Trang chủ    Thực tiễn    Một số điển hình trong thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở
Thứ hai, 31 Tháng 12 2018 17:49
2335 Lượt xem

Một số điển hình trong thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở

(LLCT) - Tháng 6-1997, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ra Nghị quyết về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị khóa VIII đã ra Chỉ thị 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29-NQ/CP ngày 11-5-1998, và sau đó là Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 7-7-2003 về Quy chế dân chủ ở xã. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI đã ban hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007). Đây là những cơ sở chính trị - pháp lý rất quan trọng nhằm thực hiện dân chủ cơ sở ở nước ta. Qua hơn 10 năm thực hiện pháp lệnh dân chủ cơ sở trong cả nước đã xuất hiện nhiều điển hình, nhiều cách làm hay. Bài viết đề cập một số điển hình và rút ra những kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt pháp luật dân chủ cơ sở trong thời gian tới.

 

1. Một số điển hình

Tại  Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tháng 7-2018 có nhiều tham luận, bài học kinh nghiệm hay, hiệu quả trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của một số tỉnh thành trong cả nước, tác giả xin được tổng hợp, giới thiệu để làm bài học để cho một số tỉnh nghiên cứu vận dụng, áp dụng trong thực hiện dân chủ ở cơ sở để xây dựng thành công nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Có thể kể một số điển hình sau:

a. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình

Bước vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, Ninh Bình là địa phương có xuất phát điểm thấp, bình quân đạt 5 tiêu chí/xã, có xã mới đạt 1-2 tiêu chí; cơ sở hạ tầng thấp kém, nguồn lực có hạn; một bộ phận nhân dân còn có tư tưởng chông chờ, ỷ lại. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung nghiên cứu đánh giá và có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đó là:

Một là, tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho cán bộ, công chức, nhân dân từ tỉnh đến thôn, xóm về thực hiện dân chủ ở cơ sở và xây dựng nông thôn mới; sau đó tổ chức sinh hoạt chi bộ, đoàn thể nhiều kỳ kết hợp với thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó tổ chức nhiều hoạt động phong trào thi đua để nhân dân tham gia tích cực xây dựng nông thôn mới làm thay đổi diện mạo làng xã, quê hương mình.

Hai là, thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Theo đó, tại các xã ngay từ việc xây dựng đề án quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất đai, dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, phương án sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa, vệ sinh môi trường, xây dựng đảng, hệ thống chính trị, các chính sách về an sinh xã hội, huy động đóng góp... đều được công khai để nhân dân được biết, được bàn, được quyết định, được giám sát theo đúng tinh thần Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Trong đó, chú trọng việc sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước của thôn, xóm về những nội dung xây dựng nông thôn mới để thuận lợi trong quá trình bàn bạc, quyết định, tham gia của nhân dân. Nhiều nội dung phải lấy ý kiến của nhân dân nhiều lần, trình bày kỹ lưỡng để nhân dân hiểu, nhân dân được giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng.

Ba là, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành  Quyết định phân công 55 cơ quan, đơn vị phụ trách và 98 doanh nghiệp kết nghĩa với 55 xã đặc thù nhằm giúp đỡ các xã còn nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới với phương châm “ xã là chính, cơ quan đơn vị phụ trách là quan trọng, doanh nghiệp và cần thiết”, sau 2 năm triển khai thực hiện có 16/55 xã đặc thù đạt chuẩn nông thôn mới.

Bốn là, bên cạnh quy định về 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã được ban hành, tỉnh Ninh Bình đã bổ sung thêm tiêu chí thứ 20 đó là “Ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân” để xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, sau khi  hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận, ban chỉ đạo xã phải phát phiếu lấy ý kiến của các hộ gia đình đánh giá xem xã đã đủ điều kiện để xét công nhận nông thôn mới hay chưa và chỉ trường hợp có 90% số phiếu nhất trí đồng tình trở lên mới xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là cách làm sáng tạo, góp phần đưa chỉ số SIPAS đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Ninh Bình năm 2017 xếp thứ 2 toàn quốc.

Trong 3 năm từ 2015-2017, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã thực hiện được 687 cuộc giám sát; phối hợp tham mưu cho lãnh đạo các cấp tổ chức 193 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân. Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đã trực tiếp đối thoại với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động định kỳ hàng năm. Qua đó đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nắm bắt kịp thời tâm tư tình cảm; giải quyết kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân; tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh; củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân.

Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Bình đã huy động được nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền gần 33 nghìn tỷ đồng, trong đó, huy động từ sự đóng góp của nhân dân trên 8,1 nghìn tỷ đồng; vận động nhân dân hiến trên 1.000 ha đất để dồn điền đổi thửa và xây dựng đường giao thông nông thôn, huy động trên 10 vạn ngày công. Hết năm 2017, các tiêu chí nông thôn mới ở các xã đều đạt bình quân 17 tiêu chí/xã, không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí. Đã có 80/119 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, 2/8 huyện đạt chuẩn và hoàn thành xây dựng nông thôn mới (huyện Hoa Lư và Thành phố Tam Điệp). Ninh Bình được Trung ương dánh giá là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Từ thực tiễn có thể khẳng định, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là một trong những yêu cầu không thể thiếu trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Thực hành dân chủ không chỉ là mục tiêu, động lực mà đã trở thành “ chìa khóa” tập hợp khối đại đoàn kết và huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy sức sáng tạo trong nhân dân.

b. Thái Bình nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng dân cư

Ban  Thanh tra nhân dân các xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Bình được thành lập từ cuối năm 1991 theo Pháp lệnh Thanh tra và đi vào hoạt động khá nề nếp, hiệu quả. Năm 2008, triển khai Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng, tỉnh Thái Bình thống nhất chủ trương không bầu mới ban giám sát đầu tư của cộng đồng mà kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ giám sát đầu tư của cộng đồng, chủ thể giám sát đầu tư của cộng đồng là ban thanh tra nhân dân. Cách làm này vừa phát huy được vai trò, trách nhiệm của ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, vừa tránh chồng chéo công việc giữa hai tổ chức.

Đến 2017, 286/286 xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập Ban Thanh tra nhân dân kiêm giám sát đầu tư của cộng đồng với 2.373 thành viên (bình quân 8 thành viên/ban, xã ít nhất có 5 thành viên/1 ban; xã nhiều nhất có 11 thành viên/ban), trong đó có 187 trưởng ban thanh tra nhân dân là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, phường kiêm nhiệm, 347 thành viên nữ; 915 đảng viên 526 cán bộ hưu trí; 278 ban thanh tra đã xây dựng được quy chế hoạt động. Các thành viên ban thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng được củng cố, kiện toàn và thường xuyên được bồi dưỡng tập huấn kiến thức pháp luật để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, việc giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở... góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức đơn vị. Mỗi ban thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh được cấp kinh phí hoạt động là 6.000.000đồng/năm.

Hằng năm, Ban Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng đều xây dựng chương trình hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách các khu cụm dân cư, kịp thời phát hiện và phản ánh những vụ việc vướng mắc, nổi cộm có dấu hiệu vi phạm cho tổ chức đảng, cơ quan nhà nước. Tập trung giám sát việc giải quyết tố cáo khiếu nại tại các xã phường, chính sách, chế độ an sinh xã hội, ưu đãi người có công, bảo trợ xã hội, quản lý sử dụng đất đai; thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp, quyết định, chỉ thị của UBND; giám sát hoạt động, phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức.

Trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, theo quyết định của UBND tỉnh, Ban Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện việc giám sát các công trình điện, đường, trường, trạm... qua giám sát đã phát hiện 769/2.119 lượt giám sát có sai phạm kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý. Thực hiện giám sát việc thu chi các loại quỹ, nghiệm thu và quyết toán công trình cơ sở hạ tầng do nhân dân đóng góp không để xảy ra thất thoát. Giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đặc biệt là những nội dung được quy định  công khai cho dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được quyết định; qua 2.065 lượt giám sát đã phát hiện 769 sai phạm, kiến nghị xử lý theo thẩm quyền.

Đối với công tác quản lý và sử dụng đất đai, Ban Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư đã tập trung giám sát việc quy hoạch sử dụng đất vào các dự án đầu tư, xây dựng khu công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng phúc lợi, khu tái định cư quy hoạch nông thôn mới...với 768 lượt giám sát phát hiện, kiến nghị 339 sai phạm. Giám sát 849 lượt giải quyết đơn thư khiếu nại thuộc thẩm quyền liên quan đến tranh chấp đất đai, nhà ở, đền bù thu hồi đất, chế độ chính sách người có công... góp phần tích cực vào việc giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại ngay từ cơ sở, tránh tình trạng đơn thư tồn đọng, vượt cấp, kéo dài.

Trong 5 năm từ 2012-2017, Ban Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng đã phát hiện kiến nghị 2051 vụ việc, trong đó được trả lời 1.861 vụ việc, số vụ vi phạm chưa xử lý là 449 vụ, thu nộp ngân sách 4,14 tỷ đồng, kỷ luật 59 cán bộ, công chức. Các vụ việc phát hiện vi phạm đều được đưa ra bàn bạc dân chủ, tiến hành tìm hiểu, xác minh, phân tích, đánh giá một cách khách quan, chính xác đúng quy định nhằm đưa ra những kiến nghị phù hợp.

Những kết quả của Ban Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước hoàn thiện, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình đạt được những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên tất cả các mặt, các lĩnh vực.

c. Quảng Ngãi tổ chức đối thoại của cấp ủy, chính quyền trong giải quyết vụ việc phức tạp ở cơ sở

Các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi xác định: Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai thực hiện các dự án sẽ phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đông người nếu không kịp thời, chủ động đối diện và tìm biện pháp giải quyết ngay từ khi mới manh nha ở cơ sở thì sẽ phức tạp, khó khăn trong giải quyết. Do vậy, để giải quyết ổn thỏa, dứt điểm cần phải gặp gỡ trực tiếp người dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân để lắng nghe, tiếp thu, giải đáp, chỉ đạo giải quyết khiến cho người dân cảm thấy thực sự được phát huy quyền làm chủ, còn cán bộ lãnh đạo thì hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng các vấn đề trong dân để từ đó có sự điều chỉnh chủ trương và cách làm cho phù hợp thực tiễn. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư các cấp ủy đảng trong tỉnh với nhân dân. Việc ban hành Quy chế nhằm góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; tăng cường củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, phát huy mở rộng quyền dân chủ của người dân, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong việc nắm bắt tình hình ở cơ sở, để kịp thời chỉ đạo giải quyết, hạn chế tối đa xảy ra điểm nóng.

Sau khi ban hành, các cấp ủy đảng đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện, xây dựng chương trình, kế hoạch tiếp xúc đối thoại với nhân dân. Đến nay, việc tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy với nhân dân đã đi vào nề nếp, trở thành việc làm thường xuyên, là nội dung công tác trọng tâm của bí thư cấp ủy các cấp.

Tính riêng năm 2016, 2017, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức 4 cuộc đối thoại tại 04 địa phương, đơn vị; 14/14 bí thư các huyện ủy, thành ủy đã tham gia 90 buổi tiếp xúc đối thoại với nhân dân tại các xã, phường, thị trấn; 300 lượt bí thư đảng ủy xã, phường, trị trấn tiếp xúc đối thoại với nhân dân tại 320 thôn, tổ dân phố. Kết quả giải quyết các vụ việc sau tiếp xúc đối thoại giữa bí thư cấp ủy đảng với nhân dân đạt khoảng 85%, trong đó đã giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc nổi cộm như: di dời chợ Đức Phổ, chợ Quảng Ngãi, phản đối việc thu phí trạm BOT đoạn qua huyện Tư Nghĩa, góp phần giảm thiểu tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Qua tiếp xúc đối thoại, những vụ việc bức xúc, nổi cộm, những khiếu nại, kiến nghị của người dân được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp lắng nghe, tiếp thu, giải đáp và có hướng xử lý  vừa có lý, vừa có tình, tạo môi trường dân chủ, cởi mở, gần gũi giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân. Qua đó, cán bộ lãnh đạo hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của dân để có sự điều chỉnh chủ trương, chính sách, cách quản lý, điều hành phù hợp với thực tiễn. Đồng thời kết hợp tuyên truyền, vận động, giải thích để nhân dân hiểu và đồng thuận với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

2. Học tập và phát huy kinh nghiệm của các điển hình trong thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở

Thứ nhất, đổi mới công tác tuyên tuyền, phổ biến quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân, nhất là vùng dân tộc ít người

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phải quan tâm chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đổi mới, ngoài các hình thức truyền thống (tổ chức họp, triển khai, niêm yết tại trụ sở) cần bổ sung các hình thức hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin như qua cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, in thành sách bằng tiếng dân tộc, truyền thanh bằng tiếng dân tộc; các hình thức sân khấu hóa như tổ chức các hội thi, hoạt động truyền thông của đội tuyên truyền lưu động; đưa vào chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ... để nâng cao nhận thức và hành động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về dân chủ và thực hiện quyền dân chủ(1). Cùng với đó phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình, mô hình xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua các cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đánh giá đúng thực trạng, kết quả các nội dung thông tin, chất lượng, hiệu quả đến với nhân dân, đảm bảo kịp thời, thông tin đa chiều, đi vào thực chất; chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vi phạm để chấn chỉnh, uốn nắn, rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm minh  những khuyết điểm, vi phạm (nếu có); nhân rộng điển hình, mô hình xây dựng và thực hiện sáng tạo, góp phần phát huy dân chủ, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Thứ hai, tăng cường và phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ là chiếc cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân tham gia quản lý nhà nước mà còn có ý nghĩa phát huy dân chủ to lớn, là những diễn đàn thể hiện tiếng nói của nhân dân tham gia ý kiến với Đảng và Nhà nước, đồng thời kiểm tra, giám sát hoạt động của Đảng và Nhà nước. Do vậy, Mặt trận Tổ quốc phải phối hợp tốt với chính quyền các cấp quán triệt và thực hiện các nội dung theo Quy chế dân chủ gắn việc thực hiện với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”; phát huy vai trò của nhân dân thực hiện quy chế dân chủ gắn với các phong trào thi đua yêu nước và chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội, nhất là giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, hoạt động của chính quyền địa phương, đảm bảo công khai những vấn đề để dân biết, dân bàn và cho ý kiến trước khi  ban hành, tập trung giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hiện cải cách thủ tục hành chính; thu chi các nguồn quỹ do nhân dân đóng góp, giải quyết các kiến nghị của cử tri; công khai kết luận thanh tra; Qua đó có kiến nghị, đề xuất đối với cơ quan đảng, nhà nước trong hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân phải hướng vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia học tập quy chế, tham gia vào giám sát việc thực hiện các công trình cụ thể của địa phương, kiện toàn Ban thanh tra nhân dân, củng cố cộng đồng dân cư ở thôn, bản, tiểu khu, tổ dân phố. Thực hiện quy chế phải gắn với công tác xây dựng đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), phát huy vai trò lãnh đạo của đảng bộ, Chi bộ cơ sở; thực hiện tốt dân chủ trong Đảng. Thực tế cho thấy, ở phường, xã, thị trấn, khối, xóm nào được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, của chính quyền thì nơi đó thực hiện tốt quy chế dân chủ ở xã.

Thứ ba, phát huy dân chủ gắn với kỷ cương pháp luật, xử lý nghiêm minh đối với các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp lợi dụng dân chủ, dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước ta, gây mất trật tự về an ninh, trật tự và những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cho nhân dân. Xây dựng cơ chế để nhân dân tham gia ý kiến để Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định. Đặt người dân vào trung tâm của quá trình hoạch định chính sách trở thành nguyên tắc, yêu cầu và mục đích của thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở ở nước ta hiện nay.

___________________________________

(1) Các tỉnh làm tốt nội dung tuyên truyền là: Cần Thơ tuyên truyền được 46.487 cuộc với 1.899.558 lượt người tham dự; Vĩnh phúc xây dựng 2 chuyên mục “Dân chủ ở cơ sở” phát trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh; Yên Bái thực hiện tuyên truyền thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên Báo Yên Bái; TP Hồ Chí Minh hằng tháng duy trì chương trình  “lắng nghe và trao đổi” trên Đài truyền hình Thành phố, chương trình “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” trên Đài phát thanh thành phố; Lâm Đồng xây dựng chuyên mục “Dân vận khéo” phát hằng tháng trên truyền hình, phát thanh để kịp thời đưa tin những điển hình thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở; các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Nghệ An  in sách bằng tiếng dân tộc và có chuyên mục thực hiện dân chủ cơ sở trong xây dựng nông thôn mới bằng các tiếng Thái, Mông trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh... Đồng Tháp tổ chức mô hình : Hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cộng đồng quản lý xây dựng ấp nông thôn mới toàn diện”.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo chuyên đề của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phục vụ Hội nghị toàn quốc đánh giá thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tháng 7-2018.

2. Báo cáo tổng kết 17 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của các tỉnh, thành trên cả nước.

3. Tài liệu hội nghị Đánh giá kết quả kiểm tra và trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cụm các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc; cụm các tỉnh miền Trung; cụm các tỉnh phía Nam.

4. Tài liệu Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

5. Chỉ thị 30 - CT/TW, ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

6. Nghị định số 29-NQ/CP ngày 11-5-1998, Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 7-7-2003 về Quy chế dân chủ ở xã.

7. Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007).

8. Kết luận số 65-KL/TW, ngày 4-3-2010 của  Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa X về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

9. Kết luận 120 KL/TW, ngày 7-1-2016, Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

 

NCS NGUYỄN THANH HUYỀN

Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Điện Biên

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền