Trang chủ    Thực tiễn    Phát huy vai trò các thành phần kinh tế trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ở thành phố Hồ Chí Minh
Thứ tư, 27 Tháng 11 2019 15:57
2822 Lượt xem

Phát huy vai trò các thành phần kinh tế trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ở thành phố Hồ Chí Minh

(LLCT) - Phát huy tiềm năng và lợi thế, Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM)  đang hướng đến việc trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Để đáp ứng yêu cầu đó, việc phát huy vai trò của các thành phần kinh tế là động lực thúc đẩy phát triển bền vững ở thành phố hiện nay, bởi nó góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội và giải quyết việc làm cho người lao động hướng đến một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh hiện đại, nghĩa tình. Bài viết phân tích thực trạng phát triển của các thành phần kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các thành phần kinh tế trong sự nghiệp phát triển thành phố.

1. Thực trạng các thành phần kinh tế ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Thành phần kinh tế nhà nước giảm dần tỷ trọng trong GDP từ 43,0% (năm 2000) xuống 14,0% (năm 2016) và 13,7% GDP (năm 2016). Xu hướng này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, nhằm bảo đảm tính phù hợp và hiệu quả trong nền kinh tế. Cùng với quá trình giảm tỷ trọng trong GDP, lực lượng lao động trong thành phần kinh tế nhà nước cũng giảm. Tính đến năm 2015, khu vực nhà nước thu hút 7,3% lực lượng lao động thành phố (tương đương 200.783 người). Tuy vậy, đóng góp cho ngân sách của thành phần kinh tế nhà nước tăng từ 9,8% (năm 2011) lên 10,5% (năm 2015). Điều này cho thấy, thành phần kinh tế nhà nước đã phát huy vai trò và “ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân”(4).

Thành phần kinh tế ngoài nhà nước (tập thể, tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần có vốn nhà nước và công ty cổ phần không có vốn nhà nước) phát triển khá nhanh và mạnh, với khoảng 171.655 doanh nghiệp đang hoạt động. Thành phần kinh tế này đã góp tích cực vào tỷ trọng GDP của thành phố, tăng ngân sách, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần. Năm 2000, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng góp vào GDP là 37,6% và giải quyết việc làm cho 40,9% người lao động. Năm 2016, đóng góp 69,3% cơ cấu GDP, giải quyết việc làm cho 71,58% người lao động trên địa bàn(5), tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, đào tạo nguồn nhân lực mới cho thị trường lao động. Để đứng vững trong cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp tư nhân tích cực đào tạo và nâng cao trình độ cho người lao động, tìm biện pháp tổ chức sản xuất có hiệu quả nhất, góp phần tạo nên đội ngũ lao động có kỹ năng và tác phong công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tư nhân trong quá trình phát triển thường xuyên áp dụng khoa học công nghệ mới, có những chính sách thu hút lực lượng lao động trình độ cao tham gia quản lý, sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội ở TP HCM trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế bền vững.

Thành phần kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tiềm lực về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại... đã và đang góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Tỷ trọng đóng góp thành phần kinh tế FDI vào GDP thành phố ngày càng tăng qua các năm (năm 2013: 16,2%; năm 2015: 16,9% và năm 2016 là 17,0%), góp phần quan trọng vào tăng trưởng và giải quyết việc làm cho 667.455 lao động (chiếm 22,58% lực lượng lao động năm)(6). Tính đến cuối 2017, trên địa bàn thành phố có 7.373 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư kể cả cấp mới và tổng số vốn là 44, 24 tỷ USD(7). Quan trọng hơn, khu vực FDI đã góp phần nâng cao trình độ lao động ở thành phố thông qua chuyển giao khoa học - công nghệ tiên tiến, thu hút chuyên gia nước ngoài có trình độ cao, có kinh nghiệm trong công tác quản lý (số lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên là 12.330 người)(8). Từ đó tạo việc làm có năng suất, thu nhập cao, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân.

Việc tạo môi trường công bằng, bình đẳng đối với các thành phần kinh tế ở TP HCM đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực để giải phóng lực lượng sản xuất phát huy tiềm năng, thế mạnh các thành phần kinh tế trong phát triển bền vững. Đặc biệt, đóng góp vào GDP của thành phần kinh tế ngoài nhà nước ngày càng tăng (từ 57% năm 2000 lên 86,3% năm 2016). Khu vực kinh tế ngoài nhà nước không chỉ thu hút khối lượng vốn ngày càng lớn của toàn xã hội mà còn đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần tích cực vào tăng trưởng nhanh nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Những thành tựu trên đã được Đảng bộ Thành phố khẳng định: “Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả. Kinh tế tập thể phát triển khá. Kinh tế ngoài nhà nước phát triển nhanh, có tỷ trọng cao nhất. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh về số lượng”(9).

Có được những kết quả đó, trước hết, phải kể đến những nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc bổ sung cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế trong đầu tư sản xuất kinh doanh; khai thác và sử dụng có hiệu quả nhiều nguồn lực từ bên ngoài, tạo bước chuyển dịch về cơ cấu kinh tế của Thành phố.

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong quá trình thực hiện công bằng xã hội đối với các thành phần kinh tế ở TP HCM thì vẫn còn những hạn chế, như:

Một là, mặc dù chủ trương của Đảng và Nhà nước là xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ tư nhân tiếp cận các nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng nhà nước, song thực tế, các doanh nghiệp nhà nước vẫn có xu hướng ưu đãi hơn so với các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Hai là, công tác cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế chưa đồng bộ. Thành phần kinh tế ngoài nhà nước tăng về số lượng nhưng hơn 83% là doanh nghiệp nhỏ và vừa(10). Trong đó, doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 5 người chiếm 60,8%; từ 5 nghìn lao động trở lên chiếm 0,2%(11); sức cạnh tranh yếu, công nghệ lạc hậu dẫn đến năng suất và chất lượng hàng hóa có giá trị gia tăng thấp. Vì vậy, trong tình trạng suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là mô hình dễ bị tổn thương nhất. Tình trạng các doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản ồ ạt sẽ không tránh khỏi tác động xấu đến kinh tế - xã hội ở TP HCM.

Ba là, doanh nghiệp FDI, chưa tập trung vào những lĩnh vực công nghệ cao, chủ yếu là gia công, lắp ráp; liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa thực sự hiệu quả. Một số doanh nghiệp chưa tuân thủ những quy định về pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi cho người lao động và bảo vệ môi trường, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững của Thành phố.

Bốn là, môi trường pháp lý đối với thành phần kinh tế ngoài nhà nước chưa hoàn thiện, nhiều quy định chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, phức tạp và chồng chéo. Thủ tục hành chính, thủ tục tiếp cận đất đai, thị trường tín dụng, cơ hội đầu tư, bộ máy hành chính hoạt động chưa hiệu quả, thủ tục hành chính thiếu minh bạch và cơ chế trách nhiệm giải trình khiến nhiều doanh nghiệp phải trả các chi phí “không chính thức” để giải quyết công việc... đã  cản trở thành phần kinh tế ngoài nhà nước phát triển.

Năm là, hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển thành phần kinh tế ngoài nhà nước chưa cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thành phần kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt là hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực. Tình trạng thiếu vốn đối với thành phần kinh tế ngoài nhà nước do không có tài sản thế chấp để vay vốn hoặc tài sản thế chấp không minh bạch, đang tranh chấp; thiếu dự án khả thi.

2. Một số giải pháp phát huy vai trò các thành phần kinh tế trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ở thành phố Hồ Chí Minh

Để phát huy hơn nữa vai trò của các thành phần kinh tế ở TP HCM, chúng tôi đề nghị Thành phố cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, quát triệt đầy đủ, sâu sắc và toàn diện việc thực hiện công bằng xã hội đối với các thành phần kinh tế trong từng bước, từng chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan ban ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân Thành phố. Từ đó, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển.

Thứ hai, tiếp tục tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa khu vực kinh tế tư nhân với khu vực kinh tế nhà nước theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Thành phố cần điều chỉnh tiền thuê đất, có chính sách giảm thuế, ưu đãi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp gắn với công nghệ cao. Hỗ trợ kinh tế tư nhân tiếp cận, khai thác các cơ hội trong hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường, đẩy mạnh đầu tư và thương mại quốc tế. Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, nâng cao năng lực từng bước tham gia sâu, vững chắc vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng đủ nhu cầu cả về số lượng và chất lượng nhân lực cho phát triển kinh tế tư nhân.

Thứ ba, nâng cao năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật, chính sách; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn cho kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Tăng cường hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, trách nhiệm giải trình của chính quyền Thành phố đối với việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân. Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, an toàn cho nền kinh tế vận hành thông suốt, hiệu quả và hội nhập quốc tế; phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ, tự do sáng tạo của người dân trong phát triển kinh tế; tăng cường cơ chế đối thoại có hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân. 

Ngay từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển đổi kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, việc thực hiện công bằng xã hội đối với các thành phần kinh tế ở TP HCM bảo đảm cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tham gia vào giải quyết những vấn đề xã hội, như: tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực... Hơn nữa, trong bối cảnh ngân sách Thành phố còn khó khăn thì những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư là rất cần thiết, nhằm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ: “Nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống nhân dân. Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng cuộc sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”(12).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2019

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, 1987, tr.61.

(2), (4)  ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.73-74, 74.

(3) Quốc hội: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Tư pháp,  2013, Hà Nội, tr.25.

(5), (6), (10), (11)  Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh: Niên giám Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh 2017, Nxb Thanh niên, Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr.148, 134, 129, 147.

(7) UBND Thành phố Hồ Chí Minh:  Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Thành phố năm 2017 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2018. Số: 217/BC-UBND, 26-12-2017, tr.8.

(8) Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Thành phố Hồ Chí Minh - 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, tr.238.

(9), (12) Ðảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ X, Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, tr.13, 119.

                                             TS Nguyễn Minh Trí          

          Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh       

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền