Trang chủ    Thực tiễn    Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế
Thứ ba, 25 Tháng 6 2019 15:23
2804 Lượt xem

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế

(LLCT) - Trong những năm qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước: chiếm trên 40% GDP, tạo việc làm cho khoảng 62% tổng số lao động cả nước... Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn nhiều hạn chế, như: nguồn vốn ít, trình độ quản lý thấp, lao động thủ công, sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường... Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh của loại hình doanh nghiệp này, cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước...

1. Khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa hay còn gọi là doanh nghiệp nhỏ và vừa là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ bé cả về vốn, lao động và doanh thu. Căn cứ vào quy mô có thể chia doanh nghiệp nhỏ và vừa thành 3 loại: doanh nghiệp siêu nhỏ (micro), doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa. Theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có dưới 10 lao động; doanh nghiệp nhỏ có từ 10 đến 200 lao động và nguồn vốn dưới 20 tỷ đồng; doanh nghiệp vừa có từ 200 đến 300 lao động, nguồn vốn từ 20 đến 100 tỷ đồng.

Theo Nghị định 90/2001-NĐ/CP ngày 23-11-2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tiêu chí quy mô vốn pháp định của doanh nghiệp dưới 10 tỷ đồng, số lượng lao động sử dụng dưới 300 lao động/năm thì hiện nay khoảng 97% các doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Điều này phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay, nhất là giai đoạn đầu của quá trình xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN. Về lĩnh vực hoạt động, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong khu vực thương mại và dịch vụ (81%), còn lại hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng.

Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, như chiếm trên 40% GDP, 31% giá trị xuất khẩu, hơn 29% các khoản nộp ngân sách, tạo việc làm cho khoảng 62% tổng số lao động cả nước.

Tuy nhiên, trong số 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa của cả nước, có đến 69% doanh nghiệp siêu nhỏ, 29% doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp tư nhân, có nguồn vốn ít, trình độ quản lý thấp, lao động thủ công, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang sử dụng công nghệ lạc hậu, 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập khẩu thuộc thế hệ những năm 1960 - 1970, 75% số thiết bị đã hết khấu hao,...

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ 2 được tổ chức ­tại Hà Nội ngày 31-7-2017 nhằm triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Mặc dù kinh tế tư nhân có bước phát triển quan trọng trong thời gian qua, chiếm tỷ trọng 40-43% GDP hiện nay, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế... Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa phát triển lớn mạnh, đang gặp nhiều khó khăn về nội lực và xuất phát điểm, về môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường tâm lý xã hội, về cơ chế chính sách, quản lý nhà nước và đứng trước thách thức to lớn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

2. Quan điểm của Đảng về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời kỳ đổi mới

Trong thời kỳ đổi mới, tư duy của Đảng ta về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có bước phát triển và từng bước bổ sung hoàn thiện hơn qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng.

Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”(1).

Đây là nhận thức mới của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng trong thời kỳ quá độ lên CNXH nhằm phát triển kinh tế - xã hội và tích cực chủ động hội nhập quốc tế. Đại hội nhấn mạnh: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp”(2).

Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX (2002 - 2017) “Về tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, trong bối cảnh mới, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết đã tạo động lực mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam phát triển trong bối cảnh mới hiện nay.

3. Kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam

Những kết quả đạt được

Sau hơn 30 năm đổi mới, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng (đặc biệt sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực), góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giải quyết công ăn việc làm, thu hút lao động dư thừa, nguồn vốn nhàn rỗi, tận dụng các nguồn lực xã hội, phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng phát huy tốt hơn các nguồn lực và tiềm năng của đất nước: sau gần 5 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp (năm 2005), cả nước có gần 108,3 nghìn doanh nghiệp mới đăng ký, đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký lên khoảng 150 nghìn, tăng gấp gần 2 lần so với giai đoạn 1991 - 1999; tổng số vốn đăng ký đạt hơn 302.25 tỷ đồng (tương đương 18 tỷ USD, cao hơn số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong cùng thời kỳ).

Đặc biệt, làn sóng khởi nghiệp mới hình thành sau khi Luật Doanh nghiệp mới (năm 2014), Luật Đầu tư (năm 2014) đi vào thực thi và cam kết của Thủ tướng Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và hành động quyết liệt (năm 2016) đã tạo xung lực mới cho kinh tế tư nhân phát triển. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng ở mức ấn tượng, riêng năm 2016 là hơn 110 nghìn doanh nghiệp(3), năm 2017 là 127 nghìn doanh nghiệp(4).

Đóng góp lớn nhất và quan trọng nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa là tạo việc làm và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội. Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thu hút 49% việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn, khoảng 25 - 26% lực lượng lao động cả nước. Tính tổng thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam thu hút khoảng 62 % lực lượng lao động của nền kinh tế, đóng góp khoảng trên 40% GDP của cả nước, trong đó theo thống kê phần lớn đóng góp này từ khu vực kinh tế cá thể (30%) và chỉ khoảng 9-10% GDP từ các doanh nghiệp tư nhân.

Những vấn đề còn tồn tại

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, mang lại nhiều thời cơ cũng như bộc lộ những hạn chế của nền kinh tế. Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện đang đứng trước những khó khăn và thách thức lớn trong bối cảnh phát triển mới.

Thách thức lớn nhất đối với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nhìn chung còn hạn chế. Trong nhiều năm, Việt Nam bị tụt bậc, hoặc không cải thiện nhiều về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước khác trên thế giới. Mặc dù có nhiều thay đổi, song môi trường đầu tư kinh doanh vào Việt Nam còn nhiều vướng mắc, chậm được cải thiện. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay còn tồn tại nhiều loại giấy phép kinh doanh có hiệu lực quản lý thấp, mục tiêu không rõ ràng, tạo cơ hội cho việc lạm quyền, gia tăng nhiều khoản chi phí không chính thức cho doanh nghiệp: có những bộ tồn tại tới hơn 1.200 giấy phép như Bộ Công thương, bộ ít nhất như Bộ Xây dựng cũng còn 106 giấy phép…Tổng số các bộ ngành còn 5.719 thủ tục hành chính(5).

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam là nước có tỷ lệ chi phí gia nhập thị trường của các doanh nghiệp thuộc loại cao nhất trong khu vực ASEAN(6).

Để thành lập một doanh nghiệp và đi vào hoạt động cần nhiều thủ tục như xin mã số thuế, lắp đặt hệ thống điện nước, điện thoại, phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng nhà xưởng, chứng nhận về môi trường... Do đó, đối với một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, chi phí “bôi trơn” cho bộ máy công quyền còn lớn hơn cả mức thuế phải nộp. Các chi phí này cộng thêm những khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh là nguyên nhân chủ yếu đẩy giá thành sản phẩm lên cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Chính vì vậy, Chính phủ đã lấy năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp; giấy phép con và phí là hai cứ điểm mà Chính phủ xác định “tấn công” tổng lực trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, trong hoạt động của kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam xuất hiện tình trạng nhiều “doanh nghiệp ma” được thành lập để sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng, gây tác hại không nhỏ đối với các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đầu cơ, buôn lậu lũng đoạn thị trường, trốn thuế đang đặt ra nhiều vấn đề mà công tác quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện.

Tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu và chậm đổi mới, trình độ quản lý, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn yếu kém, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh chưa cao, chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không quan tâm tới lợi ích của người lao động… còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.

Trở ngại lớn đối với sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay là môi trường pháp lý chưa đồng bộ, hoàn thiện: còn nhiều quy định phức tạp và chồng chéo, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, dẫn tới tình trạng các cơ quan thừa hành và các doanh nghiệp lúng túng trong việc chấp hành pháp luật. Một số bộ, ngành còn chậm ban hành các văn bản hướng dẫn (như về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong tổng thể định hướng quy hoạch, quy định cụ thể về vốn pháp định của một số ngành nghề) đã gây khó khăn cho việc đăng ký và hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân. Xuất hiện tình trạng nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp vì tâm lý e ngại các thủ tục hành chính khi thành lập và hoạt động kinh doanh.

Mặc dù đóng góp đến 40% GDP, thu hút khoảng 62% lực lượng lao động của nền kinh tế, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp tình trạng bất bình đẳng so với doanh nghiệp nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong việc tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, vay vốn ngân hàng, tiếp nhận thông tin, nhận ưu đãi thuế, tài chính...

Những hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là: chưa có sự thống nhất cao về lý luận và nhận thức đối với phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam; thể chế phát triển doanh nghiệp, doanh nhân còn nhiều bất cập; chưa tạo được bước đột phá trong đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Việc thực hiện nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đạt hiệu quả chưa cao, chưa đồng bộ. Mặt khác, xuất phát điểm và năng lực nội tại của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn thấp, chưa nhạy bén trước yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

4. Mục tiêu và giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam

Mục tiêu tổng quát

Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cả về số lượng, quy mô, chất lượng để thực sự là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Cụ thể, cần chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, gia tăng số lượng doanh nghiệp. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp vào GDP hàng năm, tăng năng suất lao động khoảng 4-5%/năm. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp so với các nước; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu.

Giải pháp phát triển

Trong thời gian tới, để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh một số giải pháp sau:

Một là, thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.

Hai là, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam theo cơ chế thị trường.  Thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa; thu hẹp những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà pháp luật không cấm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp thông qua các chính sách như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; tổ chức công tác tài chính, kế toán; cung cấp thông tin; hướng dẫn quản trị doanh nghiệp và tư vấn pháp luật.

Hoàn thiện và bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Bảo đảm các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với cơ chế thị trường và thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ba là, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Hoàn thiện và bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ. Phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ.

Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực. Đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng đủ số lượng và chất lượng nhân lực cho phát triển kinh tế tư nhân.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Khuyến khích, động viên tinh thần kinh doanh, ý chí khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, nhất là trong cộng đồng doanh nghiệp. Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục kiến thức kinh doanh, khởi nghiệp trong toàn xã hội.

Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Nâng cao năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật, kế hoạch, chiến lược phát triển; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

Đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. Đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính, nhất là về thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, cấp phép, thuế, xuất - nhập khẩu, giải quyết tranh chấp,...

Nâng cao năng lực, hiệu quả phối hợp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và địa phương đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, bao gồm cả việc bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước đối với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

___________________________

(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.102-103, 107-108.

(3) Thời báo Kinh tế Việt Nam: Xuân Khởi nghiệp 2017, số 20-30, ngày 24/1-4/2/2017, tr.4.

(4) Thời báo Kinh tế Việt Nam: Cố gắng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, số 185+186, ngày 4-5/8/2017, tr.5.

(5) Báo Tuổi trẻ: Hãy nhóm lửa lên, ngày 4-8-2017, tr.2.

(6) Thời báo Kinh tế: Giảm toàn diện các loại phí, số 190, ngày 10-8-2017, tr.3.

PGS, TSKH Trần Nguyễn Tuyên

Hội đồng Lý luận Trung ương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền