Trang chủ    Thực tiễn    Tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ năm, 25 Tháng 4 2019 15:48
3414 Lượt xem

Tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh

(LLCT) - Trong hơn 30 năm đổi mới, thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu to lớn trong thực hiện tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GDP, thu nhập của người dân, các thành tựu về y tế, việc làm, xóa đói, giảm nghèo... Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội còn biểu hiện gay gắt khi khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo ngày càng rộng hơn, nhiều vấn đề xã hội chưa được giải quyết. Từ việc phân tích thực trạng, bài viết đưa ra những giải pháp mang tính định hướng để giải quyết tốt hơn nữa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội ở Thành phố trong thời gian tới.

1. Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội

Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng tổng sản phẩm quốc dân hoặc sự gia tăng tổng sản phẩm quốc dân đầu người trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). Nội hàm của tăng trưởng thể hiện ở quy mô và tốc độ. Quy mô tăng trưởng phản ánh sự gia tăng nhiều hay ít, còn tốc độ tăng trưởng được sử dụng với ý nghĩa so sánh tương đối và phản ánh sự gia tăng nhanh hay chậm của các thời kỳ. Tăng trưởng kinh tế thường được biểu hiện dưới dạng giá trị, được đo bằng các chỉ tiêu giá trị như: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP); Tổng thu nhập quốc dân (GNP); Thu nhập bình quân đầu người (GDP/người/năm)... Nếu quy mô và tốc độ tăng trưởng của các chỉ tiêu phản ánh tổng thu nhập và thu nhập bình quân đầu người cao, thì đó là biểu hiện tích cực về mặt lượng của tăng trưởng kinh tế.

Tiến bộ xã hội xuất hiện khá sớm trong lịch sử tư tưởng nhân loại, tùy vào đặc điểm của thời đại, cũng như cách tiếp cận khác nhau, quan điểm về tiến bộ xã hội được sử dụng với nhiều ý nghĩa và được bổ sung, phát triển trở thành một quan điểm có nội hàm phong phú. Hiện nay, vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về tiến bộ xã hội, song có thể hiểu: tiến bộ xã hội là khái niệm phản ánh con đường tiến lên của xã hội từ trình độ thấp đến trình độ cao hơn, đem lại những giá trị vật chất và tinh thần tốt đẹp hơn cho sự hoàn thiện bản chất con người. Những thước đo chủ yếu về tiến bộ xã hội là: chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số nghèo của con người (HPI), chỉ số bất bình đẳng, mức độ thỏa mãn nhu cầu cơ bản của con người...

Tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội trong quan điểm Mácxít đều vì sự phát triển của con người, chủ thể của quá trình phát triển, trong đó, tăng trưởng kinh tế chính là điều kiện để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thực hiện tiến bộ xã hội, là thước đo của tiến bộ xã hội; tiến bộ xã hội là nhân tố động lực để có tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; tiến bộ, công bằng xã hội là biểu hiện của tăng trưởng kinh tế; thực hiện tiến bộ xã hội phù hợp sẽ trở thành động lực để tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.

Nhận thức rõ vấn đề đó, văn kiện Đại hội VI của Đảng đã khẳng định: “Trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, những mục tiêu xã hội là mục đích của các hoạt động kinh tế... Trên cơ sở phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập quốc dân, từng bước mở rộng quỹ tiêu dùng xã hội, làm cho nó giữ vị trí ngày càng lớn trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa và các sự nghiệp phúc lợi xã hội”(1). Sau Đại hội, công cuộc đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu. Trước những đổi thay sinh động nảy sinh từ cuộc sống, Đảng ta thường xuyên coi trọng tổng kết thực tiễn trong nước, tham khảo kinh nghiệm của thế giới và trung thành với quan điểm lấy con người làm trung tâm của chiến lược phát triển. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: Một trong những mối quan hệ lớn cần tiếp tục quán triệt và xử lý tốt là quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”(2). Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là “bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững”(3).

2. Thực hiện tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, là vùng đất hội tụ những tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang chịu sự tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh đó, vấn đề thực hiện tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội luôn được Đảng bộ, chính quyền Thành phố quán triệt, chủ trương thực hiện trong từng bước, từng chính sách nhằm hoàn thành mục tiêu chiến lược phát triển: “Nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống nhân dân. Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng cuộc sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”(4).

a. Thành tựu

Về tăng trưởng kinh tế. Với những chủ trương, chính sách phát triển phù hợp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố khá cao trong thời gian qua. Nếu giai đoạn trước đổi mới (1976 - 1985), tốc độ tăng GDP bình quân 2,7%/năm, thì trong 30 năm đổi mới (1986 - 2016) đạt mức bình quân 10,7%, gấp 1,6 lần bình quân cả nước và năm 2017 đạt 8,25%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Năm 2015, cơ cấu kinh tế của Thành phố là: dịch vụ chiếm 59,9%, công nghiệp chiếm 39,2%, nông nghiệp chiếm 0,9%(6).

TP. HCM là địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, có kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ hiện đại đã tạo động lực cho quá trình đô thị hóa, phát triển dịch vụ và xây dựng thành phố thông minh, nâng cao chất lượng sống cho người dân Thành phố. Đặc biệt, ngày 24-11-2017, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực từ ngày 15-1-2018 và thực hiện trong 5 năm, tạo điều kiện cho Thành phố xây dựng môi trường thông thoáng, linh hoạt, thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội đồng thời huy động hiệu quả các nguồn lực để tăng trưởng bền vững.

Về tiến bộ xã hội. TP.HCM đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động bảo đảm về cơ bản nguyên tắc phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội nhằm gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm mọi người dân đều được công bằng trong tiếp cận giáo dục, y tế, văn hóa, hưởng thụ các thành quả phát triển của Thành phố. Chú trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Đẩy mạnh các biện pháp giảm nghèo bền vững, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa nội thành và ngoại thành. Nâng cao chất lượng sống nhân dân, trợ giúp cho các đối tượng yếu thế, neo đơn, mang lại cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho mọi người dân vì một thành phố hiện đại và tiến bộ.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố (2017): Công tác phát triển lực lượng lao động được nâng cao cả về lượng và chất thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề (tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ước đạt 77,5%), tổ chức sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, góp phần giải quyết hiệu quả việc làm cho 323.225 lượt người)(7).

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều bước tiến quan trọng: mạng lưới cơ sở y tế được phát triển, năm 2012 có 449 cơ sở y tế, năm 2016 có 462 cơ sở y tế(8); tổ chức bộ máy y tế được hoàn thiện từ cơ sở đến Thành phố theo hướng phổ cập, chuyên sâu và hiện đại, chất lượng đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao. Tỷ lệ suy sinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 5,3%  năm 2011 xuống còn 4,1% năm 2015; tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi năm 2011 là 10,04‰, năm 2015 là dưới 10‰(9); năm 2015, số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt gần 92%; tuổi thọ bình quân của người dân thành phố đạt 76,2 tuổi (cả nước là 73,2 tuổi). Nếu so sánh với công tác chăm sóc sức khỏe các nước trong khu vực thì rõ ràng đây là một thành tựu rất lớn của TP.HCM, khi tuổi thọ bình quân của Thái Lan là 72 tuổi; Malaysia có tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh khoảng 16% và tuổi thọ bình quân là 73,3 tuổi(10).

Chương trình xóa đói, giảm nghèo cũng là một điểm sáng của Thành phố. Trải qua 5 giai đoạn với 8 lần điều chỉnh mức chuẩn nghèo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hiện thành phố đang thực hiện giai đoạn 5 (2015 - 2020), theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều với những hộ có thu nhập từ trên 21 triệu đồng/người/năm đến 28 triệu đồng/người/năm, gồm 5 chiều nghèo (chiều thiếu hụt xã hội): giáo dục và đào tạo; y tế; việc làm và bảo hiểm xã hội; điều kiện sống; tiếp cận thông tin theo Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND ngày 9-12-2015 của HĐND Thành phố Về Chương trình giảm nghèo bền vững của TP.HCM giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 58/2015/QĐ-UBND ngày 31-12-2015 của UBND Thành phố Về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố áp dụng giai đoạn 2016 - 2020. Theo báo cáo của UBND Thành phố: tính đến cuối năm 2017, số hộ nghèo trên địa bàn còn lại là 25.461 hộ (1,28%), số hộ cận nghèo là 38.116 hộ (1,91%)(11).

Về bất bình đẳng về thu nhập trong xã hội, theo số liệu của Cục thống kê TP.HCM năm 2015, nhóm 1 (20% người có thu nhập thấp nhất) là 1.837.800 đồng/người/tháng, tăng gấp 4,2 lần so với năm 2004, nhóm 5 (20% người có thu nhập cao nhất) là 11.894.600 đồng/người/tháng, tăng gấp 4,5 so với năm 2004. Hệ số chênh lệch thu nhập giữa nhóm 1 và nhóm 5 có xu hướng ngày càng dãn ra  từ 6,2 lần (năm 2004) lên 6,5 lần (2015). Điều này cho thấy, thu nhập bình quân ở TP.HCM giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất không được cải thiện mà ngày càng gia tăng, tuy nhiên, sự chệnh lệch này ở Thành phố vẫn thấp hơn so với bình quân của cả nước là khoảng 9,7 lần.

Chi tiêu của người dân thành phố không ngừng cải thiện với việc thu nhập bình quân đầu người tăng từ 552 USD (1990) lên 1.365 USD (2000) và lên 5.538 USD (2015), cao gấp 2,62 lần so với mức bình quân chung của cả nước, mức sống của nhân dân thành phố. Năm 2004, chi tiêu bình quân một người/ tháng trên toàn thành phố là 826.800 đồng, năm 2010 là 2.058.000 đồng và đến năm 2014 là 2.643.400 đồng(12).

Chỉ số phát triển con người (HDI) được cải thiện. Theo Báo cáo của UNDP (2015), HDI của Việt Nam năm 2012 là 0,752 (tăng 13,56% so với năm 1999), trong đó, TP.HCM đứng thứ hai (sau Bà Rịa - Vũng Tàu) với giá trị 0,820. Chỉ số HDI ở Thành phố giai đoạn 2008 - 2012 tăng bình quân mỗi năm 1,57%, gấp 1,7 lần so với mức tăng HDI cả nước. UNDP đã nhận định, TP.HCM và Đà Nẵng có giá trị HDI tương đương với Ba Lan và Croatia(13). Điều này là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của thành phố nhằm hướng đến mô hình tăng trưởng vì con người.

Từ những số liệu, kết quả phân tích trên cho thấy, tăng trưởng kinh tế ở TP.HCM đã góp phần cải thiện rõ nét đời sống của nhân dân, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Đây là động lực quan trọng bảo đảm cho thành phố phát triển bền vững, có sức cạnh tranh với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, giữ được vị trí là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước, xứng tầm với thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

b. Hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc thực hiện tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội ở TP.HCM còn những hạn chế cần khắc phục:

Một là, về tăng trưởng kinh tế. Thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM nhanh nhưng tính ổn định chưa cao, “chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của Thành phố”(14); chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành kinh tế còn chậm, tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị cao còn thấp, công nghiệp còn nặng tính chất gia công; môi trường kinh doanh chưa thông thoáng, phát triển công nghiệp hỗ trợ chậm; hàm lượng khoa học - công nghệ trong giá trị sản phẩm còn thấp... vì thế tăng trưởng chưa đi đôi với giảm bất bình đẳng thu nhập và chênh lệch giàu - nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa thành thị và nông thôn.

Hai là, việc tổ chức triển khai thực hiện quan điểm gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ xã hội còn chưa đồng bộ, triệt để. Do sức ép về tăng trưởng kinh tế nên nhiều quận, huyện ít quan tâm đến phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ xã hội. Trong khi quy hoạch và xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhiều nơi mới chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế, chưa chú ý đúng mức thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng thời, hệ thống chính sách thực hiện tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội chưa phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi; hệ thống thiết chế văn hóa chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh, dẫn đến nhiều di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể không được giữ gìn, tôn tạo. Tệ nạn xã hội và tội phạm (nhất là trong lớp trẻ) gia tăng đáng lo ngại. Chưa khắc phục được sự yếu kém trong quản lý nhà nước về văn hóa. Cuộc đấu tranh ngăn ngừa văn hóa phẩm độc hại (nhất là trên mạng internet) còn nhiều vấn đề.

Ba là, những lợi ích mà tăng trưởng kinh tế mang lại chưa được phân bổ đều giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội, “hiệu quả giảm nghèo thiều bền vững”(15),  tốc độ giảm nghèo có xu hướng chậm lại (giai đoạn 2009-2013, số hộ nghèo là 0,71%, nhưng thành phố điều chỉnh mức chuẩn mới của thế giới nên số hộ nghèo tăng 2,39% giai đoạn 2013 - 2015); “sự chênh lệch đời sống và mức hưởng thụ văn hóa giữa nhân dân nội thành và ngoại thành càng lớn”(16); sự phân hóa giàu nghèo có xu hướng tăng nhanh.

Bốn là, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân còn hạn chế. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, mạng lưới y tế tuy được mở rộng nhưng phân bố chưa hợp lý, chưa thuận tiện cho người dân. Chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tuyến cơ sở. Công tác đào tạo nhân lực cho y tế hiện nay cũng đang gặp khó khăn cả về số lượng lẫn chất lượng, nhiều bệnh viện hiện nay đang trong tình trạng khủng hoảng thiếu về nguồn nhân lực nhất là ở vùng ngoại thành. Công tác đầu tư cơ sở vật chất tuy đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người bệnh; còn thiếu các bệnh viện đa khoa ở các cửa ngõ thành phố để giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện trong nội thành.

3. Một số giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh

TP.HCM xác định nhiệm vụ bao trùm trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay là: “Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm mọi người dân đều được công bằng trong tiếp cận giáo dục, y tế, văn hóa, hưởng thụ các thành quả phát triển của Thành phố”(17). Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên, cần tiến hành một số giải pháp sau:

Thứ nhất, quát triệt, nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc việc thực hiện tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội trong từng bước, từng chiến lược, từng chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan ban ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân Thành phố. Từ đó, tạo nên sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị Thành phố, hướng đến mục tiêu phát triển vì con người.

Thứ hai, đẩy mạnh việc xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách thực hiện tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Cần xác định những vấn đề xã hội nào cần tập trung giải quyết trước, đáp ứng các mục tiêu cấp thiết của xã hội. Các chính sách, chương trình xã hội cần được cụ thể hóa riêng biệt cho phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn và các vấn đề xã hội cụ thể trong từng thời điểm nhất định. Đảng bộ, chính quyền Thành phố tiếp tục hoàn thiện quản lý theo hướng giảm nhẹ bộ máy hành chính, tăng cường phân công, phân cấp quản lý một cách rõ ràng, hợp lý, nâng cao tính chủ động, thẩm quyền và trách nhiệm của quận, huyện nhằm phát huy tối đa sức sáng tạo của các tổ chức trong quản lý, điều hành và thực hiện các chính sách, chương trình.

Thứ ba, tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế thông qua tăng cường tuyên truyền, xúc tiến các chương trình tìm kiếm viện trợ nước ngoài; sử dụng đúng mục đích đã cam kết khi nhận viện trợ; công khai, minh bạch trong việc sử dụng viện trợ quốc tế.

Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa y tế, thí điểm hình thành cơ sở khám, chữa bệnh theo hình thức hợp tác công - tư và mô hình quản lý bệnh viện như doanh nghiệp công ích; đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; khuyến khích, hỗ trợ ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy đổi mới, phát triển, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, văn hóa, nghệ thuật,... Quản lý phát triển xã hội phải tập trung vào việc xây dựng mô hình phát triển xã hội hợp lý, đặt trọng tâm vào việc mở rộng giai tầng xã hội có thu nhập thấp trên cơ sở không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

_______________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.86.

(2), (3) ĐCSVN: Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.80, 104.

(4), (6), (14), (15), (16), (17) Ðảng bộ TP.HCM: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ X, Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, tr.119, 65, 101, 104, 34, 39-40.

(5) Nguồn: Niên giám thống kê TP.HCM năm 2017 và Niên giám thống kê Việt Nam 2016.

(7), (11) UBND TP.HCM: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Thành phố năm 2017 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2018. Số: 217/BC-UBND, ngày 26-12-2017, tr.9, 16.

(8), (10), (12) Cục Thống kê TP.HCM:  Niên giám Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh 2016, Nxb Thanh niên, Thành phố Hồ Chí Minh, 2017, tr.311, 347, 327.

(9) Thành ủy TP.HCM: Những vấn đề chủ yếu của Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, tr.89.

(13) UNDP: Báo cáo Quốc gia về phát triển con người năm 2015 về “Tăng trưởng vì con người”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr.36.

TS Nguyễn Minh Trí

Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền