Trang chủ    Thực tiễn    Bắc Ninh tăng cường quản lý lễ hội
Thứ tư, 30 Tháng 10 2019 15:03
1989 Lượt xem

Bắc Ninh tăng cường quản lý lễ hội

(LLCT) - Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa tổng hợp mang tính cộng đồng cao, phản ánh khá tập trung và tiêu biểu truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo và gắn liền với quá trình tồn tại và phát triển của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc...Những giá trị, hiệu quả xã hội của các lễ hội trên nhiều phương diện đã lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao mức hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân, trở thành nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Bắc Ninh hiện có 547 lễ hội được tổ chức diễn ra trong năm, trong đó không ít lễ hội có quy mô vùng miền và quốc gia (2 lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Đồng Kỵ, lễ hội làng Diềm; 12 lễ hội tiến hành lập hồ sơ khoa học).Các lễ hội ở Bắc Ninh cơ bản là lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa. Thời điểmtổ chức lễ hộitập trung vào 3 tháng đầu xuân vàgắn vớikhông gian của các di tích lịch sử - văn hóa.Mỗi lễ hội đều có nét tiêu biểu riêng và hàm chứa nhiều giá trị văn hóa cao đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có nhiều lễ hội nổi tiếng khắp cả nước như lễ hội Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du), hội Lim (thị trấn Lim, huyện Tiên Du), lễ hội Đền Đô (thị xã Từ Sơn) thờ các vị vua Lý... Trong các lễ hội, phần lễ được tổ chức trong không khí linh thiêng, trang trọng, giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, phù hợp với bản sắc văn hóa Bắc Ninh- Kinh Bắc. Phần hội ưu tiên tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, thể thao truyền thốngnhư:hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, múa rối nước, tổ tôm điếm, đu tiên, vậtdân tộc, cờ người,.., tạo không khí vui tươilành mạnh, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia, góp phần gìn giữ và phát huy những phong tục, tập quán và ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội. Một số lễ hội tiêu biểu ở Bắc Ninh như: Lễ hội Lim, Lễ hội Đền Bà Chúa kho, Lễ hội Đền Đô,Lễ hội Ném Thượng, Lễ Hội chùa Dâu, Lễ hội chùa Bút Tháp….

Xác địnhhoạt động lễ hội là nguồn lực quan trọng đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên quê hương Bắc Ninh,trong những năm qua,Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh,thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngànhban hành kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản nhằmtriển khai thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Bắc Ninh tích cực tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như của tỉnh, trong đó Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đặc biệt, ngay sau khi Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ về quy định quản lý và tổ chức lễ hội được ban hành, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghị định. Sở đã ban hành Hướng dẫn số 1637/HD-SVHTTDL ngày 19-12-2018 về việc hướng dẫn các địa phương công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019. Nhìn chung, công tác tham mưu, xây dựng và ban hành văn bản đã đáp ứng kịp thời công tác quản lý và tổ chức lễ hội; nội dung các văn bản đã điều chỉnh các vấn đề hạn chế từ mùa lễ hội trước như: công tác an ninh trật tự, các hành vi phản cảm trong lễ hội, đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định, chèo kéo khách… tăng cường công tác thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội của ngành văn hóa, thể thao và du lịch Bắc Ninh thời gian qua tiếp tục đi vào nền nếp, nội dung lễ hội phong phú, tạo ra sự đột phá trong công tác tuyên truyền quảng bá những tiềm năng thế mạnh, thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương. Đa số các lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, phù hợp với Quy chế quản lý lễ hội, quy định của Nhà nước. Tại các lễ hội, bên cạnh các nghi lễ truyền thống được tổ chức trang nghiêm, phần hội được diễn ra sôi động, với các nội dung trình diễn Dân ca Quan họ, Ca trù, Trống quân, Rối nước và tổ chức các trò chơi dân gian, truyền thống rất hấp dẫn người dân và du khách tham quan. Trong dịp diễn ra các lễ hội thu hút đông đảo nhân dân, công tác an ninh trật tự, an toàn vẫn được đảm bảo; vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng, góp phần tạo ra môi trường lễ hội lành mạnh, đón tiếp nhân dân về dự lễ hội.

Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về nội dung và ý nghĩa hoạt động lễ hội, về nếp sống văn minh trong quản lý và tổ chức lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đã tập trung cho công tác tuyên truyền với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng. Sở phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền các lễ hội và di tích có giá trị tiểu biểu của tỉnh, các giá trị văn hóa của các lễ hội trên quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc, các vấn đề về thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng dân cư, thông tin về công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức lễ hội của địa phương. Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mở các chuyên mục, chuyên đề, tăng dung lượng, thời lượng phát sóng về các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, về giá trị lịch sử của di tích, ý nghĩa của lễ hội và việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Bắc Ninh cũng tăng cường công tác vận động, thuyết phục, nhất là với các phong tục không còn phù hợp như tục chém lợn giữa sân đình tại Lễ hội Ném Thượng. Các cấp chính quyền đã vận động nhân dân làng Ném Thượng điều chỉnh phong tục này và Lễ hội Ném Thượng năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp bỏ tục “chém lợn” giữa sân đình mà thay vào đó là việc làm cỗ ngọc tế thánh tại khu vực riêng.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội được quan tâm thực hiện. Thanh tra ngành văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định tổ chức hoạt động lễ hội về thời gian, địa điểm, chương trình, nội dung, kịch bản, thành phần ban tổ chức, kiểm tra cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, ngăn ngừa các hiện tượng không lành mạnh, xử lý nghiêm vi phạm như mê tín dị đoan, các hiện tượng cờ bạc trá hình, ăn xin, trộm cắp, lưu hành ấn phẩm trái quy định. Việc phân luồng giao thông được quan tâm và thực hiện tốt. Các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn về người và tài sản được triển khai hiệu quả. Quy hoạch không gian lễ hội được quan tâm. Ban tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức, bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Các khu dịch vụ ăn uống, quầy hàng văn hóa phẩm được đưa ra ngoài khu di tích; công tác vệ sinh môi trường nhìn chung có sự chuyển biến tích cực hơn, địa điểm trông giữ xe của khách được bố trí tại nhiều nơi, đảm bảo thuận tiện, an toàn cho khách hành hương.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tuân thủ nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Các địa phương đã thành lập Ban Tổ chức lễ hội với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội để trực tiếp quản lý các hoạt động trong thời gian lễ hội diễn ra; chủ động xây dựng kế hoạch và chương trình lễ hội để phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Tổ chức. Đối với các lễ hội lớn do UBND cấp huyện quản lý như: hội Lim, hội chùa Phật Tích (Tiên Du); hội đền và lăng Kinh Dương Vương (Thuận Thành); Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử lãnh đạo Sở tham gia Ban Chỉ đạo lễ hội, bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn như Nhà hát Dân ca Quan họ, Trung tâm Văn hóa tỉnh tham gia biểu diễn phục vụ quần chúng nhân dân tại các lễ hội, chỉ đạo đội kiểm tra Liên ngành 814 tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện kiểm tra thường xuyên tại các lễ hội tiêu biểu đảm bảo cho công tác tổ chức lễ hội được chu đáo, hiệu quả, giữ gìn an ninh trật tự góp phần lành mạnh hóa các hoạt động trong lễ hội tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Những kết quả tích cực từ việc triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội của ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bắc Ninh đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về lễ hội Bắc Ninh, lễ hội thực sự là ngày hội của nhân dân và thu hút du khách thập phương đến với Bắc Ninh, mang lại những giá trị, hiệu quả xã hội thiết thực. Có những kết quả đó là do Bắc Ninh đã vận dụng tốt một số bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý và phát triển lễ hội. Cụ thể:

Một là, sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn các địa phương có lễ hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tại các địa phương đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội từ công tác chuẩn bị đến công tác tổ chức lễ hội. Lễ hội được tổ chức có sự quản lý của các cấp, các ngành và sự phối hợp của các cơ quan, đoàn thể đảm bảo đúng mục đích, nội dung, ý nghĩa, phát huy được các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống đặc sắc của mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh.

Hai là, tỉnh Bắc Ninh có nhiều cách làm hay thể hiện sự vận dụng sáng tạo các quan điểm chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh vào điều kiện thực tế của từng địa phương, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, từng bước phát huy hiệu quả rõ rệt trong đời sống xã hội. Với chủ trương phân cấp lễ hội, các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm yếu tố truyền thống và xu thế phát triển. Theo đó, đối với lễ hội do cấp huyện quản lý, các huyện phải xây dựng kế hoạch, thống nhất nội dung với sở văn hóa, thể thao và du lịch và xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Các lễ hội do xã quản lý phải xây dựng kế hoạch, báo cáo cấp huyện. Nếu lễ hội nào để xảy ra sai sót, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Ba là, Ngành văn hóa thể thao và du lịch Bắc Ninh khuyến khích những sáng tạo mới trên nền truyền thống trong tổ chức lễ hội để luôn có cái mới gắn với nhịp sống văn hóa của thời đại, làm cho lễ hội thêm sức sống mới, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.Công tác tổ chức lễ hội thường gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, các hoạt động kỷ niệm góp phần quảng bá sâu rộng tới bạn bè trong nước và quốc tế về truyền thống, lịch sử và bản sắc văn hóa, con người của vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc, khơi dậy niềm tự hào, dân tộc, nâng cao ý thức của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương. Tổ chức tốt các điểm dịch vụ phục vụ nhu cầu về sách, ấn phẩm, văn hóa phẩm… đồ lưu niệm, kỷ niệm về lễ hội. Các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tổ chức lễ hội đảm bảo nội dung, tư tưởng, chủ đề của lễ hội vừa mang tính kế thừa, phù hợp với lối sống, phong tục, tập quán, đảm bảo an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, xây dựng và thực hiện tốt phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải niêm yết bảng giá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bố trí nhân lực và phương tiện thu gom rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bốn là, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực xuyên suốt thời gian trước, trong và sau khi lễ hội kết thúc như phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trung ương và địa phương để tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận cao, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh, sạch đẹp nơi công cộng, chấp hành nội quy, quy định, hướng dẫn khi tham gia lễ hội và phát huy giá trị thuần phong mỹ tục. Tăng cường sự phối hợp của cấp ủy đảng, chính quyền với các đoàn thể, tranh thủ sự ủng hộ của các bậc cao niên trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội.

Năm là, công tác kiểm tra giám sát hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội được tiến hành thường xuyên. Qua đó kịp thời phát hiện tháo gỡ khó khăn từ cơ sở hoặc tiếp thu những kiến nghị hợp lý từ cơ sở để đề xuất và kiến nghị cấp trên bổ sung, sửa đổi chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn hơn. Các cấp tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, những việc đã làm được để phát huy và những mặt chưa được để rút kinh nghiệm và thực hiện trong những đợt tiếp theo. Công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội được tăng cường góp phần ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Bắc Ninh cũng yêu cầu đội kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại các lễ hội đúng mức, nghiêm minh, nhằm tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục khắc phục. Một số địa phương chưa chú ý đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống; còn hiện tượng khấn thuê, sử dụng hòm công đức, đặt tiền giọt dầu không đúng nơi quyđịnh.Việc kinh doanh lấn chiếm không gian di tích mở hàng quán, dịch vụ lộn xộntrong khu vực nội tự di tích chưa khắc phục triệt để. Hiện tượng đốt nhiều đồ mã, vàng mã, chèo kéo du khách vẫn còn diễn ra ở một số lễ hội.Chưa huy động được các nguồn lực của toàn xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị của lễ hội trong đời sống, việc sử dụng lòng, lề đường để kinh doanh phần nào ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Công tác tuyên truyền về giá trị di tích lịch sử, văn hóa, giá trị lễ hội, bảo vệ môi trường cảnh quanchưa được quan tâm nhiều.Ý thức chấp hành nội quy, quy chế lễ hội gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự, vệ sinh môi trường của một số người dân tham gia lễ hội chưa cao. Do đó, cần có những giải pháp cụ thể giải quyết tình trạng trên. 

 

ThS Nguyễn Thúy Mai

Viện Xây dựng Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Báo cáo số 01/BC-SVHTTDL ngày 5-12-2018 tổng kết công tác văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình năm 2017, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2018, Bắc Ninh
  2. Tỉnh ủy Bắc Ninh: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2015-2020.

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền