. Di cư không giản đơn là hành vi của cá nhân, gia đình và mạng lưới của người di cư. Di cư còn là một bộ phận của mối tương tác, mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các hệ thống của thế giới, cụ thể là các hệ thống kinh tế - xã hội ở cả nơi đến, nơi đi và toàn xã hội với tính cách là một hệ thống xã hội thống nhất. Có thể thấy rõ ảnh hưởng của di cư tới hệ thống kinh tế ở cả nơi đến và nơi đi, tới hệ thống giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường. Chính sách di cư không quan tâm tới các hệ thống kinh tế - xã hội của di cư chắc chắc sẽ gặp phải những vấn đề hệ thống của di cư. Ví dụ, có chính sách chỉ chú trọng đến việc xây nhà tái định cư để người di cư có chỗ ăn ở sinh hoạt mà xem nhẹ việc tạo điều kiện sản xuất; có chính sách tập trung vào đào tạo nghề cho người tái định cư nhưng thiếu chú trọng đến thị trường đầu ra của các hoạt động nghề nghiệp được đào tạo. Chính sách di cư, tái định cư khó có thể thành công khi chỉ chú trọng một số vấn đề này mà bỏ qua các vấn đề khác của các hệ thống xã hội của di cư. Do vậy, giải pháp chính sách đối với di cư của đồng bào dân tộc thiểu số phải mang tính hệ thống từ hệ thống mục tiêu đến hệ thống các nguồn lực, từ hệ thống kinh tế đến hệ thống văn hóa - xã hội; từ hệ thống kế hoạch đến hệ thống kiểm tra, giám sát và đánh giá tổng thể cả hệ thống của nơi đến, nơi đi và người di cư.

Lý thuyết thiết chế (Institutional theory) của Massey và các đồng sự (1983), còn gọi là lý thuyết quốc tế về di cư, nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức, các thiết chế như các tổ chức chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức vì lợi nhuận và các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức khác trong việc khuyến khích, tổ chức và điều tiết quá trình di cư. Trong nhiều trường hợp di cư của đồng bào dân tộc thiểu số, các già làng, trưởng bản và các thiết chế văn hóa, xã hội bản địa có vai trò quyết định đối với di cư nhiều hơn, mạnh hơn là các tổ chức, thiết chế quản lý hành chính cứng nhắc. Theo lý thuyết này, các chính sách về di cư cần quan tâm tới việc thiết lập và củng cố các tổ chức, thiết chế chính thức hỗ trợ di cư và tạo điều kiện phát huy các chức năng tích cực của các tổ chức, thiết chế phi chính thức của người di cư.

Lý thuyết nguyên nhân tích lũy (Cummulative causation) của Massey (1990), cho rằng di cư là một quá trình tiến hóa với những nhân tố tích lũy góp phần thay đổi, phát triển ở cả nơi đến và nơi đi. Ví dụ người di cư có thể thúc đẩy quá trình phân phối lại thu nhập, phân phối lại đất đai và phân phối lại tư bản, đồng thời làm tăng nguồn vốn con người. Tất cả các nhân tố này tương tác, tích lũy lại với nhau có thể tạo ra những thay đổi tiến bộ trong cấu trúc xã hội. Vận dụng lý thuyết này có thể giúp đánh giá được các tác động tích cực của di cư của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các “vùng kinh tế mới”. Tuy nhiên, các nhân tố tích lũy luôn có tính hai mặt: cùng với mặt tiến hóa, tiến bộ di cư có thể gây ra những tác động tích lũy làm gia tăng các vấn đề rủi ro của môi trường sinh thái, gia tăng bất bình đẳng xã hội và bất ổn xã hội ở nơi đến. Cuộc điều tra di cư nội địa quốc gia cho biết: đa số người di cư đã nhanh chóng ổn định và cải thiện được cuộc sống của họ ở nơi đến: 54% người di cư cho biết công việc của họ tốt hơn, 52% cho biết thu nhập của họ tốt hơn, tìm được các điều kiện và cơ hội sinh sống và chỉ hơn 10% người di cư cho rằng công việc hoặc thu nhập của họ kém hơn trước. Tuy nhiên, gần 30% người di cư cho biết điều kiện nhà ở của họ kém hơn trước. Ở Việt Nam, đa số người di cư cảm thấy các điều kiện môi trường thuận lợi hơn so với trước kia, mặc dù ở nơi đến luôn có xu hướng gia tăng dân số và ô nhiễm môi trường.

Di cư không chỉ đóng góp vào phát triển ở nơi đến mà còn góp phần ổn định cuộc sống gia đình của người di cư ở nơi đi. Điều tra xã hội học gần đây cho thấy, khoảng 30% số người di cư đã gửi được tiền về cho gia đình với số tiền trung bình là 27,5 triệu/hộ trong 12 tháng. Phần lớn số tiền gửi về này được hộ gia đình sử dụng để duy trì cuộc sống hàng ngày chứ không phải để sản xuất, kinh doanh.

Lý thuyết cấu trúc hóa (Structuration theory). Đây là hướng nghiên cứu vận dụng lý thuyết cấu trúc hóa (structuration) do Anthony Giddens khởi xướng và được các tác giả như Rob Stones (2005), Karen O’Reilly và các đồng sự (2012, 2014) áp dụng trong nghiên cứu di cư(5). Theo lý thuyết này, di cư là quá trình cấu trúc hóa trong đó diễn ra các hành động xã hội, các tương tác xã hội và cấu trúc xã hội của người di cư trong khung không gian - thời gian liên tục được mở rộng. Nói cách khác, di cư không giản đơn là sự thay đổi cơ học từ một vị trí này tới một vị trí khác trong không gian. Mà đó là quá trình di cư liên tục được thực hiện, duy trì và tái tạo liên tục thông qua các hành động di cư sử dụng các nguồn lực và các quy tắc do cấu trúc xã hội đem lại. Lý thuyết này khắc phục tình trạng quá nhấn mạnh yếu tố cá nhân của người di cư như sự lựa chọn duy lý của cá nhân hoặc quá đề cao các yếu tố xã hội bên ngoài như thị trường lao động, việc làm đối với di cư. Trong khi các nhà nghiên cứu có thể còn tranh cãi về tính hai mặt vừa là hành động, vừa là cấu trúc của di cư thì lý thuyết này đã chỉ ra được sự cần thiết phải coi di cư là quá trình biện chứng xã hội trong đó người di cư hành động, tương tác và tái tạo các cấu trúc xã hội nhất định mà họ là thành viên. Điều này đòi hỏi chính sách về di cư phải đảm bảo cho quá trình di cư diễn ra một cách hài hòa, trong đó người di cư tương tác với các thành tố cấu thành của các cấu trúc xã hội mà họ là thành viên để vừa vận hành, duy trì và vừa đổi mới và sáng tạo nên những cấu trúc xã hội mới, năng động và phát triển.

Từ những phân tích trên, có thể nhận thấy nhiều lý thuyết có các đặc điểm tương đồng trong cách lý giải và vận dụng. Trên cơ sở đó, có thể gộp các lý thuyết này theo các nhóm sau:

a. Các lý thuyết vi mô, trung mô và vĩ mô về di cư

Căn cứ vào cấp độ di cư, có thể phân biệt 3 nhóm lý thuyết về di cư như sau: (i) Nhóm lý thuyết vi mô (micro-level)  gồm, lý thuyết về các nhân tố hút - nhân tố đẩy, lý thuyết hành vi, lý thuyết kinh điển và tân kinh điển vi mô về di cư. Nhóm lý thuyết này nhấn mạnh vai trò quyết định của các yếu tố cá nhân như mục đích, nhu cầu, nguyện vọng và khả năng của người di cư. (ii) Nhóm lý thuyết trung gian (meso-level) gồm các lý thuyết như lý thuyết mạng lưới di cư, lý thuyết vốn xã hội, lý thuyết nguyên nhân tích lũy, lý thuyết thiết chế di cư. Nhóm lý thuyết này chú trọng các yếu tố của nhóm, gia đình và cộng đồng như các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng hương đối với quyết định di cư. (iii) Nhóm lý thuyết vĩ mô (macro-level) gồm các lý thuyết như lý thuyết về các hệ thống thế giới, lý thuyết về thị trường lao động kép, lý thuyết về quá độ di cư. Nhóm lý thuyết này nhấn mạnh vai trò quyết định của các cấu trúc xã hội vĩ mô như thị trường lao động và chính sách tái định cư của nhà nước.

Phân biệt ba nhóm lý thuyết vi mô, trung mô và vĩ mô về di cư cho thấy việc xây dựng và thực thi các chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến di cư phải tính đến các nguyên nhân và yếu tố ảnh hướng đến di cư từ phía cá nhân, gia đình, cộng đồng thôn bản, làng xã, các tổ chức và thể chế kinh tế - xã hội cụ thể.

b. Các lý thuyết về khởi động di cư và duy trì di cư

Căn cứ vào diễn biến của quá trình di cư, có thể phân loại lý thuyết di cư thành hai nhóm như sau. (i) Nhóm lý thuyết về khởi động di cư gồm lý thuyết về các nhân tố hút - nhân tố đẩy, lý thuyết về thị trường lao động kép, lý thuyết về các hệ thống thế giới, lý thuyết hành vi di cư, lý thuyết tân kinh điển về di cư. Nhóm lý thuyết này chỉ ra nguyên nhân khởi phát di cư chủ yếu là các lợi ích kỳ vọng về kinh tế, xã hội, giáo dục. (ii) nhóm lý thuyết về duy trì di cư bao gồm ví dụ lý thuyết về thiết chế di cư, hệ thống di cư, mạng lưới di cư, nguyên nhân tích lũy và các lý thuyết khác. Nhóm lý thuyết này tập trung làm rõ cơ chế duy trì di cư, làm cho di cư tiếp tục được diễn ra và trả lời câu hỏi làm thế nào mà người di cư có thể thích nghi và phát triển được ở nơi đến? Tại sao người di cư không quay về nơi họ đã ra đi? Tuy nhiên, việc phân biệt hai loại lý thuyết di cư vừa nêu chỉ mang tính chất tương đối bởi trong không ít trường hợp, nguyên nhân khởi động di cư cũng đồng thời là nguyên nhân duy trì di cư. Ví dụ, vì nguyên nhân kinh tế như cơ hội việc làm và tăng thu nhập mà người dân di cư đến một nơi nhất định và cũng chính vì nguyên nhân đó mà họ tiếp tục ở lại nơi đến để làm ăn, sinh sống và phát triển. Không ít trường hợp người dân đã nhiệt tình di cư đến nơi mới được hứa hẹn nhiều điều kiện thuận lợi cho cuộc sống mới, nhưng họ đã phải thất vọng bỏ về quê hương vì những khó khăn không thể vượt qua ở nơi đến. Do vậy, điều quan trọng có ý nghĩa vận dụng thực tiễn là cần xây dựng, đổi mới chính sách về di cư sao cho không chỉ khuyến khích di cư mà còn tạo điều kiện để người di cư nhanh chóng có việc làm và thu nhập ổn định cùng các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác. Với tinh thần như vậy, một chính sách di cư khó có thể đạt kết quả mong muốn trong một thời hạn ngắn, khó có thể “đánh nhanh thắng nhanh” mà chính sách di cư luôn cần một tầm nhìn xa với mục đích chiến lược và đòi hỏi các nguồn lực có tính bền vững đảm bảo người di cư ổn định và bắt đầu cải thiện được cuộc sống của họ.

c. Các lý thuyết hành vi, chức năng - cấu trúc và hệ thống về di cư

Dựa vào các cách tiếp cận phổ biến trong các khoa học xã hội và nhân văn, có thể phân loại các lý thuyết di cư thành ba nhóm lớn như sau. (i) nhóm lý thuyết hành vi di cư, gồm lý thuyết về lực hút - đẩy, lý thuyết tân kinh điển, lý thuyết cân bằng di cư; (ii) nhóm lý thuyết chức năng - cấu trúc bao gồm ví dụ lý thuyết về thị trường kép; (iii) nhóm lý thuyết hệ thống, gồm lý thuyết về các hệ thống thế giới, lý thuyết về mạng lưới di cư, lý thuyết thiết chế. Cách phân loại lý thuyết này rất gần với cách phân loại các lý thuyết vi mô, trung mô, vĩ mô về di cư và rất phổ biến trong nghiên cứu xã hội học về di cư. Việc đổi mới chính sách liên quan đến di cư cần căn cứ vào các bằng chứng khoa học về hành vi di cư, chức năng - cấu trúc của di cư và các hệ thống kinh tế, y tế, giáo dục, an sinh xã hội và các hệ thống khác liên quan đến di cư.

Tóm lại, từ xưa đến nay di cư luôn là một phần tất yếu của cuộc sống của con người, đặc biệt là di cư nông thôn - thành thị tăng lên theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các lý thuyết khác nhau chỉ ra các nguyên nhân và các yếu tố khác nhau của các loại hình di cư rất phong phú, phức tạp. Cần nghiên cứu và chắt lọc những hạt nhân hợp lý của từng lý thuyết về di cư để có thể vận dụng vào việc giải thích và “cải biến” quá trình di dân nói chung và di cư của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng sao cho có thể đáp ứng một cách hài hòa lợi ích của người di cư với lợi ích của tất cả các dân tộc anh em đang cùng chung sống và cùng đổi mới. Di cư là phổ biến nhưng không đồng đều trong các dân tộc(6), ví dụ tỷ lệ di cư trong tỉnh của người Kinh là cao nhất với 11,42%, người Tày là 4,03%, người Thái là 3,05%, người Mường là 2,81%, người Khmer là 3,14%, người Nùng là 3,18% và người Mông là 3,73%. Tuy nhiên, các cuộc điều tra hiện hành kể cả cuộc điều tra di cư nội địa quốc gia và điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số đều chưa cung cấp được các thông tin đầy đủ, chi tiết về tình hình di cư của đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này đòi hỏi chính sách về di cư nói chung và di cư của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng cần tiếp tục đổi mới trên cơ sở nghiên cứu, vận dụng tổng tích hợp các lý thuyết khoa học về di cư, các bằng chứng khoa học thu được từ các cuộc điều tra về di cư ở Việt Nam.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2018

(1) A.A.I.N. Wickramasingh. “International migration and migration theories”. Social Affairs. Vol.1 No.5, 13-32, Fall 2016;. O’Reilly, K. Migration theories:

a critical overview. In: Triandafyllidou, A. (ed.) Routledge Handbook of Immigration and Refugee Studies. Abingdon, Oxford: Routledge. 2015,

pp.25-33.

(2) Everett S. Lee:  “A Theory of Migration”. Demography. Vol.3, No.1. (1966), pp.47-57.

(3) Tổng cục Thống kê - Quỹ Dân số Liên Hợp quốc, Điều tra di cư nội địa quốc gia 2015: một số kết quả chủ yếu,  Nxb Thông tấn, Hà Nội, 12-2016.

(4) Ludger Pries (Ed.). New transnational social spaces: international migration and transnational companies in the early twenty-first century. Roudedge, New York. 2001.

(5) O’Reilly, K., 2015. Migration theories: a critical overview. In: Triandafyllidou, A. (ed.) Routledge Handbook of Immigration and Refugee Studies. Abingdon, Oxford: Routledge, pp.25-33.

(6) Ủy ban Dân tộc: Tổng quan thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số dựa trên kết quả phân tích số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015, Hà Nội, 5-2017.

GS, TS Lê Ngọc Hùng

Đại học Quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền