Trang chủ    Thực tiễn    Giải quyết tốt các mối quan hệ trong xây dựng nông thôn mới hiện nay
Thứ ba, 25 Tháng 6 2019 15:26
2040 Lượt xem

Giải quyết tốt các mối quan hệ trong xây dựng nông thôn mới hiện nay

(LLCT) - Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều vấn đề cần được xem xét, tháo gỡ, trong đó có việc giải quyết các mối quan hệ trong xây dựng nông thôn mới. Đó là các mối quan hệ giữa: Nhà nước, các lực lượng xã hội và nông dân; giữa “vốn mồi” của Nhà nước, năng lực “nội sinh” của chính người dân và các nguồn lực xã hội khác; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, giữa “tiêu chí mềm”và “tiêu chí cứng” của nông thôn mới…

1. Quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Những đổi mới trong nông nghiệp Việt Nam được đánh dấu bằng các chính sách cải cách quan trọng, đầu tiên là Chỉ thị 100 của Ban Bí thư khóa IV năm 1981; tiếp đó là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, tháng 4-1988 về “đổi mới quản lý nông nghiệp”, theo đó ruộng đất từng bước được giao cho người nông dân quản lý. Các chính sách có tính bước ngoặt đó đã khôi phục lại bản chất vốn có của hoạt động kinh tế nói chung và kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Từ sau đó, những cải cách pháp lý tiếp tục ra đời đã hỗ trợ sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn. Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai sửa đổi vào năm 1998 và 2001, Luật Đất đai mới năm 2003 và sửa đổi 2013 tiếp tục cải cách chính sách về đất đai trên cơ sở giao quyền sử dụng đất cho các cá nhân và hộ gia đình. Những đổi mới quan trọng này đã tháo gỡ những điểm nghẽn, đem đến nhiều động lực phát triển mới và đưa Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu lương thực trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới chỉ sau hơn hai thập niên.

Những thành tựu về phát triển trong nông nghiệp và nông thôn mấy thập niên qua là kết quả của việc khơi dậy các tiềm năng kinh tế - xã hội của nông dân. Đấy cũng là kết quả của quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng về “vai trò chủ thể” của nông dân trong cách mạng và trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.

Tổng kết bài học kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp và nông thôn, Nghị quyết 26-NQ/TW khóa X đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém và các nguyên nhân cơ bản, đó là: việc nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn bất cập so với thực tiễn; chưa hình thành có hệ thống các quan điểm lý luận về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó, Nghị quyết cho rằng, “trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển”, và yêu cầu công tác lãnh đạo và quản lý “phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân”.

Nghị quyết 26-NQ/TW thực sự là nền tảng cho việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, được triển khai thông qua Quyết định 491/QĐ-TTg và Quyết định 800/QĐ-TTg.

Sau tám năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã góp phần cải thiện diện mạo nông thôn Việt Nam. Giao thông nông thôn phát triển rõ rệt. Dồn điền, đổi thửa nhanh, mạnh ở Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng, các cánh đồng lớn phát triển ở đồng bằng sông Cửu Long. Điện, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục… ở nông thôn được cải thiện đáng kể. Người dân cả nước quan tâm, chú ý nhiều hơn đến nông thôn, nông dân.

Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới khá toàn diện. Đến nay, cả nước có 3.289 xã (đạt 36,84%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (mục tiêu là 31%); có 50 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cả nước còn 121 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 136 xã (vượt mục tiêu năm 2017 là giảm số xã dưới 5 tiêu chí xuống dưới 150 xã). Bình quân tiêu chí/xã đạt 14,25 tiêu chí, vượt mục tiêu đạt 14 tiêu chí.

Cả nước đã huy động được khoảng 269.561 tỷ đồng để thực hiện Chương trình. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương: 8.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương: 33.887 tỷ đồng, trong đó, 51 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đã bố trí được khoảng 19.528 tỷ đồng. Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là: 38.076 tỷ đồng. Vốn tín dụng: 158.420 tỷ đồng. Vốn doanh nghiệp đóng góp là 12.218 tỷ đồng. Nhân dân và cộng đồng đóng góp 18.959 tỷ đồng.

Số liệu công bố của Văn phòng Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cho thấy, từ năm 2011-2017, cả nước đã hoàn thành một khối lượng đường giao thông gấp hơn 5 lần giai đoạn 2001-2010, có 99,4% tổng số xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã, đặc biệt ở những địa bàn vùng núi cao, địa hình phức tạp (Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An...). Tính chung về tiêu chí giao thông, có 4.850 xã đã đạt (54,3%); 7.611 xã đạt tiêu chí thủy lợi (đạt 85,3%); 4.983 xã đạt tiêu chí trường học (đạt 55,8%); 4.681 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (đạt 52,4%); 6.330 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư (đạt 70,9%)...

Trong tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, các địa phương đã tập trung đầu tư và đã phát triển được khoảng 21.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, trong đó, đã có 744 chuỗi nông sản an toàn. Hiện nay, cả nước có khoảng 4.823 sản phẩm đặc sản cấp xã, huyện có lợi thế, trong đó mới có 1.086 sản phẩm (khoảng 22,52%) có đăng ký công bố tiêu chuẩn chất lượng; có 695 sản phẩm (14,4%) có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Tính tới hết năm 2017, cả nước có 62,3% số xã đạt tiêu chí thu nhập, 58,5% số xã đạt chuẩn tiêu chí giảm hộ nghèo, 94,8% số xã đạt tiêu chí lao động có việc làm. Riêng tiêu chí tổ chức sản xuất, có 71,2% số xã đạt do rà soát lại theo yêu cầu mới của Bộ tiêu chí quốc gia. Cả nước đã có 4.795 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (đạt 53,7%); 76,7% số xã đạt tiêu chí văn hóa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều vấn đề cần được xem xét, tháo gỡ. Nội dung các hoạt động vẫn tập trung chủ yếu vào xây dựng cơ sở hạ tầng, dựa phần lớn vào ngân sách nhà nước, trông chờ vào quyết định và chỉ đạo của cấp trên, quản lý bằng bộ máy hành chính.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ mức 15.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới vào đầu năm 2016 thì tới nay, số này đã giảm 70%. Đến hết tháng 1-2018, toàn quốc có 26/63 tỉnh không nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, năm 2017 có thêm 11 địa phương báo cáo đã xử lý hết nợ. Đến nay, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản còn khoảng 4.943 tỷ đồng (giảm 10.284 tỷ đồng so với thời điểm 31-1-2016; giảm 4.872 tỷ so với thời điểm cùng kỳ năm trước). Một số tỉnh có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, nhưng kết quả xử lý còn chậm, nhất là các địa phương tự cân đối ngân sách như Vĩnh Phúc, Hải Phòng. Điều kiện sống của nông dân chưa được cải thiện đáng kể, mấu chốt là vấn đề thu nhập. Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn, cụ thể: Vùng Đồng bằng sông Hồng có 63,33% số xã đạt chuẩn, Đông Nam Bộ là 63,22%, miền núi phía Bắc chỉ đạt 15,53%, Tây Nguyên 22,5%, Đồng bằng sông Cửu Long 29,43%, Duyên hải Nam Trung Bộ 30,87%.

Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng ở một số địa bàn, trong đó đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước ở các tuyến sông, kênh, mương; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản trên phạm vi cả nước có tiến bộ nhưng chuyển biến chưa rõ nét vẫn đang là vấn đề được xã hội quan tâm.

2. Giải pháp tăng cường mối quan hệ giữa các chủ thế trong xây dựng nông thôn mới

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới không phải là tạo ra một vài mô hình thành công về cơ sở hạ tầng và điều kiện sống ở nông thôn để các nơi khác noi theo. Những gì chúng ta cho là mới, là hiện đại hôm nay sẽ lạc hậu ngày mai. Không thể hy vọng có một số vùng nông thôn đi trước, thu hẹp khoảng cách với đô thị là có thể cải thiện cơ bản những mâu thuẫn đang đặt ra. Mục tiêu phát triển nông thôn là tạo được ý chí tự lực của người dân, tinh thần đoàn kết của cộng đồng, tạo động lực để nông dân làm giàu, mở ra cơ hội phát triển của nông thôn. Do đó, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa các chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới, gồm có nông dân - Nhà nước - các lực lượng xã hội:

Thứ nhất, giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, các lực lượng xã hội và nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới

Chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tiến trình xây dựng nông thôn mới là các cấp ủy đảng, chính quyền mà cụ thể là các ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp. Nhà nước và hệ thống chính trị đóng một vai trò hết sức quan trọng trong chế định các chính sách liên quan, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới. Nông dân là chủ thể tham gia xây dựng và hưởng thụ các thành quả do Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mang lại. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai xây dựng nông thôn mới của nhiều địa phương vẫn còn có tình trạng “nhầm vai” khi chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo lại lấn sang tham gia thực hiện và thụ hưởng, khiến cho người nông dân còn “đứng ngoài cuộc”: quyền được biết, được bàn, được tham gia, được quyết định, được giám sát, được hưởng thụ… chưa được thể hiện một cách đầy đủ và vô hình trung, nông dân trở thành “khán giả” bất đắc dĩ trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Theo số liệu điều tra xã hội học của đề tài cấp Bộ “Xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ: thực trạng và giải pháp” thực hiện năm 2015, chỉ có 36,1% người nông dân trong tổng số 1.200 người được hỏi đã cho rằng “chủ thể của tiến trình xây dựng nông thôn mới là người nông dân”, 38,9% cho rằng chủ thể chính là “Đảng và chính quyền địa phương”, chủ thể là “hội nông dân” (3,8%), “các tổ chức chính trị - xã hội” (10,6%), “các nhà đầu từ nước ngoài” (0,7%), “ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn” (9,9%). Điều đó cho thấy hoặc là sự “lấn sân”, bao biện, “đóng thay vai” của Nhà nước nói chung, chính quyền địa phương nói riêng trong xây dựng nông thôn mới; hoặc là công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu về vai trò và vị thế, quyền lợi và nghĩa vụ của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới chưa thật sự tốt; hoặc là những lực lượng chính trị - xã hội khác (tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, các hợp tác xã, doanh nhân, các tổ chức tình nguyện,…) chưa tham gia một cách nhiệt tình và trở thành một hợp lực trong xây dựng nông thôn mới.

Do đó, cần phải có cơ chế phối hợp, kết hợp và gắn kết trách nhiệm, vai trò giữa Nhà nước, nông dân và các lực lượng xã hội. Đặc biệt, cần phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới; cần tạo cơ chế để các nguồn lực xã hội khác tham gia vào xây dựng nông thôn mới theo phương thức xã hội hóa, từ đó tạo một sức mạnh hợp nhất giữa Nhà nước, nông dân và xã hội cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, giải quyết mối quan hệ giữa “vốn mồi” của Nhà nước, năng lực “nội sinh” của chính người dân và các nguồn lực xã hội khác

Nguồn lực Nhà nước có hạn, để phát triển nông thôn cả nước phải dựa vào nội lực của nhân dân. Mục tiêu phát triển nông thôn là tạo được ý chí tự lực, tinh thần đoàn kết của cộng đồng, tạo động lực để nông dân làm giàu, mở ra cơ hội phát triển cho nông thôn. Mục tiêu không phải là xây dựng công trình mà là thay đổi tư duy, nhận thức để thay đổi hành vi, cách sống, cách làm việc của toàn thể cư dân nông thôn. Việc làm con đường, xây ngôi trường… có thể cải thiện một phần cuộc sống hiện tại nhưng hoạt động đó chỉ có ý nghĩa khi quá trình ra quyết định, sự tham gia xây dựng, quyền giám sát, quản lý thực sự giúp dân tin vào chính sức mạnh của bản thân, tin vào sự phối hợp, liên kết với nhau. Để người dân nông thôn biết rõ và có năng lực đương đầu với những thay đổi trong tương lai mới là mục tiêu quan trọng nhất của phong trào nông thôn mới, mới là biện pháp căn bản để người nông dân đứng lên tự phát triển bản thân và đất nước.

Nhà nước tạo môi trường phát triển thuận lợi để kết nối, phối hợp toàn xã hội. Đầu tư công là chất xúc tác để khuyến khích doanh nghiệp cùng đầu tư, để nông dân có sức tự tích luỹ. Cái Nhà nước và toàn dân cần chính là tư duy phát triển nông thôn mới để khai mở con đường khả thi cho người dân nông thôn đi vào xã hội tương lai. Nông thôn mới không còn chỉ là làng xã, đó là đất nước mới. Trong tương lai, tỉ lệ dân cư nông thôn chiếm 70% dân số hôm nay sẽ giảm xuống còn 10-20%. Hàng chục triệu lao động sẽ rời khỏi nông nghiệp. Công nghiệp phát triển chưa thu hút lao động, 70% lao động rời khỏi nông nghiệp phải làm các nghề “phi chính thức”, không rõ tương lai (giúp việc gia đình, cửu vạn, xe ôm, thợ hồ,…). Nhà nước phải có giải pháp rõ ràng cho quá trình chuyển dịch này. Muốn vậy, chỉ có cách thực hiện mô hình phát triển lan tỏa và bao trùm như một số nước Đông Á đã thực hiện thành công. Đó là mô hình đưa đường sá, điện, nước về nông thôn, thay vì tập trung vào đô thị; phát triển đường giao thông phục vụ tốt cho nông nghiệp; viện nghiên cứu, trường đại học nằm tại các vùng nông thôn, thay vì dồn hết về thành phố… Có kết cấu hạ tầng, có dịch vụ tốt sẽ thu hút doanh nghiệp về nông thôn, thành phố không ngạt vì dân di cư, công nghiệp không đói vì thiếu thị trường.

Nhà nước cũng phải chủ động thay đổi, cần giúp dân tổ chức lại cộng đồng thôn bản, hỗ trợ họ bầu ra người đại diện, phân cấp, trao cho họ những quyền căn bản về lập kế hoạch phát triển, để dân tự quyết định sử dụng hỗ trợ nhà nước và tự đóng góp trong phạm vi sức lực của mình, để tham gia quản lý xây dựng và vận hành các công trình. Ở cấp tổng thể, phải kết nối đô thị với nông thôn, công nghiệp với nông nghiệp. Mục tiêu đạt được phải là thay đổi tư duy của toàn dân và thay đổi mô hình tăng trưởng của cả nước.

Thứ ba, giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong huy động, điều hành, quản lý các nguồn lực xã hội vào xây dựng nông thôn

Với tư cách là chủ thể chính trị, Nhà nước xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách tạo động lực cho thị trường phát triển, đồng thời tạo sự hài hòa trong phát triển giữa cá nhân và cộng đồng, giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,... Việc phân bổ các nguồn lực của Nhà nước không thể theo ý muốn chủ quan, mà phải theo các tín hiệu của thị trường, bảo đảm sự minh bạch và có hiệu quả. Muốn vậy, cần tiếp tục đẩy nhanh các tiến trình cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân sách nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường, xác định rõ thứ tự các hướng ưu tiên để tập trung hỗ trợ có hiệu quả về tài chính và các nguồn lực khan hiếm cho xây dựng nông thôn mới.

Để đạt mục tiêu đề ra, trước hết, cần tiếp tục xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Đồng thời, hoàn thiện mạng lưới thị trường trao đổi hỗ trợ doanh nghiệp và tăng cường xúc tiến thương mại, quản lý thị trường.

Vốn đầu tư từ doanh nghiệp là nguồn quan trọng và cần thiết trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, cần phải có hành lang pháp lý, cơ chế vững chắc để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Ban hành Nghị định về phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các luật thuế, tín dụng... tiến tới nâng cấp lên thành luật về phát triển doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho việc thực hiện.

Cùng với đó, xem xét xây dựng cơ chế và cách thức thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp theo hình thức BOT, PPP áp dụng cho Chương trình nông thôn mới; nghiên cứu chính sách cho các doanh nghiệp thuê đất của nông dân, Nhà nước có chính sách hỗ trợ, nông dân đóng góp quyền sử dụng đất như cổ phần trong doanh nghiệp. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới niêm yết trên thị trường chứng khoán để huy động vốn đầu tư vào phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.

Thứ tư, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa “tiêu chí mềm” và “tiêu chí cứng” trong xây dựng, thực thi các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới

Trong bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có thể phân thành các “tiêu chí cứng”, như quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, bưu điện, nhà ở,…) và các “tiêu chí mềm” (thu nhập, lao động, việc làm, hình thức tổ chức sản xuất, an ninh trật tự xã hội,…). Thực tế nhiều địa phương trong xây dựng nông thôn mới cho thấy, việc thực hiện các “tiêu chí cứng” có tính trội hơn so với các “tiêu chí mềm”. Nói cách khác, chính quyền các địa phương chú trọng nhiều vào lập đề án quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng (đường giao thông, thủy lợi, nước sạch, trường học,…) mà ít (hoặc chưa) chú trọng đến các “tiêu chí mềm” như thu nhập, việc làm cho nông dân, yếu tố văn hóa nông thôn,… Các lĩnh vực như “lao động có việc làm thường xuyên”, “hình thức tổ chức sản xuất”, “thu nhập” chưa có chuyển biến nhiều. Thực tế các “tiêu chí mềm” là các tiêu chí thật sự khó thực hiện bởi nó liên quan đến nhiều yếu tố và đòi hỏi phải có một thời gian nhất định, quyết tâm lớn mới đạt được (thậm chí đạt được mà không “giữ” thì cũng sẽ bị “mất”). Tuy vậy, điều mà người dân cần hơn cả chính là vấn đề thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất và thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp. Điều đó cho thấy, trong thời gian tới, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới, từng địa phương phải xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, cần nhấn mạnh đến các “tiêu chí mềm” nhiều hơn, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hóa và an ninh trật tự. Đối với các xã đạt chuẩn cần tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn, phải bảo đảm chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích. Đối với các xã khó khăn, cần tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu. Để đạt được điều này, cần có thái độ và trách nhiệm đúng đắn của các cấp ủy, chính quyền, các ban chỉ đạo nông thôn mới các cấp; tăng cường xây dựng lộ trình và hướng đến các tiêu chí “mềm”; xây dựng hệ thống cung cấp thông tin về thị trường nông sản, về kỹ thuật, tài chính,…; từng bước hướng đến bảo đảm các vấn đề y tế, giáo dục, đói nghèo và bảo đảm xã hội; có kế hoạch nâng cao trình độ cho nông dân về các mặt kỹ năng, văn hóa, lối sống, lý tưởng, pháp luật.

__________________________

Tài liệu tham khảo:

1. Duy Duẩn: Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả toàn diện, http://www.tapchicongsan.org.vn, 2018.

2. Phạm Đi: Xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ: thực trạng và giải pháp, Đề tài khoa học cấp Bộ, 2015.

3. Lê Quang Toản: Phát huy vai trò của giai cấp nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay, http:// www.tapchicongsan.org.vn.

4. Vũ Thanh Sơn: Tham gia của người dân vào quy trình chính sách công, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, Số 348, 2007.

 

TS Hồ Thanh Thủy

Viện Kinh tế chính trị học,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền