Trang chủ    Thực tiễn    Luật Tín ngưỡng, tôn giáo qua một năm triển khai thực hiện
Thứ sáu, 25 Tháng 10 2019 12:28
5368 Lượt xem

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo qua một năm triển khai thực hiện

(LLCT) - Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIV thông qua ngày 18-11-2016, được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 1-12-2016; chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Sau một năm triển khai thực hiện Luật, đã đạt được nhiều kết quả bước đầu rất quan trọng, tuy nhiên cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế, vướng mắc. Do vậy, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi những nội dung còn bất cập nhằm đảm bảo tính khả thi, thống nhất, đồng bộ của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

 

1. Kết quả và một số bất cập sau 1 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Qua một năm triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được bảo đảm theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013 (Điều 14 và Điều 24)(1). Nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ các tôn giáo và đông đảo quần chúng nhân dân được đáp ứng đầy đủ. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo, cá nhân tôn giáo và cơ sở tín ngưỡng được thuận lợi. Quan hệ quốc tế trong lĩnh vực tôn giáo được tiếp tục mở rộng.

Quyền bình đẳng trước pháp luật của tổ chức tôn giáo, cá nhân tôn giáo hợp pháp được bảo đảm. Chức sắc, nhà tu hành, chức việc và tín đồ các tôn giáo tiếp tục tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Nguồn lực của tổ chức tôn giáo, cá nhân tôn giáo đóng góp cho xã hội ngày càng được phát huy. Khối đoàn kết đồng bào các tôn giáo được củng cố trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hành lang pháp lý trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng vững chắc và ổn định. Thủ tục hành chính đơn giản, cơ bản phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng của đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước được tăng cường, đáp ứng nhiệm vụ công tác tôn giáo trong tình hình mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nêu trên, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế, gây khó khăn cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể:

Về khái niệm “tổ chức tôn giáo trực thuộc”. Theo quy định tại Khoản 13, Điều 2: “Tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo”(2). Quy định này bộc lộ một số khó khăn trong triển khai thực hiện:

Thứ nhất, theo nội hàm khái niệm, để xác định là tổ chức tôn giáo trực thuộc thì thực thể đó phải thỏa mãn ba điều kiện: (1) thuộc tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận; (2) là bộ phận cấu thành của tổ chức tôn giáo được quy định trong hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo; (3) được thành lập theo quy định của hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên, về điều kiện thành lập, có hiến chương, điều lệ quy định việc đăng ký với chính quyền trước khi thành lập, nhưng cũng có hiến chương, điều lệ không quy định vấn đề này (Giáo hội Công giáo Việt Nam), dẫn đến tình trạng khi thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức tôn giáo thực hiện đăng ký hoặc không đăng ký với chính quyền khi xét thấy có lợi cho tổ chức tôn giáo. Điều này dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Thứ hai, hiện tại ở Việt Nam có nhiều tổ chức tôn giáo với mô hình, hệ thống cơ cấu tổ chức từ trung ương đến cơ sở rất khác nhau (theo quy định của hiến chương, điều lệ tổ chức tôn giáo), nhất là đối với Công giáo, mô hình cơ cấu tổ chức được quy định trong Bộ giáo luật (thực hiện từ Giáo triều Vatican đến giáo xứ); trong các hiến chương, điều lệ của các dòng tu; trong các quy chế, nội quy của giáo phận... với nhiều tầng nấc hành chính đạo, trung gian liên kết, nhiều bộ phận cấu thành trong mỗi tầng nấc, trong khi chưa được cơ quan có thẩm quyền của trung ương hướng dẫn chi tiết. Do vậy, chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc xác định đâu là tổ chức tôn giáo trực thuộc, đâu là bộ phận cấu thành của tổ chức tôn giáo trực thuộc để làm cơ sở thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

Về sự thiếu thống nhất giữa quy định tại Khoản 13 và Khoản 14, Điều 2, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo: Khoản 13, Điều 2 quy định: “Tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo”. Khoản 14, Điều 2 quy định: “Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo”(3).

Căn cứ nội dung Khoản 13, Điều 2, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Điều 57, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, Niệm Phật đường (gọi chung là tự viện), dưới sự quản lý của các cấp Giáo hội”(4), thì có sự thiếu thống nhất giữa Khoản 13 và Khoản 14, Điều 2, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trong việc xác định địa vị pháp lý của “chùa”. Bởi vì, Điều 57, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định “chùa” không phải là cấp hành chính đạo, nhưng là đơn vị cơ sở, là tổ chức tôn giáo trực thuộc trong hệ thống cơ cấu tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thực tiễn công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho thấy, việc xác định “chùa” của Phật giáo như cơ sở tôn giáo là chưa phù hợp. Bởi vì, cũng như các đơn vị cơ sở của các tôn giáo khác (“giáo xứ” của Công giáo, “chi hội” của đạo Tin lành, “họ đạo” của đạo Cao Đài), “chùa” của Phật giáo có cơ sở vật chất (đất đai, tài sản), có các công trình tôn giáo (chính điện, nhà tổ, trai đường,...), có nhân sự quản lý điều hành (trụ trì hoặc ban trụ trì, ban quản trị...). Vì vậy, khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo xem “chùa” của Phật giáo là “cơ sở tôn giáo” gây không ít khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước các cấp khi xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến tổ chức, nhân sự, hoạt động của “chùa” như thành lập, bổ nhiệm, hoạt động lễ nghi, hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài và các vấn đề khác theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng khi xác định chủ thể về mặt tổ chức thực hiện thủ tục pháp lý trong việc giao đất, cấp phép xây dựng.

Về xác định thẩm quyền tiếp nhận thông báo phong phẩm trong tôn giáo: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 33, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương về người được phong phẩm hoặc suy cử làm “... mục sư của các tổ chức Tin lành (...) và các phẩm vị tương đương của tổ chức tôn giáo khác”(5). Quy định này chưa rõ dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý của địa phương khi xác định nội hàm khái niệm “phẩm vị tương đương của tổ chức tôn giáo khác” cũng như khi hướng dẫn các tổ chức tôn giáo thực hiện quy định này. Điển hình như đối với phẩm vị “linh mục” của Công giáo, liệu có tương đương với phẩm vị “mục sư” của đạo Tin lành, để xác định thẩm quyền tiếp nhận thông báo.

Bên cạnh đó, quy định này còn bất cập ở chỗ, tuyệt đại bộ phận mục sư của các tổ chức Tin lành hoạt động tôn giáo ở địa bàn cơ sở tại các điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung và các chi hội, do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý. Vì vậy, việc phân cấp cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương tiếp nhận thông báo đối với phẩm vị “mục sư” của các tổ chức Tin lành là chưa thật sự phù hợp.

Về việc xác định “địa điểm hợp pháp” của các tôn giáo: Các điều 17, 19, 22 và 29 của Luật quy định, một trong những điều kiện và thành phần hồ sơ đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo, thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc là phải có “địa điểm hợp pháp”. Khoản 15, Điều 2 quy định: “Địa điểm hợp pháp là đất, nhà ở, công trình mà tổ chức hoặc cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật”(6).

Thực tế phát sinh các quan điểm khác nhau trong việc áp dụng quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đối với việc xác định “địa điểm hợp pháp” để giải quyết đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo, thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc. Có quan điểm cho rằng, “địa điểm hợp pháp” trong các trường hợp này là nhà ở, đất đai, công trình xây dựng phải thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức tôn giáo; trong đó đất đai phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đai tôn giáo, nhà ở và công trình phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho phép xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng; nếu chưa phải là đất đai thuộc quyền sử dụng của tổ chức tôn giáo thì cũng phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đai tôn giáo.

Trong khi đó, có quan điểm cho rằng, “địa điểm hợp pháp” là nhà ở, đất đai, công trình xây dựng được tổ chức, cá nhân tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật. Do vậy, ngoài các trường hợp nhà ở, đất đai, công trình xây dựng thuộc quyền quản lý, sở hữu, sử dụng của tổ chức tôn giáo thì “địa điểm hợp pháp” còn bao gồm nhà ở, đất đai, công trình thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà tổ chức tôn giáo thuê, mượn theo quy định của Luật Dân sự.

Việc định nghĩa “địa điểm hợp pháp” tại Khoản 15, Điều 2, áp dụng chung cho tất cả đối tượng, khách thể quản lý hoạt động tôn giáo rõ ràng chưa phù hợp với thực tiễn cả dưới góc độ tổ chức tôn giáo lẫn dưới góc độ quản lý nhà nước. Cụ thể:

Dưới góc độ tổ chức tôn giáo: địa điểm đặt nơi sinh hoạt tôn giáo tập trung, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có ý nghĩa khác nhau với các tôn giáo khác nhau. Trong đó, đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, địa điểm đặt trụ sở, nơi sinh hoạt tôn giáo không nhất thiết gắn liền với cơ sở thờ tự. Nhưng đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc ở cơ sở (“chùa” của Phật giáo, “giáo xứ” của Công giáo, “họ đạo” của đạo Cao Đài...) là nơi gắn liền với cơ sở thờ tự mang yếu tố linh thiêng phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành, chức việc và quần chúng tín đồ. Do đó, việc cho thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc ở cơ sở đồng nghĩa với việc giải quyết cho tổ chức tôn giáo tạo lập, xây dựng mới cơ sở thờ tự và công trình tôn giáo phụ trợ.

Dưới góc độ quản lý nhà nước: việc thực thi pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đòi hỏi sự đồng bộ, thống nhất với các ngành luật điều chỉnh các lĩnh vực liên quan; phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, việc áp dụng “địa điểm hợp pháp” theo quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để giải quyết việc thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc ở cơ sở là chưa phù hợp, chồng chéo với các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng và quy hoạch, thậm chí tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ vững an ninh, quốc phòng.

Về việc tiếp nhận thông báo hoạt động tôn giáo: Theo quy định tại Điều 43, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, thẩm quyền tiếp nhận thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc dựa vào “địa bàn hoạt động tôn giáo” của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc(7), không dựa vào “thành phần tham dự hoạt động” như Nghị định số 92/NĐ-CP ngày 8-11-2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo(8). Điều này dẫn đến khó khăn cho địa phương, nhất là UBND cấp xã, trong việc tiếp nhận thông báo hoạt động tôn giáo khi có thành phần tham dự ngoài phạm vi một huyện hoặc ngoài tỉnh. Vì rất nhiều tổ chức tôn giáo ở cơ sở (giáo xứ, chùa, họ đạo, chi hội...) dù phạm vi hoạt động trong địa bàn một xã, phường, thị trấn, nhưng lại có những hoạt động tôn giáo quy mô rất lớn với thành phần tham dự lên đến vài chục nghìn người ở nhiều địa phương trong cả nước. Thậm chí có những hoạt động có hàng nghìn chức sắc, nhà tu hành tham dự; có hoạt động một vài chức sắc, nhà tu hành lợi dụng sinh hoạt tôn giáo, lễ nghi tôn giáo để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước (số chức sắc, nhà tu hành này thường từ địa bàn khác đến nên việc nắm bắt, xử lý thông tin và quản lý của UBND cấp xã gặp nhiều khó khăn).

Về chủ thể đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung: Theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo(9), chủ thể đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung là tổ chức tôn giáo (trường hợp tổ chức tôn giáo hợp pháp) và người đại diện (trường hợp chưa có tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức chưa hợp pháp). Quy định này bộc bộ nhiều bất cập trong thực tiễn công tác quản lý:

Thứ nhất, thiếu sự bình đẳng giữa các chủ thể trong thực hiện đăng ký với một bên là tổ chức tôn giáo hợp pháp (do người đứng đầu hoặc người được người đứng đầu phân cấp, ủy quyền đăng ký) và một bên là tổ chức tôn giáo chưa hợp pháp (chỉ do một tín đồ có đầy đủ tư cách công dân đại diện đăng ký).

Thứ hai, không phù hợp với xu thế cải cách thủ tục hành chính và sự thống nhất trong giải quyết các hoạt động liên quan đến tôn giáo hiện nay. Cụ thể: (1) chủ thể thực hiện đăng ký là tổ chức tôn giáo (Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam,...), một bên cơ quan giải quyết là Ủy ban nhân dân cấp xã; (2) tổ chức tôn giáo trực thuộc (Ban Trị sự Phật giáo, Tòa Giám mục) được quyền đăng ký thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc thuộc phạm vi quản lý, trong khi việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho quần chúng tín đồ lại thuộc thẩm quyền của tổ chức tôn giáo (Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam,...).

Thứ ba, không phù hợp với thực tiễn sinh hoạt tôn giáo khi yêu cầu tổ chức tôn giáo là chủ thể quản lý ở cấp vĩ mô, không trực tiếp quản lý sinh hoạt tôn giáo của tín đồ lại đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho họ. Đặc biệt với Công giáo - tổ chức giáo hội thống nhất từ Giáo triều Vatican đến giáo xứ, với 3 cấp hành chính đạo (giáo triều, giáo phận, giáo xứ), 2 cấp giáo hội (giáo hội hoàn vũ và giáo hội địa phương), 3 cấp trung gian (giáo miền, giáo tỉnh, giáo hạt); trong đó, giáo phận (giáo hội địa phương) do giám mục chính tòa quyết định toàn bộ các vấn đề trong địa bàn. Vì vậy, việc quy định Giáo hội Công giáo Việt Nam đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung là không phù hợp với đặc điểm của Công giáo.

Về đăng ký người bầu cử của tổ chức tôn giáo: Điều 34, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi bầu cử chức việc có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương, cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh(10) dẫn đến nhiều lúng túng, khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý nhà nước. Trong thực tiễn, hầu hết các tổ chức tôn giáo thực hiện nghiêm túc giáo luật, hiến chương, điều lệ trong bầu cử nhân sự tham gia quản lý các tổ chức từ cấp trung ương đến cấp cơ sở. Nhiều tổ chức tôn giáo bầu cử nhân sự qua hình thức lấy phiếu tín nhiệm trực tiếp, dân chủ, công khai và trải qua nhiều lượt bầu để chọn ra nhân sự. Vì vậy, việc yêu cầu đăng ký nhân sự với chính quyền trước khi bầu cử đã tạo sự phản ứng trong các tôn giáo.

Về quản lý chức sắc, chức việc, nhà tu hành thuyên chuyển nơi hoạt động: Theo quy định tại Điều 35, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, khi thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành chỉ cần thông báo bằng văn bản đến cơ quan chuyên môn làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi đi và nơi đến, không gửi kèm lý lịch cá nhân và lý lịch tư pháp (gồm cả chức sắc, chức việc, nhà tu hành đang bị buộc tội hoặc chưa được xóa án tích)(11). Quy định này dẫn đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo không quản lý được chức sắc, chức việc, nhà tu hành, nhất là những trường hợp thuyên chuyển từ tỉnh thành khác đến.

Về việc thực hiện phiếu lý lịch tư pháp: Trong những năm qua, thực hiện theo quy định tại Điều 22, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo(12) và Khoản 2, Điều 19, Nghị định số 92 của Chính phủ(13), ngoài thực hiện quản lý nhà nước đối với việc bổ nhiệm, bầu cử, suy cử nhân sự là chức sắc, nhà tu hành, chính quyền còn thực hiện quản lý nhà nước đối với việc bổ nhiệm, bầu cử, suy cử nhân sự là tín đồ tham gia vào bộ máy tổ chức các tôn giáo. Thực tế cho thấy, công tác quản lý và tranh thủ chức việc là tín đồ giúp công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đạt hiệu quả tốt hơn, nhất là trong việc vận động tín đồ tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xử lý các vụ việc tôn giáo phức tạp.

Theo quy định tại Điều 33 và Điều 34, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử (chức sắc, nhà tu hành, tín đồ), tổ chức tôn giáo đăng ký phải gửi kèm phiếu lý lịch tư pháp của người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử(14). Quy định này giúp cho cơ quan quản lý nhà nước ở cấp tỉnh và cấp trung ương quản lý tốt hơn chức sắc, nhà tu hành khi tham gia vào bộ máy tổ chức các tôn giáo. Tuy nhiên, đối với trường hợp nhân sự là tín đồ tham gia vào bộ máy tổ chức các tôn giáo, thì quy định này chưa phù hợp. Bởi vì, số lượng tín đồ tham gia vào bộ máy tổ chức các tôn giáo đông đảo, tham gia theo nhiệm kỳ (từ 2 đến 5 năm); họ chỉ là người hỗ trợ chức sắc, nhà tu hành đứng đầu tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Về việc giải quyết địa vị pháp lý đối với dòng tu Công giáo: Trước đây, thực hiện quy định tại Điều 20, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo(15) và Điều 13, Nghị định số 92 của Chính phủ(16), xem xét, giải quyết vấn đề tổ chức của dòng tu Công giáo thông qua việc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Hiện nay, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo không đặt vấn đề dòng tu Công giáo riêng lẻ nữa mà xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan dòng tu Công giáo như đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc. Điều này có nghĩa là xem xét, giải quyết vấn đề tổ chức của dòng tu Công giáo thông qua việc thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc theo quy định tại các điều 27, 28 và 29 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam cho thấy, dòng tu Công giáo có hai loại: (1) dòng quốc tế trực thuộc quyền Giáo hoàng, hoạt động độc lập theo sự chỉ đạo của Giáo hoàng và Bề trên dòng ở nước ngoài, Giám mục địa phận chỉ có quyền giám sát hoạt động, không có quyền chỉ đạo, điều hành; (2) dòng địa phận thuộc quyền Giám mục địa phận và chịu sự chi phối, chỉ đạo của Giám mục địa phận.

Do vậy, theo quy định của Luật, việc xem xét, giải quyết dòng tu Công giáo thông qua việc thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc đối với dòng tu quốc tế thuộc quyền Giáo hoàng là chưa phù hợp với đặc điểm, thực tiễn hoạt động của dòng tu Công giáo và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của dòng tu Công giáo ở Việt Nam; nhất là các vấn đề liên quan đến việc đánh giá, nhận diện về góc độ chính trị, tôn giáo của các dòng tu quốc tế.

Về tên gọi của tổ chức tôn giáo trực thuộc: Các khoản 1, 2, 3 và 4, Điều 25, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo điều chỉnh tên gọi của tổ chức tôn giáo, không điều chỉnh những vấn đề liên quan đến tên gọi của tổ chức tôn giáo trực thuộc, cũng không quy định tên gọi của tổ chức tôn giáo trực thuộc. Điều này dẫn đến không có cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo khi giải quyết vấn đề liên quan đến tên gọi của tổ chức tôn giáo trực thuộc theo quy định tại các điều 22, 25 và 29 của Luật.

Về quản lý hành chính đối với cơ sở đào tạo tôn giáo: So với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, thì Luật Tín ngưỡng, tôn giáo dành nhiều điều luật (các điều 37, 38, 39, 40 và 42) quy định các vấn đề liên quan đến thành lập, hoạt động, giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo. Tuy nhiên, tất cả các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước đối với cơ sở đào tạo tôn giáo đều thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan trung ương, bỏ hẳn nội dung quản lý hành chính nhà nước của chính quyền cấp tỉnh mà trước đây Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 92 của Chính phủ đã quy định. Điều này bỏ qua vai trò quản lý địa bàn, lãnh thổ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tạo lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở đào tạo tôn giáo.

Về quản lý nhà nước lĩnh vực tín ngưỡng: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo dành 1 chương (Chương III) quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng. Tuy nhiên, Luật chỉ quy định những vấn đề liên quan đến nhân sự của cơ sở tín ngưỡng và hoạt động tín ngưỡng. Vì vậy, chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn khi giải quyết những vấn đề liên quan đến địa vị pháp lý của tổ chức, cơ sở tín ngưỡng (công nhận, thành lập tổ chức tín ngưỡng hoặc cơ sở tín ngưỡng) trong thực hiện quản lý nhà nước đối với các vấn đề nhân sự, hoạt động, đất đai, xây dựng của cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn.

Mặt khác, theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tổng thể quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng thuộc thẩm quyền cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp. Tuy nhiên, Điều 22, Nghị định số 162/NĐ-CP ngày 30-12-2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo(17) lại tách nội dung quản lý nhà nước về lễ hội tín ngưỡng, quản lý khoản thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng sang cho cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa phụ trách. Điều này ảnh hưởng đến tính thống nhất, tính đồng bộ trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tín ngưỡng.

Về thực hiện quyền sử dụng đất của tổ chức, cơ sở tôn giáo: Khoản 4, Điều 56 của Luật quy định: “Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn tài sản bằng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan”(18). Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 quy định, đất cơ sở tôn giáo do Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, do vậy cơ sở tôn giáo không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn tài sản bằng quyền sử dụng đất(19). Điều này dẫn đến khó khăn khi tổ chức tôn giáo yêu cầu thực hiện quyền theo quy định tại Khoản 4, Điều 56, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Về trách nhiệm tài sản của tổ chức tôn giáo khi được công nhận pháp nhân: Khoản 2, Điều 87, Luật Dân sự năm 2015 quy định: “Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình...”(20). Tuy nhiên, đối với các tổ chức tôn giáo khi được công nhận pháp nhân, việc tổ chức kê biên, thực hiện nghĩa vụ tài sản của tổ chức tôn giáo đối với các chủ thể khác trong quan hệ pháp luật về dân sự sẽ gặp nhiều khó khăn, tính khả thi thấp, cũng như bị ràng buộc bởi các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan.

2. Giải pháp khắc phục

Để khắc phục những điểm bất cập của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trong thời gian tới cần:

Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan trung ương tiến hành khảo sát tại các địa phương có đông đồng bào tôn giáo, nhiều tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng để đánh giá toàn diện, cụ thể, chính xác tình hình thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trên cơ sở đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi những nội dung còn bất cập, thiếu thống nhất, bổ sung những điểm còn thiếu nhằm bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ hai, trong thời gian chờ đợi cơ quan có thẩm quyển sửa đổi, bổ sung, đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có văn bản hướng dẫn cụ thể, thống nhất một số nội dung của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là các nội dung đang vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để các địa phương triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, tránh tình trạng mỗi địa phương hiểu và vận dụng khác nhau.

Thứ ba, việc phát huy nguồn lực của các tôn giáo đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được khẳng định trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước, cũng như thể chế hóa tại Điều 54 và Điều 55 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng đến nay, các ngành luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Giáo dục, Luật Y tế..., chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương cần kiến nghị Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội nhanh chóng sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trong các văn bản pháp luật về giáo dục, y tế, đất đai, nhằm bảo đảm sự cụ thể hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2016

1) Hiến pháp năm 2013, Điều 14 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”; Điều 24 quy định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”, http://www.chinhphu.vn.

(2), (3), (5), (6), (7), (9), (10), (11), (14), (18) Bùi Thanh Hà-Nguyễn Thị Định: Tài liệu giới thiệu Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr.7, 8, 28, 8, 35-36, 15-17, 28-29, 30, 27-29, 45.

(4) Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tu chỉnh lần thứ V), http://btgcp.gov.vn.

(8) Điều 24 và Điều 25, Nghị định số 92 ngày 8-11-2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, http://vanban.chinhphu.vn.

(12) Điều 22, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, http://www.chinhphu.vn.

(13) Điều 19, Nghị định số 92 ngày 8-11-2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, http://vanban

.chinhphu.vn.

(15) Điều 20, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, http://www.chinhphu.vn.

(16) Điều 13, Nghị định số 92 ngày 8-11-2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, http://vanban.

chinhphu.vn.

(17) Điều 22, Nghị định số 162/NĐ-CP ngày 30-12-2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, http://btgcp.gov.vn.

(19) Luật Đất đai năm 2013, http://www.dpi.

hochiminhcity.gov.vn.

(20) Luật Dân sự năm 2015, https://thuvienphapluat.vn.

 

ThS Nguyễn Quốc Vũ

Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai

TS Lê Tâm Đắc

Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền