Trang chủ    Thực tiễn    Các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Thứ năm, 25 Tháng 4 2019 15:52
1373 Lượt xem

Các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

(LLCT) - Nhằm góp phần thiết thực vào công cuộc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, năm 2015 tại Việt Nam đã triển khai Chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo. Cho đến nay, Chương trình đã thu hút sự tham gia của hàng triệu tín đồ thuộc 14 tổ chức tôn giáo; đã hình thành 322 mô hình tiêu biểu của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ kinh nghiệm thực tiễn nêu trên, bài viết góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học của tôn giáo trong tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu từ hướng tiếp cận chức năng của tôn giáo: 1) kiểm soát xã hội; 2) đoàn kết xã hội; 3) tham gia giải quyết các vấn đề xã hội; 4) xã hội hóa cá nhân; 5) xây dựng niềm tin.

Biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường đang là những vấn đề mang tính toàn cầu, một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Có thể quy các nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên và biến đổi khí hậu trên thế giới hiện nay thuộc về 2 nhóm: nguyên nhân do quy luật vận động khách quan của tự nhiên và nguyên nhân do con người gây ra. Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề, nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa chiến lược hiện nay của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Tại Việt Nam, cùng với những thành tựu của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đô thị hóa cũng như phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế thì tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu cũng đang gia tăng. Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, vì vậy nếu không có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội và hệ thống chính trị cùng với những giải pháp về kỹ thuật, kinh tế, hợp tác quốc tế thì chắc chắn không thể đạt được được những mục tiêu đã đặt ra. Do vậy, vấn đề đặt ra là Việt Nam cần phải nâng cao nhận nhận thức, thay đổi thái độ và thúc đẩy hành động của các cơ quan, tổ chức và các giai tầng xã hội trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biết đổi khí hậu.

Ngày 3-6-2013, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Nghị quyết khẳng định: Đến năm 2020, về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015- 2020 đã thu hút sự tham gia của hàng triệu tín đồ thuộc 14 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Các tổ chức tôn giáo và tín đồ ở nước ta đều bày tỏ sự hưởng ứng và đồng thuận rất cao, mong muốn cùng với các tầng lớp nhân dân đóng góp sức mình cùng Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu(1). Sau 3 năm triển khai thực hiện, cả nước đã hình thành 322 mô hình tiêu biểu của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương trình đã thúc đẩy các chức sắc, tín đồ, đồng bào tôn giáo trong cả nước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Sự tham gia của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam là hành động rất tích cực, đáng hoan nghênh, không những không trái mà còn phù hợp với vai trò xã hội của tôn giáo.

Tôn giáo là đối tượng nghiên cứu của nhiều bộ môn khoa học xã hội (triết học, tâm lý học, lịch sử, dân tộc học, xã hội học và tôn giáo học...). Trên thế giới có hàng trăm định nghĩa khác nhau về tôn giáo, tuy nhiên có thể quy về 2 loại định nghĩa: 1) định nghĩa bản chất và 2) định nghĩa chức năng. Trong khi định nghĩa bản chất xác định tôn giáo là gì, các biểu hiện của tôn giáo như thế nào, thì định nghĩa chức năng lại tập trung lý giải xem tôn giáo làm gì cho cá nhân, nhóm, cộng đồng và xã hội. Cả hai loại định nghĩa đều cố gắng tìm ra cái chung với các tôn giáo, tức cụ thể hóa một hay nhiều đặc tính mà một hiện tượng nào đó phải có đủ tiêu chuẩn được coi là tôn giáo.

Trên phương diện pháp luật, tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức(2). Ở góc độ khoa học, có thể hiểu tôn giáo là bất cứ niềm tin nào thừa nhận một lĩnh vực thiêng liêng, siêu - thể nghiệm và bất cứ hành vi ứng xử nào nhằm thể hiện mối quan hệ giữa con người với lĩnh vực ấy. Thuật ngữ thích hợp nhất để quy dần vào những hành vi ứng xử ấy là “tính tâm linh”. Cái cốt lõi của tôn giáo “đó là niềm tin vào cái thiêng liêng, vào cái siêu nghiệm, hay siêu- thể nghiệm. Nếu hiện hữu thành phần này thì đúng là tôn giáo; khi thiếu vắng, thì không phải là tôn giáo nữa”(3). Từ góc độ tiếp cận chức năng của tôn giáo, có thể nhận thấy cơ sở khoa học của việc phát huy vai trò của tôn giáo trong tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trên các khía cạnh sau:

Một là, tôn giáo trong thực hiện chức năng đoàn kết xã hội. Theo quan điểm của E.Durkheim - nhà xã hội học người Pháp (1858-1917), tôn giáo có chức năng đoàn kết xã hội. Tôn giáo là sợi dây vô hình nhưng tạo ra sự liên kết mạnh mẽ, sống hài hòa với nhau trong xã hội, đặc biệt là những người có cùng chung tôn giáo. Tôn giáo là một thành tố của một cấu trúc xã hội, góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội. Mỗi xã hội cần tìm được một điểm cân bằng chung quanh những giá trị, chuẩn mực được mọi người thừa nhận và thực hiện. Mối quan hệ giữa các thành viên cộng đồng tôn giáo là vừa hỗ trợ lẫn nhau, vừa phụ thuộc lẫn nhau, ràng buộc lẫn nhau, cả trong lĩnh vực sản xuất, trong sinh hoạt, cả trong đời sống tình cảm và tôn giáo. Đa số các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: cộng đồng tôn giáo và cộng đồng sản xuất, cộng đồng sinh hoạt của người Việt Nam không tách rời. Sinh hoạt tôn giáo trở thành một bộ phận hữu cơ trong các sinh hoạt của cộng đồng, xã hội. Do việc phòng, chống ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một nhiệm vụ hết sức nặng nề cả trước mắt và lâu dài; không thể là việc đơn lẻ của một vài cá nhân hay nhóm xã hội mà nó cần sự tham gia của toàn xã hội. Chính vì vậy, chức năng đoàn kết xã hội của tôn giáo là tiền đề, điều kiện thuận lợi để kết nối các tín đồ trong các cộng đồng tôn giáo nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ, hành vi đối với vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay.

Hai là, tôn giáo trong thực hiện chức năng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Việc nhìn nhận tôn giáo đóng vai trò như một tổ chức có khả năng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội đã được các nhà xã hội học ở phương Tây đề cập từ rất sớm. Khi chúng ta nhấn mạnh vai trò của tôn giáo trong thực hiện chức năng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội là dựa trên sự lý giải của C.Mác về nguyên nhân ra đời và chức năng đền bù hư ảo của tôn giáo. Tôn giáo có thể đem lại cho con người dũng khí, trước những thử thách của cá nhân hay dân tộc, do những người theo tôn giáo cảm nhận cuộc đời là vô thường, cuộc sống là tạm bợ. Gặp cảnh ngộ éo le, bất hạnh, con người thường được tôn giáo an ủi, mang lại niềm hy vọng ở tương lai. Đó là tác dụng thuốc phiện của tôn giáo, như C.Mác đã đề cập. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, một trong những xu thế biến đổi tôn giáo hiện nay chính là quá trình thế tục hóa. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, các tôn giáo ngày càng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Đây cũng chính là lý do khẳng định sự tồn tại và phát triển của tôn giáo, một sự đền bù, chia sẻ trong đời sống thế tục của các tôn giáo. Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện kinh tế thị trường, phân hóa giàu nghèo, bệnh tật, các tệ nạn xã hội... gia tăng, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và thiên tai... đã dẫn đến một bộ phận không nhỏ dân cư, trong đó có cộng đồng các tôn giáo phải sống trong điều kiện tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc. Để giải quyết những vấn đề này, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó có sự tham gia tích cực của các tôn giáo. Như vậy, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam không thể thiếu được sự tham gia tích cực, chủ động, thiết thực và hiệu quả của các cộng đồng tôn giáo.

Ba là, tôn giáo trong thực hiện chức năng kiểm soát xã hội. Theo sự lý giải của E.Durkheim, tôn giáo có chức năng thực hiện kiểm soát xã hội, nhất là khi pháp luật và đạo đức chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Cái thiêng của tôn giáo chính là nội dung thực thi vai trò kiểm soát xã hội của tôn giáo. Khoa học nghiên cứu về tôn giáo đã chứng minh có một hiện thực mà con người gắn vào với cái thiêng liêng: đó không phải là tự nhiên, cũng chẳng phải là cái siêu hình, đó chính là bản thân xã hội. Ở góc độ tiếp cận khoa học, tôn giáo là một thiết chế xã hội quan trọng để kiểm soát, chế tài hoặc khuyến khích, thúc đẩy các hành vi của tín đồ. Có nhà nghiên cứu đã nhận xét về chức năng kiểm soát xã hội của tôn giáo như sau: Nó ban cho ta sự sống, nhưng cũng chính nó có thể khiến ta chết. Nó có quyền lực vô biên trên chúng ta. Mọi người đều phụ thuộc vào nó theo vô số cách thức. Toàn bộ thế giới vật chất và biểu trưng là do xã hội đem lại cho ta. Mọi thiết chế mà ta sống trong đó là của xã hội. Đây chính là cái chân lý căn bản mà tôn giáo thể hiện(4). Động lực lợi ích cá nhân, dù xấu hay tốt, được ủng hộ hay lên án về mặt xã hội, thường thúc đẩy người ta đến với tôn giáo. Đây cũng chính là cơ sở, trung tâm tạo nên chất men trực tiếp của đời sống tôn giáo hàng ngày, là một trong những động lực chính của không gian tôn giáo mới. Chức năng này của tôn giáo dường như được biểu hiện một cách sôi động nhất trong sự phát triển của tôn giáo(5). Do vậy, xuất phát từ chức năng kiểm soát xã hội của tôn giáo, cùng với các thiết chế xã hội khác, đặc biệt là thiết chế pháp luật nếu kết hợp hài hòa với chức năng kiểm soát xã hội của tôn giáo sẽ thúc đẩy việc kiểm soát, trừng phạt hoặc khuyến khích thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả và hiệu lực các văn bản chính sách pháp luật của Việt Nam về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các cộng đồng tôn giáo nói riêng và xã hội nói chung.

Bốn là, tôn giáo trong thực hiện chức năng xã hội hóa cá nhân/giáo dục. Theo góc nhìn của xã hội học, mỗi cá nhân trong quá trình tiếp nhận và sáng tạo nên các tri thức, sự hiểu biết, giá trị, chuẩn mực xã hội luôn chịu sự chi phối đồng thời bởi nhiều môi trường/yếu tố khác nhau: gia đình, nhà trường, nhóm xã hội, truyền thông đại chúng... cũng như tín ngưỡng, tôn giáo mà họ tham gia. Do đó, tôn giáo còn được coi là một thiết chế xã hội có chức năng thực hiện xã hội hóa cá nhân. Những giá trị, luân lý trong giáo lý, kinh kệ... luôn hướng con người ta tới cuộc sống nhân văn, nhân bản. Trong điều kiện hiện nay, vai trò, nhu cầu xã hội của con người ngày càng đa dạng hơn, phức tạp hơn. Lý do là trong xã hội hiện đại, mối quan hệ và nhu cầu của con người tăng lên tỷ lệ thuận theo tốc độ phát triển của văn minh xã hội. Để điều chỉnh, cân bằng các vai trò, nhu cầu của con người trước sự phát triển của xã hội, tôn giáo luôn có một vai trò rất quan trọng. Bởi vì, các tôn giáo luôn có những nguyên lý đạo đức hướng dẫn cuộc sống hằng ngày, hướng thiện và tránh cái ác của tín đồ. Thực tế đã chứng minh, nhìn chung trong các cộng đồng tôn giáo, những truyền thống đạo đức, giá trị, chuẩn mực xã hội có xu hướng được giữ vững và tốt đẹp hơn là so với những cộng đồng vô thần. Các cộng đồng tôn giáo biết bảo vệ các giá trị đạo đức xã hội và cá nhân từ nội tâm bên trong của mỗi con người ngay từ thuở thơ ấu. Cách thức bảo vệ đạo đức, các giá trị chuẩn mực xã hội của các tôn giáo đôi khi có hiệu lực, hiệu quả hơn các thiết chế chính thức, như: pháp luật, tòa án, công an, nhà tù... Do vậy, khi vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trở thành vấn đề đạo đức, giá trị, chuẩn mực trong đời sống của mỗi tín đồ tôn giáo, lúc đó vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ thực sự là công việc cốt lõi hằng ngày của mỗi tôn giáo và tín đồ.

Năm là, tôn giáo trong thực hiện chức năng tạo dựng niềm tin trong xã hội. Niềm tin là bản chất và chức năng của mọi tôn giáo. Niềm tin tôn giáo, nếu sâu sắc, sẽ tạo cho con người một cảm giác an toàn rất đặc biệt, giúp cho con người cống hiến hết mình cho đạo cũng như cho đời. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi xã hội diễn ra nhanh chóng, các chuẩn mực xã hội có xu hướng rối loạn thì niềm tin của tôn giáo đối với con người là hết sức quan trọng, không chỉ đối với người theo tôn giáo mà cả đối với những người không theo tôn giáo. Theo triết lý của Phật giáo, niềm tin ở khả năng đạt tới cảnh giới hạnh phúc an lạc tuyệt đối, giúp những người theo tôn giáo tránh được những lạc thú thế tục tầm thường, sống thiện và đạo đức. Với đối tượng được tôn kính và biết ơn là cụ thể thì hành vi đền ơn đáp nghĩa cũng cụ thể và thiết thực. Bản chất mối quan hệ của con người với cái thiêng tôn giáo là ở đó. Một kiểu quan hệ bất bình đẳng, hy sinh cái thế tục cho cái thiêng liêng, thụ động và phụ thuộc vào nó. Cảm hứng chủ yếu trước cái thiêng tôn giáo đương nhiên là lòng tôn kính và biết ơn, nhưng không hẳn đã nghiêng hẳn về phía này, mà nghiêng về nỗi lo sợ xuất phát từ nhu cầu thường trực về sự an toàn của cuộc sống, xuất phát từ bản năng tự vệ vốn có ở mọi sinh vật, mà biểu hiện độc đáo ở con người là phương thức tự vệ trước cái thiêng(6). Do vậy, những hiểm họa đối với tín đồ tôn giáo nói riêng và xã hội nói chung do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu gây ra một khi đã trở thành niềm tin là cần phải hành động để bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ trở thành sức mạnh vô biên, thường trực trong mỗi ngày đối với mỗi tín đồ tôn giáo.

Từ thực tiễn tham gia của các tổ chức tôn giáo vào bảo vệ môi trường, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề chính trị, kinh tế, kỹ thuật mà còn là vấn đề của giá trị, chuẩn mực và lương tâm, trách nhiệm xã hội của mỗi công dân Việt Nam. Do vậy, chủ động và tham gia tích cực, hiệu quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cần phải trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các tôn giáo và tín đồ tôn giáo ở Việt Nam.

Để bảo vệ môi trường một cách bền vững, cần phải chuyển hóa lối sống và ý thức về giá trị, về nhu cầu của con người. Ở giải pháp này, các tôn giáo tham gia là cần thiết. Đảng và Nhà nước cần tiếp tục ghi nhận và phát huy sự đóng góp của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cần mở rộng hơn trong việc chia sẻ một phần trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các tổ chức tôn giáo thực hiện và cần có cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp để các tổ chức tôn giáo thực hiện bổn phận của mình một cách chính danh và có trách nhiệm, đồng thời xã hội có cơ sở để đánh giá về hiệu quả của các tổ chức tôn giáo trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay(8).

______________________

(1) Thu Hà (2015): Phát huy vai trò của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. http://www.dangcongsan.vn.

(2) Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Khoản 5 Điều 2.

(3) Peter Connolly (Chu Tiến Ánh biên dịch): Tôn giáo học, từ nhiều cách tiếp cận, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2018, tr.32.

(4) Bùi Thế Cường: Randall Collins: xã hội học về đấng tối cao, Tạp chí Khoa học xã hội, số 7-2007.

(5) Vũ Quang Hà: Xã hội học tôn giáo, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội, 2014.

(6) Hồ Liên: Đôi điều về cái thiêng và văn hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2009.

(7) Đỗ Lan Hiền: Tôn giáo học sinh thái - Thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị, số 7-2017.

TS Đỗ Văn Quân

Viện Xã hội học và Phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền