Trang chủ    Thực tiễn    Một vài nét về thực trạng phẩm chất nghề nghiệp nhà báo Việt Nam hiện nay theo quan điểm Hồ Chí Minh
Thứ sáu, 25 Tháng 10 2019 12:34
2859 Lượt xem

Một vài nét về thực trạng phẩm chất nghề nghiệp nhà báo Việt Nam hiện nay theo quan điểm Hồ Chí Minh

(LLCT) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh việc rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp của người làm báo. Quán triệt tư tưởng của Người, hơn 90 năm qua, đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam đã không ngừng rèn luyện, có được phẩm chất nghề nghiệp tốt, xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, có “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”. Bên cạnh những ưu điểm, đội ngũ nhà báo hiện nay cũng bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém về phẩm chất nghề nghiệp. Do vậy, cần có sự khảo sát một cách toàn diện để nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng vấn đề này, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục.

Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng vĩ đại, đã sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã để lại những di sản vô giá cho nền báo chí cách mạng nước ta, trong đó có những quan điểm cơ bản về phẩm chất nghề nghiệp nhà báo. Trong các phẩm chất nghề nghiệp của nhà báo, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh về phẩm chất: (i) chính trị, tư tưởng; (ii) đạo đức, lối sống; (iii) chuyên môn, nghiệp vụ và tri thức văn hóa, vốn sống xã hội.

1. Về phẩm chất chính trị, tư tưởng của nhà báo

Năm 2018, chúng tôi tiến hành khảo sát, xin ý kiến hơn 400 nhà báo và phỏng vấn sâu gần 20 nhà báo trong các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, với các dòng báo chí được lựa chọn có tính đại diện, cũng như xin ý kiến các cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan trung ương về vấn đề phẩm chất nghề nghiệp nhà báo hiện nay theo quan điểm Hồ Chí Minh.

Qua khảo sát bằng phiếu hỏi và phỏng vấn sâu, chúng tôi nhận thấy, phần lớn nhà báo Việt Nam đều nhận thức rõ về phẩm chất chính trị cần có. Số đông họ đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, trung thành với Đảng, không ngừng phấn đấu vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Họ luôn luôn giữ vững được phẩm chất đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh, trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật. Các nhà báo được khảo sát đều đã trải qua các khóa đào tạo chính trị bài bản. Ngoài ra, qua phỏng vấn, chúng tôi cũng thấy nhận thức chính trị của số đông nhà báo tốt không chỉ do yêu cầu của công việc mà còn do các nhà báo đã được trang bị những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình học tập tại trường đại học, cao đẳng. Với những nhà báo có trình độ cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ), họ còn được học những khóa chuyên sâu về lý luận chính trị. Vấn đề căn bản đặt ra ở đây là mức độ chuyển từ nhận thức sang thái độ và hành vi trong thực tiễn.

Về thái độ, cũng giống như nhận thức, phần lớn thái độ chính trị của nhà báo đều ở mức tốt và rất tốt. Chúng tôi đã tiến hành kiểm định T - Test để tìm ra sự khác biệt giữa nhóm nhà báo nam và nhà báo nữ với biểu hiện “Tôi không sợ bị trả thù khi lên tiếng bảo vệ lẽ phải”. Kết quả kiểm định cho thấy, trong kiểm định phương sai tổng thể (Lenene), sig = 0,041 < 0,05, chứng tỏ có sự khác nhau giữa các nhóm nhà báo nam và nhà báo nữ đối với thái độ sợ bị trả thù khi lên tiếng bảo vệ lẽ phải. Cụ thể là, số nhà báo nam không sợ bị trả thù khi lên tiếng bảo vệ lẽ phải nhiều hơn số nhà báo nữ. Giá trị trung bình của nhà báo nam trong câu trả lời này cao hơn so với nữ 0,63.

Về hành vi, các biểu hiện đánh giá hành vi chính trị, các nhà báo đều đạt mức tương đối tốt, tốt và rất tốt (mức 3, 4, 5 trở lên). Ở biểu hiện “Tôi luôn đặt lợi ích quốc gia, cộng đồng và tập thể lên trên lợi ích cá nhân”, tỷ lệ nhà báo chọn mức độ 4 là cao nhất (40,6%) cho thấy hành vi chính trị của nhà báo rất tốt. Biểu hiện “Tôi luôn luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước” có giá trị trung bình cao nhất (giá trị trung bình = 4,28), tỷ lệ người chọn mức 5 cao nhất. Biểu hiện 2: “Tôi luôn luôn tuyên truyền, giúp đỡ người khác thực hiện đúng các quy định của pháp luật, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước”, tỷ lệ nhà báo chọn ở mức 3, 4, 5 đều là 28,1%.

Về sự thống nhất giữa nhận thức, thái độ và hành vi, chúng tôi thấy giá trị trung bình của các biểu hiện về phẩm chất chính trị tốt, phân bố đều ở cả nhận thức, thái độ và hành vi. Ở một số biểu hiện, tỷ lệ nhà báo đạt mức tốt về phẩm chất chính trị rất cao. Khi trả lời phỏng vấn sâu, các nhà báo đã làm rõ hơn vấn đề này. Theo họ, các nhà báo Việt Nam đều tích cực tham gia, đóng góp vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, các nhà báo còn phân tích nguyên nhân của thực trạng. Thời gian qua, hầu hết các vụ tiêu cực, tham nhũng lớn được phát hiện và xử lý đều có công đầu của các nhà báo. Họ cũng đi đầu trong việc thông tin, tuyên truyền, phát hiện gương “người tốt, việc tốt”, gương điển hình tiên tiến, những tấm lòng nhân ái, những sáng kiến hay, những kinh nghiệm tốt và những phương pháp làm việc hiệu quả. Thông qua việc phát hiện và biểu dương gương người tốt việc tốt, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch và tiêu cực, các nhà báo đã góp phần nhân rộng lối sống đẹp và đẩy lùi tiêu cực trong xã hội. Kết quả điều tra của các nhà báo chống tiêu cực xã hội được dư luận ủng hộ vì đã “điểm mặt chỉ tên” từng đối tượng, sự việc cụ thể, cung cấp những thông tin ban đầu, giúp các cơ quan chức năng vào cuộc. Nhiều nhà báo còn thể hiện vai trò tiên phong trong đấu tranh tư tưởng lý luận, vạch trần âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tính trong ba năm gần đây, đã có gần 1.000 phóng viên, trên 300 lượt cơ quan báo chí đã tập trung tuyên truyền, khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt, các nhà báo còn đề xuất giải pháp, kiến nghị có tính khả thi cho Chính phủ; giúp nhân dân hiểu rõ tình hình, nhằm tạo ra sự tin tưởng, đồng thuận trong xã hội.

 Bên cạnh những ưu điểm phẩm chất chính trị, trong quá trình tác nghiệp, một bộ phận nhà báo Việt Nam vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định. Một số nhà báo nhận thức chưa đầy đủ về các phẩm chất chính trị cần có của mình, tính chính trị, tính Đảng chưa cao. Kết quả khảo sát cho thấy biểu hiện về: “Tôi chủ động tham dự các khóa học chính trị để nâng cao hiểu biết của bản thân”, giá trị trung bình của các nhà báo lựa chọn ở mức thấp nhất (mean = 2,88). Tuy mean này vẫn hơn mức trung bình (2,5) nhưng điều đó cho thấy tính tích cực nâng cao nhận thức chính trị của một số nhà báo chưa cao và chưa chủ động.

Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, không có sự thống nhất hoàn toàn giữa nhận thức, thái độ và hành vi chính trị của nhà báo. Đôi khi, những chỉ số biểu hiện không tỷ lệ thuận với nhau, hoặc chưa tương thích.

2. Về phẩm chất đạo đức

Các nhà báo đều khẳng định vai trò quan trọng của phẩm chất đạo đức đối với người làm báo trong bối cảnh hiện nay. Nhiều nhà báo khẳng định rằng đây là phẩm chất cần nhất đối với nhà báo Việt Nam vì họ phải đối mặt với nhiều thách thức và cám dỗ.

Về thái độ, có thể thấy rằng phần lớn các nhà báo đều say mê, tâm huyết với nghề, gắn bó với nhân dân, với thực tiễn, có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tỷ lệ các nhà báo cho rằng biểu hiện lười học hỏi chỉ tồn tại trong một bộ phận nhà báo. “Ích kỷ, vụ lợi cá nhân” và “ghen ghét, đố kỵ với người hơn mình” là hai biểu hiện về thái độ có tỷ lệ người lựa chọn phương án “không có” bằng nhau (3,1%). Cả hai biểu hiện này đều có giá trị trung bình lớn hơn 2,8.

Hình 1 cho thấy, tỷ lệ các nhà báo yêu thích nghề báo là lớn nhất (68.8%) và không có ai chọn phương án “không yêu thích”. Ở những nghề nghiệp khác, các nhà báo đều có sự yêu thích nhất định. Mức độ yêu thích các nghề nghiệp có thể dựa trên sở thích của bản thân nhưng cũng cho thấy sự am hiểu của nhà báo về các lĩnh vực có liên quan.

Trong khi chia sẻ trực tiếp, các nhà báo đánh giá cao những đồng nghiệp yêu nghề, sẵn sàng đến những vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn, nguy hiểm, để phản ánh kịp thời các sự kiện nóng bỏng của cuộc sống. Họ không ngại khó, ngại khổ để có được những tác phẩm báo chí trung thực, sinh động nhất. Các nhà báo cũng thể hiện thái độ cầu thị, ham học hỏi để phát triển chuyên môn, nghề nghiệp.

Về hành vi, phần lớn các nhà báo luôn luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Trong quá trình tác nghiệp, các nhà báo cũng thể hiện quan điểm và bảo vệ quan điểm đúng đắn của mình trước lãnh đạo và đồng nghiệp. Tỷ lệ của biểu hiện này được nhà báo lựa chọn là 53,1% với mức độ hiểu rõ và 9,4% với mức độ hiểu rất rõ.

Trung thực, khách quan cũng là một trong những hành vi đáng biểu dương ở nhà báo khi tác nghiệp. Với biểu hiện “dối trá, bệnh thành tích”, có 3,1% nhà báo chọn phương án “không có”, 68,8% chọn phương án “chỉ tồn tại trong một bộ phận”. Sự trung thực, khách quan còn thể hiện ở tỷ lệ nhà báo cho rằng hiện tượng “xào tin, đạo bài” và “đăng tin bài giật gân, câu khách” đều có tỷ lệ lựa chọn phương án “không có” là 3,1 % và “chỉ tồn tại trong một bộ phận” là trên 30%. Tất cả các biểu hiện về hành vi đạo đức nghề nghiệp của nhà báo đều có sự lựa chọn là “không có”.

Ngoài ra, các nhà báo đều đồng ý rằng, trong mối quan hệ với Tổ quốc, đất nước, phần lớn nhà báo Việt Nam đã rất tích cực trong giới thiệu, quảng bá đất nước, con người, truyền thống, bản sắc dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế. Các nhà báo đã có hàng nghìn bài viết tuyên truyền văn hóa, thỏa mãn nhu cầu văn hóa, giải trí của nhân dân; quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới...

Bên cạnh đó, nhiều nhà báo Việt Nam cũng tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện; kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp quỹ tình nghĩa, quỹ xóa đói giảm nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, các nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học, những gia đình chính sách khó khăn, hỗ trợ phong trào thể dục thể thao... Nhiều tờ báo đã thành lập các ban chuyên làm công tác từ thiện. Những hoạt động có ý nghĩa về đạo đức sâu sắc đó đã thực sự mang lại niềm tin, uy tín của các nhà báo và được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận.

Về sự thống nhất giữa nhận thức, thái độ và hành vi cho thấy, tỷ lệ các nhà báo chọn biểu hiện tiêu cực nhiều nhất về đạo đức nghề nghiệp chỉ tồn tại ở một bộ phận nhà báo. 10/12 giá trị trung bình của những biểu hiện này đều trên mức trung bình chung, trong đó cao nhất là biểu hiện về sự “tôn trọng tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Biểu hiện này vượt hẳn lên một mức so với những biểu hiện còn lại. Điều đó cho thấy, mức độ thống nhất nhất định giữa nhận thức, thái độ và hành vi đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.

Bên cạnh những ưu điểm, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp nhà báo cũng còn một số hạn chế. Đó là, trong khi đa số nhà báo đều có nhận thức đúng đắn về đạo đức nghề báo thì một số nhà báo vẫn nhận thức chưa đầy đủ về những phẩm chất cần có. Một số nhà báo chưa hiểu rõ nội hàm của khái niệm đạo đức nghề nghiệp nhà báo, chưa nắm vững các quy định về đạo đức nghề nghiệp mà họ cần có. Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do họ chưa thực sự yêu nghề và thiếu ý thức học tập, tu dưỡng.

Về thái độ, nhà báo vẫn còn có những biểu hiện tiêu cực. Tỷ lệ nhà báo chọn mức “rất phổ biến” cho thái độ “ích kỷ, vụ lợi cá nhân” lớn nhất trong các biểu hiện (chiếm 6,3%). Hiện tượng các nhà báo “ghen ghét, đố kỵ với người khác” vẫn có 3,1% người cho là “rất phổ biến” và 18,8% cho là còn “phổ biến”. Một xu hướng các nhóm nhà báo có thâm niên công tác càng lâu năm đánh giá hiện tượng này ở mức chỉ phổ biến trong một bộ phận hoặc không phổ biến, các nhà báo có thâm niên càng ít càng thấy hiện tượng này phổ biến. Ví dụ: các nhà báo có thâm niên công tác 4 tháng đánh giá hiện tượng này ở mức rất phổ biến và phổ biến nhiều nhất (giá trị trung bình là 1,17). Điểm này tương đồng với kết quả khi chúng tôi kiểm định về đánh giá biểu hiện “cơ hội, a dua, xu nịnh” với nhóm nhà báo có cùng thâm niên. Nhóm nhà báo có thâm niên 30 năm đánh giá là không phổ biến hoặc chỉ phổ biến trong một bộ phận nhiều nhất (giá trị trung bình là 3,83). Điều này chứng tỏ biểu hiện đó trong lớp nhà báo trẻ nhiều hơn.

Chia sẻ với chúng tôi, các nhà báo bày tỏ sự lo ngại về thái độ thiếu trách nhiệm, thiếu cân nhắc của một số nhà báo khi đưa tin tức, nhất là các tin quốc tế. Thậm chí, một số nhà báo đưa thông tin một chiều từ các nguồn tin nước ngoài, thông tin bị áp đặt theo tư tưởng, quan điểm chính trị của nước ngoài trái với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Những thông tin đó có ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước, đến tình cảm, thái độ của người dân có thể gây nên những hiểu lầm, thù hằn, kích động, gây bất lợi cho quan hệ với các nước.

Về hành vi, hiện tượng nhà báo lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhà báo, cơ quan báo chí để trục lợi, tiếp tay cho “nạn phong bì” là điều đáng lo ngại. Với biểu hiện “viết bài theo lợi nhuận kinh tế ”, tỷ lệ nhà báo cho rằng “rất phổ biến” là 3,1%, cho là “phổ biến” lên đến 25%. Tỷ lệ người cho rằng, biểu hiện “chạy chức, chạy quyền” rất phổ biến ở nhà báo cao gấp đôi so với biểu hiện “viết bài theo lợi nhuận kinh tế” và 75% đánh giá là “chỉ tồn tại ở một bộ phận”. Các nhà báo được phỏng vấn kịch liệt phê phán hiện tượng một số đồng nghiệp đã lợi dụng điều tra chống tiêu cực, tham nhũng, thu thập được những chứng cứ, tài liệu quan trọng, hé lộ thông tin để đe dọa, tống tiền các doanh nghiệp. Trong báo chí hiện nay có hiện tượng rất đáng lo ngại là sự liên kết không lành mạnh giữa một số phóng viên, hoặc một số lãnh đạo cơ quan báo chí để cùng “tâng bốc”, hoặc “hạ bệ” một số tổ chức, cá nhân theo kiểu “hội đồng”. Một số nhà báo lợi dụng nghề báo nhận phong bì, quà hay các lợi ích khác để viết tin bài theo kiểu quảng cáo, núp bóng gương người tốt việc tốt, quảng cáo trá hình cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế. Thậm chí, một số đã kết hợp vừa viết tin bài về doanh nghiệp, vừa ép doanh nghiệp ký hợp đồng quảng cáo. Theo kết quả khảo sát “Nhận diện hành vi trục lợi trong tác nghiệp báo chí” của Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển” (RED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) công bố mới đây, có 4 nhóm hành vi trục lợi báo chí xảy ra thời gian qua, gồm: dọa dẫm tống tiền; thông đồng lợi ích nhóm; liên kết nhóm phóng viên; lợi dụng danh nghĩa nhà báo và cơ quan báo chí. Cũng qua khảo sát cho thấy, các nhà quản lý báo chí và chuyên gia truyền thông cho rằng, hành vi trục lợi trong tác nghiệp báo chí xảy ra chủ yếu ở nhóm phóng viên báo điện tử (chiếm khoảng 90%), tiếp đó là báo in (40%), truyền hình (34%) và phát thanh (10%).

Đáng lo ngại là vẫn còn tồn tại những hiện tượng bè phái, cục bộ, dối trá, bệnh thành tích, không trung thực trong làm báo. Qua khảo sát bằng phiếu hỏi, kết quả thu được cho hiện tượng “đăng tin bài giật gân”, “cơ hội, a dua, xu nịnh” và “xào tin, đạo bài” được cho là rất phổ biến với tỷ lệ nhà báo lựa chọn cao nhất (6,3%), trong đó hiện tượng “đăng tin bài giật gân” có tỷ lệ nhà báo lựa chọn phương án “phổ biến” cao nhất trong các biểu hiện (56,3%). Các nhà báo chia sẻ rằng, nếu tìm kiếm theo từ khóa về một vấn đề đang “nóng” tại một thời điểm, độc giả có thể tìm được rất nhiều bài viết na ná nhau, chỉ “thay tên, đổi họ” nhằm đưa cạnh tranh thông tin nhưng không lành mạnh.

 Về sự thống nhất giữa nhận thức, thái độ và hành vi, chúng tôi thấy giá trị trung bình của các biểu hiện phẩm chất đạo đức (cả nhận thức, thái độ và hành vi) dao động từ 2,41 đến 3,25, trong đó 2 biểu hiện về hành vi “xào tin, đạo bài” và “đăng tin giật gân câu khách” có mean dưới trung bình chung (2,5), chỉ có 1 biểu hiện đạt trên mức 3 là thái độ “không tôn trọng tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Mức cao nhất của giá trị trung bình chỉ đạt hành vi nhận thức tương đối tốt, còn lại các biểu hiện khác chỉ xếp vào mức không bình thường. Điều đó cho thấy sự thống nhất giữa nhận thức, thái độ và hành vi ở một bộ phận nhà báo chưa cao. Các chỉ số này so với chỉ số về phẩm chất chính trị cũng thấp hơn. Biểu hiện: “nói không đi đôi với làm” có tỷ lệ nhà báo lựa chọn là “phổ biến” chiếm 12,5%, “chỉ tồn tại trong một bộ phận” chiếm 78,1%, cao thứ ba so với 12 biểu hiện về phẩm chất đạo đức. Điều này phù hợp với nhận định của các nhà báo khi đưa ra một số hiện tượng trong thực tế, tuy rất am hiểu về đạo đức nhà báo nhưng do những “cám dỗ” nhất thời, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt nên “nói một đằng làm một nẻo”, không phải vì không hiểu mà là vì không cưỡng lại được sức cám dỗ của vật chất.

3. Phẩm chất chuyên môn, nghiệp vụ, tri thức và văn hóa, vốn sống

Về nhận thức, qua phỏng vấn sâu, chúng tôi thấy phần lớn các nhà báo đều có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về phẩm chất chuyên môn, nghiệp vụ cần có. Trong số 384 nhà báo được khảo sát bằng phiếu hỏi, tỷ lệ về trình độ chuyên môn của nhà báo được thể hiện trong hình 2.

Hình 2 cho thấy, số nhà báo có trình độ đại học và sau đại học chiếm tỷ lệ lớn nhất (50% tốt nghiệp đại học báo chí, 37,5% tốt nghiệp thạc sỹ báo chí), trong số các nhà báo được phỏng vấn không có trình độ trung cấp và cao đẳng. Giá trị trung bình của câu hỏi về trình độ đào tạo báo chí cao nhất của nhà báo là 5,3. Như vậy, đa số các nhà báo đều tốt nghiệp đại học báo chí trở lên.

Qua kết quả khảo sát cho thấy, nhà báo tự đánh giá mình ở mức “hiểu rất rõ” cao nhất là ở các hiểu biết về “vị thế xã hội của nhà báo”, “vị thế xã hội của nghề báo” và “chức năng của báo chí truyền thông” (tỷ lệ đều từ 25% trở lên). Mức “hiểu rõ” có tỷ lệ lựa chọn cao nhất ở hiểu biết về “các chức năng của báo chí truyền thông” (62,5%), sau đó đến “vị thế xã hội của nghề báo”, “quy định về phẩm chất nghề nghiệp của nhà báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, “vị thế xã hội của nhà báo” và “quy luật báo chí truyền thông”. Ở tất cả các biểu hiện nhận thức này đều có nhà báo chọn phương án “hiểu rất rõ” (dao động từ 3,1 đến 28,1%) và hiểu rõ (dao động từ 24,4 đến 62,5%).

Về thái độ, với nhận thức đúng đắn, đa số các nhà báo Việt Nam đều có thái độ cầu thị, ham học hỏi để phát triển phẩm chất chuyên môn, được thể hiện qua ý kiến tự nhận định về thái độ của nhà báo về mức độ đáp ứng của bản thân họ với những phẩm chất chuyên môn cần có.

Hình 3 chỉ ra rằng, 13/14 biểu hiện có giá trị trung bình ở mức 3 (tương đối tốt) trở lên đến mức tốt. Điều này chứng tỏ phần lớn nhà báo đều có hành vi phẩm chất chuyên môn, nghiệp vụ tốt.

Trong khi chia sẻ trực tiếp, các nhà báo cũng nhấn mạnh vốn hiểu biết sâu rộng là ưu điểm của một số đồng nghiệp. Nhà báo khi làm việc với các đối tượng người khuyết tật, người mắc tệ nạn xã hội, ngoài những kỹ năng nghiệp vụ báo chí căn bản, tấm lòng nhân ái, đồng cảm, thấu hiểu, họ còn phải tự học hỏi để tìm hiểu ngôn ngữ, cảm xúc của những đối tượng này. Thậm chí, nhiều trường hợp, nhà báo còn phải nhập thân, có những kỹ năng để giữ an toàn cho bản thân khi phải đối mặt với nguy hiểm. Tin học và ngoại ngữ là hai kỹ năng được nhà báo nhấn mạnh là ưu thế của họ trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là với những nhà báo làm việc trong các báo mạng, truyền thông, phát thanh, truyền hình.

Nếu tỷ lệ nhà báo cho rằng kiến thức tổng hợp về lý luận chính trị của họ ở mức trung bình là 2,34 (mức tốt) thì mức độ hiểu rõ của họ cũng có giá trị trung bình ở mức này (2,4) và khi tác nghiệp họ cũng luôn luôn hoàn thành các nhiệm vụ được giao ở mức tốt. Ngay trong biểu hiện “có thể chịu được áp lực cao mà không phàn nàn” với giá trị trung bình ở mức tốt và tỷ lệ người chọn mức rất tốt lên đến 37,5% đã cho thấy có sự thống nhất khá cao giữa hành động và thái độ. Nhà báo có thể làm việc với các nhóm xã hội đặc biệt như trẻ khuyết tật, người mắc tệ nạn xã hội đạt mức rất tốt ở 31,3% và giá trị trung bình ở mức tốt cho thấy nhận thức về vai trò, vị trí của nhà báo phải là “tiếng nói” hay diễn đàn của nhân dân, với thái độ cảm thông, đồng cảm với số phận của những người bất hạnh để chuyển tải vào tác phẩm báo chí những điều nhân văn nhất.

Trong phẩm chất chuyên môn, nghiệp vụ khi tiến hành khảo sát, chúng tôi cũng nhận thấy một số những hạn chế. Các nhà báo cho biết trên thực tế, hiện tượng các nhà báo nắm vững về lý thuyết và có thái độ tác nghiệp rất nghiêm túc, cầu thị nhưng khi lăn lộn với thực tế, do chưa có kinh nghiệm nên chất lượng của tác phẩm báo chí chưa tốt. Thậm chí, nhiều khi, các nhà báo trẻ, mới vào nghề còn gặp tai nạn nghề nghiệp. Một số nhà báo có thâm niên, kinh nghiệm thì lại gặp khó khăn trong vấn đề xử lý những phương tiện kỹ thuật hiện đại như việc sử dụng máy ảnh, máy quay phim hoặc khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ khác không đủ để tác nghiệp. Đó cũng là điều dễ hiểu và lý giải giá trị trung bình về chuyên môn, nghiệp vụ lại thấp nhất trong các phẩm chất.

Có thể nói, đội ngũ nhà báo Việt Nam có rất nhiều ưu điểm về phẩm chất nghề nghiệp, giữ gìn và phát huy được những truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đa số nhà báo đều có phẩm chất nghề nghiệp tốt, xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” như nhà báo Hữu Thọ đã tổng kết. Giữa phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và phẩm chất chuyên môn, nghiệp vụ, tri thức, văn hóa và vốn sống của nhà báo có sự thống nhất tương đối, tạo nên bức tranh tổng thể hoàn chỉnh về phẩm chất nghề nghiệp của nhà báo.

Bên cạnh những ưu điểm, nhà báo Việt Nam cũng bộc lộ những hạn chế ở nhận thức, thái độ và hành động trong quá trình tác nghiệp của mình. Mặc dù những hạn chế này chỉ tồn tại ở một bộ phận nhà báo nhưng rất đáng lo ngại, nếu không được khắc phục kịp thời, thì có thể đánh mất niềm tin của công chúng và làm ảnh hưởng đến uy tín của những người làm báo chân chính, tạo ra những hệ quả khôn lường.

Để phát triển các nhóm phẩm chất nghề nghiệp của các nhà báo nói chung, đặc biệt là nhà báo trẻ theo quan điểm Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, theo chúng tôi cần chú ý mấy giải pháp sau đây:

Cần chú trọng cung cấp kiến thức cho các nhà báo trẻ về những quan điểm của Hồ Chí Minh về báo chí và nhà báo. Xây dựng các câu lạc bộ nhà báo trẻ để tạo diễn đàn chia sẻ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, khuyến khích nhà báo trẻ tích lũy kiến thức, hình thành phương pháp tư duy khoa học, phương pháp luận phản ánh và phân tích sự kiện và vấn đề thời sự trong thực tiễn đang vận động. Cần đào tạo kỹ năng phân tích sự kiện và vấn đề thời sự cho nhà báo trẻ; cung cấp thông tin, kiến thức, tạo diễn đàn chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm. Mở các lớp bồi dưỡng các nhà báo trẻ thành những cây bút chính luận để họ có thể đảm đương công việc khơi nguồn, phản ánh, phân tích và dẫn dắt công luận trước những vấn đề phức tạp trong bối cảnh mạng xã hội phát triển. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, nhà báo Việt Nam cũng cần được bồi dưỡng kỹ năng truyền thông số, đáp ứng yêu cầu phát triển như vũ bão của thế giới và đòi hỏi của độc giả hiện đại.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2019

ThS Nguyễn Thùy Vân Anh

Nghiên cứu sinh Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền