Trang chủ    Thực tiễn    Ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông hiện đại ở thành phố Hà Nội hiện nay
Thứ hai, 26 Tháng 11 2018 15:58
1406 Lượt xem

Ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông hiện đại ở thành phố Hà Nội hiện nay

(LLCT) - Ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện cải cách hành chính nhà nước. Tại Hà Nội, việc triển khai nhiệm vụ này đạt nhiều kết quả bước đầu rất quan trọng, song còn một vài hạn chế cần khắc phục. Đề làm được điều đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quản lý, con người thực hiện đến cơ sở vật chất.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng mức độ cấp thiết của việc hiện đại hóa nền hành chính trong những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm có những chủ trương, chính sách ứng dụng và phát triển lĩnh vực quan trọng này, như:  Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17-10-2000 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Nghị Quyết số 36-NQ/TW, ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Công tác hiện đại hóa hành chính, trong đó có việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 ban hành tại Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ. Theo đó, đến năm 2020, 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc; đảm bảo dữ liệu điện tử phục vụ hầu hết các hoạt động trong các cơ quan; hầu hết các giao dịch của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử, mọi lúc, mọi nơi, dựa trên các ứng dụng truyền thông đa phương tiện; hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên mạng ở mức độ 3 và 4. Mạng thông tin điện tử hành chính của Chính phủ  đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau; ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính nhà nước, giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong hoạt động dịch vụ hành chính công, dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công; công bố danh mục các dịch vụ hành chính công trên Mạng thông tin điện tử hành chính của Chính phủ trên Internet. Phát huy những kết quả đạt được của việc ứng dụng công nghệ thông tin những năm qua trong quá trình triển khai công tác cải cách hành chính theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ, việc ứng dụng công nghệ thông tin ở thành phố Hà Nội luôn được quan tâm triển khai thực hiện trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; trong đó, có việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai mô hình cơ chế một cửa và một cửa liên thông ở thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực:

Thứ nhất, UBND thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc Thành phố Hà Nội nói chung và trong thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông nói riêng. Ngay khi Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND về việc ban hành quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố Hà Nội có hiệu lực, Thành phố yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông kịp thời cập nhật các mẫu phiếu, sổ và phần mềm một cửa đang triển khai tại các cơ quan, đơn vị; các sở, ngành, UBND cấp huyện đang sử dụng phần mềm một cửa điện tử riêng lẻ chỉnh sửa phần mềm đảm bảo yêu cầu về quy trình, mẫu phiếu, sổ. Thành phố cũng chỉ đạo việc thực hiện thống nhất, thông suốt một phần mềm một cửa tại tất cả các Sở, ban, ngành, UBND các cấp đồng thời tích hợp với Cổng dịch vụ công trực tuyến của Thành phố. Phần mềm một cửa đang trong quá trình thử nghiệm (tại 6 sở, ngành, 4 quận, huyện) trước khi triển khai đồng bộ ở tất các các cơ quan, đơn vị(1). Thành phố đã triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Ngày 28-8-2017, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 5994/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Thứ hai, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 đối với toàn bộ các hoạt động liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện tự công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:200. Một số đơn vị làm tốt, đạt kết quả cao là: Sở Nội vụ, Sở Công thương, UBND huyện Gia Lâm, UBND huyện Thanh Oai, UBND quận Ba Đình(2),…

Thứ ba, Thành phố đẩy mạnh cả về số lượng, chất lượng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố và Cổng dịch vụ công trực tuyến. Tính đến ngày 31-8-2018, 552/1922 dịch vụ công trực tuyến đã đưa vào hoạt động (trong đó có 382 dịch vụ mức 3 và 170 dịch vụ mức 4) chiếm 28,7% tổng số dịch vụ công của cơ quan hành chính Thành phố(3). Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chiếm 90% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, trong đó lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp có tỷ lệ hồ sơ thực hiện qua mạng nhiều nhất. Sở Y tế, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 48 thủ tục hành chính, mức độ 4 là 5 thủ tục hành chính. Sở Thông tin và Truyền thông, 7 thủ tục hành chính mức độ 3, 01 thủ tục hành chính mức độ 4, trong 8 tháng đầu năm 2017, Sở tiếp nhận 2.800 hồ sơ qua mạng trên tổng số 3.152 hồ sơ tiếp nhận (tỷ lệ đạt 88,9%). Thành phố tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục đã được UBND Thành phố  ban hành đến hết năm 2018 đảm bảo tỷ lệ 55% thủ tục hành chính được UBND Thành phố phê duyệt. Thành phố tích cực triển khai hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Thành phố, gắn với cổng dịch vụ công trực tuyến của Thành phố, tích hợp chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông hiện đại ở thành phố Hà Nội hiện nay đang tồn tại một số hạn chế, như: Trang thiết bị phục vụ người dân, tổ chức ở một số cơ quan, đơn vị nhất là tuyến xã còn đơn sơ, chưa hiện đại; phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa kết nối và vận hành thống nhất trong toàn Thành phố nên hiệu quả sử dụng có nơi còn hạn chế; một số phần mềm quản lý chuyên ngành còn thiếu. Tính chuyên nghiệp của một số công chức, viên chức chưa cao; sự phối hợp trong giải quyết công việc giữa các Ban quản lý dự án với các Sở, ngành có lúc, có nơi còn chưa tốt, nhiều bất cập. Sự tham gia của người dân, tổ chức đối với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đặc biệt ở cấp xã, còn hạn chế do công tác thông tin tuyên truyền, khả năng áp dụng, thực hiện dịch vụ công trực tuyến hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại trên và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông hiện đại ở thành phố Hà Nội hiện nay cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, nâng cao nhận thức về vai trò ứng dụng công nghệ thông tin

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy từ cấp Thành phố đến cấp cơ sở đối với công tác ứng dụng công nghệ thông tin một cách thiết thực, hiệu quả, góp phần đổi mới lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính. Người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan phải quan tâm chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tổ chức, cơ quan phụ trách. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan phải theo thứ tự ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tế, bảo đảm hiệu quả, khả thi, thiết thực và tiết kiệm.

Thứ hai, xây dựng môi trường pháp lý, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin

Xây dựng quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử trong các bộ phận một cửa, giảm văn bản giấy. Bảo đảm tận dụng triệt để hạ tầng kỹ thuật được trang bị để tăng cường trao đổi, chia sẻ các văn bản điện tử; từng bước trao đổi văn bản điện tử với các cơ quan Nhà nước. Xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan (kiến trúc công nghệ thông tin, chuẩn thông tin, quy trình tích hợp thông tin,...). Xây dựng các quy định về an toàn, an ninh thông tin, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin. Xây dựng các văn bản quy định về tài chính phù hợp đặc thù ứng dụng công nghệ thông tin. Phát triển các hình thức thuê, khoán trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với quy định của Chính phủ.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế

Đào tạo nâng cao năng lực, trình độ sử dụng tin học của cán bộ công chức làm việc ở Bộ phận một cửa về việc ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện hiệu suất công việc, giảm thiểu tâm lý e ngại, né tránh trong sử dụng máy tính và các thiết bị tin học. Thay đổi phong cách làm việc của cán bộ công chức từ môi trường giấy tờ chuyển sang làm việc trên môi trường máy tính và các hệ thống thông tin, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và thúc đẩy hoạt động chuyên môn nghiệp vụ.

Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trao đổi kinh nghiệm về chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin cho lãnh đạo các cơ quan. Tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, đảng viên và công chức. Đẩy mạnh và xã hội hóa việc bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng sử dụng máy tính, khai thác internet cho cán bộ, đảng viên và công chức.

Thứ tư, chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất, kiểm tra, giám sát, bảo đảm triển khai đồng bộ các nội dung của Chương trình

Kiện toàn cơ cấu tổ chức và phương thức chỉ đạo, quản lý ứng dụng công nghệ thông tin các cấp. Có hướng dẫn chung trong các cơ quan về việc xây dựng các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Kết hợp chặt chẽ việc triển khai Chương trình này với việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan để có những giải pháp thúc đẩy kịp thời. Xem xét đưa tiêu chí hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào các phong trào thi đua, bình xét khen thưởng.

Khảo sát, đánh giá tổng thể hiện trạng hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, đầu tư nâng cấp và từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, hiệu quả tại các cơ quan. Trên cơ sở các ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang triển khai tại các Bộ phận một cửa, tiến hành tổng kết đánh thực trạng và có biện pháp nâng cấp, phát triển đồng bộ các hệ thống thông tin và phần mềm ứng dụng trên cơ sở đảm bảo triển khai đồng bộ các ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước tự động hóa các quy trình thu thập, xử lý, truyền tài, lưu trữ và cung cấp thông tin trong toàn bộ hoạt động.

_________________________

(1) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội: Báo cáo số 327/BC-UBND sơ kết thực hiện Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố Hà Nội, 2017.

(2) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội: Báo cáo số 327/BC-UBNDsơ kết thực hiện Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố Hà Nội, 2017.

(3) Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội: Báo cáo số 235/BC-UBND Công tác cải cách hành chính quý III năm 2018 của Thành phố Hà Nội.

 

TS Trịnh Thanh Tâm

Viện Xây dựng Đảng

Học viện CHính trị quốc gia Hồ Hồ Chí Minh

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền