Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao chất lượng hoạt động ban hành nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp xã ở nước ta hiện nay
Thứ năm, 29 Tháng 11 2018 11:26
1841 Lượt xem

Nâng cao chất lượng hoạt động ban hành nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp xã ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã (xã, phường, thị trấn) là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. HĐND có 2 chức năng cơ bản: chức năng quyết định và chức năng giám sát. Để thực hiện chức năng quyết định, HĐND cấp xã có thẩm quyền ban hành Nghị quyết để quyết định chủ trương, biện pháp trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội, thông tin, thể dục thể thao, bảo vệ tài nguyên và môi trường, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong những năm qua, hoạt động ban hành nghị quyết của HĐND cấp xã đã góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế; thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, để xây dựng HĐND thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; nâng cao chất lượng hoạt động ban hành nghị quyết là yêu cầu tất yếu, khách quan.

1. Một số kết quả đạt được trong hoạt động ban hành nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp xã

Thứ nhất, hoạt động soạn thảo nghị quyết của HĐND cấp xã

Đây là khâu quan trọng mang tính quyết định trong quá trình ban hành nghị quyết của HĐND. Thực tế cho thấy, đối với dự thảo nghị quyết do Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã soạn thảo và trình HĐND cùng cấp, nhiều địa phương đã làm tốt việc điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng, thu thập thông tin, tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết; lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, của nhân dân, tại thôn, làng, tổ dân phố, khu phố về dự thảo nghị quyết với các hình thức thích hợp. Do đó, đa số các nghị quyết đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao, bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND quan tâm đôn đốc, yêu cầu UBND cấp xã thực hiện nghiêm chương trình xây dựng nghị quyết và quyết tâm xây dựng nghị quyết; chủ động trong soạn thảo; đồng thời, trực tiếp tham gia ngay từ khâu soạn thảo nghị quyết như: tham gia các hội nghị khảo sát, tham vấn, tham gia góp ý kiến về nội dung dự thảo nghị quyết...

Thứ hai, hoạt động thẩm tra dự thảo nghị quyết

Thẩm tra là đánh giá dự thảo nghị quyết được trình tại kỳ họp HĐND. Đây là cơ sở giúp đại biểu HĐND có thêm thông tin, thấy được những vấn đề cần tập trung thảo luận để quyết định những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng ở địa phương; thu, chi ngân sách; hoạt động giám sát... Đối với những dự thảo nghị quyết cần thẩm tra, trong quá trình triển khai Thường trực HĐND mời đại diện các tổ trưởng tổ đại biểu; đại diện tổ chức đoàn thể ở xã, thôn, khu dân cư tham dự để lấy ý kiến. Thực tiễn cho thấy, đối với dự thảo nghị quyết đã được thẩm định thì việc thảo luận tập trung hơn và chất lượng nghị quyết tốt hơn. Nhiều báo cáo thẩm tra đã có sự chuẩn bị công phu, nêu và phân tích, lý giải thực trạng một cách sát thực, phù hợp với thực tế, có độ tin cậy và thuyết phục; đề xuất, kiến nghị các giải pháp thiết thực phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Có thể nói đây là thành tựu khá nổi bật trong hoạt động của HĐND cấp xã nói chung và hoạt động ban hành nghị quyết của HĐND cấp xã ở nước ta nói riêng. Có thể nói, trong các khâu của hoạt động ra quyết định của HĐND thì khâu thẩm định, điều tra có vai trò quyết định, có ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động ra quyết định của HĐND.

Thứ ba, hoạt động xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân:

Thảo luận nghị quyết là một giai đoạn bắt buộc trong quá trình ban hành nghị quyết của HĐND và được thực hiện tại kỳ họp HĐND. Các hoạt động trình bày dự thảo nghị quyết, báo cáo thẩm tra đã được nhiều đơn vị đổi mới theo hướng trình bày tóm tắt, dành thời gian tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng, cốt lõi, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác chuẩn bị như: gửi dự thảo nghị quyết và tài liệu có liên quan đến đại biểu trước thời gian khai mạc kỳ họp theo luật định; tổ chức cho các đại biểu tiếp xúc xử tri; tạo các điều kiện thuận lợi cho đại biểu trong việc thu thập thông tin... do đó, các đại biểu có thời gian nghiên cứu dự thảo. Tại diễn đàn, đa số các đại biểu HĐND đã tập trung cao tư duy trí tuệ để thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng nội dung nghị quyết của HĐND bằng nhiều phương thức, cách thức khác nhau. Nhìn chung, các ý kiến của đại biểu đã tập trung thảo luận sâu vào những vấn đề trọng tâm của nghị quyết và những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, được nhân dân quan tâm. Các đại biểu HĐND cấp xã đặc biệt quan tâm đầu tư thời gian, tâm huyết, trí tuệ để nghiên cứu các nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, do đó, nghị quyết khi ban hành đã cụ thể hóa đúng đắn các chủ trương của cấp ủy về quy hoạch, kế hoạch và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từng năm và cả nhiệm kỳ; quyết định phân bổ nguồn lực công và nguồn lực đầu tư được huy động từ nhiều thành phần kinh tế hợp lý, đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ, “năng lực, trình độ, trách nhiệm của đại biểu là yếu tố quyết định chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân”(1).

Có thể khẳng định rằng, thời gian qua, các nghị quyết của HĐND cấp xã đã kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn từng địa phương. Các nghị quyết về cơ bản bảo đảm đúng quy trình, thủ tục ban hành; nội dung bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý và khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước; phù hợp xu thế phát triển, sát thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế; từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Những tồn tại, hạn chế trong hoạt động ban hành nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp xã thời gian qua

Những kết quả đạt được trong hoạt động ban hành nghị quyết của HĐND cấp xã thời gian qua là rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác ban hành nghị quyết vẫn còn một số hạn chế, bất cập, cụ thể như sau:

Thứ nhất, một số nghị quyết nội dung còn chung chung, thiếu tính chặt chẽ, thiếu căn cứ pháp lý; số liệu thống kê không chuẩn xác; các đánh giá, phân tích còn thiếu tính thuyết phục; các thông tin trong nội dung dự thảo nghị quyết mới chỉ dừng lại ở những con số thống kê; chỉ tiêu đưa ra chưa dự báo được chính xác xu hướng phát triển và nguồn lực. Việc tiến hành, thực hiện các quy trình ban hành nghị quyết vẫn còn mang tính chiếu lệ. Cá biệt, có những hoạt động bị cắt xén quy trình một cách tùy tiện. Nhiều dự thảo nghị quyết chưa được tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết hoặc nếu có cũng chỉ mang tính hình thức. Trong xây dựng dự thảo nghị quyết còn có hiện tượng chưa nghiên cứu đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan; chưa tổ chức điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá tình hình thực tế, do vậy còn có những nghị quyết tính khả thi không cao; chưa sát với thực tế.

Thứ hai, công tác thẩm tra dự thảo nghị quyết ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, thiếu hiệu quả. Việc nghiên cứu các văn bản, tài liệu, thu thập thông tin liên quan đến công tác thẩm tra dự thảo nghị quyết chưa được sâu, toàn diện, cụ thể. Có báo cáo thẩm tra còn dàn trải, chưa phân tích một cách sâu sắc, lập luận chưa thật đầy đủ, tính phản biện chưa cao ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của dự thảo các nghị quyết của HĐND.

Thứ ba, ở một số địa phương, việc điều hành các phiên họp thảo luận, thông qua nghị quyết còn lúng túng, thiếu khoa học, chưa có nhiều ý kiến tham gia thảo luận. Một bộ phận đại biểu HĐND cấp xã chưa phát huy được hết tinh thần dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm; chưa dành nhiều thời gian đọc, nghiên cứu dự thảo nghị quyết và các tài liệu có liên quan. Thậm chí có đại biểu khi đến tham dự kỳ họp mới đọc tài liệu nên việc tiếp nhận thông tin thường không đầy đủ, kịp thời. Do vậy, ít tham gia ý kiến thảo luận hoặc có tham gia nhưng không sâu, thậm chí có đại biểu không nhận định đúng thực trạng vấn đề, mục đích, mục tiêu cụ thể, giải pháp của nghị quyết.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế:

Một là, Thường trực HĐND chỉ có Chủ tịch và Phó Chủ tịch, đa số Chủ tịch HĐND lại kiêm Bí thư Đảng ủy xã. Cán bộ giúp việc là công chức văn phòng thống kê vừa giúp việc cho UBND, vừa giúp việc cho HĐND cấp xã. Trong một thời gian dài cơ cấu tổ chức của HĐND cấp xã không có các ban, từ năm 2016 mặc dù đã được thành lập 2 ban là Ban kinh tế - xã hội và Ban Pháp chế nhưng thành viên các ban, kể cả trưởng, phó ban đều hoạt động kiêm nhiệm, trong khi khối lượng công việc của HĐND khá nhiều là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã nói chung, hoạt động ban hành nghị quyết của HĐND xã nói riêng.

Hai là, trình độ, năng lực và kinh nghiệm của đại biểu HĐND cấp xã còn có những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Có những đại biểu, đặc biệt một bộ phận đại biểu ở các xã miền núi thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa còn thiếu kiến thức pháp luật, kiến thức quản lý nhà nước, thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu kỹ năng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ đại biểu.

Ba là, việc phân bổ kinh phí ngân sách cho hoạt động của HĐND còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Chính vì vậy, các đại biểu còn thiếu những điều kiện cần thiết về trang thiết bị, tài liệu, thông tin... phục vụ cho công tác ban hành nghị quyết.

Có thể khẳng định rằng những năm qua, hoạt động ban hành nghị quyết của HĐND cấp xã ở nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng; kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trường của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân; cơ bản đảm bảo tính hợp pháp, tính hợp lý, tính khả thi, góp phần quan trọng thúc dẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, từng bước khẳng định và phát huy vị trí, vai trò là cơ quan đại diện của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế, yếu kém cần phải sớm khắc phục bằng những biện pháp cụ thể. Giải quyết được những tồn tại, hạn chế trên đây sẽ tạo ra bước đột phá lớn trong thành tựu phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định tình hình chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã đáp ứng yêu cầu mới hiện nay

a. Tăng cường sự lãnh đạo của đảng uỷ đối với hoạt động ban hành Nghị quyết của HĐND cấp xã

Đảng uỷ cấp xã cần phát huy vai trò định hướng chính trị thông qua việc đề ra các chủ trương, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương; chỉ đạo HĐND cấp xã kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của cấp ủy thành các nghị quyết, nhiệm vụ, đề án, quyết định cụ thể. Trước mỗi kỳ họp, Đảng uỷ xã cần nghiên cứu kỹ dự thảo nghị quyết của HĐND để có ý kiến chỉ đạo cụ thể; đặc biệt là nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; về phân bổ dự toán ngân sách nhà nước và chi ngân sách địa phương, nghị quyết về chương trình giám sát... Cấp ủy cần quan tâm định hướng về nội dung và phương thức hoạt động giám sát của HĐND; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo HĐND trong suốt quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết về chương trình giám sát; trong hoạt động xem xét báo cáo; chất vấn, xem xét quyết định của UBND cấp xã trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm; hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Về công tác cán bộ, cấp ủy cơ sở cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác bầu cử HĐND, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, nâng cao chất lượng. Cấp ủy kịp thời cho ý kiến để định hướng Mặt trận Tổ quốc tổ chức hoạt động hiệp thương để lựa chọn những đại biểu HĐND xã thực sự là người đại biểu, đại diện tiêu biểu cho nhân dân trước khi tiến hành bầu cử; khắc phục triệt để tư tưởng coi trọng cơ cấu, xem nhẹ tiêu chuẩn hoặc khuynh hướng cá nhân, gia đình, dòng họ, làng xóm; thảo luận thống nhất giới thiệu nhân sự cấp ủy ra ứng cử, đề cử hoặc rút khỏi các chức danh trong HĐND, trưởng các ban của HĐND.

b. Đổi mới nội dung, phương thức ban hành nghị quyết của HĐND cấp xã

Trước hết, phải xác định đúng nội dung, lĩnh vực cần ban hành nghị quyết. Việc lựa chọn nội dung để ban hành nghị quyết phải trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của cấp ủy, quy hoạch chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xuất phát từ yêu cầu thực tế về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ cụ thể của HĐND trong từng thời điểm nhất định. Nội dung nghị quyết phải thực sự cần thiết, cấp bách, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống, công tác quản lý xã hội... Đặc biệt, phải làm rõ mục đích của việc ban hành nghị quyết, đối tượng và mức độ tác động đến các đối tượng, các nguồn lực, khả năng của địa phương bảo đảm nghị quyết được thực thi.

Hai là, nâng cao chất lượng soạn thảo dự thảo nghị quyết. Các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo nghị quyết phải thực hiện theo đúng quy trình, các bước, các khâu. Tuỳ theo tính chất của từng nghị quyết để thực hiện các khâu: tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng; thu thập thông tin; tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết; mục tiêu đề ra phải cụ thể, thiết thực và có tính khả thi cao; phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng ngân sách của địa phương.

Ba là, tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động ban hành nghị quyết. Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND và Mặt trận Tổ quốc cấp xã để tạo cơ sở pháp lý tăng cường trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động ban hành nghị quyết. Trong quá trình tổ chức thực hiện cần phát huy tính tích cực, chủ động của Thường trực HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong thẩm tra, lấy ý kiến góp ý của các chủ thể liên quan, của người dân, người chịu tác động cho dự thảo nghị quyết. Đặc biệt, trong ban hành nghị quyết của HĐND là văn bản quy phạm pháp luật, các ban HĐND chủ động vào cuộc, phối hợp ngay từ đầu với các cơ quan chuyên môn của UBND trong việc chuẩn bị nội dung cho kỳ họp; chủ động tham dự các cuộc họp do UBND tổ chức để nắm bắt thông tin, tham gia, góp ý kiến ngay từ khâu soạn thảo báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình HĐND. Phối hợp chặt chẽ với UBND trong suốt quá trình chuẩn bị mọi mặt cho kỳ họp; trước khi khai mạc kỳ họp từ 7-10 ngày, Thường trực HĐND và UBND nên tổ chức họp để rà soát lại toàn bộ công việc chuẩn bị cho kỳ họp, đối với những nội dung chuẩn bị chưa chu đáo, quan điểm chưa thống nhất, còn nhiều ý kiến băn khoăn cần đưa ra bàn bạc và thống nhất hướng xử lý những vấn đề có thể phát sinh trong thảo luận tại kỳ họp HĐND.

Bốn là, đổi mới phương thức, cách thức thảo luận, thông qua nghị quyết tại kỳ họp. Trong điều hành các phiên họp, chủ tọa kỳ họp phải chủ động từ khâu dự kiến nội dung đến thời gian, chương trình kỳ họp. Chủ tọa cần có định hướng, gợi ý những vấn đề trọng tâm; những nội dung còn có ý kiến trái chiều; làm rõ mục đích, đối tượng, phạm vi tác động của nghị quyết, nguồn lực thực hiện hay tính khả thi của nghị quyết... để đại biểu HĐND tập trung thảo luận làm rõ. Chương trình kỳ họp cần giảm thời gian đọc tài liệu, nghe báo cáo tại hội trường, tăng cường thời gian thảo luận. Trong thảo luận, chủ tọa phiên họp nên yêu cầu đại biểu phát biểu thẳng, trực tiếp vào các vấn đề trọng tâm, tránh dàn trải. Tăng cường hình thức thảo luận bằng văn bản của các đại biểu để huy động được tối đa trí tuệ tập thể của các đại biểu HĐND trong thảo luận nghị quyết.

Năm là, chú trọng công tác triển khai thực hiện nghị quyết: sau kỳ họp, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND cần phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, cơ quan chuyên môn tiến hành tiếp xúc cử tri để tuyên truyền nghị quyết tới các tầng lớp nhân dân; kết hợp tuyên truyền trên panô, áp phích, đài truyền thanh xã... nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết. UBND cấp xã cần xây dựng kế hoạch, hướng dẫn kịp thời, sát thực và đúng nội dung, tinh thần của nghị quyết. Khi cần thiết hoặc theo lộ trình giai đoạn của nghị quyết cần có sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện nghị quyết.

c. Nâng cao trách nhiệm của Thường trực HĐND cấp xã trong hoạt động ban hành nghị quyết

Để nâng cao chất lượng hoạt động ban hành nghị quyết, Thường trực HĐND cần phát huy tối đa vai trò hoạt động tập thể và vai trò của từng thành viên Thường trực HĐND. Trong đó, cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau:

Một là, chủ động, kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy và tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của HĐND cấp trên trong công tác ban hành nghị quyết, đặc biệt là trong việc tranh thủ ý kiến tư vấn của các chuyên gia về vấn đề soạn thảo, ban hành nghị quyết. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở Ủy ban nhân dân, các ban của HĐND trong việc chuẩn bị dự thảo nghị quyết, khắc phục tình trạng bị động, không đảm bảo thời gian, tiến độ hoàn thành, ảnh hưởng đến chất lượng công tác thẩm tra và thảo luận tại kỳ họp.

Hai là, Thường trực HĐND cần tập trung nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị kỳ họp. Nội dung, chương trình kỳ họp và các tài liệu liên quan gửi đến đại biểu theo đúng thời gian luật định, đúng quy chế hoạt động của HĐND. Chương trình kỳ họp cần được Thường trực HĐND chỉ đạo xây dựng một cách khoa học; phân bố thời gian thỏa đáng cho thảo luận, thông qua dự thảo nghị quyết; gắn nội dung công việc với phân công điều hành, thực hiện. Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND đề cao vai trò cá nhân trong việc chủ trì, điều hành các phiên họp. Việc điều hành phiên họp bảo đảm linh hoạt, tạo được không khí dân chủ, cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm; gợi mở nội dung để đại biểu thảo luận vào những vấn đề trọng tâm cần bàn của nghị quyết.

Ba là, cần chủ động đề xuất chương trình, kế hoạch, nội dung bồi dưỡng đại biểu HĐND nhằm nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của các đại biểu. Trong chương trình đề xuất, cần chú trọng bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới; kỹ năng thảo luận, tranh luận, xem xét dự thảo nghị quyết... 

d. Tăng cường công tác thẩm tra dự thảo nghị quyết

Một là, các ban HĐND phải chủ động tham gia ngay từ đầu quá trình chuẩn bị xây dựng dự thảo nghị quyết; tham gia các cuộc họp bàn về nội dung dự thảo; các hội nghị lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan, của nhân dân. Như vậy, sẽ giúp cho các thành viên các ban có thêm cơ sở để tham gia xây dựng báo cáo thẩm tra đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Thực hiện đúng quy trình trong thẩm tra dự thảo nghị quyết. Dự thảo nghị quyết, các tài liệu có liên quan đến nội dung thẩm tra cần được gửi sớm để thành viên các ban có nhiều thời gian nghiên cứu, xem xét, thu thập thông tin; sắp xếp thời gian khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động... từ đó, trao đổi với cơ quan soạn thảo để chỉnh sửa, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, báo cáo Thường trực HĐND những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Hai là, nội dung báo cáo thẩm tra phải đánh giá một cách toàn diện với những nhận định, phân tích và lý giải có căn cứ pháp lý, có cơ sở thực tiễn; từ đó, giúp đại biểu HĐND có cơ sở hình thành các ý kiến độc lập. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực đảm bảo để thực thi nghị quyết cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo. Để HĐND có những thông tin đầy đủ, đa chiều về những kiến nghị trong cuộc thẩm tra; báo cáo phải nêu rõ những vấn đề mà UBND cần giải trình bằng văn bản gửi đại biểu tại kỳ họp để đại biểu nghiên cứu khi tham gia thảo luận.

e. Nâng cao năng lực thực hiện chức năng quyết định của đại biểu HĐND cấp xã

Để nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND cấp xã, các đại biểu phải nâng cao kiến thức chuyên môn, rèn luyện các kỹ năng cần thiết; nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức đầy đủ vai trò, nhiệm vụ của mình, xác định rõ trách nhiệm trước cử tri và trước tập thể HĐND. Các đại biểu cần dành thời gian thỏa đáng để thu thập thông tin, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết, chuẩn bị ý kiến thảo luận chu đáo để tham gia ý kiến thảo luận tại kỳ họp, góp phần đảm bảo tính hợp lý, tính khả thi của nghị quyết. Chính quyền cần quan tâm bồi dưỡng kiến thức và nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm rèn luyện, phát triển kỹ năng hoạt động cần thiết cho đại biểu.

Hoạt động ban hành nghị quyết của HĐND cấp xã là hết sức quan trọng và cần thiết. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chung của cả nước, trên cơ sở điều kiện cụ thể của từng địa phương, đòi hỏi HĐND các cấp nói chung và HĐND cấp xã nói riêng phải không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động ban hành nghị quyết, đảm bảo nghị quyết có tính khả thi, đi vào thực tế cuộc sống, góp phần quan trọng, trực tiếp vào việc tăng trưởng kinh tế; từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2018

(1) Kiến thức và kỹ năng cơ bản dành cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017, tr.8.

 

TS NGUYỄN THỊ THANH NHÀN

Vụ Các trường chính trị,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

TS NGUYỄN THỊ THANH NHÀN

Vụ Các trường chính trị,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền