Trang chủ    Thực tiễn    Một số yêu cầu đặt ra đối với công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn hiện nay
Thứ ba, 23 Tháng 7 2013 14:30
3582 Lượt xem

Một số yêu cầu đặt ra đối với công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn hiện nay

(LLCT) - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của lý luận, phát triển lý luận và tổng kết thực tiễn. Nhờ bám sát thực tiễn, nhất quán với quan điểm thực tiễn và quan điểm phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin, chú trọng tổng kết thực tiễn bằng phương pháp khoa học mà nhận thức của chúng ta về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam từng bước được sáng tỏ.

Tổng kết lý luận - thực tiễn 25 năm đổi mới và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại Đại hội XI thật sự là những tổng kết lớn, quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành về năng lực tư duy lý luận của Đảng ta. Trên cơ sở đó Đại hội XI khẳng định: “Thực tiễn phong phú và những thành tựu đạt được qua 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn cách mạng Việt Nam"(1). Tuy nhiên, Đại hội XI cũng chỉ rõ: “Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng còn hạn chế; thiếu sắc bén trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”(2). Những hạn chế trên đây đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và sự đồng thuận cao trong xã hội, tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng công kích ta.          

Từ những thành tựu và hạn chế của công tác lý luận và tổng kết thực tiễn, Đại hội XI chỉ ra nhiệm vụ của công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong những năm tới là: “Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, không ngừng phát triển lý luận, đề ra đường lối và chủ trương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; khắc phục một số mặt lạc hậu, yếu kém của công tác nghiên cứu lý luận”(3). Có thể nói, yêu cầu nhiệm vụ mà Đại hội XI đặt ra đối với công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn so với trước đây là cao hơn, có tính chất toàn diện hơn. Đây là những đảm bảo cho hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn giữ vững được định hướng chính trị và nâng cao được chất lượng, hiệu quả trong từng công trình, nhiệm vụ được triển khai. Để thực hiện yêu cầu nhiệm vụ mà Đại hội XI đặt ra, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong những năm tới cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề sau:           

Một là, tổ chức nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn hệ thống các luận điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin về CNXH và cách mạng XHCN làm cơ sở cho xây dựng khung lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.  

Nghiên cứu làm rõ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, làm rõ những vấn đề cần nhận thức cho đúng, những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh và phát triển trên cơ sở tổng kết, khái quát kinh nghiệm thực tiễn mới và những thành tựu của khoa học hiện đại.

Trong giai đoạn hiện nay, tiếp tục nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng tập trung nghiên cứu những nguyên lý cơ bản, làm rõ sự vận động, phát triển của những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay, nhất là trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, trong công cuộc đổi mới của Đảng và nhân dân ta. Cần làm rõ: những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin còn nguyên giá trị; những nội dung cần phát triển, bổ sung, đáp ứng sự phát triển của thời đại mới; những vấn đề đã bị thực tiễn mới vượt qua.     

Hai là, tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống, có chiều sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết cần tiếp tục làm sâu sắc những nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đại hội IX (2001) đã nêu ra.  

Cần nghiên cứu sâu sắc và hệ thống trên cả hai bình diện lịch sử và lý luận, cần có những chuyên khảo lớn thể hiện chân thực tư tưởng, phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, triết lý phát triển Hồ Chí Minh, văn hóa, đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh... Trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, cần làm rõ tấm gương của Người về nắm chắc bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như của thực tiễn cách mạng Việt Nam để vận dụng sáng tạo và không ngừng phát triển học thuyết đó ngay trong quá trình xác định đường lối, nhiệm vụ, chính cương, sách lược... của cách mạng.     

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị, chỉ đạo việc làm theo gương Bác một cách thiết thực.    

Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. 

Hiện nay, nhu cầu vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận trong thực tiễn, vượt qua tình trạng lạc hậu của lý luận và sự chậm trễ của khoa học xã hội so với đà phát triển nhanh chóng của thực tiễn trở nên vô cùng bức thiết. Cần vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm và phương pháp mácxít cùng với sự nắm bắt kịp thời những kiến thức mới, những thành quả nghiên cứu mới của thế giới để nghiên cứu những giá trị bền vững và sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tìm tòi phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử mới, nghiên cứu một cách khách quan, khoa học trên quan điểm đổi mới và phát triển.           

Tập trung lực lượng nghiên cứu lý luận, sớm giải quyết được về mặt lý luận những nội dung cơ bản của đường lối cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, trong đó tập trung nghiên cứu làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền: phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong điều kiện mới; thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới. Tiếp tục nghiên cứu về CNXH, con đường đi lên CNXH ở nước ta và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới: vấn đề phát triển đất nước thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; vấn đề định hướng giá trị trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; vấn đề sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam; vấn đề quyền con người trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ; vấn đề xây dựng nông thôn mới; vấn đề liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức Viêt Nam trong điều kiện mới; vấn đề an sinh xã hội và phúc lợi xã hội trong điều kiện mới; vấn đề quan hệ dân tộc và chính sách dân tộc, vấn đề tôn giáo trong nhà nước pháp quyền XHCN và vấn đề nhà nước thế tục ở Việt Nam; vấn đề bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; vấn đề đấu tranh chống “diễn biến hoà bình”; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá trong tình hình mới”; vấn đề vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong tình hình mới, v.v.. Những vấn đề lý luận không dừng lại ở nghiên cứu kinh điển, hệ thống lại đường lối, chính sách của Đảng mà phải đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, thực tiễn của Việt Nam và thực tiễn của các nước có điều kiện hoàn cảnh gần giống với ta.

Bốn là, tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, đi sâu tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận một cách sáng tạo, trước hết là tổng kết có lý luận những kinh nghiệm cơ bản trong công cuộc đổi mới, chuẩn bị cho tổng kết 30 năm đổi mới đất nước và tổng kết 40 năm thống nhất đất nước.         

Đổi mới tư duy lý luận là phải nghiên cứu lý luận từ thực tiễn sinh động chứ không giáo điều, chủ quan, tư biện; không thể tự bằng lòng với những kiến thức và kinh nghiệm đã có. Trong nghiên cứu, cần bám sát thực tiễn, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu những sáng kiến, sáng tạo của nhân dân, giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đặt ra và đáp ứng kịp thời những mong đợi của nhân dân. 

Nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới của Việt Nam để tiếp tục làm rõ vấn đề định hướng XHCN và định hình CNXH của Việt Nam.  

Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, coi trọng tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận. Gắn chặt lý luận với thực tiễn, gắn yêu cầu trước mắt với nhiệm vụ lâu dài, kết hợp đồng bộ giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu triển khai.        

Tập trung nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về phát triển bền vững, về đổi mới mô hình tăng trưởng, về thể chế và chính sách, chú trọng nhiều hơn tới các vấn đề văn hóa, xã hội, an sinh xã hội, các vấn đề về con người.   

Trong tổng kết cần phải phát huy tự do tư tưởng và tính sáng tạo trong nghiên cứu lý luận, kết hợp thống nhất tính khoa học với tính đảng, giữa tính khoa học với chính trị.          

Công tác lý luận và khoa học xã hội
phải thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa khoa học xã hội với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật.

Năm là, khoa học xã hội cần chủ động nghiên cứu và tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng, phê phán những quan điểm, tư tưởng phản động, sai trái, cơ hội.    

Môi trường đấu tranh tư tưởng, lý luận là môi trường thử thách toàn diện nhất và sâu sắc nhất đối với khoa học xã hội nói chung và công tác tư tưởng, lý luận nói riêng.     

Khoa học xã hội cần quan tâm đến cuộc đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Theo dõi, phát hiện, nghiên cứu những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu mới của các thế lực thù địch, cơ hội, tổ chức triển khai đấu tranh có cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn có sức thuyết phục cao phản bác lại những quan điểm sai trái.     

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận nhằm bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng có nhiều thuận lợi hơn. Tuy vậy, cần thấy rằng trong quá trình chuẩn bị và trong thời gian tiến hành Đại hội, các thế lực thù địch đã điên cuồng chống phá cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức đối với Đảng ta. Sau Đại hội, các thế lực thù địch và cơ hội về chính trị tiếp tục chống phá ta về mọi mặt, trong đó tập trung vào nền tảng tư tưởng, vai trò lãnh đạo của Đảng; sự quản lý của Nhà nước; việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; các vấn đề nhạy cảm về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, v.v.. Trong lúc đó, “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện rất khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện vô nguyên tắc...”(4). Đặc biệt trong khi chúng ta đang tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, lợi dụng những vấn đề trên, các thế lực thù địch âm mưu chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng với dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sáu là, nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc lý luận và kinh nghiệm xây dựng CNXH của các nước XHCN trên thế giới, kinh nghiệm của các đảng cầm quyền.  

Trong quá trình tham khảo lý luận và kinh nghiệm của nước ngoài, phải độc lập giải quyết những vấn đề của chính mình, không sao chép, bắt chước máy móc từ một khuôn mẫu sẵn có nào, cho dù việc học tập, tham khảo kinh nghiệm này là rất cần thiết và quan trọng.     

Trên cơ sở quán triệt bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần phát huy tính độc lập, sáng tạo, kế thừa những tinh hoa trí tuệ của dân tộc, những kinh nghiệm và thành tựu khoa học của thế giới. Phải có cách tiếp cận và ứng xử khoa học “Đối với những học thuyết khác - ngoài chủ nghĩa Mác - Lênin - về xã hội, cần được nghiên cứu trên quan điểm khách quan, biện chứng. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều cũng như chống chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội dưới mọi màu sắc”(5).

Phải có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu lý luận. Cần đa dạng hoá hình thức hợp tác và nâng cao hiệu quả hợp tác. Cần tạo điều kiện cho sự mở rộng giao lưu quốc tế của các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội, cơ quan lý luận của Đảng. Trước mắt, cần mở rộng và tăng cường hợp tác nghiên cứu và hoạt động tọa đàm, trao đổi tài liệu, sách báo, ấn phẩm lý luận, các đoàn cán bộ nghiên cứu lý luận với các cơ quan nghiên cứu của các đảng cộng sản và một số đảng cầm quyền trên thế giới, v.v..    

Để đảm bảo tính hiệu quả trong hợp tác quốc tế, cần có sự lãnh đạo thống nhất, chặt chẽ và có sự chuẩn bị về chính trị, chuyên môn và ngoại ngữ cho các nhà khoa học và đội ngũ làm công tác lý luận. Cần thông tin đầy đủ, thường xuyên kết quả và những vấn đề nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn ở trong và ngoài nước cho cán bộ khoa học, đội ngũ làm công tác lý luận theo đúng chế độ quy định.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2012

(1),(2),(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr.185, 172-173, 255-256.      

(4) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khoá XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2012, tr.22.     

(5) ĐCSVN - Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 01 ngày 28-3-1992 của Bộ Chính trị (khoá VII) Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay.       

 

PGS, TS Phan Trọng Hào

Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền