Trang chủ    Thực tiễn     Phát triển bền vững kinh tế biển ở thành phố Đà Nẵng - Từ nhận thức đến thực tiễn
Thứ sáu, 29 Tháng 11 2019 10:49
5383 Lượt xem

Phát triển bền vững kinh tế biển ở thành phố Đà Nẵng - Từ nhận thức đến thực tiễn

(LLCT) - Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Bài viết góp phần làm rõ nhận thức, chủ trương về phát triển kinh tế biển ở thành phố Đà Nẵng và những vấn đề đặt ra cho phát triển bền vững kinh tế biển trong quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay.

1. Nhận thức và tầm nhìn về phát triển bền vững kinh tế biển

Nằm ở vị trí trung độ của đất nước, thành phố Đà Nẵng có diện tích 1.283,4km², trong đó đất liền là 942,46km², huyện đảo Hoàng Sa là 340,94km²(1); dân số hơn 1,2 triệu người, 5/8 quận, huyện với 17 phường ven biển. Với chiều dài bờ biển 92km, Đà Nẵng có nhiều bãi biển đẹp như Nam Ô, Xuân Thiều, Thanh Bình, Tiên Sa, Sơn Trà, Mỹ Khê, Bắc Mỹ An, Non Nước; có cảng biển nước sâu, kín gió, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế hàng hải, du lịch, khai thác và chế biến hải sản. Đà Nẵng có mặt nước ven biển rộng, vùng đặc quyền kinh tế trên 15.000km² với nhiều loại thủy hải sản sinh sống, nguồn tài nguyên biển khá dồi dào, trữ lượng tương đối lớn. Trữ lượng nguồn lợi thủy sản của ngư trường Đà Nẵng khoảng 1.140.000 tấn, chiếm 43% tổng trữ lượng của cả nước, gồm trên 670 giống, loài, trong đó hải sản có giá trị kinh tế cao là 110 loài. Khu vực biển Nam Hải Vân - bán đảo Sơn Trà có các hệ sinh thái với tính đa dạng sinh học cao như rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển và các chủng loại sinh vật quý phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố(2). Với tiềm năng và thế mạnh về biển, Đà Nẵng được nhấn mạnh trở thành một trung tâm kinh tế biển, trung tâm nghề cá, gắn với bảo vệ an ninh và chủ quyền biển, đảo ở khu vực(3).

Nhận thức đúng tầm quan trọng đặc biệt của biển và kinh tế biển trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Đà Nẵng đã sớm xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế biển, tập trung khai thác tối đa mọi tiềm năng và lợi thế vùng biển, ven biển, đảo kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia trên biển. Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX (năm 2010) chủ trương: “Phát huy lợi thế biển trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, tạo tiền đề để đến năm 2020 xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm hậu cần nghề cá, phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển của vùng; là một trong ba trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước. Đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, cơ sở dịch vụ phục vụ đánh bắt, chế biến và xuất khẩu thủy sản, tạo động lực phát triển kinh tế biển. Triển khai công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển, ven biển. Chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ đa dạng sinh học biển; bảo tồn và xây dựng vệt sinh thái cảnh quan ven bờ; nghiên cứu giải pháp bảo vệ bờ biển, chống xâm thực do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho chiến lược phát triển kinh tế biển”(4). Tiềm năng, thế mạnh về biển, đảo tạo ra vị thế, động lực phát triển kinh tế biển của thành phố Đà Nẵng trong quá trình CNH, HĐH và chủ động hội nhập quốc tế. Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI (10-2015) nhấn mạnh: Tăng cường các nguồn lực đầu tư để phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển; khai thác bền vững, có hiệu quả tài nguyên biển, đảo gắn với bảo vệ môi trường biển. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn, tăng cường bám biển, nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ.

Xuyên suốt 3 kỳ đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng gần đây, thành phố luôn chủ trương khai thác triệt để các tiềm năng, lợi thế về biển để phát triển với tốc độ cao, bền vững và hiệu quả; nghiên cứu từng bước xây dựng Đà Nẵng thành đô thị du lịch ven biển chất lượng cao; xác định Đà Nẵng lấy kinh tế biển làm chủ đạo cho sự phát triển bền vững của thành phố(5). Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chương trình hành động số 13-Tr/TU ngày 15-5-2007 xác định quan điểm: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển có tốc độ phát triển cao trên cơ sở phát triển kinh tế, xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Phát triển kinh tế biển gắn kết chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền vùng biển, đảo đất nước”(6). Ngày 18-9-2017, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 5245/QĐ-UBND Phê duyệt Đề án Phát triển ngành kinh tế biển thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của vùng duyên hải miền Trung, là một trong ba trung tâm kinh tế biển lớn của đất nước. Phát triển kinh tế biển được xác định là một trong 3 trụ cột chính để xây dựng Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng(7).

Chủ trương và tầm nhìn về phát triển bền vững kinh tế biển của thành phố Đà Nẵng thể hiện tập trung ở các nội dung: thứ nhất, đẩy mạnh phát triển kinh tế hướng ra biển và làm giàu từ biển; tập trung phát triển kinh tế biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của thành phố, bảo đảm cơ cấu ngành theo hướng dịch vụ là chủ đạo; phát triển kinh tế biển trong sự liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong nước và quốc tế. Thứ hai, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển. Khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển mạnh mẽ và toàn diện các ngành kinh tế biển theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng ven biển với phát triển vùng nội địa theo hướng du lịch, CNH, HĐH. Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển bảo đảm đủ về số lượng, có cơ cấu phù hợp, có trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất, nhân cách, năng lực nghề nghiệp, thành thạo về kỹ năng, tác phong chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo phục vụ yêu cầu phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển cả nước. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành dịch vụ quan trọng, bao gồm cảng biển, vận tải biển, sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch biển và ven biển, khai thác và chế biến thủy hải sản. Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao mức sống người dân, bảo vệ môi trường sinh thái và chủ quyền quốc gia trên biển, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn vùng biển, đảo.

2. Thực trạng phát triển kinh tế biển ở thành phố Đà Nẵng

Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, thành phố Đà Nẵng tập trung triển khai các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và ưu tiên các nguồn lực cho phát triển kinh tế biển. Phát triển kinh tế biển bền vững ở thành phố Đà Nẵng dựa trên các nguyên tắc: phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; phát triển kinh tế biển gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia và các lợi ích hợp pháp trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự an toàn trên biển; phát triển kinh tế biển phù hợp với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; phát triển kinh tế biển gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ven biển và hải đảo. Trên cơ sở lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thành phố Đà Nẵng tập trung phát triển kinh tế biển trong các lĩnh vực chủ yếu: kinh tế hàng hải (cảng biển, dịch vụ cảng biển và logistics); đánh bắt, khai thác, chế biến thủy, hải sản; du lịch biển và dịch vụ biển, ven biển. 

Kinh tế hàng hải được thành phố xác định là một trong 4 lĩnh vực chính của kinh tế biển. Thành phố chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển gắn với phát triển đa dạng các dịch vụ cảng biển, xây dựng cảng Đà Nẵng thành cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế. Từ năm 2010, thành phố tập trung đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, nâng cấp cảng Tiên Sa (mở rộng bến, bãi tăng năng suất khai thác, xây dựng bến số 7, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ để phát triển trở thành cảng container, cảng trung chuyển của khu vực). Trên địa bàn thành phố có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, trong đó có các công ty hàng đầu về dịch vụ hàng hải của Việt Nam mở chi nhánh tại Đà Nẵng như: Vosa, Viconship, Gemadept, Vietfracht... với đầy đủ các loại hình dịch vụ (đại lý tàu biển, đại lý giao nhận, thủ tục hải quan, dịch vụ xếp dỡ, lưu kho - bãi) và đã bước đầu cung cấp dịch vụ logistics. Thị trường vận tải container đường biển của Đà Nẵng đã thu hút 22 hãng tàu container nước ngoài đặt văn phòng đại diện và có 7 hãng tàu đã mở tuyến trực tiếp đến cảng Đà Nẵng(8).

Phát huy thế mạnh của địa phương, thành phố Đà Nẵng chủ trương phát triển đồng bộ ngành thủy sản trên ba lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu. Phát triển xuất khẩu thủy sản gắn với nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh CNH, HĐH ngành thủy sản; sản xuất các mặt hàng có hàm lượng công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững. Các chương trình đóng mới tàu thuyền, đánh bắt hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản được triển khai có kết quả. Từ năm 2013, thành phố thành lập 3 nghiệp đoàn nghề cá tại các phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), phường Thanh Khê Đông, phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) với 77 tàu và 250 ngư dân. Mô hình hoạt động theo hình thức nghiệp đoàn đã giúp ngư dân tự tin, vươn khơi bám biển, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, bảo vệ quyền lợi của ngư dân khi xảy ra tranh chấp trên biển. 

Với định hướng trở thành trung tâm nghề cá của khu vực miền Trung, Đà Nẵng xác định hướng đi tập trung khai thác hải sản xa bờ, hạn chế tối đa khai thác vùng ven bờ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản; chú trọng phát triển số lượng tàu cá có công suất lớn, cải tiến, nâng cấp các tàu cá có công suất nhỏ để vươn khơi; quan tâm việc đào tạo nghề, hình thành một đội ngũ lao động khai thác hải sản có chuyên môn và tay nghề cao, làm chủ các phương tiện đánh bắt hiện đại. Năm 2017, toàn thành phố có gần 400 tàu công suất lớn, trong đó có trên 270 tàu công suất lớn từ 400 CV đến 1.300 CV đánh bắt dài ngày vùng khơi xa, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc(9). Thành phố tập trung các nguồn vốn để đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá. Khu Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang là một trong những âu thuyền lớn nhất của cả nước, cơ bản đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.

Trên cơ sở lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên đẹp, nguồn tài nguyên du lịch biển đảo phong phú, bản sắc văn hóa biển đậm đặc, Đà Nẵng xác định du lịch biển, đảo là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính đột phá trong phát triển kinh tế biển. Tài nguyên văn hóa biển Đà Nẵng là yếu tố quan trọng trong việc phát triển du lịch biển Đà Nẵng. Du lịch nghỉ dưỡng biển và các dịch vụ giải trí biển của Đà Nẵng đã tạo dựng hình ảnh của một thành phố nghỉ dưỡng cao cấp với các cụm du lịch nghỉ dưỡng: cụm Xuân Thiều - Nam Ô - Hải Vân; cụm Mỹ Khê - Sơn Trà; cụm du lịch Non Nước - Ngũ Hành Sơn - Bắc Mỹ An. Thành phố chủ trương mở rộng cung ứng các dịch vụ vui chơi giải trí, tổ chức các dịch vụ du lịch biển: dịch vụ lặn biển ngắm san hô, đua thuyền buồm, lướt ván, mô tô nước, dù bay,... kêu gọi đầu tư xây dựng bến tàu du lịch, nhà ga và tàu cánh ngầm. Sản phẩm văn hóa du lịch biển khá đa dạng: ngoài các hoạt động lễ hội văn hóa - du lịch đặc sắc như lễ hội Quán Thế Âm, cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC), thành phố đã xây dựng nhiều chương trình hấp dẫn thu hút du khách như: Điểm hẹn mùa hè, Lễ hội cầu ngư; tổ chức nhiều sự kiện về du lịch biển thành công như: Bước chân trần, Fun Beach, Đêm rằm Mỹ Khê, Bắn pháo hoa trên biển Đà Nẵng, Đại hội thể thao bãi biển châu Á ABG5, Chương trình Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè, khai trương mùa du lịch biển và tổ chức Hội chợ du lịch nghỉ dưỡng biển và MICE...

Cùng với những kết quả đạt được, quá trình phát triển kinh tế biển ở Đà Nẵng vẫn còn bất cập, hạn chế. Lợi thế về kinh tế biển, vai trò thành phố cảng biển, đầu mối trung chuyển, quá cảnh, giao lưu hàng hóa ở khu vực chưa được tập trung khai thác và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế biển còn nhỏ, các công trình hạ tầng thiếu đồng bộ; sản lượng hàng hóa qua cảng và năng lực vận tải còn thấp. Khai thác thủy sản chủ yếu ở ven bờ, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến thủy sản còn thấp. Công tác điều tra, nghiên cứu nguồn lợi thủy sản và ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chưa được chú trọng. Điều kiện cơ sở vật chất để phát triển dịch vụ logistics còn hạn chế do khó khăn về nguồn vốn đầu tư phát triển, hệ thống thông tin logistic còn lạc hậu. Trong khai thác thủy, hải sản, ngư dân chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ trong việc sử dụng tàu vỏ thép, vỏ composit, vỏ gỗ bọc composit; chưa mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu thuyền, đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại; chưa quan tâm tới việc bảo vệ nguồn lợi hải sản. Việc triển khai các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân nâng cấp, đóng mới tàu để phát triển nghề đánh bắt còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với các nguồn vốn vay(11).

3. Các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển ở Đà Nẵng

Thứ nhất, nhận thức đầy đủ, toàn diện vị trí, vai trò kinh tế biển trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Một trong những lợi thế lớn nhất và quan trọng nhất của Đà Nẵng là hướng ra biển, phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, “việc triển khai các hoạt động trong ngành kinh tế biển chưa tương xứng với vị trí và tầm quan trọng của kinh tế biển. Nhận thức về kinh tế biển còn hạn chế. Cách tiếp cận về xây dựng thành phố sinh thái chưa được hiểu và áp dụng thấu đáo”(12). Trên cơ sở xác định rõ vị trí, tiềm năng biển, đảo trong quá trình phát triển, cần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển của thành phố, xác định những khâu đột phá trong phát triển kinh tế biển, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, trung tâm nghề cá ở khu vực và cả nước. Xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế vùng biển, đảo thuộc địa bàn thành phố với mục tiêu phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của vùng biển đảo, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng. Đa dạng hóa các dịch vụ về cảng biển và các ngành công nghiệp gắn với cảng biển, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố cảng biển, một trong những đầu mối giao thông quan trọng của khu vực và cả nước. Phát huy vai trò “đầu tàu” của thành phố Đà Nẵng trong thực hiện liên kết phát triển kinh tế biển giữa các địa phương trong vùng và nâng cao hiệu quả của liên kết vùng duyên hải miền Trung. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ tài nguyên biển; phổ biến rộng rãi trong nhân dân về Chiến lược biển Việt Nam và các luật pháp liên quan đến biển; triển khai nghiên cứu khoa học về phát triển bền vững kinh tế biển thành phố Đà Nẵng...

Thứ hai, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của thành phố ven biển, tập trung phát triển hệ thống cảng biển ở Đà Nẵng đi thẳng vào hiện đại.

Là thành phố cảng biển lớn nhất miền Trung, thành phố Đà Nẵng xác định việc đầu tư phát triển hệ thống cảng là nhiệm vụ chiến lược, là tiền đề cho sự phát triển mọi mặt của thành phố trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới. Với nhận thức đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ kinh tế biển một cách đồng bộ, tập trung phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ biển, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đà Nẵng cần tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên để phát triển toàn diện hệ thống cảng biển cả về quy mô, chất lượng, đi thẳng vào hiện đại, hội nhập với các nước tiên tiến trong khu vực về lĩnh vực cảng biển, từng bước đưa kinh tế hàng hải trở thành mũi nhọn trong các lĩnh vực kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Với vai trò là điểm cuối và là cửa ngõ chính ra Biển Đông cho hàng hóa quá cảnh giữa các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, tập trung xây dựng cảng Đà Nẵng thành cảng tổng hợp quốc gia, cảng đầu mối khu vực (loại I), đến năm 2025 đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung. Định hướng tạo nền tảng để cảng Đà Nẵng giữ vững vị thế là cảng số một ở khu vực miền Trung, là một trong những cảng biển hiện đại nhất Việt Nam.

Thứ ba, quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển hải đảo; phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, phòng, chống thiên tai, thảm họa trên biển.

Phát triển bền vững kinh tế biển đặt trong mối quan hệ hài hòa với văn hóa, xã hội và môi trường. Phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên biển, đảo là vấn đề có tầm chiến lược lâu dài trong quá trình phát triển bền vững. Khai thác các nguồn lợi biển gắn ngay từ đầu với bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng tài nguyên có hiệu quả, khôi phục và làm giàu tài nguyên có thể tái tạo. Để hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, hiệu quả, tập trung đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển, thực hiện chính sách khai thác, đánh bắt thủy sản có trách nhiệm, bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách bền vững. Nâng cao hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng, bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn lợi, giải quyết việc làm nâng cao đời sống của ngư dân. Xây dựng chiến lược phát triển tổng hợp kinh tế biển; phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển.

Thứ tư, lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá trong phát triển bền vững kinh tế biển.

Để hướng ra biển, làm giàu từ biển, phải làm chủ các ngành khoa học nghiên cứu về biển. Đầu tư thỏa đáng cho nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển. Chú trọng phát triển khoa học, công nghệ biển; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học công nghệ mới. Chuyển kinh tế biển từ chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế biển dựa trên nền tảng tri thức, khoa học công nghệ biển. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong sản xuất thủy sản, nhất là kỹ thuật, công nghệ khai thác xa bờ, thiết bị an toàn cho tàu cá hoạt động trên biển, gắn với khai thác chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Nguồn nhân lực biển luôn là yếu tố quyết định, thúc đẩy sự phát triển và tác động đến toàn bộ ngành kinh tế biển. Tăng cường đào tạo và thu hút nguồn nhân lực biển chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành kinh tế biển. Nguồn nhân lực được phát triển theo hướng đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế biển của các lĩnh vực: du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác và chế biển thủy hải sản. Xây dựng, thực hiện chương trình đào tạo và thu hút nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics và lĩnh vực khai thác hải sản. Chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Thứ năm, đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ gắn với giữ vững chủ quyền quốc gia, với yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển.

Xuất phát từ vị trí địa kinh tế và địa chính trị của vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa cùng với những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, việc phát triển kinh tế biển gắn liền bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển luôn là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài. Là thành phố ven biển, Đà Nẵng đặc biệt chú trọng đến tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia biển đảo. Nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ vốn để đầu tư đóng mới tàu, phát triển đội tàu khai thác xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, ưu tiên phát triển khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới tàu công suất lớn từ 400 CV trở lên để khai thác xa bờ và thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển. Từng bước phát triển đội tàu vỏ thép, tàu composite, gỗ bọc composite công suất lớn, hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc, ngư lưới cụ khai thác gắn với chú trọng công tác khuyến ngư nâng cao năng lực khai thác, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm khai thác cho ngư dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước, đấu tranh bảo vệ, khẳng định chủ quyền quốc gia và các lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2019

(1), (5) Lịch sử Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng (1975-2015), Nxb Đà Nẵng, 2016, tr.230, 321.

(2) Vũ Diệu Ngân: Phát triển kinh tế biển Đà Nẵng: Tiềm năng và thách thức, Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, 2014.

(3) Kết luận số 75/KL-TW ngày 12-11-2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

(4) Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng: Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (1997-2010), Nxb Đà Nẵng, 2013, tr.474.

(6) Thành ủy Đà Nẵng: Chương trình hành động số 13-Tr/TU ngày 15-5-2007 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tr.2.

(7) Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

(8), (11) Thành ủy Đà Nẵng: Báo cáo số 198-BC/TU ngày 28-3-2013 Tổng kết chuyên đề Phát triển kinh tế biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tr.6, 8.

(9) UBND thành phố Đà Nẵng: Đà Nẵng - 20 năm xây dựng và phát triển, Nxb Đà Nẵng, 2017, tr.342.

(10) Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XXI Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2015, tr.46.

(12) Thành ủy Đà Nẵng: Báo cáo số 201-BC/TU ngày 1-12-2017 Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tr.10.

 

 

TS Lê Nhị Hòa

Học viện Chính trị Khu vực III

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền